Các tôn giáo lớn trên thế giới đều đảm bảo sự phát triển của mình bằng một hệ thống những người tu hành đắc đạo, có trí tuệ và có uy tín trong giáo dân. Họ luôn quan niệm, để phát huy giáo lý, đưa con người hướng thiện cần phải có những người chân tu có kết quả, bởi chỉ có những con người thánh thiện thật sự mới có thể tập hợp và dẫn dắt những người khác đến với sự thánh thiện. Vậy nên, các tôn giáo đều đưa ra những yêu cầu, những nguyên tắc, quy định gắt gao trong việc tuyển chọn cũng như đào tạo, tu hành đối với những người giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống tổ chức của mình như là các linh mục ở các giáo phận, các đại sư trụ trì ở các chùa….

Chúng ta đều biết rằng, hầu hết các tôn giáo chân chính đều hướng con người đến với Chân-Thiện-Mỹ. Nhưng đó là mục tiêu chung, là lý tưởng. Trong bài viết này tôi muốn nói đến một nội dung quan trọng khác, cụ thể hơn. Đó là sự thánh thiện. Sự thánh thiện là hành xử của các bậc hành đạo uyên bác, được cộng đồng trong giáo kính ngưỡng và tôn trọng. Đó có thể là những linh mục tài năng hay là những đại sư quảng đại…. Có thể nói rằng, điểm chung giữa những người này chính là sự thánh thiện. Dù có những trường phái khác nhau, có những quan điểm trong cách truyền đạo, hành đạo khác nhau thì những người có sự thánh thiện luôn được cộng đồng trong giáo và cả ngoài giáo tôn trọng.

Một vấn đề quan trọng để tôn giáo chân chính là niềm tin lành mạnh của giáo dân. Nhưng để giáo dân có niềm tin lành mạnh thì những người đứng ra soi đường chỉ lối cho giáo dân, những người tổ chức, quản lý các cộng đồng, các nhóm giáo dân cần phải có sự thánh thiện. Một người trước khi bước chân vào con đường học hành, tu hành để trở thành một linh mục trong Thiên Chúa giáo cần phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu do Giáo hội đặt ra. Trong đó có những yêu cầu như phải là người có tinh thần can đảm, yêu thương và độ lượng với con người, phải biết hi sinh và tận hiến,… Đến khi trở thành một linh mục, họ càng phải coi trọng, hoàn thiện những đức tính này và sống đúng với các yêu cầu đó để ngày càng hoàn thiện, ngày càng thánh thiện và được các giáo dân yêu quý. Họ được xem là những người “tự hủy thân phận của mình mà nhận thân phận tôi tớ” để phục vụ Kinh Thánh, phục vụ Đức Chúa, chứ không nhân danh Kinh Thánh, nhân danh Đức Chúc để phục vụ nhu cầu, lợi ích của bản thân mình. Linh mục không có sự thánh thiện thì người giáo dân sẽ không nghe theo và sẽ không tin vào giáo lý, vào tôn giáo đó. Vậy nên, để thành một linh mục, cần phải hi sinh nhiều thứ, trong đó có sự hi sinh các nhu cầu cá nhân của bản thân để phục vụ cộng đồng.

Trong Phật giáo cũng vậy, những bậc đại sư uyên bác có thể đi thuyết pháp nhiều nơi, được nhiều người trân quý và được phật tử ngưỡng mộ cũng phải là những người thánh thiện. Bản chất của Phật giáo là hướng con người tu hành để giác ngộ và giải thoát. Con người thường có tham-sân-si nên hay tạo nghiệp và bị phiền não, khổ đau trói buộc. Những người chân tu khi thành chính quả thường mang theo phật pháp mình tu luyện để cứu rỗi chúng sinh. Phật pháp ở đây không phải là những thứ cao siêu, ma thuật mà là những trí tuệ, hiểu biết của các bậc chân sư có được qua nhiều năm tu hành, ngộ đạo rồi đi giảng đạo để giúp người khác tu hành. Vậy nên, để trở thành các bậc chân tu, các đại sư khả kính thì cũng cần phải đạt được nhiều yếu tố. Để hướng con người thoát ra khỏi cái gốc của đau khổ là tham-sân-si thì bậc chân tu cũng phải từ bỏ được những cái này. Để có thể giúp người khác giải thoát được khỏi phiền não, giải thoát khỏi sự trói buộc của dục vọng thì các nhà sư cũng phải đã tự giải thoát cho bản thân mình trước. Nói cách khác, người tu hành có làm được và làm một cách nghiêm túc thì khi đó mới giảng đạo cho phật tử. Các bậc chân tu phải sống thánh thiện (để gìn giữ chính đạo), có trí tuệ (để giải thoát con người khỏi sự vô minh) và đạt được tự do cả nhục thể lẫn tinh thần (để giải thoát con người khỏi sự trói buộc) mới có thể phát huy quang đại giáo lý nhà Phật.

Đảm bảo sự thánh thiện của các linh mục, các đại sư hay những người giữ vị trí quan trọng trong hệ thống tổ chức của một tôn giáo là vấn đề quan trọng và ý nghĩa sống còn của các tôn giáo. Vậy nên, quá trình tu hành để trở thành một con người thánh thiện và có thể đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong tôn giáo cũng là mấu chốt trong quá trình phát triển của các tôn giáo. Trong cả một lịch sử lâu dài, nhiều tôn giáo còn tạo nên cả một “hệ thống giáo dục” riêng của mình để đào tạo nên những con người nắm giữ các vị trí quan trọng trong tôn giáo. Tuy theo cách thức tổ chức mà quá trình đó diễn ra như thế nào, nhưng chủ yếu thì đó là một quá trình tu hành mà những ứng viên phải vượt qua nhiều thử thách. Các nhà sư, ngoài việc tụng kinh niệm phật, học hỏi giáo lý thì còn cần phải gìn giữ bản thân không được vi phạm vào các điều cấm kỵ nhất là “tứ đại giai không”. Chỉ cần làm một điều sai trái thì tu hành cả đời coi như bị hủy. Với Thiên Chúa giáo, những điều này còn được quy định rõ ràng hơn trong Sắc lệnh ngày 7/12/1965 của Công đồng Vaticano ban hành. Sắc lệnh này nhấn mạnh đến sự thánh thiện của các linh mục, các nhà truyền đạo và đặt ra chín yêu cầu cơ bản dành cho những nhà truyền đạo tương lai. Những quy định, nguyên tắc mà các tôn giáo đưa ra bắt buộc đối với những người tu hành chân chính và được đi truyền đạo nhằm đảm bảo sự thánh thiện và qua đó dẫn dắt giáo dân, phật tử đi vào con đường thánh thiện. Đó cũng là con đường để đảm bảo các giá trị nhân văn tốt đẹp của tôn giáo nhằm duy trì sự phát triển của tôn giáo đó. Nên Kinh Thánh bảo rằng “Con Thiên Chúa làm người để con người trở nên Thiên Chúa” còn Đức Phật cũng nói “Ta không vào bể khổ thì ai vào bể khổ”.

Hiện nay, chúng ta đang gặp nhiều vấn đề bất cập trong đời sống tôn giáo. Bên cạnh các tôn giáo chân chính, những người dân có đức tin lành mạnh thì cũng không thiếu những hoạt động sai lệch, dị giáo với các hoạt động thiếu tính nhân văn của một số người có mục tiêu xấu và được nhiều người cực đoan, mê tín cổ súy mà làm cho xã hội thêm lo âu, nhiễu loạn. Nhà thờ ngày càng nhiều, nhà chùa ngày càng tăng lên nhanh chóng và to đẹp hơn nhiều nhưng sao đời sống tâm linh của một bộ phận người dân vẫn nhố nhăng, con người vẫn cảm thấy bất an. Có nhiều lý do, trong đó có phần của việc thiếu đi nhiều bậc chân tu đắc đạo để dẫn dắt con người hướng thiện. Bất kỳ tôn giáo nào, khi thiếu vắng những con người thánh thiện, có trí tuệ và có đạo đức đứng ra đảm nhiệm các vị trí quan trọng thì nó sẽ suy tàn.

Bùi Hào