Không phải ngẫu nhiên, trên thế giới, người ta xếp báo chí thuộc quyền lực thứ tư, chỉ sau các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Góp phần tạo nên quyền lực đó phải kể đến vai trò của đội ngũ những người làm báo.

Báo chí có sức mạnh rất đặc biệt trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái và tiêu cực xã hội, tạo diễn đàn công luận công khai, phát hiện những bất cập yếu kém trong công tác đấu tranh phòng chống tiêu cực. Trong phạm vi nước ta, nhiều vụ án lớn, nhiều vụ việc tiêu cực bị phanh phui, xử lý mà bắt đầu chỉ từ một bài báo, không ít tấm gương nhà báo trong sáng về đạo đức, tinh thông về nghiệp vụ, dũng cảm dấn thân để đưa các sự việc tiêu cực ra ánh sáng. Đã một thời chúng ta nhìn đội ngũ làm báo với tất cả sự ngưỡng mộ. Những tấm thẻ nhà báo, thẻ phóng viên trở thành niềm tự hào của người làm nghề…

Dưới tác động của khoa học công nghệ, báo chí có bước phát triển mới. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đưa đến nhiều thuận lợi cho báo chí nói chung và người làm báo nói riêng: tạo không gian kết nối thông tin không giới hạn, làm thay đổi phương thức tác nghiệp của người làm báo. Nhìn trong bức tranh chung, có thể nói chưa bao giờ đời sống báo chí ở ta lại phong phú như hiện nay. Theo Thông tấn xã Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí (giảm 71 cơ quan báo chí so với năm 2019), 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, trong đó 21.132 nhà báo được cấp thẻ. Nhưng cũng chính trong bối cảnh đó, báo chí đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đạo đức của người làm báo.

Nhà báo tác nghiệp trong điểm nóng. Ảnh: Thành Cường

Dĩ nhiên bất kỳ nghề nào, thời nào cũng đòi hỏi những chuẩn mực về đạo đức. Nghề báo là nghề đặc thù, đối với người làm báo, đạo đức gần như đặt lên hàng đầu song song với năng lực chuyên môn. Bởi đội ngũ làm báo là những người làm công tác truyền thông, định hướng xã hội, góp phần giáo dục, ươm mầm nhân văn; nội dung truyền thông của họ tác động rất lớn đến nhận thức của công chúng để công chúng quan tâm, học tập, làm theo, định hướng và cải tạo xã hội theo chiều hướng tích cực. Cũng vì thế mà xã hội đặt ra yêu cầu rất lớn đối người làm báo về tài, tâm, trí, đức.

Câu chuyện về đạo đức của người làm báo trong thời đại 4.0 có lẽ nên bắt đầu từ những danh từ mang tính miệt thị, mỉa mai dành cho một bộ phận người làm báo hiện nay, đó là những từ “kền kền”, “lều báo”… hay những câu nói đại loại như “nhỏ không học, lớn lên làm nhà báo”… Rồi những năm gần đây, rất nhiều sự việc đau lòng đến từ đội ngũ người làm báo với không ít trường hợp bị thu hồi thẻ, bị bạn đọc bóc “phốt” trên mạng xã hội, nhiều trường hợp phóng viên, nhà báo bị bắt quả tang khi thực hiện hành vi tống tiền hoặc đe dọa cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp với mục đích tư lợi. Các sai phạm phần lớn đến từ báo điện tử, hình thức sai phạm chủ yếu là thông tin sai sự thật. Đó là những sự việc làm tổn hại đến uy tín của cơ quan báo chí và làm xấu đi hình ảnh của người làm báo trong dư luận xã hội. Những câu chuyện đau lòng đó, chắc chắn sẽ khiến những người làm báo tự trọng đều cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương!

Chúng ta sẽ ngụy biện thế nào khi thực tế, nhiều người trong đội ngũ những người làm báo, nhất là những người trẻ ỷ lại vào công nghệ, vào mạng xã hội, thường coppy, góp nhặt, cắt xén, xào xáo thông tin, thiếu đầu tư vào tác phẩm báo chí, thiếu chính kiến cá nhân dẫn đến những bài báo na ná nhau về mặt nội dung, thông tin. Nói thẳng thắn, thì đấy chính là một dạng ăn cắp chữ nghĩa. Đối với nghề viết, đó là một hành vi đáng lên án, đáng tiếc hành vi này đang ngày một nhiều trong đội ngũ làm báo hiện nay.

Đạo đức của người làm báo không chỉ thể hiện ở trong các hành vi của họ mà còn thể hiện ở thái độ của họ đối với nghề báo.

Trước đây, với phương thức hoạt động của báo chí truyền thống (báo giấy), người làm báo luôn chỉn chu, thận trọng trong từng câu chữ. Một sản phẩm báo chí đến với người đọc qua rất nhiều công đoạn và quá trình kiểm duyệt chặt chẽ. Bởi vậy, những sai sót, có thể có, nhưng được hạn chế tối đa. Dưới yêu cầu của việc truyền đạt thông tin nhanh, người làm báo trong thời đại 4.0 đôi khi chỉ hướng đến tính nhanh chóng của việc chuyển tin mà bỏ qua sự trau chuốt về ngôn từ, dẫn đến sự cẩu thả trong dùng từ, đặt câu. Số liệu khảo sát do Công ty cổ phần Truyền thông và Công nghệ VieGrid tiến hành năm 2014 đã chỉ ra: trong 7 khu vực được đánh giá và xếp hạng, báo chí và nhà xuất bản đứng đầu về tỷ lệ mắc lỗi chính tả nhiều nhất (lên tới 9,58%, trong khi tiêu chuẩn quốc tế chỉ cho phép 0,1% và tiêu chuẩn do các chuyên gia ngôn ngữ trong nước đưa ra là 1%). Con số rút ra từ cuộc khảo sát này là minh chứng rõ nét cho “lệch chuẩn” ngôn ngữ trên báo chí. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta lại dễ dàng “nhặt sạn” trên các sản phẩm báo chí như bây giờ: viết hoa, viết tắt tùy tiện, đặt tít tối nghĩa, lỗi phi logic… Đó chính là biểu hiện của thái độ thiếu trân trọng nghề, trân trọng độc giả.

Trong thời đại 4.0, đối tượng bạn đọc càng ngày càng phong phú, sự thiếu chuẩn mực trong thực hành nghề sẽ mang lại những tác động tiêu cực đối với bạn đọc, làm tổn hại đến việc giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ tiếng Việt.

Đáng buồn hơn là những vụ việc phóng viên báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp bị các cơ quan chức năng xử lý trong thời gian gần đây khi lợi dụng chức danh nhà báo, lợi dụng phương tiện truyền thông để đe dọa cơ quan, doanh nghiệp, người dân nhằm mục đích tư lợi. Đưa tin một chiều, thiếu nhân văn; viết bài với mục đích “câu like”, “câu view”, “sáng đưa, chiều gỡ”, thiếu phản biện vấn đề trong phản ánh là thực trạng mà người làm báo hiện nay đang vấp phải đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính uy tín của người làm báo và gây mất niềm tin trong lòng bạn đọc, dẫn đến tâm lý xã hội ngại tiếp xúc, ngại va chạm, ngại cung cấp thông tin với báo chí.

Người làm báo thuộc về giới trí thức, sẽ nguy hiểm vô cùng nếu họ sử dụng báo chí như công cụ để thực hiện các ý đồ đen tối, biến họ thành những kẻ lưu manh trong nghề nghiệp của mình.

Đi tìm nguyên nhân, có thể thấy: dưới tác động của công nghệ 4.0, báo chí hiện đại phát triển theo xu hướng hội tụ đa phương tiện, mất đi tính độc quyền trong hoạt động truyền thông khi phải cạnh tranh với mạng xã hội và cạnh tranh ngay cả giữa các cơ quan báo chí. Hoạt động của báo chí trong bối cảnh ấy không thể không tính đến lợi nhuận. Báo chí xuất hiện quá nhiều loại hình tư liệu mang tính chất tiếp thị, quảng cáo. Điều này đã tác động đến những người làm báo khi hoạt động báo chí phải chạy theo chỉ tiêu quảng cáo để tăng lợi nhuận cho cơ quan, đơn vị và cá nhân dẫn đến thực trạng thông tin phản ánh một chiều, thiếu khách quan, trung thực. Nhiều người làm báo hiện nay đã không còn thuần nhất làm báo mà thực chất họ kinh doanh trên nghề báo.

Nguyên nhân kế tiếp đến từ việc đào tạo, tuyển dụng đối với người làm báo. Việc tuyển dụng nhân sự làm báo của không ít trang báo, tờ báo không còn khắt khe như trước, đã góp phần hình thành nên một bộ phận người báo làm thiếu đức, thiếu tài.

Độc giả là yếu tố tiếp theo tác động đến đạo đức của người làm báo. Khi độc giả còn khát các tin tức giật gân, gây sốc, khi vẫn còn tồn tại bộ phận độc giả là các “anh hùng bàn phím”, thích xỉa xói đời tư cá nhân, khi thói quen hình thành ở độc giả chỉ quan tâm đến tìm kiếm thông tin với cách thức đọc nhanh, đọc lướt thì còn hiện tượng “câu like”, “câu view”, cẩu thả trong đưa tin của người làm báo.

Trong một phương diện nào đó, những người làm báo có tâm, có tài, có bản lĩnh nhìn nhận và đánh giá sự kiện, nhân vật, vấn đề mang tính bản chất, tôn trọng sự thật khi thể hiện chính kiến, nhưng họ lại không quyết định được việc công bố sản phẩm báo chí của mình trước công luận.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không thể cải tạo được môi trường báo chí trong thời đại 4.0. Tuyển dụng, sàng lọc, ưu đãi, trọng dụng người tài, đó là những việc làm cần thiết để các cơ quan quản lý báo chí thanh lọc bộ máy người làm báo hiện nay.

Công nghệ đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của báo chí nhưng cái tâm của người làm báo chính là căn bản để báo chí phát triển bền vững. Muốn giữ được đạo đức với nghề, trước hết phụ thuộc vào chính bản lĩnh những người làm báo, bản lĩnh trong phản ánh sự kiện, nhân vật, bản lĩnh để vượt qua cám dỗ… Cùng với đó, người làm báo phải nhận thức tốt hơn nữa về trách nhiệm của mình đối với xã hội. Và với tư cách là người đọc tiếp cận nhiều phương tiện báo chí, chúng tôi luôn mong muốn người làm báo tôn trọng sự thật, trung thực, khách quan trong phản ánh để báo chí trở về với giá trị thực của nó, là phương tiện truyền thông tử tế!

Nguyễn Thị Quỳnh Phương

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 14, tháng 6/2021)