Tháng Năm của năm ấy, lúa từng bông vít nặng xuống mặt đất. Tất thảy đều tăm tắp như trải thảm vàng, lớt phớt những chiếc lá lúa dựng đứng vẫn kiên trì xanh ngắt găm ngược lên trời. 10 năm chờ đợi, trời mới cho được một mùa, cái lão Minh lắm mồm hay ví von nhất cái làng Hải Côn vui sướng bảo thế.
    Cả 3 cái làng chỉ cồn cát và nhà tranh, sơ sài trong cái thênh thênh của trời đất, chỉ trông chờ vào cái màu vàng ấy. 9 năm trước đó Đông kéo dài, ra tháng Ba âm lịch trời vẫn rét cóng, cộng với cái mưa lép nhép không dứt khiến lũ lúa héo úa dần. Cái xứ gì kỳ lạ, rét cũng rét cho tận cùng, mưa cũng mưa như tận thế mà nắng cũng nắng như tận diệt. Mấy bà già lắm điều với dâu con cứ đến mùa Đông thì kiệm lời hẳn mà lý do thường là không còn sức mà nói. Trời hành thêm những đợt rét đậm rét hại thì ít ngày sau trong làng cũng thiu thỉu tiếng kèn đám ma.
Mùa Xuân năm ấy, 1986. Tôi biết đội cả bó lúa to rồi. Mà đội không nổi cha tôi cũng cố nhét lên đội cho bằng được. Nhà nông đẻ con ra cho nhiều là để làm chứ chưa nghĩ đến những gì xa hơn. Không làm thì chỉ có roi vọt rít lên kinh hãi cả tuổi thơ hằn tím.
Đầu hạ. Lũ trẻ chúng tôi phải dậy sớm theo người lớn ra đồng, quờ quạng giữa lớp sương mù dày đặc tìm lối mà đi. Sương bọc như bông trong không gian, người đi sau chẳng thể nhìn thấy lưng người đi trước. Sương ngai ngái phả cái mùi trinh trong của đất trời ướt nhẹp cái hình hài xé toạc nó để tìm lối ra đồng.
Bình minh dựng ngược phía biển. Cái đám vàng choe choé kia lên dần xoá đi lũ sương mờ mờ, hiện dần lên cái thảm xanh lúa đầu hè như ai ngoắc vào những mờ lam cây cối của những ngôi làng viền quanh. Xa xa là dãy Hồng Lĩnh thức sớm khắc khổ soi mình xuống dòng sông Lam đùng đục nhọc nhằn chảy.

Hình mình họa: Internet

Chỉ cần ít phút nữa thôi là nắng rực. Bầu trời được đẩy cao lên muôn thước, thẳm sâu những ngăn ngắt vô hình rơi rớt lại những sơ sài mây trắng. Phía những con đê bắt đầu trắng loá như khoai lang khô.
Và bắt đầu, nhệ nhãi mồ hôi, đen đúa những làn da, xám bạc những thân trâu. Người vật lộn trong cái mở toang của không gian. Người xẻ vụn mớ đất khô rồm rộp. Người quất gió rin rít những trâu bò cày bừa cho ngay hàng thẳng lối. Người soàn soạt gỡ những sợi cỏ gà bò như lũ rết xuống từng vuông đất trắng.
O thôn nữ nào cất vang cái câu “Giận thì giận mà thương thì thương” để cả đồng phải hiểu o hát hay. Cái thời nghèo khó nhạc nhẽo cũng nghèo, chỉ vài ba cái làn điệu dân ca ca đi ca lại. Vài tiếng đùa cợt vui vui bằng thứ giọng quê đùng đục rồi thả cười giòn vào gió đồng hun hút.
Thế thôi, miền Trung trong tuổi thơ lấm lem cát bụi, thẫm ướt mồ hôi và trong veo trời đất, thả tôi hồn nhiên trôi trong con sóng đời bất tận để rồi đưa tôi đi xa cái nơi tôi bắt đầu ấy, tự bao giờ.
Mẹ tôi vẫn cấy lúa ít năm sau đó thì hạt lúa cũng nặng khom lưng bà. Cái thời cấy mãi cày mãi cũng không no nổi cái bụng cũng qua, thay vào đó là gánh này xe nọ. Lúa nhiều quá người ta lại so đo, ừ bán ra cũng chỉ có mấy triệu, bằng một tháng lương của con Hồng con Thắm ngực mới nhú đi làm công ty giày da trong Bình Dương, thế là lúa cũng chỉ đóng vai trò phụ. Lúa nhiều ăn có hết đâu, bán cũng đâu được mấy, thà trồng cây bí lấy ngọn bán có khi còn dễ thở hơn. Đất lại về với khô hạn và cỏ gà, lúa về mức lưng bụng là cùng.
Mẹ yêu lúa. Người đàn bà chăm chỉ dành cả thanh xuân để cấy cho cố để nhiều lúa hơn thiên hạ, thi thoảng đi qua vạt lúa ai thấy bông trĩu quá thì dùng đòn gánh đập một phát cho bõ ghét, nay thấy người ta so đo với lúa thi thoảng rít vài câu như mẹ chồng đau răng: “Phụ lúa thì nhăn răng có ngày”
Chẳng thấy mấy ai nhăn răng, chỉ thấy người ta đi làm công ty, người ta đi nước ngoài về thì khoe rộn ràng mỗi lần trở về. Khoe giọng nói pha Nam lai Bắc. Khoe quần bò áo phông. Khoe cả cái mớ tiền mang theo khi ra chợ mua thịt bò. Khoe nhà chóp nhọn kiểu Thái kiểu Tàu sơn hồng sơn trắng.
Lũ trẻ lớn lên tân thời hơn, điện thoại nhí nhoáy. Từ các ngôi nhà nhạc sàn đùng đoàng, pha tạp âm cái mớ âm thanh từ các loa xóm vọng chút chua chua chói chói Anh Thơ hát úp mặt vào sông quê. Và chẳng ai còn nói về đồng, về trời về đất ở cái nơi họ đang nổi trôi trên đó.
Mẹ tôi thành người cổ lỗ khi vẫn đi đi về về trong thưa vắng người trồng lúa. Mỗi năm cái sân gạch một mình bà giữa màu vàng chói chang nắng tháng năm, khi mà trên thì trời, dưới thì lúa, giữa thì bà. Bà dùng chân trần xới cho lúa khô, chang chang nón lá giữa cái oe oé tiếng ve đầu hạ.
Bà Thu cùng xóm bạn từ thời con gái đanh đá sợ ế chồng, thi thoảng qua chơi thăm nhau cho đỡ rỗi rãi mồm miệng. Thực sự bà Thu mỗi lần hàn huyên thì chỉ là con tui làm từng này lương, mua cái xe máy gì mà có chữ lờ ở đầu, chạy trên đường hông nó to như con nghé. Rồi thêm cái nữa là cái con Thuỷ nhà bà Trọng ưng hắn lắm, theo đứt đuôi rắn, nhưng hắn xem thầy bảo không hợp tuổi, mà không quên nhiếc móc con Thuỷ một câu: Cái mồm tu hú ăn lở rú lở ri, có khi cả sân lúa nhà bà hắn ăn vài tháng là sạch bách.
Ôi chao là môi cong cay nghiệt, nó về thấy lúa nó còn vờ như không biết chứ ngồi đó mà hốt cho đầy bụng, mẹ tôi chạm nọc cái đanh đá xuân thì. Trong lòng chả ưa gì bà Thu nhưng thôi, ở cái miền quê người ta dần đua nhau tân thời, sót lại vài quái kiệt xưa như hai bà thì dù không ưa cũng thủ thỉ cùng nhau cho vơi quên ngày tháng.
Đôi khi bà Thu thấy lúa lại thốt ra vài câu nghe hơi ám ảnh: Mà này, sân lúa, nón lá, nhà gỗ. Nói bà đừng giận chứ giống nhà địa chủ xưa hè? Mẹ tôi chấp trách câu nói, nghĩ ví von địa chủ lại gợi đến một khái niệm đủ đau cho cả nhà có địa chủ lại cả những mất mát quá vãng phận tá điền. Mẹ bảo: Ừ, tôi cứ rứa, nhà bà lầu son tròn vuông kệ bà.
Mà cái bà Thu chỏng lỏn nghe thế thì cười khanh khách, bảo giờ người ta nói trên tivi nhà gỗ sân gạch quý như vàng, con trai bà lại văn phong chữ nghĩa, viết nơi nọ nơi kia khen lấy khen để. Mẹ tôi nghe thế cũng rộn ràng cái tâm khảm, nghĩ cái con mụ kia lắm chuyện nhưng đôi câu nghe được.
Bà Thu xưa nhà tranh vách đất. Đến những năm 80 ông đi ngược Lường làm cái nhà gỗ, cũng sốt lên rét xuống mới lết được về nhà. Dựng cái nhà lên chứa những mười đứa con, lúa cấy khom cả lưng cũng không kịp lùa vào 10 cái tàu há mồm. Rồi chúng lớn lên, xì xì xoạp xoạp trong cái đám kèo cột cũng đến ngày tung cánh chở cơm về.
Con bà Thu được cái siêng năng, việc gì cũng làm, trừ làm lúa. Ruộng bỏ khô bỏ khan, lại thêm suốt ngày nghe bà Thu than lúc thì đau khớp lúc thì đau bụng, thế chữ hiếu trồi lên chúng cấm bà cấy lúa. Chúng cũng hiểu mẹ chúng đau thì ít rên thì nhiều, lúc nào cũng thích uống thuốc. Bà nghĩ mình có cả ổ bệnh, giun sán trong bụng phải như con lươn, tim đập nhanh như ô tô chạy, chân tay cứ như sắp rụng. Khi đi khám bác sĩ hỏi đau chỗ nào thì chỉ khắp người cuối cùng bác sĩ kết luận đau mỗi miệng thế là chê bác sĩ tơi bời hoa lá, lại bảo không có tiền đút lót nên không khám hết bệnh.
Đôi khi đứa con dâu của bà, vốn làm thú y, thấy bà than đau ốm thì cũng đánh liều khám, rồi đi lấy thuốc xổ giun cho bà, nói suýt nhầm tên thuốc xổ giun cho chó. Như bệnh nghề nghiệp, cô bảo mẹ trước đây tiêm phòng dại chưa, bà rủa cho suốt mấy tháng trời, lôi cả cha cả mẹ cô ta ra mà đay mà nghiến.
Nhiều khi đổ hết lỗi cho trời cho đất, bà Thu quay sang đổ tại lúa. Vì cả đời làm lúa nên quá sức, bà đau bà ốm như thế. Rồi bà so, nhìn mấy bà thành thị trên ti vi, trẻ như đòng đòng, đi công viên ôm cái ông nhảy suốt ngày có bệnh tật gì đâu. Tự hát lại tự múa, bà bảo, mấy bà ấy già rồi “đĩ” chết đi được, tôi mà thuê tôi nhảy, cho cả hũ vàng tôi cũng không nhảy. Già rồi ôm ôm tựa tựa, chả ra cái giống chi chi cả.
Nhà bà Thu mua gạo ở chợ. Gạo trắng ngần thơm dẻo. Thì lần nào bà chả bảo thế, làm lúa làm gì, mua mà ăn cho khoẻ. Có lần mẹ tôi không nhịn, cái bà này, ai cũng mua như bà thì ai trồng lúa bán cho nhà bà? Đừng phụ lúa, có mà nhăn răng ra đấy!
Lần đó bà Thu giận thật, không sang chơi nữa. Chuyện trò với ai ngoài đường cũng không quên cạnh khoé mẹ tôi vài câu. Có lần mẹ tôi nổi tam bành, khẩu chiến một trận thần điêu, lôi quá khứ hiện tại tương lai ra xổ như xổ số, bà Thu tắt điện. Ít tháng sau bà Thu vào ở với con, nhà trọ công nhân xa xứ. Chúng mày ở cái nhà thế này thôi á, rồi khăn gói quả mướp về quê. Cô Thắm già về làng ngỡ khoe tưng bừng Sài Gòn đẹp lắm, nhưng không, lặng lẽ đi vài vòng quanh làng, ngắm cái bàng bạc ruộng đồng phơi mình bên dòng Lam đùng đục, lại đi về.
Ít tháng sau, mẹ tôi mang tiền phúng điếu qua thắp nhang bà Thu. Lũ con khóc rống tiếng Nam tiếng Bắc, mà khóc như xẩm trong ví giặm, có vần có điệu lắm. Chứ mẹ ơi mẹ bỏ con thơ cháu dại bỏ ruộng bỏ đồng. Mẹ tôi thở dài đầu ngõ: Bà ấy bỏ ruộng bỏ đồng từ lâu, giờ chúng mày mới khóc, sốt ruột.
Vắng bà Thu, sân lúa của mẹ tôi buồn hơn. Từng bụi lúa xót xa bên đôi chân tấp tểnh. Mẹ vẫn cần mẫn trên trời dưới lúa giữa là bà.
****
Một năm trở lại đây mẹ tôi bảo mẹ phụ lúa rồi. Cái chân bà không đi nổi nữa. Cái lưng bà không cúi nổi nữa. Ôi chao hơn 80 năm lúa vít cong đời người rồi một ngày lúa cũng phải chín, phải rời ruộng rời đồng thôi mà. Nhưng là lúa rời người chứ không phải người rời lúa.
Ở cái làng quê bê tông lổn nhổn ấy, có một người suốt một đời không phụ lúa

Hoàng Nguyên Vũ
(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 8/Tháng 8+9/2020)