Một trong những ca khúc thành công khi khai thác hình tượng Bác Hồ, với giai điệu mộc mạc, bình dị chính là ca khúc “Nhà mế có ảnh Bác Hồ” của nhạc sĩ Phan Thanh Chương (Phan Hồng Trường), một người con của “quê nhút” Thanh Chương. Cùng nghe nhạc sỹ Phan Thanh Chương chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của ca khúc:
   

Bấm Play để xem  ca khúc “Nhà mế có ảnh Bác Hồ”

         “Năm 1969, lúc ấy tôi đã vào bộ đội được 2- 3 năm, trong một đêm sau buổi sinh hoạt, chúng tôi được thủ trưởng báo tin Bác mất. Tất cả như nín lặng, ai nấy đều rơi nước mắt rồi bật khóc, nhiều người khóc Bác suốt mấy ngày. Đối với những người lính như chúng tôi, Bác mất là một tổn thất vô cùng to lớn, không thể nói hết vì dưới bom đạn kẻ thù, trong khó khăn gian khổ, Bác là niềm tin giúp cho cho chúng tôi sức mạnh. Tình cảm với Bác đã có tự bao giờ, nhưng đêm hôm nghe tin Bác mất là một cao trào cảm xúc, nó được lưu giữ mãi trong cuộc đời tôi.

Nhạc sĩ Phan Thanh Chương            

    Đến năm 1971, tôi được đi học âm nhạc, muốn viết một ca khúc về Bác nhưng vẫn chưa dám viết vì lúc ấy đã có nhiều ca khúc nổi tiếng mang tầm kinh điển. Rồi tôi được nghe ca khúc Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác của nhạc sĩ An Thuyên, niềm xúc động trong tôi lại trào dâng. Tôi thực sự khâm phục tài năng của nhạc sĩ An Thuyên vì đã xây dựng một hình tượng thật gần gũi, thân thương và mới mẻ về Người: ấy là một cậu bé nhà quê, theo mẹ theo cha đi nghe hát phường vải, quần xắn gối những ngày mưa… Ca khúc ấy đã làm nảy sinh trong tôi một suy nghĩ: tôi cũng sẽ viết về Bác gần gũi và thân thương như thế, tôi sẽ viết những gì mà chưa ai viết về Bác, nhưng đó cũng chỉ là ấp ủ, là nung nấu trong tôi.

    Năm 1980, tôi từ Ty Văn hóa thông tin Nghệ Tĩnh về Phòng Văn hóa thông tin Thanh Chương. Được giao nhiệm vụ giúp đỡ cho công tác văn nghệ của đội văn nghệ Nhà máy điện Nghệ Tĩnh, Tôi được sắp xếp ở phòng khách của nhà máy. Một hôm, anh Trịnh Triệu, bạn tôi đến chơi, vốn yêu thơ ca, văn nghệ, anh ấy đọc cho tôi nghe một số bài thơ do anh sáng tác, trong đó có bài thơ Nhà mế có ảnh bác Hồ. Tôi giật mình vì bài thơ có nội dung trùng với ý tưởng của tôi. Tôi dừng cuộc trò chuyện, anh Triệu chép tay lại bài thơ cho tôi, tôi phổ nhạc ngay buổi trưa hôm đó. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ thì ca khúc Nhà mế có ảnh bác Hồ đã hoàn thành. Vì bài thơ nhịp 4/4 nên tôi đã sử dụng âm hưởng của làn điệu hát then của đồng bào Thái cho ca khúc, nó vừa phù hợp giữa tiết tấu thơ và nhạc, vừa thể hiện được cái tình cảm của bà con với Bác.

Nhạc sĩ Phan Thanh Chương rất say sưa khi nói về âm nhạc.

    Thời gian sau, có việc ra Hà Nội, tôi gặp anh Nguyễn Trọng Tạo, lúc ấy đang học Trường viết văn Nguyễn Du thì phải. Anh Tạo thích lắm, anh đem bản nhạc đến Đài Tiếng nói Việt Nam gặp nhà thơ Hoàng Ngọc Anh nhờ nhạc sĩ Vũ Thanh xem giúp, nhạc sĩ Vũ Thanh cũng rất thích nên đã đưa về khu tập thể của Đài cho nghệ sĩ Thanh Hoa hát.

    Một thời gian ngắn sau, lúc ấy tôi đã về Nghệ An thì bất ngờ được nghe ca khúc Nhà mế có ảnh Bác Hồ của mình qua giọng hát của ca sĩ Thanh Hoa được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi vui đến trào nước mắt. Thế là ước nguyện của tôi về một ca khúc viết về Bác đã thành hiện thực. Về sau này, ca khúc ấy được dàn dựng ở nhiều nơi, được đồng bao khắp mọi miền yêu thích, đó là niềm vui lớn trong đời sáng tác của tôi”.