Lễ hội đền Chín Gian là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất của người Thái ở Nghệ An, được tổ chức vào ngày 15 tháng 2 âm lịch hàng năm tại xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Lễ hội đền Chín Gian được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quyết định số 2067/QĐ-BVHTTDL ngày 13/6/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Lễ hội không chỉ là nơi để người dân địa phương cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mà còn là dịp để lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Đền Chín Gian là một di tích lịch sử cấp quốc gia, được xây dựng vào thế kỷ XVIII trên đỉnh Pú Chò Nhàng, thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Đền thờ Trời (thờ Pọ Phà), thờ con gái trời (thờ Náng Xỉ Đà) và thờ người có công xây bản, lập mường (thờ Tạo Ló Ỳ). Lễ hội đền Chín Gian được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao của các vị thần linh và thể hiện lòng biết ơn của người dân đối với những người có công khai bản lập mường.

Ngày 13/4/2023, đền Chín Gian được Bộ VH,TT&DL công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia tại Quyết định số 963/QĐ-BVHTTDL.
Lễ hội đền Chín Gian hàng năm thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương đến tham dự

Lễ hội đền Chín Gian được tổ chức từ ngày 15 tháng 2 âm lịch hàng năm thường kéo dài trong 3 ngày, với nhiều hoạt động văn hóa phong phú và nhiều nghi lễ đặc sắc: nghi lễ tắm trâu, lễ hiến trâu và cúng thần, rước kiệu,…

Lễ cúng trong lễ hội đền Chín Gian
Lễ cúng mang đậm bản sắc văn hóa địa phương
Lễ rước kiệu từ nhà sàn của chủ tế xuống đền được tổ chức sau lễ cúng, diễn ra trong tiếng chiêng, tiếng trống và tiếng hát của người dân địa phương

Nét đặc sắc nhất trong lễ hội đền Chín Gian là lễ tế trâu: theo thông lệ, mỗi mường góp một con trâu. Con trâu dùng trong lễ tế trâu là trâu mộng đưa từ Mường Tôn (mường chủ trong chín mường tại đây). Vào lễ, người chủ lễ (mo cả) mặc trang phục lễ (xựa tẩy) làm lễ tắm trâu ngay tại bến nước dưới chân núi Pù Quái trước sự chứng kiến của mọi người. Sau khi tắm xong, con trâu hiến tế được đưa lên sân đền với một lễ rước trang nghiêm. Ông mo cả trong trang phục đại tế (xựa tẩy) đi ba vòng quanh con trâu đã được buộc chặt vào chiếc cọc gỗ, vừa đi vừa đọc bài xến bằng tiếng dân tộc Thái mang nội dung cầu cho “chín mường mười bản” yên lành. Theo sau là những người có chức vị trong xã hội ở các mường.

Rước trâu lên sân đền để làm lễ tế trâu
Lễ tế trâu. Ảnh: Nhật Thanh

Ngoài phần lễ trang nghiêm, những người tham dự lễ hội được hòa mình trong không khí tươi vui và sôi nổi với rất nhiều lễ tục, trò chơi dân gian hấp dẫn như: tục cầu mưa của người Thái, hát lăm, khắp, nhảy sạp, đánh cồng chiêng, múa xăng khan…

Giao lưu điệu lăm, điệu khắp – sinh hoạt văn nghệ dân gian của người Thái
Lễ Xăng Khan được trình diễn trong lễ hội đền Chín Gian

9 con trâu và 9 vạc nước tượng trưng cho chín mường chuẩn bị tế lễ

Toàn cảnh đền Chín Gian tọa giữa cảnh quan núi rừng xanh mát

Lễ hội đền Chín Gian là một nét đẹp văn hóa độc đáo của người Thái Nghệ An. Lễ hội không chỉ là nơi để người dân địa phương cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mà còn là dịp để lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngày nay, lễ hội đền Chín Gian là một điểm đến du lịch hấp dẫn du khách thập phương. Việc tham dự lễ hội cũng là dịp để trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của người Thái nơi đây.

Sách Nguyễn