Đọc Thanh Chương huyện chí của Bùi Dương Lịch tôi mới biết quê mình trước đây cũng có dân tộc Đan Lai sinh sống và dòng sông Trai ngày xưa được gọi là sông Đan Lai. Với những đặc điểm được tiền nhân chép lại như tiếng nói của họ ngắn, nặng; ở nơi bình địa chân lảo đảo như muốn ngã; họ không ở yên một nơi, không lo làm nhà, chỉ quây tổ trú ngụ… gây cho tôi bao sự tò mò.

Tại vùng Hoa Quân hiện nay vẫn còn nhiều dấu tích của người Đan Lai để lại. Trên địa phận xã Thanh Thịnh, có di tích Cồn Rợ, một trong những nơi ngày xưa người Đan Lai lập làng, mấy năm trước người dân còn phát hiện thấy vò đựng nước và nhiều mảnh sành, sứ. Người Đan Lai còn lập đền thờ ở ngoài cửa sông Trai, trên địa phận xã Thanh Thịnh trước đây. Dưới chân rú Tuần, bên bờ tả sông Trai người Kinh xây dựng đền Vạn thờ người Đan Lai chết đuối trong các cơn hồng thủy. Hai đền này đã hư hỏng từ lâu nhưng nền đền vẫn còn. Nhiều lần qua đây, khi nghĩ về họ, tôi lại tự hỏi: bây giờ họ ở đâu? Cuộc sống của họ như thế nào?

Sông Trai, đoạn chảy qua rú Tuần xã Thanh Lĩnh (ảnh Đình Hà)

Đầu xuân 2023, trong một chuyến công tác, tôi được nghe anh bạn cùng ngành cho biết dân tộc Đan Lai ở Con Cuông có nguồn gốc từ huyện Thanh Chương và đến tận hôm nay khi được ai hỏi, họ cũng nói mình là người Thanh Chương. Đem câu chuyện này kể với một số người, thế là chúng tôi hẹn nhau một ngày giữa hè lên vùng người Đan Lai sinh sống để tìm hiểu.

Dừng xe dưới chân đập Phà Lài, chúng tôi chuyển sang đi thuyền. Từ thân đập ngược lên khoảng bốn, năm km, hai bên bờ sông là vách đá. Đá ở đây dạng đá liếp, từng khối nối tiếp nhau, mỗi khối gồm nhiều phiến như tấm dong xếp sát vào nhau; phiến cao, phiến thấp, lởm chởm, đồng loạt chĩa về phía thượng nguồn như thách thức với dòng suối từ núi cao đổ xuống. Dòng sông Giăng mùa này có vẻ hiền hòa nhưng nhìn thấy những cây cối hai bên bờ đều bị rạp xuôi theo dòng nước và những hòn đá to như những quả mít, quả bưởi bị kẹt trên cành cây thì biết được mùa mưa lũ nó hung dữ như thế nào.

Rừng Con Cuông xanh, cây thân gỗ và cây bụi tranh giành chen chúc; dây leo chằng chịt, um tùm, tạo thành vô vàn khối xanh trùng trùng, điệp điệp. Điều rất đặc biệt là hai bên mép sông toàn là cây rì rì. Loài cây này thật kỳ lạ, hạt giống chỉ cần nảy mầm trên hốc đá là bộ rễ của nó luồn lách theo kẽ đá xuống dòng sông để lấy nước và tìm dưỡng chất. Thân, cành của rì rì vừa cứng, vừa dẻo, vừa dai, bị dòng nước quăng quật bao nhiêu năm như thế mà vẫn vươn lên, tràn đầy sức sống. Không như nhiều loài cây khác, hoa rì rì không khoe sắc, vừa nở vừa e lệ soi mình vào dòng nước trong xanh, khi đã ngắm nghía thỏa thích thì bung ra như bông tuyết, trắng xóa.

Những người lái thuyền ở đây thật điệu nghệ, nhiều đoạn dòng sông vừa hẹp, vừa chảy xiết giữa những khối đá gồ ghề, ấy thế mà họ vẫn điều khiển thuyền ngược, xuôi trót lọt, du khách không ngớt trầm trồ ngợi khen. Độ hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đến được bản Co Phạt. Từ bờ sông, theo con đường bê tông rộng rãi, chúng tôi vào Trạm Biên phòng Môn Sơn. Sau khi được chỉ dẫn, chúng tôi tìm vào nhà anh La Văn Linh, Bí thư Chi bộ bản. Anh Linh là bộ đội phục viên, là Đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Con Cuông nhiệm kỳ 2016 -2021 và bây giờ đang làm Bí thư chi bộ khóa thứ hai.

Một góc bản làng người Đan Lai ở vùng lõi rừng Quốc gia Pù-Mát (ảnh Đình Hà)

Anh La Văn Linh kể: người Đan Lai chúng tôi bao đời nay, các thế hệ trước đều truyền miệng lại cho thế hệ sau rằng dân tộc mình ngày xưa là họ Lê, ở làng Đan Phượng, vùng Hoa Quân của huyện Thanh Chương. Một hôm, quan quân kéo đến giao cho làng Đan Phượng nội trong 3 ngày phải nộp cho triều đình một thuyền liền chèo và 100 cây nứa vàng. Cả làng không biết thuyền liền chèo là thuyền như thế nào, nứa bằng vàng thì lấy đâu ra; sợ bị bắt tội, cả làng thống nhất nửa đêm bồng bế, dắt díu nhau ngược theo dòng sông chạy trốn. Đi được mấy ngày thì dừng lại ở ngã 3 Khe Diêm nghỉ chân. Có tin quân triều đình đuổi theo, cả làng lại vội vàng đi tiếp, đến khi dòng sông nhỏ lại và bị một dãy núi cao chắn ngang thì dừng lại, đó là vùng Châu Khê, Môn Sơn bây giờ. Trưởng họ chia dân làng thành 2 nửa, một nửa sinh sống phía Khe Choăng gọi là Xã Anh (nay thuộc xã Châu Khê), một nửa sống bên Khe Khặng gọi là Xã Em (nay thuộc xã Môn Sơn). Sợ triều đình truy tìm, cả họ bàn với nhau đổi họ thành họ La, cải tiếng (sáng tạo ra một thứ tiếng riêng), đồng thời thống nhất khi có ai hỏi là người dân tộc nào thì trả lời là dân tộc Đan Lai. Từ “Đan” là nhắc con cháu không quên quê cũ, làng Đan Phượng ở Thanh Chương; từ “Lai” là nhắc con cháu phải lai tiếng để che giấu tung tích của mình. Các bô lão trong họ chôn một tảng đá ở Quan Lang (cách đập Phà Lài khoảng một km về phía thượng nguồn) để đánh dấu khu vực mình sinh sống, con cháu không được tùy tiện đi ra khỏi mốc giới này nhằm tránh gặp người ngoài, bây giờ tảng đá này vẫn còn. Mấy tháng sau, họ chúng tôi cử người về quê cũ nghe ngóng, gặp được trưởng tộc ở Thanh Chương, trưởng tộc nói rằng bây giờ đã đi rất xa rồi, cũng không thể mang được cái gì, hãy mang theo chiếc chiêng của họ để hàng năm, khi cúng bái tổ tiên thì đánh chiêng này lên. Chiếc chiêng ấy âm vang lắm, tôi đã từng nhìn thấy, năm 1984 đã bị kẻ gian trộm mất, tiếc lắm. Thế hệ chúng tôi suy đoán ngày xưa quan quân triều đình yêu cầu nộp “thuyền liền chèo” có lẽ là thuyền có cả mái chèo, còn “nứa vàng” có lẽ là nứa già, vì nứa già có màu vàng vẫn được gọi là nứa đồng nhưng ngày ấy tổ tiên không hiểu nên mới phải dắt nhau chạy trốn”.

Chúng tôi có hỏi anh vài câu hỏi, anh trầm ngâm, nhìn xa xăm, chậm rãi nói: “Các thế hệ trước kể lại, do không có công cụ sản xuất nên cuộc sống của người Đan Lai chúng tôi chỉ biết săn bắt, hái lượm. Thuở ấy, khu vực này rất nhiều hổ. Hổ nhiều lần vào bắt người nên phải rủ nhau trèo lên cây ngủ, nếu ngủ ở mặt đất thì phải ngủ ngồi để dễ chống trả. Cái nồi, cái chậu cũng không có nên trẻ em mới sinh cũng phải đưa ra suối tắm rửa bằng nước lạnh. Do ở trong một khu vực biệt lập với bên ngoài nên không có người dân tộc khác để kết hôn, thế là người trong họ phải lấy nhau. Một thời kỳ dài người Đan Lai chúng tôi khổ lắm, nhưng bây giờ thì khác rồi, nhờ có Đảng, chính quyền, bộ đội biên phòng và các đoàn thể đấy các anh ạ”.

Người Đan Lai ở xã Môn Sơn bên bếp lửa gia đình (ảnh Lan Trần)

Một anh bạn công tác ở huyện Con Cuông giải thích với chúng tôi: “Hơn 20 năm về trước, người Đan Lai sống rải rác trong rừng, nhà cửa chỉ làm bằng tranh, tre, nứa, lá. Do kết hôn cận huyết nên giống nòi ngày càng mai một, trẻ em thì thất học. Nhờ quá trình tuyên truyền, vận động bền bỉ, lâu dài và đề xuất, triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như di chuyển những hộ ở rải rác về điểm tái định cư, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, khai hoang ruộng nước, đẩy mạnh khuyến nông, phát triển du lịch… nên cuộc sống của họ đã đổi thay”. Nghe tôi khen cán bộ ở đây dân vận giỏi, anh cười, nói: có chi mô anh, cứu một dân tộc đang có nguy cơ bị diệt vong trong chốn rừng thẳm là một công việc quan trọng, cấp bách, luôn phải nỗ lực mà”. Nghe vậy, tôi thầm nghĩ thế mới biết công tác dân vận quan trọng biết chừng nào!

Đi một vòng trong bản, thấy nhiều hộ treo cờ tổ quốc trước ngõ, nhiều hộ có chảo thu sóng VTV, nhiều hộ đã trồng xoài, cam, bưởi trong vườn. Giữa bản là ngôi trường tiểu học khang trang, kề bên là trạm y tế của Đồn Biên phòng Môn Sơn rộng rãi. Ven bản, những mảnh ruộng bậc thang xinh xắn đã được gieo mạ để chuẩn bị cấy vụ hè thu. Vùng bãi bồi ven sông có mấy chị đang thu hoạch lạc, ai cũng nói cười rôm rả. Mấy con trâu đang gặm cỏ, thấy người lạ đi qua vội ngoảnh đầu lại nhìn. Giữa chốn đại ngàn, thấy được cảnh này, lòng bỗng thấy xốn xang.

Trước lúc chia tay, tôi tặng anh La Văn Linh logo của nhóm Facebook “Quê nhà Thanh Chương” và nhắc đi, nhắc lại “mời anh về thăm quê Hoa Quân, Thanh Chương mình nhé”.

Người Đan Lai đón chào khách quý về Bản dự lễ khánh thành nhà ở cho hộ nghèo (ảnh Đình Hà)

Thuyền trôi nhanh theo dòng nước nhưng lòng tôi vẫn mãi vấn vương với cảnh vật nơi đây và với người Đan Lai. Họ là nhân chứng sống của một thời gian dài loạn lạc, đau thương của dân tộc. Như những cây rì rì kia, họ đã tồn tại được mấy trăm năm trong chốn thâm sơn, cùng cốc; ngày nay, có sự lãnh đạo của Đảng, sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ Con Cuông, chắc chắn rằng họ sẽ có một tương lai ngày càng tươi sáng.

Khi gần hoàn thành bài viết này, tôi được anh Trần Đình Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông, Chi hội trưởng Chi hội Văn học Nghệ thuật huyện, một người được chúng tôi coi là “nhà Thanh Chương học” trao đổi: “Sau cuộc phân tranh Lê – Mạc (1533 – 1592), vùng Nghệ Tĩnh chúng ta là nơi tranh chấp quyết liệt của các thế lực phong kiến trung ương tập quyền. Nhiều trận hỗn chiến đã xẩy ra trên mảnh đất này và người dân đã phải chịu bao phu phen, tạp dịch, tô tức, cực hình. Có lẽ người Đan Lai – Ly Hà đã rời Thanh Chương trong thời kỳ đó”.

Nếu đúng như anh Hà nói thì câu chuyện quan quân bắt người Đan Lai phải nộp “thuyền liền chèo” và “100 cây nứa vàng” đã xẩy ra cách đây hơn 400 năm. Gần một nửa thiên niên kỷ mà lịch sử của dân tộc mình vẫn được người Đan Lai – Ly Hà lưu truyền bằng hình thức truyền miệng, thật kinh ngạc và khâm phục. Gần một nửa thiên niên kỷ mà người Đan Lai – Ly Hà vẫn coi mình là người Thanh Chương, nghĩa tình, da diết quá!

Ôi, đất và người Thanh Chương!

Phan Đình Hà