Dì là em gái duy nhất của mẹ. Trong mắt đứa con nít trán dô mặt bướng là tôi ngày nhỏ, thì dì tôi xinh và duyên cực kỳ, duyên từ tiếng nói đến nụ cười, đến cả nước da ngăm ngăm trên gương mặt thanh tú. Đời dì nhiều vất vả, nhưng bao nhiêu sương gió đến hôm nay vẫn không thể vùi dập được nét duyên của dì. Tôi thương dì từ mái tóc, vạt áo. Ngày dì đi lấy chồng, tôi cứ tiếc mãi, chẳng có lý do nào khác ngoài việc tôi cứ nghĩ dì xinh thế mà tự dưng lại lấy chồng.
Như mẹ kể, thì dì trông tôi lúc tôi được mấy tháng để mẹ đi làm. Tôi bẩm sinh yếu ớt, khò khè, cái gì cũng yếu, chỉ khóc là khỏe. Tôi khóc ngằn ngặt, tưởng ngạt cả thở vì khóc. Dì bồng tôi hát ru từ nhà trên xuống nhà dưới, xóm làng ai cũng bảo dì đem trả kẻo mang lấy vạ, con bé này chắc không sống nổi đâu.
Bà ngoại tôi cả thảy có năm người con. Mẹ tôi là cả, dì tôi áp út. Thời ấy đói kém, ông tôi đi bộ đội xa nhà, ở nhà chỉ có mẹ và cậu Thanh, em trai sát ngay mẹ tôi, được đi học. Còn lại, dì và các cậu khác nghỉ học sớm, lo việc đồng áng, chợ búa. Dì tráng bánh đa, bánh mướt; thường hay cho tôi ăn những chiếc bánh tráng rách. Thế mà đó là những chiếc bánh ngon nhất mà tôi được ăn ở đời này. Bánh nhấc ra khỏi nồi tráng, nóng hổi, thơm mùi gạo thuần túy. Hoặc, bánh tráng phơi mới non nắng, bị gà mổ lỗ chỗ, hãy còn dẻo dẻo, ăn vào ngậy cả ký ức. Từ bấy đến giờ, đi cùng trời cuối đất, được biệt đãi bao nhiêu mỹ vị nhân gian, thì tôi vẫn không cảm được chiếc bánh tráng hay bánh mướt nào ngon như bánh của dì tôi cho tôi ngày đó.
Tôi lớn hơn một xíu, thường theo dì đi sinh hoạt đoàn, đội. Tôi không hiểu gì nhiều, chỉ biết dì tôi lúc nào cũng xinh nhất, cái miệng duyên duyên là, nết cười sáng bừng gương mặt, mắt luôn lấp lánh khó tả, như có ngôi sao ẩn trong đôi mắt. Tôi hay nghe người lớn nói về các cô hàng xén. Dì cũng có thời đi hàng xén, tức là đi chợ bán hàng. Thế nên ngày ấy hễ cứ nhắc đến các cô hàng xén là tôi lại nghĩ đến những người xinh đẹp, như dì. Dì bán bánh, bán gạo, bán lúa, bán cả măng. Những mùa mưa, dì cùng các dì trong xóm đạp xe lên nhà tôi, hơn bốn chục cây số, để đi rừng lấy măng. Nhà tôi ở nông trường, bố mẹ tôi là cán bộ, công nhân vùng kinh tế mới, nơi chỉ có chè, măng và những mỏm đồi thấp thoải. Tôi vẫn nhớ những buổi chiều dì từ khe về, gánh măng nặng trĩu, quần ướt sũng, chỉ ngửi mùi đã thấy cái xót của nước khe độc và lông măng bám lên người dì.
Dì kiếm tiền vất vả thế, nhưng sẵn sàng mua cho chị em tôi quà vặt, đồ đạc, quần áo mới nhất. Tôi nhớ dì mua cho chị em tôi những bộ quần áo lửng đầu tiên của nông trường đầu năm chín hai, chín ba; cái kiểu quần mà ống rộng thênh thang, lạ và buồn cười đến mức bà con xóm tôi hay bảo nhét thêm mỗi ống hai con chó cúc (chó con) thì vẫn vừa. Dì cũng mua sơn móng tay cho em tôi, thứ nước sơn hồng hồng sặc mùi cồn hay mùi vec-ni tôi cũng không nhớ rõ lắm. Hai cái cườm đá chị em tôi đeo mà cả xóm không ai có cũng là dì mua. Trẻ con xóm tôi thuở xưa cơm không đủ ăn, nói gì đến vòng cổ.
Dì lấy chồng ở xã bên, sinh em đầu lòng vắn số, em mất khi mới được mấy ngày tuổi. Tết năm ấy, dì nằm vùi trong góc tối, khóc vì nhớ con. Tôi biết dì khổ từ đó. Dì vừa làm nông vừa làm thợ may. Năm tôi lớp 8 về quê nghỉ hè, ở với bà ngoại, thì dì đang chửa vượt mặt em thứ ba. Một dì hàng xén cạnh nhà bà tôi đi chợ về kể: “Bà ơi tui thấy ả Trúc mần cỏ ngoài rọng, nắng hả mồm, ngồi thở như chó bên đường. Tui đưa cho ả trấy dưa lê, ả ăn xong mới tỉnh. Tui tưởng ả chết”. Bà tôi bảo rứa à, rồi nheo mắt đứng nhìn vô định. Nắng chiều hè đổ lửa bám lên tóc bà. Vườn mít xôn xao lá rụng. Thế mà tôi ngồi khóc, khóc mãi, khóc suốt một buổi chiều, hoàng hôn trời sập xuống vẫn còn khóc. Ai hỏi gì tôi cũng không nói, chỉ khóc. Cứ nghĩ đến cảnh dì bụng mang dạ chửa vật vờ như sắp chết ngoài ruộng, tim tôi cứ thắt lại, nước mắt cứ chảy ra thôi.
Tôi lớp 9, về ở hẳn với bà ngoại. Một buổi chiều, bà bảo tôi: Mi lên nói dì, hấn mà đi nước ngoài là tau từ mặt. Nước ngoài, tức là Đài Loan. Không hiểu bằng cách nào đó, dì đăng ký đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan, một chuyện mới toanh ở làng quê hồi ấy. Tôi hớt hải đạp xe lên nhà dì, tầm bảy cây số. Tôi chuyển lời bà dặn. Dì tôi ngồi ôm máy may, may đồ cho khách, điềm nhiên cười: “Dì không đi thì lấy chi mà ăn, mà sống”.
Thế là dì đi thật. Dì là một trong những người đầu tiên ở quê đi xuất khẩu lao động, sang Đài Loan làm giúp việc. Dì sáng dạ, học nhanh, nói tiếng Trung rổn rảng. Sang đó, dì may mắn rơi vào gia đình tử tế. Họ thương quý dì như người trong nhà, tin tưởng giao cho dì trông coi mọi việc. Dì kiếm được tiền gửi về. Nhiều người thấy dì đi được, cũng thi nhau đi. Phong trào phụ nữ đi Đài Loan làm giúp việc những năm đầu hai nghìn lên cao lắm. Đàn ông và con nít ở nhà. Con nít đi học chữ được chữ mất; đàn ông có tiền vợ gửi về thì ắt có tật, chỉ việc ăn và chơi, tiêu tiền vào dăm ba trò vui thú. Nhiều nhà, vợ cứ đi mãi là vì thế, chẳng để dành được đồng nào, hoặc để dành được thì lại chẳng bao giờ thấy đủ.
Bốn năm sau, bà tôi mất. Bà mất khi dì vẫn đang ở Đài, không kịp về. Đám tang, cậu tôi để điện thoại lên linh cữu cho dì khóc bà. Tôi nghe tiếng dì phía bên kia, xé ruột. Mấy tháng sau dì về thì mộ bà đã xanh cỏ. Tôi theo dì ra đồng viếng bà. Chiều thu rơm rớm nắng. Cánh đồng xanh ngơ ngác. Nhìn dì gào khóc bên mộ bà, tôi đã viết mấy câu thơ tựa lời dì.
Con về mẹ đã đi xa
Khăn tang trắng cả vòng hoa cuối mùa
Xót lòng tìm lại tuổi thơ
Con đi xa để bây giờ nhớ mong
Cỏ xanh khóc dưới má hồng
Mình con khóc với cánh đồng mồ côi
Xót xa đi giữa cuộc đời
Lo toan kiếm sống quên lời mẹ ru
Bạc tiền cũng chỉ phù du
Mẹ không còn nữa nghìn thu lá đầy
Con về khóc với tháng ngày
Mẹ ơi nắng đỏ vòm cây phiêu bồng!
Cho đến giờ, tôi vẫn hay nghĩ điều day dứt cuộc đời dì là đã không kịp về bên bà lần cuối.
Dì có duyên đi xuất khẩu lao động, có tiền xây cửa xây nhà. Hễ cứ hết hạn visa, chủ nhà bên kia lại tìm cách gia hạn cho dì để dì ở tiếp. Mỗi lần về nước, dì trắng trắng hồng mây mẩy xinh đẹp ăn đứt vẻ đen đúa quê mùa ngày trước, nhưng hễ cứ ở nhà vài tháng thì lại đen đúa như cũ. Rồi cũng đến ngày dì về hẳn. Dì quay lại ruộng đồng. Có năm, mùng 5 Tết, mẹ chở tôi lên nhà dì. Tôi khi ấy đã là sinh viên, thấy dì bưng bát cơm ăn muộn vì vừa đi làm đồng quá trưa; thấy tay dì run run, ăn cơm lập cập chắc vì đói quá, tôi quay mặt đi để khỏi bật khóc. Dì cứ có tiền rồi lại hết tiền, làm đến đâu mất đến đó!
Dì làm đến đâu mất đến đó, gia tài vững chắc nhất chắc chỉ có mỗi cái nhà vừa cao, vừa rộng; còn lại bao nhiêu tiền tiết kiệm, đầu tư đều liêu xiêu dứt áo. Dượng, chồng dì, chúng tôi gọi là dượng, ở nhà uống rượu, làm trại cá, trại vịt, nuôi dê, mà nay mất vịt, mai mất dê, ngày kia mất cá. Chẳng biết cụ thể thế nào, chỉ biết không say rượu bị trộm bắt mất của thì cũng bị dịch nọ dịch kia, đấy là dượng nói thế. Dượng nói thế, nên bao nhiêu năm đánh đổi của dì chẳng tiết kiệm được đồng nào; và đó là lý do dì cứ lăn ra để kiếm.
Suốt bao nhiêu năm, tôi cứ nghĩ mãi, sao một người có đôi mắt sáng, cái miệng duyên như dì lại khổ nhiều đến vậy?
Dì về làm ruộng được một thời gian, hết tiền, lại tìm cách đi Nga. Dì giỏi nói tiếng Trung nên các công trình của người Trung Quốc bên ấy muốn thuê dì sang làm việc. Dì ra Hà Nội làm thủ tục. Tôi tiễn dì, vừa thương vừa giận mà chẳng biết làm thế nào. Tôi hỏi dì định đi mãi à, sao không ở nhà đầu tư làm ăn, nuôi dạy con cái. Dì thở dài. Tôi thở dài. Lúc ấy tôi cảm như dì không thể dừng lại được, hẳn cũng là vì làng xóm đang đua nhau đi nước ngoài xuất khẩu lao động, dì mà không đi tiếp thì bị tụt lại, nhà người ta sẽ hơn nhà dì…
Dì đi Nga được mấy tháng thì về nước, nghe nói vì lí do thủ tục gì đó. Dì còn sang lại Đài Loan vài lần nữa, rồi thôi hẳn. Về nước, dì đi nấu ăn cho các công trường của người Trung Quốc. Dì làm ở đâu người ta cũng quý, cũng tin. Xóm làng nhà ai có việc cũng nhờ dì lo hậu cần. Một tay dì có thể làm cả chục mâm cỗ trong nháy mắt. Mà dì không phải người hiền lành đâu. Dì ghê gớm lắm, đi chợ mua đồ thì bắt nạt người bán có tiếng, thế mà từ đầu chợ đến cuối chợ ai cũng chào dì khi dì đi qua. Còn có chuyện, dì ra đồng, thấy xe bò nhà ai để chắn lối đi, dì xông đến đẩy lên xe ấy xuống ruộng mà chẳng ai dám hé răng nửa lời.
Ngày mẹ tôi ốm, dì nghỉ việc, theo mẹ tôi ra Hà Nội. Dì chăm cho mẹ từng miếng ăn, bước đi; chị em tôi không được động vào. Tôi đã chụp lại rất nhiều ảnh của dì và mẹ, mà mấy năm qua chưa dám xem lại vì nhớ, vì thương. Có bận, mẹ, dì và tôi ngồi trước sảnh Tràng Tiền plaza, nhìn mọi người đi qua đi lại, dì nói tiếng Trung giỏi hơn tiếng Việt khiến tôi cười mãi.
Mẹ tôi mất, tôi thấm thía cái câu sảy mẹ thì bú dì mà mẹ tôi thường nói. Lễ cúng nào của mẹ, dì cũng chủ động lo việc cỗ bàn. Nội ngoại hai bên xúm vào giúp vì biết chị em tôi quen được mẹ chiều. Tết đến, dì làm sẵn cho các món mặn, mấy bố con chỉ việc hâm nóng mà ăn. Dì xắn tay làm mọi việc thay cho mẹ chăm sóc chúng tôi, chưa từng nề hà, chưa từng bắt chúng tôi phải tự đi mà làm vì không còn mẹ nữa dù chỉ là rửa cái rau, cái bát.
Năm nay giỗ mẹ, chị em tôi bàn nhau đặt cỗ để nội ngoại đỡ phải lo làm, cũng chỉ có ba hay bốn mâm nội thân là hết cỡ; nhưng bàn tới bàn lui rồi dì tôi không chịu. Dì bảo giỗ chị tau thì tau mần, nỏ phải thuê ai hết. Kể cả năm ngoái, đám cưới em tôi đặt thuê mấy chục mâm, nhưng riêng mâm đặt lên bàn thờ cho mẹ tôi thì dì vẫn tự tay làm.
Dì là vậy, miệng nói tay làm, hoặc cứ làm mà không nói. Thi thoảng, tôi dúi cho dì vài đồng, nhất là những khi dì làm ruộng làm ao mà bị mất của, bị lũ cuốn hết cá. Dì càng làm nhiều càng mất nhiều, làm đến đâu mất đến đó!
Dì làm đến đâu, vẫn mất đến đó. Chồng, rồi con, cứ thế phá. Con gái lớn của dì đi học cấp ba chỉ ham chơi, không thích học, thích đánh nhau, mẹ nói cãi mẹ, bố nói cãi bố. Con trai thứ hai của dì, từ nhỏ yếu ớt, hiền lành như que củi, lại chỉ học cho biết cộng trừ nhân chia. Tôi cứ hay nhìn lại cả hành trình cuộc đời dì, vừa tiếc vừa buồn nỗi dì đi chăm con người ta, còn con dì thì bỏ cho tự khôn, tự dại. Thế rồi lớn lên, hết cấp ba, đứa chị thì theo gót mẹ đi Đài Loan làm thuê; cậu em thì đột nhiên thoát xác hiền lành cũ, trở lì lợm, ngang tàng. Nó phá, nó chơi, không biết bao nhiêu cuộc, dì tôi phải lo tiền trả nợ. Trả nợ rồi, lại muốn tìm kiếm cho nó cơ hội, đi Trung, đi Đài, đi Nhật… hễ thấy ai gợi ý cho đi làm ở đâu là dì tôi đầu tư cho đi; rồi lại phải tìm cách bảo lãnh cho về vì ở nước ngoài, nó vay tiền người ta, nó đánh nhau với người ta.
Đôi khi tôi xót dì, tôi bảo thôi dì đừng mần chi nựa, càng mần càng khổ như cái nợ đời. Dì lại cười. Mỗi khi tôi cho dì tiền, dì hãnh diện y hệt mẹ tôi ngày trước. Có những ngày tôi nhìn dì, chợt giật mình sao dì ngày càng giống mẹ đến lạ, chỉ khác là mắt dì thì vui, mắt mẹ thì buồn. Dì cười vang. Dì thích được khen giống mẹ tôi. Dì kể, có mấy người bảo dì là “Trúc ơi, răng dạo ni nhìn mi như chị Quế rứa”, thì dì nói họ: “Người ta là chị em gấy, nỏ giống chắc thì giống ai?”

Nguyễn Vân Anh