Bản Minh Tiến nằm cạnh suối Khe Mạt, cách trung tâm xã Lượng Minh (huyện Tương Dương, Nghệ An) khoảng 7km, là một bản tập trung đông người Khơ Mú. Bản có 127 hộ gia đình với 603 nhân khẩu. Hầu hết người dân trong bản Minh Tiến từ xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn di cư xuống sinh sống.

Trước đây, vùng này chỉ có một số hộ gia đình Khơ Mú sinh sống rải rác. Khoảng từ đầu những năm 1990, ông Moong Văn Cang, nguyên Chủ tịch xã Bảo Thắng đã dẫn thêm nhiều hộ gia đình di cư từ Kỳ Sơn xuôi về Lượng Minh để tìm đất sinh sống. Nhận thấy ở đây có suối nước chảy quanh năm, có rừng để canh tác nên họ ở lại và định cư tại đây, lập ra bản Minh Tiến ngày nay. Bản có hơn mười dòng họ cùng sinh sống, trong đó có 3 dòng họ lớn nhất là họ Moong, họ Cụt và họ Xèo. Trước đây, việc đi lại đến bản Minh Tiến khó khăn vì phải qua sông Nâm Nơn rồi qua suối Khe Mạt. Nhưng hiện nay đã có cầu treo bắc qua sông và làm các cầu kiên cố qua suối, có đường rải nhựa đi qua bản, nên giao thông đi lại thuận tiện hơn nhiều.

Người Khơ Mú ở Minh Tiến trước đây chủ yếu sống bằng canh tác nương rẫy, chăn nuôi, kết hợp với săn bắt, hái lượm các sản phẩm từ rừng. Họ là những cư dân rất giỏi trong việc làm nương rẫy, đánh bắt thú rừng và hái măng, lấy mật ong. Hiện nay, diện tích nương rẫy không còn nhiều, người dân chuyển qua canh tác ruộng nước nhưng rất hạn chế vì diện tích ruộng nước ít. Họ chủ yếu tập trung vào chăn nuôi và làm thêm một số việc khác. Hầu hết thanh niên trong bản đều đi làm xa ở các đô thị trong và ngoài tỉnh.

Bản Minh Tiến nằm cạnh suối Khe Mạt

Người Khơ Mú ở bản Minh Tiến hiện nay vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của tộc người mình. Trong bản, nhiều người vẫn duy trì nghề đan lát đồ mây tre – một nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc Khơ Mú ở Nghệ An. Nếu như người Thái có nghề dệt may thổ cẩm, người Mông có nghề rèn với trình độ cao thì người Khơ Mú lại có nghề đan lát. Theo những người già ở đây thì ngày trước hầu hết những người đàn ông Khơ Mú đều biết đan lát. Sản phẩm đan lát quan trọng của họ là mâm tre, ép xôi, ghế, gùi, rổ,… Trong đó mâm tre là sản phẩm đẹp nhất, cầu kỳ, khó làm và gắn với nhiều nét văn hóa Khơ Mú nhất. Từ  nhỏ, người Khơ Mú đã được cha ông dạy cho cách đan lát. Khi lập gia đình họ phải đan lát để sản xuất các dụng cụ phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong gia đình. Nếu không làm được thì họ phải mang ngô, lúa hay các thứ khác để đổi. Người không biết đan lát sẽ bị xem thường hơn những người khéo léo, có thể tạo ra các sản phẩm đẹp và bền. Ngày nay, dưới tác động của nhiều nhân tố, người dân ở đây chủ yếu mua sắm các dụng cụ từ chợ nên nghề đan lát cũng mai một dần.

Ông Moong Văn Tuyền giới thiệu về nghề đan lát của người Khơ Mú

Bên cạnh đan đồ mây tre thì làm rượu cần hay bốc thuốc Nam cũng là những nghề truyền thống của người Khơ Mú ở bản Minh Tiến. Rượu cần là một thức uống quan trọng đối với người Khơ Mú. Trước đây, rất nhiều người biết làm rượu cần. Họ làm rượu bằng sắn hoặc gạo, tùy theo điều kiện gia đình. Men rượu được làm từ các loại lá rừng. Mỗi khi có những việc quan trọng trong gia đình hay cộng đồng thì người Khơ Mú đều uống rượu cần. Hiện tại chỉ còn một số người biết làm rượu cần truyền thống. Họ làm để bán cho các gia đình trong bản và vùng xung quanh.

Chị Cụt Thị Vinh chia sẻ các công đoạn làm rượu cần.

Những bài thuốc cổ truyền của người Khơ Mú thường được truyền thụ qua các thế hệ trong gia đình là chủ yếu. Một thầy lang muốn bốc thuốc chữa bệnh phải theo các thầy lang có kinh nghiệm để học trong nhiều năm. Bắt đầu từ học nhận diện các cây thuốc, đến việc vào rừng tìm và lấy cây thuốc, sau đó mới học các bài thuốc để bốc thuốc chữa bệnh. Đó là một quá trình truyền nghề lâu dài, kỳ công. Thầy lang người Khơ Mú vào rừng lấy thuốc bao giờ cũng trừ lại một phần để cây thuốc tái sinh.

Thầy lang Moong Văn Sơn và các bài thuốc cổ truyền của người Khơ Mú.

Ngoài một số nghề thủ công truyền thống thì người Khơ Mú ở Minh Tiến còn giữ lại được nhiều bản sắc văn hóa trong các phong tục tập quán, các nghi lễ trong đời sống tâm linh hay các yếu tố văn hóa gia đình. Nhưng, cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, quá trình phát triển cũng làm cho nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của họ bị mai một, nhất là về trang phục truyền thống, nghệ thuật biểu diễn và các sinh hoạt văn hóa khác.

Bài và ảnh: Trang Tuệ