Minh họa: Hải Thọ

    Ngạc nhiên chưa??? Chủ một quán cà phê xập xệ đầu phố như tôi, khuôn mặt khắc khổ, nhầu nhĩ, chứa buồn đau cả thế kỷ, bỗng dưng lại trở chứng làm thơ, thơ trữ tình hẳn hoi, đúng là chuyện “hot”.

     Nhưng bây giờ thiếu gì việc không thể trở thành có thể.

    Nếu hỏi tôi, ông làm thơ từ khi nào? Tôi có thể trả lời ngay: từ khi con Covid đến phường tôi. Lại hỏi: Ai đã truyền cảm hứng làm thơ cho ông? Cũng xin trả lời ngay: cũng chính là con vi rút.

    Đầu đuôi là thế này. Đầu năm, dịch Covid tấn công vào phường tôi, vùng xanh thành vùng đỏ, mất việc pha cà phê, nằm dài trong “pháo đài” nhà hiu quạnh, thực hiện 5K, thương nhớ những ngày đứng pha cà phê cho khách, nhìn từng giọt nước đắng rơi tí tách đệm nhạc trữ tình Trịnh Công Sơn. Buồn không thể tả nổi.Buồn đến mức bật thành vần.

    Hồi quán còn đông khách, có ba ông nhà thơ bình dân thường đến nhâm nhi, họ ngâm thơ, đọc thơ, cãi lộn nhau về thơ, ngồi hàng giờ liền chiếm hết ghế của khách làm tôi nổi cáu. Ông đại tá về hưu sang sảng đọc thơ sáng tác hồi ở chiến trường Khe Sanh. Ông nhà giáo dạy Văn ê a vịnh bài thơ cụ Nguyễn Du. Còn ông cán bộ thông tin phường vừa thôi chức, hùng hồn đọc bài thơ mới sáng tác lúc nửa đêm, khi cơn đau khớp hành hạ không tài nào nhắm mắt nổi. Những câu thơ, tôi không chú ý hồi đó đã chất đầy trong tiềm thức, vô thức đến bây giờ đã được giải phóng.

     Thế là tôi dành toàn bộ thời gian không phải phục vụ khách hàng, hăm hở làm thơ. Hăm hở đến nỗi vợ tôi tưởng chồng mắc bệnh tâm thần khi thấy cả ngày, thậm chí nửa đêm, tôi cứ bấm bấm chọt chọt cái máy điện thoại thông minh.

    Vợ yêu quý ơi! Thơ đang được đẻ ra đấy. Đẻ hàng loạt, không phải theo kế hoạch như em đâu!

    Dài dòng thế là đủ rồi. Bây giờ tôi xin đáp ứng câu hỏi thứ ba: Ông nói ông làm thơ, lại là thơ trữ tình, chứng cớ đâu?

     Tôi có thể tiết lộ vài khổ trong bài thơ mới sáng tác. Khổ đầu:

     Không gió mà nón trắng chung chiêng

     Nửa ngượng ngùng nửa lại làm duyên…

    Đó là tôi nhớ về những cô gái làng Quỳnh quê tôi, đang cấy lúa xuân mỗi lần về quê được gặp lại. Còn khổ cuối, nếu không có dịch, trở về thành phố thì:

      Đường phố nhiều ô xanh, dù đỏ

     Tôi vẫn thèm một bóng nón chung chiêng.

     Nhưng bây giờ con vi rút đã phá nát khổ thơ kết của tôi. Tôi phải sửa lại để kịp gửi đăng báo Tết:

     Đường phố giờ vắng tanh vắng ngắt

     Đến khi nào gặp bóng nón chung chiêng?

    Các bạn cho một lời bình luận trên Facebook. Đúng là thơ trữ tình đầy chất nữ tính phải không. Thế còn nó thuộc phạm trù thơ hiện đại, hậu hiện đại hay truyền thống?

    Huỳnh Cương

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 19, phát hành tháng 12/2021)