“Ai đã đi qua những dòng sông
Kỳ Cùng chảy ngược
Sông Thương ngơ ngác
Sông Cầu lơ thơ
Chiều cuối năm
đứng bên dòng Lô
nghe âm vang sông Đà
giục về sông Thao
cuộn vào Hồng Hà sông mẹ.
Dừng Hàm Rồng nghe tiếng hò sông Mã
hát câu dân ca ví giặm
đêm sông Lam ngược Ngàn Phố, Ngàn Sâu
nhớ Trịnh Nguyễn tranh nhau
hai trăm năm hai bờ Gianh Nam Bắc”.

Đó là đoạn mở đầu của bài thơ “Đàn bà và những dòng sông” mà trong khi viết tôi dừng lại lâu hơn ở sông Lô, vì nhớ đến bài hát “Sông Lô chiều cuối năm” của NS Minh Quang với giọng hát của NSND Doãn Tần. Trong một lần tổ chức hội thảo với sự tham dự của 400 khách, trong đó có 30 khách quốc tế, tôi đã mời NSND Doãn Tần thể hiện bài hát “Sông Lô chiều cuối năm”. Bài hát làm cho cả hội trường “chết lặng”. Khách quốc tế, không hiểu tiếng Việt, nhưng chìm đắm trong giai điệu và giọng tenor mượt mà độc nhất vô nhị của NSND Doãn Tần. Có lẽ, cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thấy ai có thể vượt qua NSND Doãn Tần cho ca khúc “Sông Lô chiều cuối năm” của nhạc sĩ Minh Quang.

Chết lặng đi là bởi không chỉ đắm chìm giai điệu ba phần, mà mê mẩn ca từ bảy phần. Với ca khúc, khi âm nhạc vượt qua ngưỡng, đạt đến mức độ khá, thì ca từ là nhân tố quyết định cho sức hút vượt trội của ca khúc. Ví như, âm nhạc hay ca từ, nếu đứng riêng biệt, có sức hút ở cấp số cộng, thì khi kết hợp với nhau, sức hút có thể trở thành cấp số nhân, thậm chí có trường hợp đạt mức hàm mũ. Ca từ của “Sông Lô chiều cuối năm” tạo nên sự mê hoặc. Mê hoặc bởi sau ca từ là một khung cảnh thiên nhiên hiện ra, với núi rừng, dòng sông, bến nước trong một chiều cuối năm, với cây đào ngày Tết sắp ra hoa. Ca từ thể hiện không chỉ không gian mà còn làm sống lại thời gian. Và trên hết là đắm say da diết vì tình:
“Ai tìm về bên ai
Ta tìm về bên em”.

Nhưng đó là mối tình hùng ca mà bi thương. Hùng ca vì tình yêu dành cho người ra trận “Bao năm tháng đợi chờ người lính ấy”. Bi thương vì “sao mãi không về”. Nhưng còn da diết hơn nữa, bởi vì trong chiều cuối năm trên sông Lô:
“Ta tìm về bên em
Qua bến Bình Ca đứng lặng
Cây đào ngày Tết sắp ra hoa
Sao người con gái ấy nơi đâu
Để lại bến sông kia
bâng khuâng một con đò”.

Không ai không xúc động. Không ai không đắm chìm. Ca từ thuộc hàng tuyệt đỉnh. Có sức mê hoặc mãnh liệt. Nó quyết định sức sống vượt thời gian của ca khúc “Sông Lô chiều cuối năm”.

Chính bài thơ “Đàn bà và những dòng sông” bắt tôi dừng suy nghĩ lâu hơn ở sông Lô và đặt ra câu hỏi “Sau ‘Sông Lô chiều cuối năm’ nhạc sĩ Minh Quang có ca khúc nào nữa về dòng sông nào khác không”? Câu hỏi dẫn đến cuộc lần tìm để tôi lại tiếp tục với những ngạc nhiên mới.

Có thể không đầy đủ. Nhưng từ YouTube tôi tìm được bốn ca khúc mới của NS Minh Quang liên quan đến các dòng sông: “Hồn sông” và “Chấp chới sông Lam” về dòng sông Lam, “Quê tôi” về sông Mã và sông Chu, “Dòng sông nhân từ” về sự vĩ đại của các dòng sông. Điều đặc biệt là ca từ của cả bốn ca khúc này đều thuộc về tác giả Nguyễn Lê Trung. Ca từ thuộc hàng tuyệt đỉnh. Điều ngạc nhiên hơn, chính tác giả ca từ Nguyễn Lê Trung thể hiện cả bốn ca khúc với một giọng ca truyền cảm đặc biệt, không trộn lẫn.

Đôi bờ dòng Lam. Ảnh: Sách Nguyễn

Sông Lam là chủ đề của vạn bài thơ, ngàn ca khúc, từ đời này sang đời khác. Nhưng sông Lam trong “Hồn sông” của Nguyễn Lê Trung rất khác biệt:
“Sông Lam trong.
Sông Lam đục.
Sông Lam ngầu nắng đỏ trời
Sông Lam trong.
Sông Lam đục.
Sông Lam ngầu lũ đỏ đồng”.

Sự đục trong của sông Lam là đề tài muôn thuở nhưng chưa ai miêu tả sự đục trong của sông Lam bằng “ngầu nắng đỏ trời” và “ngầu lũ đỏ đồng” như Nguyễn Lê Trung. Cả dòng sông xanh mát mà “ngầu nắng” thì không chỉ cho người đọc, người nghe dừng lại ở sức nắng cháy da cháy thịt, mà đi đến một tưởng tượng về sức tỏa nóng của một hỏa diệm sơn trong “Tây du ký” lan rộng đến “đỏ trời”. Không nói mùa hè mà biết mùa hè. Không nói sông Lam trong mà biết mùa nước trong. Còn vào mùa đục thì “ngầu lũ đỏ đồng”. Một dòng sông “ngầu lũ” hiện ra, một màu đỏ như đồng nấu đang cuồn cuộn đổ về. Không chỉ đỏ ở dòng sông mà tràn ra đỏ cả đồng ruộng. “Đỏ đồng” ở đây làm cho người đọc liên tưởng đến cả hai nghĩa, dòng sông đỏ và đỏ cả ruộng đồng, bất chấp ngụ ý ban đầu của tác giả.

Trên tất cả, “ngầu nắng đỏ trời” và “ngầu lũ đỏ đồng” là cách miêu tả rất đẹp. Nhờ ca từ chắt lọc, súc tích, đầy hình tượng mà mỗi khi giai điệu cất lên, người nghe lại thảng thốt. Sự lặp lại hai lần “Sông Lam trong. Sông Lam đục” với “ngầu nắng đỏ trời” và “ngầu lũ đỏ đồng” càng làm cho người nghe thêm day dứt, xúc động. Cách lặp lại này làm cho giai điệu và ca từ có thêm sức cuốn hút người nghe.

Nhưng cao trào của xúc cảm không chỉ dừng lại ở “ngầu nắng đỏ trời” và “ngầu lũ đỏ đồng” mà bước ra từ sâu xa đáy lòng bởi những ca từ “sắc như cật nứa” cứa vào tâm can, lấy đi bao nấc nghẹn của những tâm hồn tràn chứa tình nhân ái:
“Dòng đục trong,
mưa nắng lại đi, mưa nắng lại về.
Giọt phù sa,
phù sa trôi nổi,
ngàn năm bồi đắp,
hồn quê.
Sông Lam ơi,
áo tơi trên đồng, áo tơi che lòng,
người đi.
Sông Lam ơi,
nắng mưa đội đầu,
dẫu trong dẫu đục,
sông ơi”.

Đất nước chúng ta đã trải qua ngàn năm khốn khó trước khi tiến bộ công nghệ ở thế kỷ XXI chấm dứt về cơ bản sự đói rách. Người nghe ca khúc “Hồn sông” nửa đầu thế kỷ XXI, có lẽ là ở giai đoạn cuối cùng biết đến áo tơi. Một hình ảnh gắn bó ngàn đời với người Việt, dấy lên nỗi bâng khuâng vô hồi “áo tơi trên đồng, áo tơi che lòng người đi”…

Hai người con đất Thanh – Minh Quang và Nguyễn Lê Trung còn dành cho sông Lam xứ Nghệ một ca khúc khác nữa là “Chấp chới sông Lam”. Nhưng viết ngắn thì không diễn tả hết sẽ dẫn đến sự thất thố, còn viết dài thì khuôn khổ bài viết không cho phép, nên đành chờ một cơ hội khác.

Hai tác giả: nhạc sĩ Minh Quang (bên trái) và Tiến sĩ Nguyễn Lê Trung (bên phải) trên dòng sông Lam.

Sau sông Lô, sông Mã và sông Chu là những dòng sông xuất hiện trong ca khúc “Quê tôi” của NS Minh Quang. Ca khúc “Quê tôi” thực ra chỉ đề cập đến sông Mã và sông Chu có một lần nhưng cũng đủ để người nghe cảm nhận được vị thế của hai dòng sông trong ca khúc:
“Quê tôi bên bờ sông Mã
Nước gương trong khỏa tím Vọng Phu
Quê tôi bên bờ sông Chu
Bãi dâu bờ lau gọi lời Trống Mái”.

Những ca từ thật đẹp. Ngắn gọn mà bao quát. Chân chất mà lay động. Một miền quê hiện lên trong trí tưởng tượng của người nghe với tất cả sự phóng khoáng cảm sinh từ dòng sông. Tiếp đến là bao quát lịch sử oai hùng ngàn năm của xứ Thanh, cũng chỉ trong bốn câu ngắn gọn, nhưng vừa sang sảng vừa du dương:
“Quê tôi có ông Lê Lợi
Dẹp giặc giặc tan trả lại gươm thần
Quê tôi có bà Triệu Thị Trinh
Cỡi voi ra trận, đạp sóng chém cá kình”.
Cũng súc tích mà bao quát được tiềm năng của Thanh Hóa là khổ thơ nhạc:
“Quê tôi rừng vàng biển bạc
Đồng xanh thẳng cánh cò bay
Có núi cao tình cha, có sông sâu nghĩa mẹ
Có những người con trai con gái”.
Có thể nói ca từ của ca khúc “Quê tôi” đã đạt đến mức “đắc đạo”. “Chiêu đơn giản” mà “công lực ngàn cân”. Nguyễn Lê Trung thật tài tình!

Không thể bỏ quên ca khúc “Dòng sông nhân từ” của Đại tá, nhạc sĩ Minh Quang và Tiến sĩ Nguyễn Lê Trung. Tìm kiếm trên mạng mới ngộ ra hai anh đã tạo nên một “cặp bài trùng” – tri âm, tri kỷ. Người viết lời, người viết nhạc. Tự phối khí và tự biểu diễn.
Xuất phát từ lòng người:
“Nào chờ nào đợi tri ân
Ngàn năm trăm năm,
mồ côi một lời tri kỉ.
Những con sóng ưu tư,
Thời gian đọng lại,
thẳm sâu mặt đất mặt trời”.
Để miêu tả dòng sông. Âu cũng là nhờ dòng sông để cất lên tiếng lòng mình vậy:

“Sóng vỗ, đại dương bốn mùa sóng vỗ
Núi cao ôm ấp dòng sông
Dòng sông bao dung,
dòng sông nhân từ
Núi cao lại khuất núi cao”.

Viết được những lời này, phải là một tâm hồn phóng khoáng, một tầm nhìn xa, tiếp cận được với sự rộng lớn của biển khơi, sự trùng điệp của núi non và sức mạnh vô biên từ dòng chảy không ngừng của các dòng sông. Để rồi quay trở lại tình người:
“Những giọt nước mắt
ngàn năm, vạn năm chảy mãi
ngàn năm, vạn năm nhân từ.
Trời cao đất dày,
gió trăng nhân thế.
Vằng soi”.

Ví như hệ tuần hoàn đưa máu đến mọi điểm trong cơ thể con người, các dòng sông đưa nước dưỡng sinh cho sự sống trên trái đất. Ngàn vạn năm có sự sống nhờ nhân từ của các dòng sông. Mà nếu hiểu sâu hơn, “Những giọt nước mắt ngàn năm vạn năm chảy mãi” của con người cũng xuất phát từ nhân từ mà tạo hóa đã thiên định cho loài người.
Xuyên suốt các bài hát “Hồn sông”, “Quê tôi’ và “Dòng sông nhân từ”, ca từ của Nguyễn Lê Trung vừa mang tính triết học, vừa thấm đậm nhân tình. Và trên “mảnh đất màu mỡ” của ca từ đó, NS Minh Quang đã viết lên những ca khúc làm xao xuyến lòng người. Quả là tri âm tri kỷ.

Và để thấm thía thêm nguyên do tìm hiểu ca khúc về các dòng sông của tác giả, xin viện dẫn đoạn kết của bài thơ “Đàn bà và những dòng sông”:
“Những dòng sông không bao giờ đếm hết
là em đắm đuối đàn bà
nhấn chìm những người đàn ông đi qua
bất kể giàu sang đói nghèo cao thấp
Những người đàn ông
chỉ là hạt cát
làm cho đàn bà
giàu có phù sa
Những vẫn thương thương
lắm đàn bà
phận dòng sông
phải nằm đợi phù sa
chở từng hạt cát”.
Muốn biết các ca khúc “Hồn sông”, “Quê tôi” và “Dòng sông nhân từ” lay động lòng người nghe đến mức nào, cũng như để biết giọng ca đặc biệt của Nguyễn Lê Trung, hãy bấm vào các đường links [1,2,3] dưới đây để kiểm nghiệm.
Đọc qua, e có người nghĩ quá lời? Nhưng nghe đi nghe lại ca khúc vài lần, thì thấy nhiều điều tôi chưa nói đủ.

Nguyễn Ngọc Chu

[1] Hồn sông, https://www.youtube.com/watch?v=AEMt5-37SmY
[2] Quê tôi, https://www.youtube.com/watch?v=o4ycPBWUUQQ
[3] Dòng sông nhân từ,https://www.youtube.com/watch?v=lukGvS7YcRM