Bà Đậu Thị Dung đã 80 tuổi đời. Nhẩm tính, cũng đã 80 năm bà gắn bó với những chiếc giếng làng Mai Bảng, nơi bà được cất tiếng khóc oe oe chào đời và theo con sóng, cơn gió biển mặn mòi bà lớn lên.

Giếng làng Mai Bảng được ghép bằng những viên đá “trấy” lấy từ đảo Ngư và mũi Rồng này đã gắn bó với bà Đậu Thị Dung từ thuở lọt lòng cho đến tận hôm nay

đâu đó trong sâu thẳm ký ức, bà vẫn thấy một cô bé Dung nhỏ tí lẽo đẽo chạy theo mẹ quảy gánh nước nặng trĩu từ giếng làng cách nhà chừng 1 cây số. Khi đã lớn khôn hơn, và nhất là khi bố hy sinh ở chiến trường Điện Biên Phủ, cô thanh nữ Đậu Thị Dung lại thay mẹ gánh những gánh nước về cho gia đình, có cả những gánh nước thuê cho ngư dân trong làng để kiếm mớ cá, bát gạo cùng mẹ nuôi 3 em. “Gánh ào đi, cho choa kịp đi biển mồ!” Những tiếng thúc giục của chủ thuyền mong chờ gánh nước của con bé Dung đã trở thành một thứ âm thanh gần gũi và ấm áp với Dung. Những gánh nước của cô sẽ giúp các chủ thuyền giặt chài, giặt lưới, hay rửa mũi thuyền lấy may cho những chuyến ra khơi, cho tôm cá đầy khoang, thuyền nhanh cập bến. Những can nước lấy từ giếng đền để chủ thuyền làm nước cúng dâng thần biển mong chờ sự chở che của biển cả mênh mông giữa trùng khơi sóng dữ. Cô bé thấy vui vui vì hình như cô đã làm được điều gì đó có ý nghĩa cho những người xóm giềng thân quý của mình.

Lạ vậy, đến khi lấy chồng, bà Dung lại được gắn bó với giếng làng nhiều hơn. Nhà chồng chỉ cách giếng vài ba trăm mét. Chồng bà cũng là người làng Mai Bảng, nay là khối Thành Công, phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò. Nhà chồng gần con sông nhỏ (hồi đó người ta chưa làm cảng Cửa Lò nên con sông này chưa bị lấp), bà hay ra sông giặt giũ, nhưng đêm đêm đôi thùng gỗ vẫn theo bà ra giếng làng tải nước về nấu ăn, sinh hoạt. Theo nếp mẹ đẻ ngày trước, và cũng theo nếp gia đình nhà chồng, ngày tuần hàng tháng hay dịp đầu năm bà lại xin nước giếng đền Mai Bảng để dâng lên bàn thờ tổ tiên hoặc ra đền thắp hương. Cũng như mọi người dân làng Mai Bảng, và cả làng Yên Lương (hai làng tạo lập nên phường Nghi Thủy thời nay), bà Dung son sắt một niềm tin, những dòng nước được lấy lên từ lòng sâu giếng đền là những dòng nước trong mát nhất, thiêng liêng nhất, nguồn nước này dâng Thành hoàng làng, dâng tổ tiên sẽ được bề trên phù hộ.

Từ trên ngọn rú Đủng Đỉnh nhìn về phía tây nam hoặc từ ngọn núi Hòn Cờ nhìn về phía tây làng Mai Bảng, ta sẽ thấy hai cái giếng làng (một giếng đền nằm cách đền Mai Bảng chừng 100m) và một giếng nước sinh hoạt (nằm cách giếng đền 100m) giống như hai con mắt thần nhìn về phía biển. Nếu đứng trên rú Gươm thuộc phường Nghi Tân nhìn về hướng đông lại thấy ở ngay giữa làng Yên Lương xưa hai cái giếng nước: Yên Đình và Yên Hội như hai con mắt thần của làng Yên Lương. Trải hàng trăm năm giông bão, đổi thay, chiến tranh giặc giã, người dân phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò hôm nay vẫn lưu giữ vẹn tròn 4 cái giếng làng – 2 cặp mắt thần của 2 vị thành hoàng làng (làng Mai Bảng, làng Yên Lương) như người dân truyền tụng. Giếng có từ thuở nào, không ai biết. Nhưng một điều chắc chắn tuổi đời của nó đã là hàng trăm năm. Vùng đất Yên Lương, rồi vùng đất Mai Bảng đã được các bậc tiền nhân khai phá lập làng từ 400-500 năm trước. Những ngôi đền linh thiêng: Yên Lương, Mai Bảng sau đó cũng đã được dựng lên và tôn tạo qua các đời để phụng thờ thành hoàng làng và những người khai cơ lập ấp. Người dân tin rằng, giếng làng đã được khai sinh sau đó ít lâu, để nguồn mạch của làng được khai thông, để mắt thần được sáng tỏ mà canh giữ, mà chăm lo cho cuộc sống của nhân dân trong vùng. Mong nguồn nước được sạch và trong mát, người dân đã cất công giong thuyền ra đảo Ngư, ra mũi Rồng (lạch Rồng) chọn những viên đá trấy (tiếng địa phương – tức đá trái) tròn, to về ghép thành giếng. Đáy giếng sâu chừng 5-6m, miệng giếng có đường kính chừng 1,2 đến 1,8 m. Có một điều thật lạ, dù rất gần biển, nhưng nguồn nước giếng thật trong, ngọt và vô cùng dồi dào. Về sau này, trong dân đã có nhiều giếng đào, những năm hạn hán, hầu như các giếng đều bị cạn khô, nhưng cả 4 giếng làng chưa bao giờ cạn, con nước vơi, con nước lại đầy. Tưởng như thần giếng đã rất yêu thương nên quyết không để những người con Yên Lương, Mai Bảng bị khát khô nguồn nước ngọt.

Giếng làng Yên Lương nằm ngay trước nhà thờ Linh Quận công Nguyễn Trọng Đạt. Ảnh: Hữu Vinh

     Giếng đã được nhiều lần người dân tôn tạo. Hiện nay, trên thành giếng nước sinh hoạt của làng Mai Bảng và một giếng của làng Yên Lương có đề năm 1941 và 1936 – đó là một trong những lần tôn tạo giếng mà người dân hiện còn lưu lại được. Chiến tranh bom cày đạn xới vùng đất Nghi Thủy trong những năm chống Mỹ, một vài giếng nước phục vụ sinh hoạt bị tàn phá, hư hại, khiến cho giếng bị bỏ quên một thời gian dài. Gần đây người dân hai làng đã tự chỉnh trang lại giếng, xây bao bảo vệ, làm bàn thờ ở hai giếng của làng Mai Bảng. Giếng làng Yên Lương do nằm cạnh cây cổ thụ nên dân làng đã làm cả nắp đậy bằng lưới để lá cây không rụng xuống khiến nguồn nước bị ô bẩn. Bác Phùng Bá Cúc tâm niệm, hẳn nhà tôi ở gần giếng làng Mai Bảng nên được thần giếng chở che, phù trợ. Vậy nên việc đóng góp thêm ít tiền, ít xi măng để tu sửa giếng, hay gia đình tôi tự nhận với làng lo việc hương lễ ngày rằm, mồng Một hàng tháng, ngày lễ, Tết cho thần giếng là điều nên làm. Bà Cúc nhà tôi cũng chăm lo cho giếng làng lắm. Thường ngày bà quyét dọn, một cái lá rơi cũng nhặt ngay, thấy xuất hiện tổ kiến là mua thuốc diệt. Từ hàng chục năm nay nhà tôi vẫn duy trì nề nếp: đêm mồng Một hàng tháng hay đêm Ba mươi, mồng Một Tết là cả nhà ra giếng tắm. Từ khi những dứa con tôi còn nhỏ, nếu trời lạnh quá thì tôi nấu một ít nước sôi mang ra pha với nước giếng cho tụi trẻ. Rồi bây giờ là những đứa cháu của tôi. Tắm nước giếng làng để cho thân thể sạch sẽ, cho bệnh tật tiêu tan,… Chúng tôi tin và giữ gìn niềm tin ấy bằng sinh hoạt này của gia đình.

Cũng chẳng hiểu tự bao giờ, trong dân làng Nghi Thủy đã tồn tại và tự ý thức thực hiện những điều kiêng cho giếng làng được sạch sẽ, linh thiêng. Phụ nữ đến tháng, hay trong 3 tháng 10 ngày sinh nở, những gia đình có tang… tuyệt nhiên không được ra giếng đền xin nước. Bà Dung bảo, ngay cả mỗi lần múc nước cũng phải cởi bỏ nón mũ. Bà cũng không lý giải được điều này nhưng từ bé đã thực hành trở thành nếp thường nhật rất tự nhiên nên bà không bao giờ phạm cả. Thần giếng đã thành một vị thần thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người dân biển Nghi Thủy. Người ta biết ơn thần vì đã cho con người nơi đây không chỉ nguồn nước ngọt mà hơn thế, đó là sự chở che giúp cho cuộc sống ngày một ấm êm, no đủ. Đặc biệt, những gia đình ở gần giếng làng, mỗi khi thực hành những công việc liên quan đến mạch nước, để tránh việc có thể chạm long mạch của làng họ đều lên đền Mai Bảng xin bề trên, khi được phép mới về đào. Anh Hạ, nhà gần giếng Mai Bảng, nhớ rằng, bố mẹ anh đã từng làm như vậy khi tiến hành đào giếng của nhà. Anh chia sẻ: “Giếng làng tôi thiêng lắm”. Tôi hiểu niềm thiêng ấy với người dân Mai Bảng, Yên Lương. Nó không chỉ là lời nói mà thực sự đã được biểu thị, từ xa xưa và cho đến ngày hôm nay bằng những điều kiêng, những sự gìn giữ, những thực hành nghi lễ rất cụ thể và chỉn chu, thành kính. Những niềm tin ấy như hơi thở, như không khí, như dòng nước ngầm cứ lặng lẽ tồn tại, lặng lẽ sống trong đời sống bình dị của mỗi người dân nơi đây và được lưu truyền qua các thế hệ. Vậy nên, những người con gái của bà Dung, dù đã ở Đài Loan hơn mười năm nay, nhưng năm nào không về quê ăn Tết lại điện thoại nhờ mẹ: Mẹ ra giếng đền xin nước rồi vào đền làm lễ cầu yên, cầu tài lộc cho gia đình con mẹ nhé!

Đời sống ngày một đủ đầy, tiện nghi ngày một hiện đại, nguồn nước từ các giếng làng không còn dùng làm nước sinh hoạt hàng ngày, nhưng với người dân Nghi Thủy nó vẫn còn tròn vẹn tính thiêng. Tại các giếng đền, những gàu nước vẫn ngày ngày được kéo lên, để vào đền Mai Bảng, đền Yên Lương dâng lên các bậc thánh, thần; và vào từng nhà dân để dâng lên tiên tổ những ngày rằm, mồng Một hàng tháng; những dịp lễ Tết, sóc vọng; hay theo con nước biển đến với những con thuyền để ngư ông dâng cúng thần biển khơi. Những người bị bệnh, uống thuốc nam, thuốc bắc, lại về giếng làng lấy nước sắc thuốc. Những can nước ở các giếng sinh hoạt vẫn được người dân chở về để giặt chài, giặt lưới mong gột rửa những xui xẻo sau những chuyến xa khơi không may mắn, hay thau rửa thuyền, chài lưới khi ngư chủ bắt đầu sắm con tàu mới cho cuộc mưu sinh. Hàng năm, giếng lại được thau rửa để đảm bảo nguồn nước luôn trong lành. Các thành viên trong đội tự nguyện của làng sẽ thực hiện công việc này sau khi đã lên đền xin phép và được sự chấp thuận của thành hoàng làng.

Khách tham quan giếng làng Yên Lương. Ảnh: Bùi Hào

    Khi tôi tới thăm những chiếc giếng làng bình dị ở Nghi Thủy thì gặp một cậu thanh niên đang bê một can nặng 20 lít nước giếng làng Mai Bảng. Cậu bảo, đợt này thuyền ra khơi không suôn sẻ, thuận lợi, nên lấy ít nước về gột rửa tàu để xua đi điều gở, cho tàu sạch sẽ, đón điều lành, chắc sẽ có nhiều may mắn.

Những niềm tin thiện lành như thế có lẽ ít nhiều cũng làm cho đời sống tinh thần người dân miệt biển này trở nên phong phú hơn, họ tự tin hơn trước mênh mông biển cả, trước bão tố trùng khơi. Trong rì rào tiếng biển Cửa Lò, tôi nghe như có cả tiềng thầm thì về những câu chuyện giếng làng Nghi Thủy, những đôi mắt thần của làng biển, thấy lòng ấm áp hơn. Tự hứa, khi nào đó sẽ lại về vùng đất này, để hiểu hơn những con người chân chất của miền đất biển, hiểu hơn đời sống tinh thần, những sinh hoạt văn hóa tâm linh rất riêng biệt của họ.

Đào Thúy Hoa

(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam số 22, tháng 4/2022)