Tối ngày 19/8, tại xã Minh Châu (huyện Diễn Châu) đã diễn ra Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Hoàng Nguyên (Cao Cự Phúc) nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của ông (1973 – 2023). Đêm nhạc do Chi hội VHNT Diễn Châu phối hợp với UBND Minh Châu, dòng họ Cao Cự và gia đình nhạc sĩ tổ chức.

Các đại biểu tham dự đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Hoàng Nguyên

Tới dự đêm nhạc có đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, đại diện lãnh đạo huyện Diễn Châu, chính quyền xã Minh Châu, đại diện dòng họ Cao Cự và gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Nguyên cùng đông đảo bà con nhân dân.

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên tên thật là Cao Cự Phúc, sinh ngày 3 tháng 1 năm 1930 tại xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Hoàng Nguyên mê nhạc và họa từ nhỏ. Ông học trường huyện (nay là Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn).

Năm 1948, Hoàng Nguyên gia nhập Việt Minh trong đoàn Văn Công quân đội ở Khu Bốn. Năm 1950 ông theo cha về Quἀng Trị. Các tài liệu gần đây cho biết dὺ rời chiến khu, ông vẫn làm việc bί mật cho Việt Minh, nhận những nhiệm vụ đặc biệt.

Sau Hiệp định Genѐve, Hoàng Nguyên dạy học tại trường tư thục Tuệ Quang, thuộc chùa Linh Quang, khu số 4 Đà Lạt, do Thượng tọa Thích Thiện Tấn làm Hiệu trưởng. Thầy giáo Cao Cự Phúc dạy Việt văn lớp đệ lục. Trong ở đó, ông là thầy giáo dạy nhạc cho Nguyễn Ánh 9, người sau này trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng đồng thời là nhạc công chơi đàn dương cầm.

Những năm tháng ở Đà Lạt, Hoàng Nguyên đã viết “Ai lên xứ hoa đào” và “Bài thơ hoa đào”. Hai nhạc phẩm này đã ngay lập tức đi vào kinh điển và trở thành 2 trong 3 ca khúc hay nhất về Đà Lạt thời ấy (nhạc phẩm thứ ba là “Thành phố buồn” của Lam Phương). Năm 1956, trong một đợt truy lùng của chính quyền Sài Gòn, Hoàng Nguyên bị nghi vấn có hoạt động chống chính phủ quốc gia vì khi tư gia bị khám xét, cảnh sát tìm được bản “Tiến quân ca” của Văn Cao. Bởi vậy, ông bị bắt và đày ra Côn Đảo.

Ca sĩ Quế Thương thể hiện ca khúc “Thuở ấy yêu nhau”

Hoàng Nguyên được trả tự do, trở về Sài Gòn, tiếp tục sáng tác và dạy học ở trường tư thục Quốc Anh. Năm 1961, Hoàng Nguyên theo học tại Đại học Sư Phạm Sài Gòn, ban Anh văn.

Năm 1965, Hoàng Nguyên được nhạc sĩ Anh Việt giao chủ trì ban nhạc “Hương thời gian” thu hút khá nhiều khán giả. Ông qua đời vào ngày 21 tháng 8 năm 1973 ở Vũng Tàu trong một vụ tai nạn giao thông.

Hoàng Nguyên ra đi quá sớm, ở tuổi 43, khi đang sáng tác sung sức, để lại vợ và 3 người con. Những người bạn thân thiết là các nhạc sĩ Anh Việt, Nguyễn Hiền, Nguyễn Lan Đài và Nguyễn Ánh 9 đã xuất bản một tuyển tập nhạc của nhóm nhằm góp tiền xây bia mộ cho ông. Trong bài viết “Một cung đàn tài hoa bạc mệnh”, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bày tỏ rất tha thiết về thầy mình: “Hoàng Nguyên vĩnh viễn ra đi đã gần nửa thế kỷ, gửi lại cho đời không ít những tác phẩm đáng trân trọng bởi nét nhạc tài hoa và ca từ thấm đậm”.

Ông Trần Cảnh Yên – Chi hội trưởng VHNT Diễn Châu đọc lời giới thiệu
Ông Đào Hồng Thanh – Trưởng phòng VHTT huyện Diễn Châu phát biểu tại đêm nhạc

Phát biểu tại đêm nhạc, ông Đào Hồng Thanh – Trưởng phòng VHTT Diễn Châu khẳng định: “Diễn Châu rất tự hào khi quê hương có một nhạc sỹ tài hoa như nhạc sỹ Hoàng Nguyên. Ông để lại cho đời những bản nhạc vô cùng sâu lắng. Đặc biệt là những ca khúc viết về Đà Lạt nổi tiếng như “Ai lên xứ hoa đào”, “Bài thơ hoa đào”…. Và theo như đánh giá của nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha: “Nhạc sỹ Hoàng Nguyên được coi là người đội vương miện nhan sắc cho Đà Lạt”. Cùng với những văn nghệ sỹ tài hoa của quê hương như nhà thơ Trần Hữu Thung, nhà văn Sơn Tùng, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nhạc sỹ Hoàng Nguyên đã góp danh làm giàu thêm bề dày và truyền thống văn hoá của vùng đất có danh xưng   Hoan Diễn gần 1400 năm”.

Bà Võ Thị Hồng (bên phải) một người em của nhạc sĩ Hoàng Nguyên thay mặt gia đình cảm ơn những tình cảm quý báu của các đại biểu có mặt tại lễ đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Hoàng Nguyên

Bà Võ Thị Hồng – một người em gần gũi nhất với nhạc sĩ Hoàng Nguyên lúc còn ở quê nhà xúc động nói về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông và thay mặt gia đình cảm ơn những tình cảm quý báu của các đại biểu có mặt tại đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Hoàng Nguyên.

Đan xen trong đêm nhạc là những bài hát, những điệu múa ca ngợi quê hương, đất nước, con người vùng đất Diễn Châu.

Trong đêm nhạc, nhiều ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã được các ca sĩ, nghệ sĩ của đoàn ca múa dân tộc Nghệ An biểu diễn đan xen với những bài hát, những điệu múa ca ngợi quê hương, đất nước, con người vùng đất Diễn Châu.

Ca khúc “Ai lên xứ hoa đào” do NSƯT Ngọc Hà và Minh Tâm thể hiện
Ca khúc “Cho người tĩnh lỡ” do ca sĩ Thanh Hải trình bày

Tin: Hà Anh. Ảnh: Võ Khánh