Nhân dịp đầu Xuân năm mới, PV Tạp chí Sông Lam đã được đồng chí Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dành riêng một buổi chuyện trò xung quanh câu chuyện mừng Xuân, mừng Đảng và vai trò của văn nghệ sỹ trong cuộc sống hôm nay.

Đặc biệt đồng chí Nguyễn Xuan Sơn cũng đã chia sẻ về đóng góp của văn nghệ sỹ tỉnh nhà trong quá khứ, hiện tại và sự ghi nhận của Nhà nước, nhân dân với những đóng góp ấy.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HDND tỉnh cùng các lãnh đạo sở, ngành thăm hỏi các văn nghệ sỹ nhân dịp Tết năm 2019. Ảnh: Mai Hoa (nguồn báo Nghệ An)

P.V: Thưa đồng chí! Mừng Xuân Canh Tý 2020 cũng là dịp mừng Đảng quang vinh tròn 90 mùa Xuân (1930-2020), đặc biệt là năm kỷ niệm lần thứ 90 “Cuộc diễn tập cách mạng đầu tiên của Đảng”- cao trào Xô viết Nghệ – Tĩnh 1930-1931. Đồng chí có suy nghĩ gì về việc phát huy truyền thống “đứng đầu, dậy trước” của quê hương ta trong suốt thời gian qua dưới sự lãnh đạo Đảng?

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn (đồng chí N.X.S): Mỗi dịp đón Xuân, vui Tết, mừng quê hương, đất nước rộn ràng khí thế vào Xuân, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam cũng đồng thời mừng đón thêm một mùa Xuân của Đảng. Thật thú vị và biện chứng ở đây là Dân tộc và Đảng ta, Mùa Xuân và Đảng ta luôn song hành cùng nhau trong thời đại Hồ Chí Minh, cùng đơm hoa, kết trái đời đời trên đất nước Việt Nam yêu dấu này!

Để đi đến mùa Xuân trọn vẹn, mùa Xuân của Độc lập, Tự do, “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, từ hơn 90 năm trước, biết bao người đã không quản máu xương, không tiếc tuổi xanh để tìm đường cứu nước, cứu dân dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng.

Trong rất nhiều vũ khí đấu tranh cách mạng lúc bấy giờ, có vũ khí sắc bén là những bài thơ, những áng văn bất hủ của các chiến sỹ cách mạng nhằm chỉ rõ con đường đi tới, thúc giục, cổ vũ mọi người đoàn kết, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cao đẹp của Đảng, của Dân tộc.

Tôi còn nhớ những câu thơ từng được truyền tụng ở làng Phú Nhuận xã Đặng Sơn (Đô Lương) trong bối cảnh các chiến sỹ còn hoạt động bí mật: Thấy đời bực tức đứng không yên/ Vùng dậy ra tay nổi gió liền/ Đem lại nhân quần cơn mát mẻ/ Hòa bình cơm áo tự do tiên” (Vịnh cái quạt).

Đặc biệt là những câu thơ sinh ra từ thực tiễn sinh động của cao trào Xô viết Nghệ -Tĩnh, được truyền tụng rộng rãi và thấm vào máu thịt của những người lao khổ. Bắt đầu từ kêu gọi nhận thức trong quần chúng:

“Hỡi anh chị em lao khổ/ Nông nỗi này ai tỏ chăng ai/ Đã non tám chục năm rồi/ Làm thân trâu ngựa cho loài khuyển ưng…” đến khí thế rùng rùng chuyển động của cách mạng trong cao trào Xô viết Nghệ -Tĩnh “Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước/ Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên/ Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên/ Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi…” (Bài ca cách mạng- Đặng Chính Kỷ)

Phát huy truyền thống “đứng đầu, dậy trước” của quê hương Nghệ An, chắc chắn phải nói đến công tác tư tưởng, vũ khí tư tưởng, nhận thức và hành động; chắc chắn phải nói đến tính sáng tạo, không ngại gian khó, hiểm nguy, không chùn bước trước bất cứ điều gì…như cha ông ta đã từng chiến đấu, hy sinh, tiêu biểu nhất là trong cao trào Xô viết Nghệ – Tĩnh 1930-1931, trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và trong công cuộc dựng xây đất nước, quê hương.

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, văn học – nghệ thuật của tỉnh nhà, của con em người Nghệ xa quê đã thực sự góp phần đắc lực vào công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương, đất nước; nhiều tác giả, tác phẩm văn học – nghệ thuật có giá trị tiếp tục tô thắm và làm rạng danh truyền thống của quê hương và con người xứ Nghệ!

P.V: Đồng chí có điều gì tâm đắc nhất khi nghĩ/ nói/ viết về văn học-nghệ thuật tỉnh nhà?

Đồng chí N.X.S: Từ trong lịch sử truyền thống cũng như trong thời đại ngày nay,  quê hương Nghệ An luôn giữ vững và phát huy truyền thống văn hóa và truyền thống cách mạng. Quê hương của “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương, của làng Quỳnh nức tiếng gần xa, của làng nghèo “ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà”; quê hương của Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Lê Hồng Phong, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu… luôn được kế tục và phát huy mạnh mẽ cả hai truyền thống quý giá và thiêng liêng đó.

Có rất nhiều ví dụ sinh động để chứng minh. Riêng trong lĩnh vực văn học-nghệ thuật, tôi chỉ nói một vài điều thú vị sau đây:

Tôi đặc biệt khâm phục và nể trọng nhiều người là những tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, vượt lên thời gian để duy trì năng lượng sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm văn học – nghệ thuật có giá trị. Đó là những tác giả duy trì được sự bền bỉ với nghề, tuổi càng cao sức viết càng khỏe khoắn, càng tạo được bước đột phá lớn trên văn đàn, trên bầu trời nghệ thuật… Có những người duy trì được sức viết từ khi còn trẻ cho đến nay, thậm chí có nhiều người xuất hiện rực rỡ khi tuổi tác đã cao mà sức vóc tác phẩm như mới bắt đầu Xuân!

Điều thứ hai tôi tâm đắc và kính phục là trong giới văn học- nghệ thuật quê nhà có rất nhiều người nổi danh, thành danh là những người được đào tạo và trưởng thành từ các ngành khoa học tự nhiên. Đó là các nhà thơ có bằng tiến sỹ, cử nhân toán, lý; các nhà văn xuất thân từ các nhà khoa học kỹ thuật…

Điều thứ ba, đất Nghệ, người Nghệ lâu nay đồng thời cũng là nơi “đất lành” của khá nhiều người đến sinh sống, sáng tác và trưởng thành. Nơi đây trở thành quê hương thứ hai, thân thiết và ruột thịt với rất nhiều những tâm hồn và tài năng đồng điệu khác, bổ sung và làm đẹp thêm truyền thống đất học, người “hay chữ lại hay nghĩa” mà lâu nay nhiều người vẫn ca tụng, tự hào!

Hoa Xuân. Ảnh: Trung Hà

P.V: Vậy việc đánh giá và tôn vinh những đóng góp của nghệ sỹ, chúng ta đã làm được gì, và còn phải làm gì? 

Đồng chí N.X.S: Đánh giá, ghi nhận và tôn vinh công lao, cống hiến của những người có công với nước, với dân, các bậc hiền tài… là công việc thường xuyên của Đảng và Nhà nước. Điều quan trọng hàng đầu đối với văn nghệ sỹ, theo chỗ tôi hiểu, là việc tạo dựng môi trường sáng tạo, cơ hội sáng tạo và việc tôn vinh, đánh giá đúng giá trị các tác phẩm văn học – nghệ thuật.

Sáng tạo văn học – nghệ thuật là con đường tự tìm tòi, khám phá, là nơi bộc lộ bản lĩnh, tài năng, tư chất của mỗi một nghệ sỹ và trách nhiệm của chúng ta là tạo ra môi trường cho mọi sáng tạo đều có cơ hội nảy nở, đơm hoa, kết trái, mọi giá trị đích thực đều phải được nâng niu, trân trọng, thông qua đánh giá của bạn đọc, của dư luận, thông qua các giải thưởng thường kỳ, các phần thưởng tôn vinh khác…

Cụ thể hơn, tôi muốn nhấn mạnh rằng, Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật bên cạnh nhiều việc phải làm, nói cho cùng phải là ngôi – nhà – chung ấm áp, tập hợp, tôn vinh hội viên và cộng tác viên trong và ngoài tỉnh, người Nghệ cũng như anh em, bầu bạn khác. Tạp chí Sông Lam, tiếng nói của Hội chính là nơi giới thiệu, khuyến khích mọi nỗ lực tìm tòi, sáng tạo của anh chị em hội viên, nơi khẳng định các giá trị văn học – nghệ thuật, nơi nâng đỡ, tìm kiếm các tài năng kế tiếp…

Một việc rất quan trọng và ý nghĩa là Giải thưởng văn học – nghệ thuật định kỳ của tỉnh, giải thưởng thường niên của Tạp chí Sông Lam hay các cuộc thi khác…Rõ ràng, phải xác định trách nhiệm và cũng là vinh dự là của chính đội ngũ văn nghệ sỹ, từ việc xây dựng và ban hành điều lệ giải, thực hành các bước đi chuẩn mực, khách quan, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của đa số hội viên để tạo ra kết quả trung thực và tin cậy, tiếp tục cổ vũ và kích thích mọi tìm tòi, sáng tạo văn học -nghệ thuật vốn ngày càng đòi hỏi cao hơn từ cuộc sống.

Làm việc vì cái chung, vì sự nghiệp lâu dài, tôi nghĩ ở đâu cũng thế, sẽ được anh em ủng hộ, tin tưởng và với văn học – nghệ thuật thì điều đó càng đúng hơn.

P.V: Vâng, nhiều người biết đồng chí là người có “gốc” văn, chuyện văn, chuyện đời, chuyện lãnh đạo, quản lý vừa có cái nhìn chung, bao quát, lại có góc riêng thú vị, sâu sắc và đồng cảm!

Đồng chí N.X.S:  Trở lại câu chuyện chúng ta đã trao đổi ở phần đầu, để thấy thực tế cuộc sống, lao động, chiến đấu từ bao đời nay trên đất này đã sản sinh, nâng đỡ, phát huy vẻ đẹp tâm hồn của người và đất Nghệ qua những câu hò, điệu ví, qua thơ ca Xô viết Nghệ – Tĩnh và nhiều tác phẩm văn học – nghệ thuật có giá trị lâu bền với thời gian, năm tháng.

Hy vọng, mùa Xuân mới sẽ tiếp thêm sức Xuân cho mọi tìm tòi, sáng tạo của anh chị em văn nghệ sỹ, sẽ là mùa Xuân của mọi cá tính sáng tạo trong vườn hoa Xuân muôn sắc, muôn hương, đồng hành với mỗi bước đi lên của quê hương, đất nước trong thời kỳ mới.,.

Xin trân trọng cám ơn đồng chí đã dành cho Tạp chí Sông Lam một cuộc trao đổi đầu Xuân đầm ấm và tin cậy!

 P.V Tạp chí Sông Lam