Theo phong tục cổ truyền, Tết Nguyên đán được tính từ ngày 23 tháng Chạp đến 7 tháng Giêng, tức là từ ngày tổ chức tiễn Ông Công Ông Táo về trời đến ngày làm lễ hạ cây nêu (còn gọi là lễ khai hạ). Là một vùng đất cổ, người dân Thanh Chương vẫn duy trì nghi lễ trong ngày Tết cổ truyền theo lề lối cũ. Tuy nhiên, phong tục trồng và hạ cây nêu ngày Tết đã dần mai một trong các gia đình. Hiện nay, lễ Khai hạ đang ngày càng được tổ chức nhiều ở các xã có miếu thờ Thành hoàng hoặc đền thờ các nhân thần.

Lễ tế thần tại đền Cao Sơn Cao Các xã Đồng Văn.

Lễ Khai hạ Tết Giáp Thìn 2024 này được tổ chức rất trang nghiêm, thành kính tại nhiều đền lớn trên đất Thanh Chương như đền Bà Chúa Chè xã Hạnh Lâm, đền Bà Chúa xã Thanh Đồng, đền Cao Sơn Cao Các xã Đồng Văn, v.v…

Phần ngọn cây nêu được trang trí rất bắt mắt

Tại những nơi này từ các ngày trước và trong Tết, người dân đã đến dâng hương hoa xin tài lộc. Bắt đầu từ chiều mồng 6 Tết, lãnh đạo các xã và Ban Quản lý di tích chính thức đứng ra chủ trì làm lễ. Các lễ gồm có yết cáo tổ chức vào chiều tối ngày mồng 6 tháng Giêng và lễ tạ được tổ chức suốt cả ngày mồng 7 Tết thu hút hàng ngàn lượt người tham gia. Lễ khai hạ được tổ chức tại các đền ở Thanh Chương là lời cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên cho Nhân dân bản xứ, đồng thời báo hiệu kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, mọi người cùng trở lại chuyên cần, hăng say với công việc sản xuất, buôn bán hàng ngày.

Cán bộ và Nhân dân địa phương dâng hương trong lễ khai hạ Tết Giáp Thìn 2024 tại đền Bà chúa Chè xã Hạnh Lâm.

Để phục vụ hoạt động văn hóa tâm linh cho người dân, những năm gần đây chính quyền và Nhân dân đã đầu tư nâng cấp tôn tạo nhiều di tích. Nhờ vậy các nơi thờ cúng và làm lễ Khai hạ đều khang trang, sạch đẹp. Lễ Khai hạ đầu năm mới là một sinh hoạt văn hóa tâm linh ngày càng thu hút sự tham gia của đông đảo người dân huyện Thanh Chương.

Đình Hà