Hai-cư là thể thơ truyền thống có vị trí quan trọng trong văn học Nhật Bản. Thơ hai-cư thường biểu hiện những rung cảm của con người trước thiên nhiên bằng những hình ảnh trong sáng, bình dị, đậm tính tượng trưng. Mỗi bài thơ được cấu tứ quanh một phát hiện mang tính chất “bừng ngộ” về mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng, về sự tương thông đầy bí ẩn giữa thế giới và con người. Thơ thiên về khơi gợi hơn là miêu tả và diễn giải. Sức sống và sự hấp dẫn của thơ hai-cư nằm ở sự kiệm lời, khả năng gợi cảm xúc và suy tưởng. Các tác giả thơ hai-cư nổi tiếng nhất của Nhật Bản hầu hết là thiền sư. Mát-chư-ô Ba-sô (1644 – 1694) là nhà thơ có công lớn trong việc hoàn thiện thơ hai-cư, đưa nó trở thành thể thơ độc đáo nhất của Nhật Bản. Chi-ô (1703 – 1775) là người đánh dấu sự hiện diện của các tác giả nữ trong truyền thống thơ hai-cư. Trước bà, thơ hai-cư của tác giả nữ thường bị coi thường và quên lãng. Cô-ba-y-a-si Ít-sa (1763 – 1828) là họa sĩ tài ba, nổi tiếng với những bức tranh có đề các bài thơ hai-cư do chính ông sáng tác. Những tác giả trên đều là các thiền giả, tu sĩ Phật giáo nên thơ hai-cư của họ đều thấm đẫm tinh thần thiền và tinh thần thi ca truyền thống Nhật Bản.

Một số bìa sách về thơ hai-cư

Cũng như các thể thơ khác, đọc thơ hai-cư ta cần khám phá được mạch vận động của ý thơ. Dõi theo mạch vận động của ý thơ ta sẽ nắm bắt được tứ thơ – linh hồn của tác phẩm. Mạch ý trong mỗi bài thơ hai-cư đều như một dòng chảy tự nhiên, nương theo tự nhiên mà hình thành – một kiểu vận động theo lối quy nạp.

Trong bài thơ của Ba-sô:

“Trên cành khô

Con quạ đậu

Chiều thu”

Hình ảnh “cành khô” và “con quạ đậu” ở hai dòng thơ đầu giúp ta nhận ra “chiều thu”. Dòng thơ thứ ba là khoảnh khắc tâm trí nhận biết được sự việc trong thời gian hiện tại (chiều thu). Ý thơ đi từ hiện tượng thiên nhiên cụ thể đến khái quát về mùa. Đây là tinh thần thiền trong thơ hai-cư. Nếu đảo trật tự (“Chiều thu/Con quạ đậu/Trên cành khô”), hình ảnh thơ không thay đổi nhưng mạch ý sẽ đi từ nhận thức khái quát đến minh họa bằng chi tiết cụ thể. Mạch ý đó có tính luận lí, sắp đặt, thiên về lí trí. Cách diễn ý đó xa lạ với thơ hai-cư.

Tương tự, trong bài hai-cư của Chi-y-ô:

“Ôi hoa triêu nhan

Dây gàu vương hoa bên giếng

Đành xin nước nhà bên”.

Mạch ý thơ vận động theo quan hệ nguyên nhân – kết quả. Dòng thơ đầu là khoảnh khắc nhân vật trữ tình phát hiện ra hoa triêu nhan. Lời thơ nhấn vào hình ảnh trung tâm, đồng thời bộc lộ sự ngỡ ngàng, hân hoan trước phát hiện đó. Dòng thơ thứ hai miêu tả sự quấn quýt của dây gàu và hoa triêu nhan, gợi ra một chút bối rối, ngập ngừng trong tâm trạng nhân vật trữ tình. Từ phát hiện đó, nhân vật trữ tình quyết định “xin nước nhà bên”. Quan hệ nguyên nhân – kết quả trên đây chịu ảnh hưởng của quan niệm về duyên sinh, duyên khởi trong thiền tông. Cuộc sống vốn dĩ không định trước được điều gì, tất cả đều là nhân và là quả tạo nên dòng chảy liên tục. Vạn vật cũng như con người luôn vận động theo quy luật đó.

Bài thơ của Ít-sa dưới đây cũng có mạch vận động đặc trưng nói trên:

“Chậm rì, chậm rì

Kìa con ốc nhỏ

Trèo núi Phu-gi”.

Dòng thơ thứ nhất là câu đặc biệt, ghi nhận một đặc điểm: “chậm”. Dòng thơ thứ hai không chỉ gọi tên mà còn miêu tả đặc điểm của con ốc: “nhỏ” (đây là một phá cách so với đặc điểm hình ảnh thơ hai-cư. Trong ba bài thơ, đây là bài duy nhất miêu tả cụ thể đối tượng. Như vậy, bài thơ không chỉ tập trung vào khoảnh khắc mà còn có những đặc điểm xuất hiện vào khoảnh khắc đó). Dòng thơ cuối cùng quy nạp các thông tin ở hai câu thơ đầu về điểm kết tụ: hành động của con ốc. Mạch vận động của ý thơ đi từ phát hiện đến nhận định. Phát hiện đầu tiên là tốc độ chậm rì, tiếp theo là hình ảnh con ốc nhỏ, nhận định cuối cùng là việc con ốc bò lên núi Phu-gi.

Có thể nhận thấy, mạch vận động của thơ hai-cư không chỉ phản ánh kiểu nhận thức thực tại mà còn bộc lộ quan niệm về đời sống của các nhà thơ hai-cư. Họ không bao giờ tìm cách tác động vào thực tại bởi họ biết thực tại vận động không theo ý chí của con người. Thuận theo tự nhiên, tôn trọng lẽ tự nhiên là cách sống phù hợp nhất mà các nhà thơ hai-cư hướng đến.

Thơ hai-cư được xem là một trong những hình thức hàm súc, cô đọng nhất của thơ ca thế giới. Bài thơ hai-cư trong tiếng Nhật chỉ gồm 3 dòng (dòng 1 và dòng 3 có năm âm tiết; dòng 2 có bảy âm tiết). Cấu trúc bài thơ hai-cư tối giản, có nhiều khoảng trống cho người đọc suy ngẫm, phát triển nghĩa. Bài thơ hai-cư thường không có các từ ngữ trực tiếp chỉ tâm trạng nên tác động vào cảm xúc của người đọc rất tự do, phong phú, tùy vào khả năng cảm nhận của mỗi người.

Yếu tố quan trọng nhất, làm nên sức hấp dẫn của thơ hai-cư là hình ảnh thơ. Mỗi bài thơ hai-cư đều có một hình ảnh trung tâm. Thường, đó là một cảnh quan hoặc một khoảnh khắc trong tự nhiên như được “chộp” lấy để ghi nhận sự hiện diện của thế giới xung quanh. Các hình ảnh chỉ được gọi tên nhưng không được miêu tả với các thuộc tính cụ thể như màu sắc, hình dạng, đường nét, hương vị… Hình ảnh trung tâm trong thơ hai-cư thường tạo ra một cảm giác thị giác mạnh mẽ, thể hiện tinh thần tự nhiên một cách tinh tế và đơn giản.

Trong bài thơ của Ba-sô: “Trên cành khô/Con quạ đậu/Chiều thu”, hình ảnh trung tâm là “con quạ”. Tác giả không miêu tả nhưng hình ảnh thơ gợi ra ấn tượng về màu sắc đặc trưng của buổi chiều tối: màu đen của con quạ, không gian chuyển màu đen vì buổi chiều thu đang buông xuống. Nhà thơ viết về không gian nhưng thực chất để nói về thời gian. Đây là sự liên tưởng hợp lí góp phần làm nên tính hàm súc của thơ. Hình ảnh con quạ tương hợp với không gian nhưng không chìm lẫn vào nhau. Con quạ bé nhỏ, đơn độc mà chiều thu thì mênh mông, u huyền. Sự tương phản giữa cái bé nhỏ, đơn độc, sắc nét với cái lớn lao, toàn thể, u huyền là một đặc điểm quan trọng trong nguyên tắc nghệ thuật của thơ hai-cư: luôn chú trọng mối quan hệ giữa các sự vật hiện tượng.

Hình ảnh trong bài thơ là khoảnh khắc của đời sống được ghi lại. Để nhận thấy một khoảnh khắc cực nhỏ của đời sống như thế cần sự tinh tế cao độ, khả năng sống trọn vẹn với hiện tại (không lạc về quá khứ hay tương lai), năng lực định tâm rất mạnh của thi nhân.

Ba dòng thơ, mỗi dòng gợi một hình ảnh. Các hình ảnh xuất hiện có vẻ ngẫu nhiên, thiếu sự kết nối. Nhưng thực chất chúng lại là một thế giới nghệ thuật thống nhất, cái này làm nên cái kia, có cái này thì sẽ có cái kia (“cành cây khô”, “con quạ” làm nên “chiều thu”. “Chiều thu” là bối cảnh nền đồng thời là thần thái của toàn bộ bài thơ). Một thoáng của mùa thu tịch lặng, u huyền, đưa tâm trí con người đi vào sự tĩnh tại tuyệt đối để có thể nắm bắt trọn vẹn một khoảnh khắc hiện tại. Sống trọn vẹn, đủ đầy với thời gian hiện tại chính là điều tuyệt vời nhất mà con người cần hướng tới.

Ở bài thơ hai-cư của Chi-y-ô: “Ôi hoa triêu nhan/Dây gàu vương hoa bên giếng/Đành xin nước nhà bên”, hình ảnh trung tâm là “hoa triêu nhan”. Đó là một loài hoa dại có vẻ đẹp thanh nhã, dịu dàng. Hình ảnh trung tâm được đặt trong sự tương quan với hình ảnh “dây gàu” (gợi vẻ thô ráp, xù xì, mộc mạc). Với câu thơ “Dây gàu vương hoa bên giếng”, cái thanh nhã và cái thô mộc quấn quýt, khác biệt nhưng hài hòa. Hình ảnh hoàn toàn tự nhiên, có thể bắt gặp ở mọi nơi. Cái đẹp bình dị, kín đáo, an yên là một phát hiện về sự tương giao, hòa hợp tự nhiên trong đời sống. Tương quan của hình ảnh thơ còn được thể hiện qua hình ảnh “giếng”nơi nhân vật trữ tình đến lấy nước và phát hiện sự vấn vít của hoa triêu nhan trên dây gàu. Không có “giếng” sẽ không có các chi tiết nghệ thuật khác, không dẫn đến hành động ở câu thơ thứ ba. Đây là chi tiết phụ nhưng có vai trò quyết định sự hiện diện của các hình ảnh, sự kiện: “dây gàu”, “hoa vương dây gàu”, “xin nước”. Mặc dù không nằm trong trường liên tưởng chính nhưng “giếng” gợi ra mạng kết nối ngầm mọi yếu tố trong bài thơ. Xét ở góc độ tạo hình, giếng là cái khung tròn trịa, bao trong nó nét thẳng khỏe khoắn của dây gàu, vẻ mềm mại duyên dáng của hoa triêu nhan. Bức tranh bằng thơ được vẽ với bố cục hoàn hảo của nghệ thuật hội họa cổ điển, chú trọng sự cân đối, hài hòa, bút pháp chấm phá, gợi cái thần chứ không nhấn vào hình tướng của sự vật. Từ đó dẫn đến câu thơ cuối “Đành xin nước nhà bên”, nhân vật trữ tình không chạm đến dây gàu, nghĩa là muốn giữ nguyên trạng thái của hoa vương trên dây gàu. Hình ảnh dây gàu vương hoa bên giếng là vẻ đẹp mà nhân vật trữ tình trân trọng, giữ gìn. Ta có thể nhận ra nhân vật trữ tình là người có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, hòa ái. Đặc biệt, đây là người đã thấu đạt chân lí: vạn vật đều cần được sống, được tôn trọng bởi tất cả đều cần nhau trong cuộc sống này. Không ai có thể vì quyền lợi của mình mà tàn hại loài khác (Chi-y-ô từng là một ni sư tu học theo Tịnh Độ Chân Tông, bà phát nguyện sẽ không bao giờ làm tổn hại đến bất cứ sinh linh nào).

Với bài thơ của Ít-sa: “Chậm rì, chậm rì/Kìa con ốc nhỏ/Trèo núi Phu-gi”, hình ảnh trung tâm rất bình dị, quen thuộc: “con ốc nhỏ”. Hình ảnh “con ốc nhỏ” – một sinh vật yếu ớt, nhỏ bé, chậm chạp vốn không có gì đáng chú ý được đặt trong mối tương quan với “núi Phu-gi” ngọn núi cao nhất, tuyệt đẹp và được xem là núi thiêng ở Nhật Bản. Đó là tương quan giữa cái cực tiểu và cái cực đại, giữa mục tiêu to lớn và khả năng thực hiện rất thấp, giữa thời gian (trèo núi) rất dài và không gian vô cùng lớn. Với người Nhật,trèo núi Phu-gi” là một hoạt động mang tính thanh tẩy, thử thách, có ý nghĩa tâm linh đòi hỏi sức khỏe, sự tập trung và ý chí kiên định. Bởi vậy, hành trình của con ốc nhỏ trèo núi Phu-gi có vẻ hoang tưởng và vô vọng. Nhưng bản thân con ốc không ý thức về điều đó, nó chỉ trèo miệt mài, nhẫn nại, chậm rãi, bình thản. Hình ảnh thơ cho thấy mọi sinh linh trong thế gian này đều có sự sống riêng, mơ ước riêng đáng được tôn trọng. Nhìn vào con ốc, dường như cả đích đến và hành trình đều không có ý nghĩa. Tâm thế bình thản, điềm nhiên của chủ thể mới quan trọng. Hình ảnh thơ dẫn đến tương quan ấn tượng nhất giữa sự điềm tĩnh, thảnh thơi, chậm rãi của con ốc và sự thư thái, tập trung vào khoảnh khắc hiện tại của người quan sát. Thi nhân khâm phục con ốc nhỏ bé mà kiên định, một mình nhẫn nại đi trên hành trình đã chọn. Trong hình hài bé nhỏ của con ốc là vẻ đẹp của tâm thế sống lớn lao, cao cả, một sự tự do tinh thần đáng ngưỡng mộ. Từ một hình ảnh bình dị, đơn sơ, bài thơ có thể dẫn đường tới những đốn ngộ thâm sâu về đời sống.

Mỗi đất nước đều có những thể thơ truyền thống quý báu, chứa đựng tinh hoa văn hóa, tâm hồn, bản sắc dân tộc. Người Nhật Bản yêu quý và tự hào về thơ hai-cư, gìn giữ và lan tỏa vẻ đẹp của thơ hai-cư đến những người yêu thơ trên toàn thế giới. Đến nay, thơ hai-cư không chỉ là đặc sản tinh thần của riêng người dân Nhật Bản. Nhiều nhà thơ trên thế giới đã sáng tác thơ hai-cư như một hình thức đầy sự thú vị và tinh tế. Thơ hai-cư được viết bằng nhiều ngôn ngữ nhưng vẫn mang được hồn cốt tinh thần riêng qua tiếng thơ của Richard Wright, Sandra Simpson, Allen Ginsberg,… Đó là giá trị lớn lao mà thơ hai-cư đóng góp cho văn học nhân loại.

ĐINH THANH HUYỀN