Người ta biết nhiều đến PGS -TS Bùi Thúc Tam là cán bộ giảng dạy bộ môn Văn học Nga – Xoviet nhưng vẫn còn ít người biết đến một Bùi Thúc Tam say mê thơ và làm thơ. Năm 2019, Bùi Thúc Tam đã cho ra đời tập Mùa xuân không trở lại (NXB Văn học) với những quan sát bất ngờ và cảm xúc tinh tế. Mới đây, năm 2023, anh lại vừa xuất bản tập Hoa rừng (NXB Nghệ An). Tập thơ thể hiện tình yêu con người, tình yêu cuộc sống thấm đượm.

Trang bìa tập thơ “Hoa rừng”.

Có thể nói, khái niệm “sống” trong thơ Bùi Thúc Tam là hôm nay, là “lăn lóc với đời”, là rực nắng để “nảy lộc đâm chồi”. Và trong cuộc sống này, còn gì đẹp hơn và giàu hương sắc hơn tình yêu lứa đôi. Cũng như nhiều nhà thơ khác, anh ca ngợi tình yêu, nơi hội tụ mãnh liệt của tình cảm con người:

“Bàn tay nắm lấy lấy bàn tay
không dây buộc chặt, lòng say lấy lòng”
(Người dưng)

Từ ngữ trong thơ Bùi Thúc Tam được nhấn mạnh nhờ lối đảo ngữ, từ “chanh chua, muối mặn” quen thuộc thành “muối chua, chanh mặn”, tính lôgic ngữ nghĩa bị tước bỏ để đổi lấy chất thơ:

“Cho dù nổi đá chìm vông
muối chua chanh mặn cũng không xa rời”

Có những câu thơ thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ để nói lên sự bền bỉ, gắn bó của tình yêu:

“Lỡ duyên ai ở trần ai 
xuống âm phủ mở quan tài ở chung”
(Người dưng)

Bùi Thúc Tam thường mượn chất liệu ca dao để diễn tả tình cảm lắng sâu nhưng bùng cháy mạnh mẽ khi yêu: “Bùng bùng đống lửa/ bời bời đống rơm”. Sức mạnh tình yêu có thể vượt qua mọi trở lực và không có gì ngăn cản được. Nó bất chấp “mưa tuôn núi lở” cho dù ở giữa mùa đông giá rét tình yêu vẫn cứ nở hoa. Trong thơ Bùi Thúc Tam, tình yêu và mùa xuân đã thành hai từ đồng nghĩa trong Hoa rừng :

Mùa xuân ai cho anh
Hương thơm lừng trong gió
Niềm vui tràn ngập ngõ
Rạng rỡ cả đất trời“
(Em cho anh mùa xuân )

Thông thường, những gì mang tính trải nghiệm, lắng sâu, chắt lọc, khi cảm xúc đến sẽ tự ngời sáng thành thơ trong Hoa rừng :

“Lạc từ ngàn năm trước
Bây giờ ta có nhau
Như phong lan rạng rỡ
Ngát hương ngàn năm sau”
(Hoa đủ nắng)

Phải chăng lượng đã biến thành chất?. Thực ra nó giản dị lắm, không cần giải thích nhiều:

“Hoa đến thì hoa nở
Tự giác và tự nhiên
Là tình yêu muôn thủa”

Đọc tập thơ, có khi ta bắt gặp một triết lý nhân sinh như trong bài Chị tôi đầy xúc cảm. Tác giả đã vận dụng hình ảnh đứt gánh giữa đường trong thơ dân gian để sáng tác bài thơ này. Ở đây, ta bắt gặp một người phụ nữ trong cảnh lỡ làng, cô đơn, mưa gió, đường xa… trước mặt là một tương lai rợn ngợp :

 “Dù là đứt gánh chị ơi
cũng không cam đứng giữa trời chịu mưa
Đường dẫu xa, chợ có trưa
trời có sập, chị tự đưa chị về!”

Là lời khuyên, là triết lý hay độc thoại nội tâm của nhân vật trữ tình?… tất cả đã  hòa chung làm một. Tác giả đã thoát khỏi sự miêu tả bình thường để đạt tới một tầm khái quát.

Cuộc sống con người tất yếu phải gắn liền với không gian –  thời gian. Không gian, thời gian làm cho ta vui và nhiều khi cũng mang đến nỗi buồn man mác :

“Khi một chiếc lá rơi
cả khoảng trời vàng úa”
(Lá rơi)

Đó là một cái nhìn tinh tế, một câu thơ hay. Bước đi tuyến tính của thời gian thường được tác giả đánh dấu theo sự thay đổi của hoa lá bốn mùa:

“Lá xanh bay lẫn lá vàng
Chưa tàn sen đã buồn loang đất trời”  

Câu thơ phảng phất một cái gì cổ xưa, tác giả đã dùng một từ “loang” rất sinh động. Nỗi buồn như bao phủ, bủa vây, nó lan ra, tràn ngập không gian. Trong tập Hoa rừng có nhiều bài viết về thời gian như Vô tư; Thu phân; Gió. Thường thì người ta buồn khi thấy thời gian trôi nhanh quá “thời gian như bão quét ngang cõi người”, trong Hoa rừng cũng vậy.

Có cần chi tim đâu nơi sông sâu biển lớn, góc biển chân trời, với Bùi Thúc Tam, thơ ở quanh ta như một nhà thơ lớn đã viết “Ngày hằng sống, ngày hằng thơ”. Nhưng anh không thích lối sống hão huyền “Ngửa bàn tay vớt sao rơi” bởi thực tại luôn làm anh tỉnh mộng và kéo anh về thực tại:

“Vô tình cá quẫy mặt ao 
làm tan cả giấc chiêm bao hão huyền”

Như đã nói ở trên, thơ Bùi Thúc Tam là thơ của tình yêu cuộc sống, của sóng vỗ mạn thuyền và đẹp biết bao khi có người mình yêu để làm “điểm tựa”:

“Mỗi ngày thêm một mùa xuân đến
Thêm niềm vui gõ cửa vẫy chào”
(Điểm tựa )

Hơn ai hết, Bùi Thúc Tam hiểu giá trị của sự “có em” này: “Có em như có cả trời cao/ Có không khí suốt đời để sống”. Đọc Hoa rừng tôi bỗng nhớ câu ca dao “Em như cây quế giữa rừng/ Thơm tho ai biết lẫy lừng ai hay”. Phải chăng có sự liên tưởng nào giữa hoa rừng của Bùi Thúc Tam và cây quế trong ca dao. Tôi thầm hiểu ẩn ý của bài Hoa rừng và tập thơ mới cùng tên của anh.

“Bao vất vả kiên cường em gánh hết
Như hoa rừng thầm lặng yêu thương”

Trong Hoa rừng có những bài thơ hay trọn vẹn. Không cao giọng, Bùi Thúc Tam tìm đến sự bình dị, sâu lắng, sự phát triển của tứ thơ và thường nhấn mạnh hai câu cuối bài để tạo âm vang. Anh vận dụng nhiều chất liệu ca dao để đi sâu vào lòng người. Bùi Thúc Tam vẫn còn nhiều năng lượng sáng tác, nguồn thơ đang còn nhiều tiềm năng như “hoa đến thì hoa sẽ nở”.

Sĩ Mậu