Sáng nay (1/8), tại đền Yên Lương, phường Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) đã diễn ra lễ hội truyền thống Phúc lục ngoạt.

Theo sử sách để lại, đền được xây dựng từ thời hậu Lê (1630) là công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng thờ những vị thần có công với nước. Tương truyền, năm Chính Hòa thứ ba (1682), cuộc sống của người dân Yên Lương không yên ổn, ngư dân đi biển gặp sóng to, gió lớn; mùa màng thất bát, đói kém, bệnh tật triền miên. Làng đã cử người ra đền Cờn (Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu) rước chân hương về thờ Tứ vị thánh nương, bốn vị thần thường giúp dân thuận buồm, xuôi gió, phù hộ cho ngư dân ra khơi, vào lộng bình yên, làm ăn thuận lợi.

Đền Yên Lương là công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng thờ những vị thần có công với nước

Hiện nay, ngoài thờ Tứ vị thánh nương, đền còn thờ các vị thần: Tam Thế Phật, Cao Sơn Cao Các, cá Ông, Đức Thánh Sơn thần đảo Lan Châu. Trong những năm kháng chiến, đền Yên Lương là nơi hội họp bí mật của các tổ chức cứu quốc; là nơi tập trung nhân dân trong làng đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, là địa điểm phát động phong trào “Bình dân, học vụ”…

Hằng năm, đền Yên Lương có 2 kỳ lễ trọng: lễ Kỳ yên vào rằm tháng Hai (âm lịch) và lễ Phúc lục pgoạt vào các ngày trung tuần tháng Sáu (âm lịch). Đặc biệt, Lễ Phúc lục ngoạt đã trở thành lễ hội truyền thống của ngư dân làng Yên Lương.

Lễ hội được tổ chức 3 năm một lần vào những năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu; vào 3 ngày 14, 15, 16 tháng 6 (âm lịch). Vật phẩm cúng tế ở đền ngoài hương, đăng, trà, quả còn có cỗ mặn tam sinh do làng cử các giáp, các gia đình thay nhau luân phiên làm và tế thần vào ngày 16 tháng 6 và trong kỳ lễ này một vật phẩm nhất thiết phải có đó là “oản nếp”. Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ, xôi đã giã nhuyễn được tạo thành bánh oản nếp khuôn hình vuông trông rất mắt. Bánh oản nếp sẽ được dâng lễ thỉnh mời các vị thần thánh.

Nhân dân trong làng sẽ cử những người phụ nữ khéo tay, trai tráng khỏe mạnh lên đền để làm oản nếp – một vật phẩm đặc trưng không thể thiếu của lễ Phúc lục ngoạt. 

Trong 3 ngày lễ thì lễ cúng cá ông (tục thờ cá ông) là lễ to nhất – đây là lễ cúng được chú trọng trong sinh hoạt văn hóa của ngư dân sống bằng nghề chài lưới. Ngày cúng ông bao giờ cũng được chia làm ba thời điểm: lễ cúng nghinh ông, lễ cúng tiền hiền hậu hiền và lễ cúng chánh tế. Thuyền ra khơi nghinh ông chờ ông lên Vọi, có năm thuyền gặp lên vọi, có năm không, năm nào ông lên vọi, năm ấy được mùa. Sau đó diễu hành dọc bờ biển rồi rước cả 03 kiệu ở 03 hướng về đền, bắt đầu phần cúng lễ tại làng ( cúng tiền hiền, hậu hiền) và các chủ thuyền cũng đều có lễ cúng tại thuyền của mình.

Lễ cúng cá ông là lễ to nhất trong lễ hội Phúc lục ngoạt 

Lễ hội Phúc lục ngoạt đền Yên Lương năm nay diễn ra với các nghi lễ truyền thống: lễ Khai quang, lễ Yết cáo, lễ Võng thỉnh, lễ rước, lễ Đại tế, lễ tạ và các nhiều hoạt động thể dục – thể thao, giao lưu văn hóa – văn nghệ, trò chơi dân gian…. Rất đông người dân trong vùng về dự lễ và tham gia hội.

Thi lắc mủng tại lễ hội

Lễ hội Phúc lục ngoạt là hoạt động văn hóa thể hiện tín ngưỡng và bản sắc văn hóa độc đáo của Nhân dân địa phương vùng biển Cửa Lò, qua đó đã  thể hiện được nguyện vọng thiết tha của người dân miền biển, là điểm tựa tinh thần của đông đảo ngư dân trong vùng cầu cho mỗi chuyến ra khơi vào lộng được sóng yên bể lặng, tôm cá đầy thuyền… và cũng là dịp để nêu cao tinh thần đoàn kết, kết nối cộng đồng, tưởng nhớ công đức to lớn của các bậc tiền nhân, góp phần bảo lưu các giá trị truyền thống, giáo dục lòng yêu nước và tinh thần thượng võ, đoàn kết cộng đồng cho thế hệ trẻ. Được biết, Lễ hội Phúc lục ngoạt đang được tỉnh Nghệ An trình hồ sơ đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Nội dung: Kiều Nga
Ảnh: Nguyễn Đạo