Ngày 12/8/2018. được sự hỗ trợ của gia tộc Cao Cự ở Diễn Châu, Nghệ An, chi hội VHNT Diễn Châu đã tổ chức cuộc tọa đàm về nhạc sỹ Hoàng Nguyên (Cao Cự Phúc) nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày mất của ông (21/8/1973-21/8/2018).

Đây là một sự kiện nổi bật trong đời sống văn học nghệ thuật tại Diễn Châu trong nhiều năm qua; đã gây được sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội, và để lại những ấn tượng, tình cảm đặc biệt trong lòng những người yêu âm nhạc nói chung và cả trong giới nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc trong và ngoài tỉnh. Từ điển Wikipedia trước đây đã ghi quê hương nhạc sĩ Hoàng Nguyên là Quảng Trị (thực ra đây là nơi ông ở với cha – một viên chức thời Pháp thuộc, do ông mồ côi mẹ từ nhỏ), ngay sau cuộc tọa đàm này, đã sửa lại, quê hương nhạc sĩ là xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Có thể nói cuộc tọa đàm về một nhạc sỹ tên tuổi do một chi hội văn học nghệ thuật cấp huyện thực hiện – là một sự kiện “Vô tiền khoáng hậu” ! Ngay từ khi lập kế hoạch, xây dựng kịch bản và xác định chủ đề nội dung cho cuộc tọa đàm, chúng tôi đã thấy quy mô một “ cuộc chơi” hơi quá tầm! Nhưng với tâm huyết của những người làm chương trình và được sự giúp đỡ chí tình của nhiều bạn bè văn nghệ; trong đó có các nhà thơ, nhạc sỹ: Nguyễn Trọng Tạo; Nguyễn Thụy Kha, Phạm Quốc Ca,… đặc biệt có sự hỗ trợ đắc lực của những người thân trong dòng họ Cao Cự, Ban chấp hành Chi hội đã quyết tâm và đã làm nên thành công cho cuộc tọa đàm ngoài cả sự mong đợi!

Cuộc “Trả lại tên quê hương” cho người nhạc sỹ tài hoa bạc phận ấy đã có câu trả lời từ gia đình ông, xác thực qua những tài liệu gốc, chính xác được sao chụp và công bố tại cuộc tọa đàm của những nhân chứng đến từ phía gia đình, giòng họ của nhạc sỹ. Tại cuộc tọa đàm, các bài tham luận: “Nhạc sỹ Hoàng Nguyên (Cao Cự Phúc) được sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng” của đại tá Cao Cự Trúc; “Nhạc sỹ Hoàng Nguyên, người anh tôi vô cùng kính trọng” của thạc sỹ Võ Thị Hồng nguyên giám đốc công ty Mỹ thuật trung ương; và đặc biệt là sự xuất hiện và lời cảm tạ trong nước mắt của ông Cao Cự Độ, em ruột của nhạc sỹ Hoàng Nguyên dường như đã nói hết những nỗi niềm day dứt vì sự lên tiếng muộn màng, và niềm hạnh phúc của những người thân trong giòng họ Cao Cự khi được đón một người thân yêu đi xa vừa trở về!
Những tài liệu như giấy khai sinh Cao Cự Phúc, những tư liệu trong sử phả của tộc họ và những hồi ức của những người thân thích với nhạc sỹ đã gây xúc động, và thuyết phục người nghe tại khán trường cũng như những người quan tâm theo dõi cuộc tọa đàm qua truyền thông; dường như đã thấy một nhạc sỹ Hoàng Nguyên (Cao Cự Phúc) bằng xương bằng thịt đang trở về quê hương bản quán của mình tại làng Chợ Mới, xã Diễn Binh – Diễn Châu!

Nhạc sỹ Hoàng Nguyên.

Về các tác phẩm âm nhạc của Hoàng Nguyên… “Có người nghe nhạc viết về Đà Lạt của Hoàng Nguyên rồi gọi ông là người đội vương miện cho nhan sắc Đà Lạt. Những người du khách, nghệ sĩ nghe nhạc, nhập vào những âm thanh bên hồ, tiếng suối, tiên cảnh nên thơ… Những nốt nhạc lên xuống như núi đồi nối nhau. Những hoa bướm, bướn hoa; những quên lãng, lãng quên như quấn quýt lấy nhau trong một khúc thức mở ra không cùng lấp lánh và lời ca của Hoàng Nguyên rất giàu chất thơ, gây mê người thưởng thức. Qua bài hát, ta thấy tài năng cả nhạc và lời của Hoàng Nguyên như được trời cho”.
Tiến sỹ văn học Phạm Quốc Ca, một người con của quê hương Diễn Châu hiện đang sinh sống ở Đà Lạt, đã không giấu được cảm xúc khi nói về những dấu ấn của các tác phẩm âm nhạc của nhạc sỹ Hoàng Nguyên; sự ngưỡng mộ và tình cảm tốt đẹp đối với người nhạc sỹ tài hoa, và anh đã thốt lên: “Tôi cứ ước có một con đường mang tên Hoàng Nguyên tại Thành phố Hoa này thì thật là trọn vẹn đối với một nhạc sĩ đã có công làm hay, làm đẹp cho xứ sở”!

Ngoài những tham luận, những phát biểu đầy cảm xúc của các diễn giả khách mời, các bài phát biểu của lãnh đạo tỉnh, huyện; người xem còn được hiểu thêm thân thế, sự nghiệp của ông qua các clip; được thấy tình cảm của chính quyền, nhân dân và du khách đến Đà Lạt đã dành cho ông; bản nhạc nổi tiếng Ai lên xứ hoa đào của ông được khắc trênđá, tạc trên gốm, được đặt những vị trí trang trọng nhất của thành phố Đà Lạt. Người nghe còn được đắm mình trong một không gian âm nhạc hết sức lãng mạn qua các tiết mục đan xen thể hiện các ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Nguyên như: Ai lên xứ hoa đào, Cho người tình lỡ, Bản tango cho em, Tà áo tím, Bài thơ hoa đào…

Thành công của cuộc tọa đàm không chỉ là những cảm xúc, những ấn tượng mạnh mẽ và tình cảm tốt đẹp của hàng trăm đại biểu đến dự đã giành cho nhạc sĩ Hoàng Nguyên và âm nhạc của ông; dành cho những người thực hiện chương trình. Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình trong và ngoài tỉnh đã chứng kiến nhanh chóng đưa tin và bình luận; và đã lan tỏa trong cộng đồng mạng xã hội. Người yêu âm nhạc nói chung và những fan ái mộ âm nhạc Hoàng Nguyên.

Trần Cảnh Yên