Gần như sáng đêm Lành không ngủ. Cuộc đời chị tựa như đang đứng trước ngã ba đường, buộc phải chọn một trong vài ngày tới. Một con đường là quay lui lại, sống với người chồng dở hơi nhưng có cuộc sống bình yên vô sự. Chị sẽ sống với cha mẹ và hai con âm thầm và chết mòn, chết dần đi như bao phụ nữ khác ở xóm Kẻ Bèo. Cuối cùng sẽ gửi nắm xương tàn tại nghĩa địa quê hương với ông bà tổ tiên nhà chồng họ Trần. Nghĩa là không cần nghĩ ngợi, phấn đấu, may rủi gì cả. Nó cứ tuồn tuột đến chốn mịt mù âm ty.

Con đường thứ hai là bỏ quán cà phê Cửa Rừng mà chị đang bưng bê và luôn nhận được các khách ăn chơi mơn trớn, nói lời có cánh này để về ở hẳn làm vợ kế với lão “Lộc Dê”. Đấy là một ông lão có hai vợ qua đời còn rất trẻ, trẻ hơn tuổi Lành bây giờ, tức chưa đầy 30 tuổi. Hai bà vợ vai u thịt bắp, gánh nước bốn thùng tôn mà về làm vợ lão chưa đầy 5 năm đều ra đi. Người ta bảo lão Lộc Dê lúc nào cũng mặt mũi phừng phừng, thấy đàn bà con gái là sán lại. Người đời nói xấu ông thế nhưng đối với Lành lại là ân nhân. Chính ông ta, hai năm nay đã làm cho chị Lành và gia đình Lành từ nơi bùn lầy lên được con đường khô ráo; từ cảnh khốn cùng trở nên dễ thở và bây giờ lão đang đặt vấn đề lấy chị làm vợ kế. Bảy mươi tuổi có lẻ rồi nhưng những trai tơ phum Cà Tớn này chưa ai có thể vật tay mà thắng lão. Bước lão đi thình thịch như bước chân voi kia mà.

Con đường thứ ba nói ra thì buồn cười, nhưng cũng hy hữu. Ấy là có người anh em họ xa, thật ra là chẳng “máu loãng” gì, chỉ là người dưng thôi, từ quê cùng vào  đây sinh sống, nói sẽ là thương nhau phần cuối đời. Cái khó của cuộc tình này là anh ta còn trẻ đấy, hơn chị có hai tuổi, nhưng cho dù máu loãng đến không phần trăm, nếu không khéo cũng sẽ mang tiếng là loạn luân. Vả lại, cả hai người đều bàn tay trắng, làm thuê ki cóp cả đời cũng không thể mua nổi đất dựng vài gian nhà để chui rúc, cho dù không có con. Khổ thế, người đàn bà có nhan sắc, còn trẻ ở chốn đất khách quê người, vượt cạn một mình, quả là mung lung khó quyết. Cả ba con đường đều phải thân gái dặm trường, rõ là số kiếp hồng nhan, phận mỏng, kể từ khi tóc bới đuôi gà. Nếu ví Lành là bông hoa trong thế giới loài hoa rực rỡ cao sang, thì chị tương xứng với bông hoa sen, hoa súng giữa đầm lầy.

Thân sinh ra Lành là một ông nông dân, chân chỉ hạt bột. Ông Đai bố Lành, chỉ cao khoảng mét hai. Vác cái bừa xốc, người ta vác xuôi còn ông phải vác ngửa, chổng răng lên trời. Ông không đi học, mãi đến thời bình dân học vụ sau cướp chính quyền ông mới học đến “o tròn như quả trứng gà/ ô thì đội nón/ơ già thêm râu” thì phải bỏ. Nghĩ cũng chẳng học làm gì, cán bộ chẳng đến lượt mình. Khi làm ăn hợp tác xã thì công điểm đã có người chấm, người cộng. Cuộc sống hiền lành không kiện cáo gì ai thì chữ nghĩa làm gì cho mệt.

Mẹ của Lành tuy học ít, nhưng tính nhẩm vẫn nhanh hơn bàn tính bàn gạt. Bà buôn đầu chợ bán, cuối chợ, phụ vào cho chồng nuôi hai con. Thằng con đầu cũng không nhọc đường bút nghiên, hễ cầm sách là ngủ gật nên học hết vỡ lòng cũng xin thôi. Lớn lên đi buôn gỗ. Tài thế, khúc gỗ tròn, nhìn qua là anh biết xẻ ra được mấy văng, mấy xà. Cho dù bôi bùn, lóc vỏ vẫn biết gỗ ấy thuộc nhóm tứ thiết hay gỗ tạp. Cả nhà ông không ai tốn một xu dầu cho sự học hành thi cử nên cũng tiết kiệm được lao động. Biết làm là vơ tay vào mồm nên chưa năm nào đứt bữa.

Nếu không nói về cái tài đánh trống của ông Đai thì đúng thật thiếu sót. Ông đánh trống tuồng, sau mất tuồng thì đánh trống đám ma. Hễ ai có đám là ông thức suốt đêm lo lắng việc trống kèn và thức cùng tang chủ. Đêm khuya nói hết chuyện, người ta đưa chuyện cô Lành, con gái ông ra bàn. Người ta nói, nếu như thi hoa hậu mà bỏ đi thi phần ứng xử hoặc lý lịch khai văn hóa thì chắc cô Phạm Thị Lành sẽ dính không Hoa hậu Trái đất thì cũng Hoa hậu Đại dương, bét lắm cũng là hoa hậu xứ Lam Hồng. Cô lại có gen trội của bố về ca hát, nên trong hội diễn văn nghệ của xóm, của làng, mỗi khi tiếng hát của cô cất lên là bao chàng trai mê mẩn.

Tất nhiên không ai dám tả vẻ đẹp ấy bởi nói ra không dễ. Chỉ có thể nói cảm nhận thôi: Nó như bông hoa khoai lang, trắng nõn và tim tím. Nó như bông hoa dẻ vàng mơ, cánh giản đơn mà thơm lừng. Cũng có thể nói là bông sen, phơn phớt hồng, ở chốn bùn nhơ mà thanh cao, ngan ngát. Đám con trai làng đứa nào gặp cũng ngắm trộm Lành nhưng bị chế lấy làm vợ thì lại chối đây đẩy, nổi khùng, nổi đóa. Có lẽ bởi hai cái tai ác này: Thứ nhất, thời đại “a-còng” hoặc “bốn chấm không” rồi mà ai đời cô gái ấy còn mù chữ. Thứ hai, con gái con lứa thời nay nói năng như tép nhảy, chưa gặp nhau đã nhắn tin đùa cợt mà chẳng ăn ai, đàng này Thị Lành chỉ mỗi có biết cười. Cười thì cũng tươi đấy, nhưng mà chỉ cười không cũng chán, cũng ngại. Đó là chưa kể quần áo bốn mùa, mùa nào cũng áo nâu nhuộm bùn, quần đụng chân quê. Có mỗi cái áo xanh chỉ giang tân thời thì ngắn cũn cỡn. Tóc tai, của đáng tội, nếu chăm sóc chu đáo, gội bằng xà phòng thơm hay bồ kết cẩn thận vào chắc cũng dài đến khoeo chân, nhưng như thể rằng, Lành chỉ chải bằng mười đầu ngón tay chứ chưa bao giờ dùng gương lược thì phải. Cũng là lạc hậu, Lành thường đi chân đất. Đến nỗi đi giỗ bên ngoại, bà Ngân mẹ Lành ép mãi cô mới đi giép tổ ong, nhưng khi về lại quên ở nhà thờ, cứ gánh mâm chân trần con cỏn chạy về. Đến nhà, thằng anh nhắc, cô mới trở lại lấy dép, nhưng cầm tay đem về chứ không xỏ đi.

Lành cẩu thả đơn giản vậy do bản tính chậm, quá thật thà, nhưng một phần cũng do ông bà không cho con gái đi học nữa. Ông Đai, từ kinh nghiệm mình mà ra “không học cũng sống được như ai”, còn bà Ngân thì vẫn biết “đi học được dăm ba chữ thì cũng hay đấy – đi ra có thể đọc được thư, lại khỏi bị người ta chế nhưng mà đóng góp bây giờ nó tốn kém quá. Nếu cả hai đứa đi học mỗi năm cũng có thể mất đứt sào ruộng khoán, bốn miệng ăn vào 3 sào lúa thì ăn gì?” Thành ra, cứ theo truyền thống gia đình, không biết chữ cũng “chẳng chết ai” luôn. Thì đấy, trong xóm có anh Hớn học xong lớp mười vẫn nhảy xuống ao, vớt bèo cho lợn, chứ làm ăn gì với thơ ca, toán pháp đâu.

Lành đẹp như bông hoa dại nhởn nhơ vậy nhưng tịnh không ai đưa rượu đến dạm hỏi. Con gái nhà quê đã qua tuổi hai mươi rồi mà không ai đến rước thì trăm phần trăm ế là cái chắc. Đến đúng hai mươi tuổi rưỡi, thì có chàng trai đến hỏi nhưng lại là anh Hiền mới trớ trêu.

Trớ trêu vì anh này cứ nói thẳng ra là đần đù. Vẫn biết ăn cơm uống nước, biết mặc quần áo cả ngày và biết thích con gái nữa đấy nhưng mà tính hay quên và hay nổi khùng vô cớ. Hôm đến nhà Lành, anh Thạc con ông bác đèo bằng xe đạp đến bỏ ngay cổng, chỉ cô gái chủ nhà đang thái rau lợn (là Lành) rồi lỉnh mất. Cô Lành kéo ghế tiếp chàng trai đến nhà lần đầu tiên, thân mật, chu đáo. Cô kéo ghế dài cho chàng ngồi, rót nước lã đun sôi vào hai cái bát đại mời chàng uống và hỏi:

– Anh Hiền đến chơi, đi bộ từ nhà đến hay ai đèo đến, mà biết nhà Lành?

– Anh trai con bác, đưa đến cổng bảo: “Cứ hỏi thật cô có lấy tôi không?” rồi hẹn nửa giờ sau trở ra để đón về.

Cô Lành cười:

– Anh nói thật thì tôi cũng nói thật, nói gần nói xa chẳng qua nói thật mà. Tôi bằng lòng lấy anh đấy, nhưng anh phải nói với mẹ và cô Hiến – chị của anh, đem trầu rượu đến thưa với cha mẹ tôi đàng hoàng.

Hiền không hiểu gì về câu nói cao xa của Lành nhưng cứ nhìn vào đôi mắt là biết cô ta muốn thật sự. Anh ta ngồi ngắm người yêu chằm chằm. Chỉ chực ôm cái cho sướng, nhưng sợ. Một lát, chừng nửa giờ, anh ta nghe tiếng huýt sáo làm hiệu ngoài ngõ, vội chào ra về.

Hôm sau đúng ngày trăng rằm, trăng tròn vành vạnh, gió nồm Nam mát rượi, anh Thạc đại diện họ Trần đại tôn, cô Hiến chị gái Hiền và mẹ chàng rể kéo nhau vào nhà Lành ăn hỏi. Ông bà Đai mừng quýnh lên. Thế là như tiêu được đồng bạc giả. Bà Ngân cũng mừng, chính thức đặt vấn đề. Cuộc trò chuyện đám cưới và xin dâu cũng chóng vánh. Cả hai nhà không ai giỏi chữ nghĩa, văn thơ nên cứ lời thật mà thưa, lời thật mà đối lại nên không rề rà như đám khác. Ông Đai nói thật: “Con Lành nhà tôi như con trâu đã thuộc cày, về nhà làm ăn không phải bày dạy gì nữa, quý là chỗ ấy. Chỉ có điều, nó ra đường do “sạch mặt” nên cũng có kẻ đùa cợt. Mong bà thật bụng cứ giúp cháu, nhất là hoàn cảnh anh Hiền cũng thật thà nên phải bỏ quá cho cháu”. Bà cô Hiến bỗng dưng nói được một câu văn hoa nên bên nội ai cũng tự hào. Cô ví von: “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta chòng” có ngại gì đâu hả ông bà!

Đám cưới tiến hành đơn giản nhưng mà chất lượng. Tức là vẫn mười mâm đón dâu. Một mâm hai đĩa thịt, hai đĩa cá, hai đĩa rau và tô nước xáo mỡ nổi lều bều. Điều lạ là, vẫn có phong pháo tép, có văn nghệ và chàng rể chắp tay hát một bài! Rõ là mạ già ruộng ngấu, đúng chín tháng mười ngày sau, đã thòi ra một thằng cu, cân nặng hơn ba cân mốt.

Bà Nghệ thay chồng quyết định ngăn nửa vườn, xây cho hai vợ chồng trẻ ba gian nhà, lợp ngói vảy, gỗ hoành bằng bạch đàn vườn và vách bằng sò táp lô dựng nghiêng. Đúng chị Lành là con trâu “ăn hay cày chịu”. Sinh nở chưa đầy tháng đã tự giặt dũ, cấy ruộng sâu, gánh phân chạy con cón trên bờ ruộng. Lại khéo phỉnh chồng nhổ mạ hộ. Nhưng anh Hiền nhổ mạ như vặt lông gà, người vợ bèn làm rốn cho xong. Thành ra anh chồng bị tước dần hết quyền lao động, chỉ còn mỗi quyền trông con và đuổi gà. Nấu cơm thì sợ cháy nhà, thôi thì thị làm xắp cho an toàn.

Oái oăm thay, thằng anh chưa tròn tuổi thì bụng thị Lành đã lại lùm lùm như cái rá úp. Thì cũng tại thị nữa, anh Hiền đêm hay sờ soạng, quấy quất, đáng lẽ mắng thì thị đồng tình hưởng ứng mãnh liệt. Thành ra sinh đứa thứ hai thì cái gay đã lù lù đến trước ngõ. Ruộng khoán, hai sào một mình thị dang tay cuốc rồi dẫm cho nó nhuyễn đất mà cấy chay. Người chồng phỉnh mãi cũng ra ruộng cuốc đấy nhưng chỉ được dăm ba nhát là vác cuốc về, vừa đi vừa chửi lầm bầm vì sợ nắng. Cái gay nữa là sức của Lành cũng mau xuống dốc. Bây giờ gánh chừng ba mươi cân phân là thị thở dốc, thở phì phò như bò cày đất khô. Lại mắc chứng ho sù sụ như cuốc kêu thâu đêm.

Họa vô đơn chí, thằng chồng dạo này lại mắc lỗi hay quên và khùng vặt. Động tí là vất thúng, đá đòn. Hay quên thì ví như: Sang nhà anh Thạc chơi, Hiền cứ ngồi lỳ ở hè đến trăng lặn, sao tàn mà vẫn không chịu về. Vợ Thạc, chị Hâu ướm hỏi:

– Chú Hiền hôm nay ở lại ngủ ngoài hè này cho mát hay sao mà không về nhỉ?

Hiền giật mình hốt hoảng:

– Ơ, thế đây không phải nhà Hiền à? Quên cứ tưởng là… Chào nhé!

Thế là tức tốc ra về. Mới hôm qua đây, đi họ rằm tháng Giêng họ Trần đại tôn, do anh Thạc làm tộc trưởng, nói là họ đại tôn nhưng chỉ sáu hộ, hai mươi ba đinh. Theo truyền thống tổ tiên để lại, ngày rằm cứ mỗi đinh được chia phần họ, một vắt xôi bằng quả cam và một lát thịt luộc bằng tai mèo. Bà mẹ anh Hiền có khách thông gia đến chơi, bèn đưa rá cho Hiền, bảo: Hễ nghe xướng đến tên thì nhận. Bà bắt Hiền lên ngồi gần người chia phần để nghe cho rõ. Hiền chăm chăm vào người gọi sổ. Người gọi đến tên ông Trần Sâm tức là cha Hiền, bà Nghệ là mẹ Hiền, mà anh ta vẫn ngồi im thin thít. Người ta nhắc thì anh ta bảo “Hiền quên tên cha mẹ đẻ, chứ không phải đần”. Người ta bỏ vào rá cho ba phần xôi, Hiền đội rá về. Về nhà Hiền bảo vợ và mẹ:

– Mẹ và vợ đếm lại xem có đủ ba vắt không?

Bà Nghệ tru tréo lên:

– Khổ rứa là hết khổ chứ còn chi nựa. Có ba vắt xôi mà còn bảo mẹ đếm lại…

Chưa hết, còn có một mối nguy cơ tiềm ẩn đối với Lành. Ấy là bà Nghệ, từ ngày ông Sâm mất, con gái lớn đi lấy chồng, bà chuyển ruộng cho vợ chồng Lành nên đành kiếm cớ sinh nhai bằng nấu rượu lấy hèm nuôi lợn. Tiền lãi đủ đong gạo củi đuốc lằng nhằng. Rượu nấu bằng nồi ba ba, sanh nước bắc trên làm lạnh thì phải thay nước giếng mát luôn nên bà phải thuê con trai xách hộ. Cứ một xô nước vào là trả công một chén mắt trâu rượu. Anh chắt Hiền hăng hái vì xách xô nước không mất mấy sức mà lại được uống thứ nước nóng nóng, nồng nồng. Rượu uống vào đêm nằm ngủ bên vợ thấy cũng muốn ôm vợ vài lần cho vui. Lâu ngày thành nghiện rượu và nghiện sờ ti vợ. Thành ra Lành khổ đủ bề. Nếu không cho thì hắn ta vùng vằng, có khi la làng lên, ai hỏi thì cứ nói thật là con mẹ không cho… Thành ra Lành đã khổ lại còn thẹn đến chín mặt, chẳng muốn ra khỏi nhà. Đôi khi thị cực thân quá nghĩ ăn mồi thuốc chuột cho qua đời, nhưng thị lại thấy hai đứa con nheo nhóc, thị không dám. Cũng có lúc thị nghĩ, nếu ai thuê làm gì mà có tiền thì thị đi quách, ở nhà con làm khổ, chồng làm tội chẳng mấy chốc mà chết. Mà dạo này thị gầy thật. Cái cổ dài ra như cổ cò, chân dài như que củi; da thì trắng bệch, xanh xao.

Đang lúc bế tắc thì trong dịp Tết Nguyên đán, có cô Thiều con bà dì ở trong Nam về nói chắc như cua gạch:

– Trong Tây Nguyên, miền Nam, họ thuê hái cà phê cơm ăn tiền liền. Mà kỹ thuật cũng dễ. Nói hái chứ trải tấm bạt dưới gốc rồi tuốt quả rụng xuống sau dồn lại. Sức vóc như chị Lành đây một ngày cũng tuốt được một tạ hai đến một tạ rưỡi quả. Cơm ăn rồi, còn trăm bạc là cầm chắc. Nếu chị đi thì em dẫn đi…

Thế là thành hội nghị Diên Hồng. Lành hăm hở đi để cứu con, cứu chồng khỏi chết đói đang cận kề. Hai sào ruộng năm nay không có đầu tư phân lân, phân đạm lại gặp rét trông lơ phơ như lông chim câu, mất mùa là cái chắc. Hơn nữa, nghe chừng anh Hiền cũng phải thuốc thang, nếu không sẽ bị phát bệnh nặng. Đêm đêm thường bỏ nhà đi. Tất cả sẵn sàng, ngặt nỗi không có tiền tàu xe.

Anh Thạc lên chơi, nghe nói thế cũng hào hiệp:

– Tôi sẽ cho mự vay năm trăm nghìn đồng làm lộ phí. Đi ra làm ăn chứ ở nhà ru rú ôm con thì chết đói cả. Nếu bà nội kêu bận nấu rượu không trông cháu được thì gửi bà ngoại. Ai cũng mó tay vào…

Cô Hiến đã lấy chồng rồi, nhưng vẫn thọc gậy bánh xe trong cuộc mưu sinh này:

– Chỉ sợ tiền mất mật đổ. Đi ra ăn ngon quen mồm về lại không chịu khổ được. Được voi đòi tiên mà.

Lành hứa sẽ đi vài tháng đã nếu không hơn thì về nhà làm ruộng, ai giữ chân mình! Còn nếu “năng nhặt chặt bị” thì cứ hàng tháng sẽ gửi tiền về đong gạo. Lành nói “cả bè đè cây nứa” không tui thì ai vô đây mà gánh.

Nói rồi mồng Sáu Tết, Lành cầm túi xách trong đó có hai bộ quần áo rách và năm trăm nghìn đồng anh Thạc cho vay ra bến xe. Hai đứa con khóc ngặt nghẽo. Người chồng cũng mếu máo lăn ra sân nằm vạ. Lành chùi nước mắt ra đi, lên ô tô thật nhanh, không dám ngoái cổ lại.

Tranh minh họa của Hải Thọ

Lần đầu tiên Lành đi ô tô và đi dài ngày như thế. Thích nhưng ruột gan cứ lộn tùng phèo cả lên. Ngủ li bì, đến vùng Tây Nguyên, Lành thấy cũng núi đồi, cây cối như ở quê Lành thường đi củi.

Chủ nhà thuê hái cà phê bà vợ hai mới chết, lão ta không có ai nội trợ, thu hái hơn hai héc ta cây cà phê tốt như cây rừng mà cách nhà hơn cây số. Lão giàu nứt đố đổ vách, xây nhà hai tầng, hai đời vợ mà không có con mới lạ. Hỏi bà con trong phum Cà Tớn thì họ bảo đấy là nhà “Lộc Dê”. Lão ấy lành người, nhưng rất tốn vợ.

Chính đám làm thuê trước nay vẫn thường bảo ban nhau đề phòng; chẳng ai dám ở nhà một mình với lão hoặc vào rẫy đi lẻ loi đâu. Cô con dì của Lành làm đây một thời gian được lão chiều chuộng lắm, tiền công cũng kha khá nhưng ngại đã đi nơi khác. Trước khi đi, chị ta hứa tìm một người thay thế (là Lành) và được nhận thưởng khoản tiền “mối mai” đủ tiền xe, tiền tàu đi về.

Tháng đầu tiên Lành vào rẫy hái cà phê, còn hai chị đứng tuổi trong tổ ở nhà nấu ăn, dọn dẹp và đưa cơm vào rẫy cho bốn chị em khác. Ông Lộc nhìn tướng Lành, có cảm tình ngay. Chị này hơi gầy chứ béo lẩn lên chút nữa thì ăn đứt mấy chị một, hai con đang làm đây, thậm chí hơn cả mấy cô mắt xanh, môi đỏ ở quán cà phê ông “Cửa Rừng”, cách nhà này mấy trăm mét. Cô này, cổ cao ba ngấn, mắt hiền như mắt nai, lại hay tủm tỉm cười, nói gì cũng cười duyên, thì tính chắc chắn hiền dịu. Mừng hơn, đôi lông mày rậm, có nốt ruồi ở nhân trung chắc chắn đường tình dục cũng vượng khí. Có điều, hãy từ từ cho ngọn rau đâm chồi nẩy lộc lại hái, lại bẻ vội gì!

Đúng vậy, sau một tháng, Lành lên được bốn cân rưỡi. Cơm trắng, cá kho, thịt lợn rim đầy nồi muốn ăn bao nhiêu thì ăn. Người ta không ăn được, chê này chê nọ còn Lành thì nghĩ Tết cũng ăn thế này là cùng chứ có mong gì hơn. Cô chén căng rốn mới dậy.

Mà công việc cũng nhàn. Cà phê cứ tuốt chơi chơi, quả cũng rụng xuống tấm bạt rào rào. Cuối buổi gom lại, đã có xe đến chở, lúc ấy mấy người lại ngồi lên xe mát rượi, ngất nghểu về nhà. Ăn xong, mấy người bậc chị, bậc em cũng có, “đùn” cho Lành rửa bát, Lành vui vẻ làm tất. Chưa bằng tý đèo ở nhà. Tất cả công việc nhoắng tý là xong. Mà ở nhà còn con khóc chồng quấy giấc ngủ không yên. Đây thì nằm yên một mạch từ đầu hôm đến sáng. Mừng hơn, khi thanh toán tiền công, Lành được những 5 triệu đồng, trong lúc những người khác chỉ được hơn ba triệu một tý. Lý do là Lành làm năng suất hơn đã đành lại còn được ông chủ trả thêm vì thấy “Chị ấy ăn xong còn rửa bát, khó nhọc”. Lâu nay có ai trả tiền khoản rửa bát đâu?

Cầm tiền lớn, lần đầu tiên trong đời, bằng ngang với một con bò gầy, hay con lợn tạ nuôi cả năm. Lành gửi về quê cho chồng con ba triệu đồng còn mình dành lại 2 triệu mua sắm mấy thứ cần thiết. Thì cũng sắm cho mình bộ quần áo cho tươm tươm một chút, quần áo bục cả rồi, ngộ nhỡ nó rách bung lòi thịt ra thì khốn. Chị chưa bục mà ông chủ, đám thanh niên nữa, hễ đi qua chị đã nhìn hau háu, huống hồ… Thì ra đồ cũng rẻ. Một trăm nghìn một cái quần bò. Tám mươi nghìn một cái áo phông. Đôi dép đế cao mà có hai chục bạc. Hôm mua xong, mặc vào luôn, Lành đi thẳng về nhà, ông chủ Lộc Dê nhìn ngạc nhiên, mê mẩn đề xuất:

– Có mấy người hái cà trong rẫy mà phải đến những hai người ở nhà nấu cơm, nội trợ là lãng phí quá. Nếu chị Lành đây mà đảm nhiệm được công việc đấy thì tôi trả lương gấp đôi cho. Chị có làm được không?

Lành cười tủm tỉm. Sinh ra Lành chỉ biết có thứ ngôn ngữ chết người ấy. Dạo này da dẻ trắng. Khuôn mặt đầy đặn nên nụ cười càng quyến rũ, khêu gợi cảm tình hơn. Đối với hai cô làm nội trợ lâu nay, ở nhà thêm bực bội, “cụ” cứ đòi tòm tem suốt nên muốn trút nhớt cho nheo. Họ bàn xoắn vào cho Lành, nhất là khi cụ đã chấm.

– Chúng tôi thấy chị Lành làm được đấy ạ. Chị ấy hái cà phê thấy nhẹ nhàng như chơi. Rửa nồi rửa bát vừa nhanh vừa sạch. Tính tình lại nhẹ nhàng, sẽ vừa lòng cả nhà đấy ạ.

– Làm đi em ạ, lương gấp đôi lại ở trong mát. Dại gì…

Thế là Lành vào công việc mới, cũng chẳng nặng nhọc, khó khăn gì cho lắm. Chị vừa làm vừa hát. Tiếng hát của chị đã làm ông Lộc mê mẩn. Lành nấu cơm, ông kéo ghế ngồi bên nghe hát mà hỏi chuyện nhà. Bây giờ Lành biết nói dối rồi đấy. Lành nói thế này mới kinh:

– Cám ơn ông đã quan tâm. Nhà em bố mẹ mất hết từ sớm. Em lấy chồng, nhưng chồng em đi xuất khẩu bên Mỹ và anh ấy lòng thòng với một cô ả người Úc cùng làm ăn bên đó. Thành ra em bỏ. Với em, già trẻ, giàu nghèo không thành vấn đề nhưng phải thương yêu nhau…

Ông chủ nhà thấy cô này cũng danh giá đấy chứ. Chồng đi Mỹ được, lệ phí cũng mất ngót tỷ bạc. Cha mẹ không còn, chưa con cái thì càng tốt, khỏi lôi thôi. Mà siêng, khỏe thế, chắc tẩm bổ vào thì đủ sức thỏa mãn khoản ấy cho mình và quản lý được công việc nương rẫy cũng nên. Ông buông câu, nghĩ may thì được, không may thì thôi, địa vị ông là ông chủ, ngại gì.

– Nghe em nói hoàn cảnh vậy anh cũng thương. Anh muốn chia sẻ có được không?

– Sao lại không ạ? Gánh nặng đường xa, ai san đều biết ơn cả.

Ông Lộc Dê thấy con cá đói mồi, có thể ăn mồi của ông, nên ông mạnh dạn hỏi thêm:

– Giả dụ anh muốn, em quản lý cả cái cơ ngơi này, em có đồng ý không?

– Ông thì cứ hay trêu em…

Rồi cô cười. Cười tức là đồng ý đó thôi. Ông nghĩ, cười là phải, cơ ngơi của ông thế này. Hai rẫy cà phê của ông, năm nào cũng thu nhập, trừ đầu trừ đuôi vẫn còn cất két một tỷ bạc nguyên. Con gái đàn bà thì cần tiền của, sau là đến cái “ấy”. Cái ấy, ông tuy già nhưng vẫn còn khỏe, chạy bộ cây số vẫn chưa là cái thá gì. Hai bà trước, tiếng là còn trẻ nhưng bà nào cũng toàn đoản hơi, chỉ chạy được vài chục mét đã ớn rét, rùng mình. Để xem sức chạy con bé này thế nào đã chứ.

Với Lành thì từ khi vào đây chị đã thấy, chẳng ai nói thật với ai cái gì cả. Dại gì vạch áo cho người đếm xương, cứ nói thật oách vào, ai đánh thuế. Ở đây, Lành thấy mình tuy mới nhập bọn, nhưng mình có uy lực hơn cả vì mình có sắc đẹp, trẻ hơn và được ông chủ cảm tình. Họ là quạ, còn mình là công. Mình làm gì chẳng được, miễn sao có tiền thật nhiều gửi về nhà. Người ta sợ Lộc Dê nhưng chị chẳng sợ. Mình đã đặt vòng tránh thai rồi, cái lão ấy đã tuổi ngoài bảy mươi, sao bằng được tuổi thanh niên. Bởi vậy, cô rất tự tin khi ở nhà nội trợ ngay trong hang hùm nọc rắn.

Một hôm vừa sáng dậy mọi người đã ra rẫy, thấy lão Lộc ra gọi cô vô phòng đưa tiền đi chợ, vừa vào phòng lão đã nhìn cô đắm đuối, rồi nắm tay kéo đến góc nhà vắng, tay lão run run. Cô nhìn lão đong đưa tình tứ rồi nói nhỏ bên tai lão:

– Đóng cửa lại đi đã, nhỡ ai đi qua thì chết em.

Lão Lộc vội vàng ra đóng cửa, chạy vào ôm chầm lấy cô, nói:

– Em đẹp quá. Tôi yêu em.

Lành lúng liếng đôi mắt đen:

– Chỉ sợ ông không trụ nổi em thôi.

– Để xem nhé! Xem ai không trụ nổi ai nhé.

Nói rồi ông bế thốc Lành lên giường. Lành nghĩ chẳng qua mới khổ bằng nửa anh Hiền đêm đêm thôi. Mà Lành cũng đang thèm thật, ông làm bài bản chứ không hùng hục như trâu húc như chồng cô ở nhà. Cũng có thể, do dạo này no cơm ấm cật thì rậm rật chân tay, mà Lành vẫn thấy thòm thèm mỗi khi ông lăn xuống. Khi ông chủ nằm vật ra, thở như leo dốc thì Lành khiêu khích:

– Dễ chừng ông leo dốc tới mười lăm phút rồi đấy nhỉ? Ông tuyệt lắm, đời em chưa bao giờ được sướng như hôm nay.

Ông chủ cười mãn nguyện, tự đắc cãi:

– Ngót một tiếng chứ mười lăm phút là thế nào. Em rất được. Em làm vợ nhé. Từ nay lúc chỉ có hai người em cứ gọi ta bằng anh cho thân mật nhé.

Lành cười. Câu nói đầy quyền uy ấy làm Lành sướng rân. Thế là mình giống con chuột đã vào được chĩnh gạo. Hai đứa con của Lành và cả anh ấy nữa đã có con đường thoát khổ. Lành nũng nịu:

– Ông đừng để em cô đơn hàng đêm đó, và phải bảo vệ em nữa, em ra đường bọn con trai cứ nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống, em ghét ghét là. Em muốn em chỉ là của riêng ông thôi.

Nghe xong ông Lộc sướng run và hứa.

Từ đó, con ong đã thuộc đường đi lối về. Ông Lộc xếp cho Lành ngủ riêng ở nhà dưới để bảo vệ khu vực hậu cần, nhưng chỉ che mắt thiên hạ, đêm nào rửa bát xong, tắm táp nhanh Lành vội lên ngay với ông. Đóa trà mi ngày một đẹp. Lành trở thành người đứng dưới ông chủ một bậc nhưng trên tất cả những người làm thuê cổ cày vai bừa. Chị cũng được bớt dần công việc nội trợ. Thỉnh thoảng lại cùng ông chủ đi ra ăn cơm hiệu, có khi nổi hứng lên, ông cho Lành đi Đà Lạt chơi vào những dịp cà phê ra hoa, đậu quả. Trên xe con ông mới mua, người ta thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, tuy da dẻ hồng hào đấy, nhưng người ta vẫn nghĩ đấy là hai ông cháu. Người cháu xinh tươi hơn hớn, luôn luôn cười. Đứa cháu lại hay làm nũng, có khi bắt ông ngồi bóp chân trong công viên.

Một hôm vừa đi Đà Lạt về, chủ quán cà phê “Cửa Rừng” mời ông Lộc vào uống cà phê để thương lượng một việc. Ông Lộc lâu nay vẫn nể thằng cha này làm ăn lớn, phất lên như diều. Cà phê thì vài năm nay được giá thế, chứ mấy năm trước cũng phập phù không bằng thu nhập nhà nó. Chả ai đoán được những năm tới giá cà phê nhân sẽ ra sao. Ông cũng đang muốn ăn cả gốc lẫn ngọn đây. Nhà ông có mấy chục mét đất bám mặt đường ông tính phát huy nó để bảo hiểm cho 2 ha cà phê khó nhọc. Tất nhiên, cái gì cũng phải học mà từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, ông chưa biết cách pha chế, tiếp khách, giữ khách như nhà nó. Ông mà mở quán thì nhà hắn chỉ có dẹp, vì ông có nguồn cà phê nhân tự túc. Hơn nữa, bây giờ ông đã có cô Lành như một hoa hậu phố núi mà đứng quầy thì lão có mà bán xới. Hắn lên đây lạ nước lạ cái và mua lấy nguyên liệu đắt mà vẫn hái ra tiền đấy thôi. Hắn nói muốn thương lượng chắc thấy ông có gì đó ngang giá hoặc thế trên. Hắn nhìn Lành và nói nhỏ:

– Lâu nay bác có quyển sách hay mà cứ để trên giá chẳng cho ai đọc. Có bông hoa đẹp mà cắm lọ để trong bếp bạn với tương cà chẳng biết phô ra. Nói thật, khách uống cà phê của tôi ở đây này họ tinh lắm, họ phát hiện ra cuốn sách và bông hoa đẹp ấy. Nếu bác thỏa thuận được thì tôi mượn chị này làm tiếp viên, nhử khách. Tôi thú thật với bác, bác cũng nên mở quán cà phê mà bán, chỉ thời gian ngắn nữa là tôi sẽ về thành phố Đà Lạt làm ăn. Hai ta chẳng cạnh tranh nhau đâu mà tôi sợ. Tôi mượn bác thì chị ấy cũng học được nghề, chứ đưa chị này đi hái cà phê thì nó phí đi và biết đâu lại có kẻ rình gây ra tai họa…

Ông Lộc Dê thấy vận mình đang đỏ quá. Từ ngày con bé này nhập thất, giá cà phê thì lên, cơm ngon canh ngọt, lại có cái mà tiêu khiển tuổi già. Bây giờ vì bà hai chưa hết khó mà cưới nó thì mang tiếng với dân Cà Tớn này và với họ ngoại bà hai. Thôi thì, trong lúc này ta có thể công hai việc. Nghĩ vậy ông nói:

– Chỗ láng giềng anh nói thế cũng phải. Lâu nay tôi cũng có ý định mở quán cà phê nhưng anh còn ở đây thì tôi không nỡ. Còn bây giờ anh đi nơi khác thì tôi cũng nghĩ tới thật đấy. Nhưng học nghề thì may anh nói nhanh chứ tôi tính gửi chị ấy xuống Sài Gòn học cho nó hiện đại. Nếu anh thuê thì tôi đồng ý nhượng, nhưng với hai điều kiện.

– “Xin ông cứ nói ra”, chủ cà phê sốt sắng.

– Thứ nhất đây là vợ chưa cưới của tôi. Chúng tôi đã đồng ý với nhau rồi. Chỉ đợi một năm nữa cho trọn đạo với bà trước, vả lại, để cô ấy thu xếp việc bên ngoại xong xuôi. Do vậy, khi làm việc với anh, anh phải bào toàn cho cô ấy nguyên vẹn. Nếu có tai tiếng gì thì anh phải chịu trách nhiệm. Thứ hai, vì cô ấy về danh nghĩa vẫn đang là người tự do, người kiếm tiền, nên anh phải trả lương gấp đôi so với mấy cô đang làm việc ở quán, cho cô ấy. Đồng ý thì làm, không thì thôi. Anh biết tính tôi rồi đấy!

– “OK”, hai người đứng dậy, ngoắc tay nhau.

Nãy giờ Lành ngồi cách mấy hàng ghế, nghe hết câu chuyện của hai người gả bán mình. Lành biết mình có giá đến mức nào tay quán cà phê mới thương lượng thế. Đấy là cơ hội làm ăn, làm giàu của mình. Lành có thể làm cho quán này hưởng lương gấp đôi, lại vừa phục vụ cho lão tuần vài ba lượt, buộc lão chặt vào ý đồ của mình. Nhưng cô quyết phải làm cao đã.

Đêm đó, sau khi con thú no mồi rồi, Lành hỏi nhỏ nhẹ:

– Hồi chiều anh định bán rẻ em cho chủ quán cà phê Cửa Rừng đấy à? Em đã phải vợ của anh đâu mà anh bán?

Lộc Dê cũng tương kế tựu kế, lợi dụng dịp để trình bày ý định của mình luôn.

– Anh thấy mình có cà phê mà bán giá rẻ xót quá. Sau này, giá cà phê thóc còn bấp bênh hơn nữa. Đằng nào thì vợ chồng ta cũng cần ăn miếng chắc. Em là vợ của anh thì phải lo kế lâu dài. Em sang bên ấy tiếng là làm cho hắn, nhưng thực ra là học ngón nghề thôi.

Lành nghĩ, mình cũng phải ra điều kiện cho kẻ say tiền bạc này, bèn nói:

– Em sang bên ấy với danh nghĩa là học nghề cho anh. Vậy anh cũng phải trả lương cho em như đang làm việc bên này. Nếu không em thèm vào…

Lộc Dê biết Lành cũng đáo để, ông nghĩ vậy. Cô ta có chút vốn riêng thì sau này cũng về một mối cả. Thôi thì con tép làm gì chật bể, tháng chi thêm ba triệu thấm vào đâu. Đấy cũng là đồng rơi đồng rụng thôi mà. Lộc ôm riết Lành và nói:

– OK! Nhưng em phải thưởng cho anh cái nữa…

– Khoan đã. Vừa đó mà anh. “Ba đấm cũng như một thúc thôi mà”. Góp tiền đi chợ một lần đi. Em ngán nhất là vừa đến cổng chợ đã hết tiền kia đấy. Nào để xem xem ai xin trước nhé.

Ngoài vườn con gà trống kiến đập cánh gáy lần thứ nhất. Mặt trăng hớn hở chui qua đám mây trắng xốp nhởn nhơ trên bầu trời xanh.

Xóm Cồn Voi đón Tết năm nay buồn như chấu cắn. Mất mùa cả hai vụ chiêm, mùa, lấy gì mà trang trải cho tới vụ sau để mà vui kia chứ. Thành thử ai cũng bảo nhau cái Tết tiềm tiệm thôi. Bánh chưng bánh tét mua sắn củ nạo ra hấp vào nếp là được. Thịt lợn mỗi nhà vài cân. Rau, dưa hành dựa vào vườn. Nhà anh Hiền thì không mua sắm gì cả, cha con, bà cháu ngoảnh mặt ra đường chờ Lành mang cái tết từ Nam về.

Tất nhiên, ba bố con ăn mặc trong Tết nay có vẻ lành lặn và sặc sỡ hơn các Tết trước vì dạo sang tháng Chạp mẹ Lành có gửi tiền về cho cha con sắm quần áo và đong gạo cho rẻ. Cuộc sống của cha con nhà anh Hiền nói gì thì nói, vẫn khá hơn trong xóm Cồn Voi, nhờ nguồn từ phương Nam.

Thế nhưng, bà Nghệ, cô Hiến vẫn chờ Lành về để chấm dứt việc bỏ nhà đi lang bạt kỳ hồ đấy. Chả là nghe ai đồn rằng “chị Lành dạo này trơn lông đỏ da lắm, lại bán quán cà phê đèn mờ, khéo là chim cu sổ lồng đấy”. Bọn thanh niên choai choai gặp Hiền thường hát ghẹo “Công anh bắt tép nuôi cò, cò ăn cò béo, cò dò lên cây”. Thật ra thì từ khi lấy vợ về đến nay có hai mặt con đấy anh Hiền chưa bắt tép cho con cò Lành ăn bao giờ. Có điều như cô Hiến khẳng định như thế này là đúng: “Thuyền theo lái, gái theo chồng” không có cái thói “măng mọc quá pheo được”. Nếu Hiền không dạy được vợ, thì cô ấy dạy thay cho!

Kìa Lành đã về, quần bò mông căng mẩy, ngực nở nang, miệng cười như hoa dâm bụt, đã đĩ thỏa chưa! Xe lai đèo tới cổng. Lành xách hai túi xách căng phồng như hai con lợn choai. Chị ta rút ví trả tiền xe, mấy người xung quanh xác nhận: Trong ví hãy còn nhiều tờ bạc xanh. Tất cả trẻ con xóm Kẻ Bèo đến chơi đều có kẹo bọc giấy bóng thơm nức.

Bà Nghệ mẹ anh Hiền được Lành biếu tấm vải hồng đào nói để may ảo dài cho kỳ yến lão tới. Hai con của Lành ngoài áo hoa, mũ trắng còn có cả đồ chơi bằng nhựa. Anh Hiền thì vẫn áo phun, quần âu và có thêm chai rượu cà phê của anh chủ quán biếu.

Tầm ba giờ chiều Lành ra chợ mua luôn một cái mông sau con lợn tạ. Nói đem về nhà ăn, còn Tết hai ông bà nội ngoại. Dân làng nghe thế, chứng kiến thế, ai cũng bảo con mẹ Lành giỏi giang thật. Thì đấy, người ta cũng đi Nam nhưng vẫn xơ xác như con cò đói đấy thôi.

Mồng Bốn Tết, nhà anh chị Lành Hiền bỗng dưng có chuyện lục đục. Mẹ Nghệ , bà cô và cả chồng, quyết không cho Lành đi Nam nữa. Ông bà Đai đến ăn bánh nghe đột ngột như trời đánh. Lành thì rất bình tĩnh. ”Lành làm gáo, vỡ làm môi”, sợ gì! Cuối cùng chị ta nói:

– Các người bắt tôi ở nhà, nhưng con tôi đói, chồng tôi đói, có ai cho được lon gạo không? Tôi đi ra, dù có làm gì thì cũng cho gia đình này có bát ăn, bát để. Thậm chí, có muốn tôi về đi nữa thì cũng phải để tôi vào dàn xếp, người ta người lớn chứ có phải trẻ con đâu, mà nói về là về. Tiền công tiền cán đã thanh toán hết đâu.

Bà Nghệ dõng dạc:

– Không biết, nhưng các cụ nói, ăn của thiên thì trả cho địa. Cả cái xóm Cồn Voi này ở nhà làm ruộng không ai chết đói cả. Cả xóm này chỉ có con trai bỏ nhà, bỏ con ra đi Nam chứ không ai như nhà chị. Tôi hỏi du[1], cưới du về là để nó lo gia đình chứ không phải đi làm dâu thiên hạ. Chị có biết, chồng chị đang đêm đòi phá nhà đi lang thang không? Chồng chị còn reo tên tôi lên mà chửi? Chị phải ở nhà mà quản chứ!

Anh Hiền nghe cô Hiến bày cho mấy bữa nay, cũng nói rất trôi chảy:

– Tôi cần vợ chứ không cần những thứ cô gửi về. Lấy chồng phải theo chồng.

Anh Thạc nghe ngứa tai chen vào:

– Tôi lạ cho cái gia đình này. Đói chết trấn nhưng cứ muốn ôm nhau một cục. Thử hỏi, gần hai năm nay gia đình có khá hơn trước không? Có hơn cả những người xung quanh không?

Cô Hiến cãi:

– Tôi cũng hỏi anh, chị Hâu đi vắng, anh nằm khan một mình, anh có chịu được không nào? Ăn nhạt thì phải thương mèo chứ? Cậu Hiền là hiền giả quá ngu, chứ người ta thì…

Lành điên tiết hỏi lại:

– Thì sao nào?

– Thì bỏ quách đi, chứ còn sao nữa.

Thế là bên thách, bên đố. Bên nhà chồng ỷ thế hỏi dâu về. Bên nhà gái nghĩ con mình không có tội, là người có gạo có tiền đưa về. Thế là cái sảy nảy cái ung, thách nhau làm giấy ra tòa. Lành tức quá nhờ người viết lý do ly hôn “Tôi không sống được với chồng, vì anh ấy bị bệnh tâm thần. Tôi không lấy phần tài sản gì chỉ xin nuôi hai đứa con thôi”. Tòa thấy lý do ly hôn là chính đáng quá, chẳng ai sống được với người tâm thần, nhất là cả hai lại thuận tình ly hôn. Lành nhờ ông bà ngoại trông hai đứa bé cho, để chị đi Nam tiếp tục làm ăn.

Bấy giờ cả xóm Cồn Voi lại quay sang chê mẹ con bà Nghệ:

– Con mình đã dở dở, ương ương, người không ra người, ngợm không ra ngợm, đáng lẽ động viên, phỉnh con Lành nó nuôi con, nuôi chồng cho lại không mần. Bây giờ thằng chồng hễ ai có đám giỗ, đám ma đều đến chìa tay xin ăn, ngủ gà ngủ gật giữa đường cái, rõ tội.

Lành vào Tây Nguyên muộn, anh Tâm, chủ quán cà phê mong ngóng chán, mỗi ngày sang nhà Lộc Dê phàn nàn vài lần. Anh cho biết khách bên anh đến, ai cũng đòi gặp cô Lành, đòi cô Lành ngồi tiếp chuyện. Trong dịp Tết này anh thất thu lớn vì mấy ả miệt vườn vừa thô vừa xấu, chẳng biết câu khách.

Ông Lộc cũng nói:

– Anh sốt một, tôi sốt ruột mười. Bỗng dưng thả gà ra đuổi. Không rõ con bé nó có vào nữa hay không? Nghe nói ở ngoài, hai cha mẹ đều mất thì lân la mãi làm gì cơ chứ, chỉ có người chú tên Thạc, hay Tạc gì đó là ruột cật nữa thôi. Đằng nội người chồng đi xuất khẩu không về. Vậy thì ở nhà làm cái quái gì nhỉ? Có lần tôi bảo đem chú ấy vào đây lập nghiệp luôn, tôi già rồi cũng cần một người đàn ông còn khỏe mạnh canh phòng. Con Lành chỉ cười. Con bé ấy hơn người là cái nụ cười ấy. Vào đây biết thân biết phận chăm chỉ làm ăn, chẳng đọc báo đọc sách gì cả, chẳng chơi điện thoại, chẳng chơi mạng, thế mới hay.

Chủ quán cà phê “Cửa Rừng” phát cáu:

– Lợi bất cập hại, chính vì không chơi điện thoại nên giờ đã mồng Mười rồi mà cũng không biết tin tức gì cả. Cô ta làm tôi đui điếc…

Hai ông đang nẫu ruột thì thấy Lành và một người đàn ông dáng người cao to, đen thui, tóc húi cua, ăn mặc tềnh toàng, ngả mũ lá ra chào. Lành tươi như hoa giới thiệu:

– “Đây là chú Thạc, em bố nhà em. Đáng lẽ em vào mồng Bốn như đã hẹn nhưng đằng chồng cũ cứ nhì nhằng. Em cũng muốn cưa đứt, đục suốt nhân thể luôn, không dính dáng gì với họ nữa, trong này đã chậm thì chậm rồi, phải không ạ?” Rồi chỉ sang người đàn ông đi theo nói tiếp, “Ông chú đây tuy người chất phác thế nhưng quản lý sổ sách rất cừ, đã một thời làm thư ký đội sản xuất rồi đấy. Chú vào đây “phụ tá” cho em và anh Lộc thuê công nhật. Còn anh Tâm, cũng thông cảm, em “bắn không nên thì đền đạn”, em sẽ cố gắng bù lại thời gian nghỉ Tết. Như thế hai bên đã được chưa ạ?

Thôi thì lời người đẹp tự nó đã biến chuyện to thành chuyện nhỏ, từ khô khát bực tức thành nước chanh, nước đường. Mọi việc lại vào quy lát. Riêng chú Thạc, Lành bảo ông Lộc kê cho cái giường ở nhà ngang, lấy cái ti vi Samsung đen trắng kê đầu bàn, làm cái “dinh cơ” của chú. Lành cũng dặn cho cả ông Lộc nghe:

– Chú vào đây chỉ biết làm ăn kiếm đồng tiền thôi. Mọi việc không được biết, được có ý kiến vào, bảo gì làm nấy. Ở quê, chú là cha, nhưng ở đây cháu là bà chủ, không được bép xép chuyện gì. Điện thoại cắt luôn càng tốt. Nếu được thì chú đưa đây.

Thạc đưa điện thoại, Lành cười cười đưa cho ông chủ.

Chiều đó, người chú ra giẫy cỏ vườn còn một già một trẻ tâm sự với nhau, cứ như là trăm năm mới gặp nhau trong buồng. Lành nói:

– “Ra Giêng, chị đây cũng vừa giỗ hết khó, em cũng đã gọn gàng để ta có thể làm lễ cưới. Em phải mất nửa tháng lương đút cho con mẹ tòa án huyện nó mới cho cái giấy ly hôn hợp pháp này”, Lành đưa cái giấy in, có triện tòa án ra trước mắt ông chủ khoe, “Anh phải đăng ký hôn thú cho nó đàng hoàng. Còn bây giờ ta phải “làm bù” những ngày khao khát đã. Nhưng nhớ đừng xuống sức trước ngày cưới đấy nhé!”

Lộc Dê được thỏa thuê, ngủ thì chớ, thức thì lại thò tay khua khoắng, xuýt xoa cuống quýt, như con choi choi. Lành đòi hỏi cũng không kém.

Làm cỏ một lát, Thạc vào gian nhà ngang đắp chăn đến cổ, ghếch đầu lên xem ti vi. Thạc nghĩ: lão này “thấp mưu vẫn thua trí đàn bà cho mà xem. Thạc không ngờ, mới đi ra vài năm mà Lành đã trưởng thành đến thế. Chả trách người ta nói “ở ống thì dài, ở bầu thì tròn”, môi trường dạy khôn, dạy liều cho người ta cả.

Còn nhớ mồng Tám Tết, sau khi “tháo được cái ách” với thằng Hiền điên, ly dị xong xuôi, thành người tự do, Lành gọi Thạc ra bờ ao Trạm xá xã tâm sự. Bây giờ nằm trong ngôi nhà ngang này anh vẫn còn nhớ như in lời Lành nói, khúc chiết rành mạch, như đã lập trình:

– Em biết anh cũng chẳng muốn sống chung với con mẹ Hâu lâu lắm rồi. Con mẹ ăn cắp thập thành ở huyện này làm xấu anh và con cái. Em biết, đã từ lâu anh rất thương em, quan tâm đến em. Riêng em, em cũng chỉ yêu mỗi mình anh thôi, em đi kiếm tiền cũng vì anh. Hôm nọ cả nhà ấy nói móc thế, anh cũng biết rồi. Tuy nhiên cũng có cái hay là, chúng ta có thể lấy nhau mà không sợ loạn luân. Tất nhiên, khi em đã thích thì có loạn nơi đất khách em cũng kệ.

Là con trai anh phải có gan, dựng nghiệp mười năm, “trồng tre nên gậy” được không? Hôm ở nhà, em đã nói rằng em phải chọn một trong ba con đường với anh sau một đêm trằn trọc, nhưng bây giờ chọn một đó là người dại, người bình thường, chứ em có khả năng chọn một lúc đi cả hai con đường thật đấy! Nghĩa là sao à? Là em vẫn lấy anh và vẫn lấy cả lão Lộc Dê để “đào mỏ”. Chúng mình cũng phải sống chứ anh. Không tiền không gạo thì bạo nỗi gì. Tay này có nhà cửa khang trang, có hai rẫy cà phê, xe máy dắt ra, ô tô dắt vào, lại không vợ con gì, tại sao ta không lợi dụng?

– Nhưng làm thế nào để đi được, trong lúc hai con đường trái ngược nhau?

– Anh ngốc hoặc hèn lắm. Cái gì cũng có giá của nó, anh làm thuê trăm năm cũng không thể bằng được cái gia tài đó hiện nay. Nhưng dùng mẹo thì chỉ mất có 5 đến 10 năm thôi. Mẹo gì à? Mẹo này.

Lành ôm cổ Thạc hôn thắm thiết, Thạc cũng cuồng nhiệt không kém, được lúc Thạc nới lỏng tay ra rồi nói:

– Nhưng em cũng phải cho anh biết để có quyết tâm chứ!

– Em sẽ nói với anh về đại thể nhưng anh phải hứa với em là không bỏ cuộc mới thành được. Thế này nhé, lão Lộc Dê đã ngoài bảy mươi tuổi rồi, cái tuổi ấy ăn nước xuống và như các cụ nói “đa dâm thì tổn thọ” anh biết rồi. Mười năm nữa em và anh mới ngoài mới bốn mươi tuổi, còn lão ta đã ngoài tám mươi, chân chậm mắt mờ. Sức ấy mấy nả. Em sẽ có cách làm cho cả phum Cà Tớn này, ngã ngửa ra, công nhận rằng lão ta chết thế là phải, và em, người thừa kế cơ ngơi này cũng là phải. Tất nhiên, anh đừng lo mười năm nữa dài quá, em vẫn là vợ chính thức của anh hàng đêm mà. Sợ anh không đủ sức phục vụ em thôi, nhưng tuyệt đối không được ghen với lão ấy và không để lộ thân phận mình ra, được chưa. Nếu đồng ý thì mồng Mười này sẽ đi với em vào trong đó luôn. Sau đó để an toàn, ta phao tin anh đi lao động xuất khẩu, anh rõ chưa?

Thạc cũng nói thành thật để Lành vững tin ở mình hơn:

– Không phải em nói, anh mới khoát nước theo mưa. Thực tình anh chán con mẹ Hâu như chán cơm nếp nát từ lâu như em biết. Mụ ta xấu người đẹp nết thì còn gắng mà chịu, đằng này làm anh xấu hổ thiếu có lỗ nẻ mà chui xuống đất nữa thôi. Đấy, hôm giáp Tết, trước khi em về quê một buổi, tại phiên chợ Giát, chẳng biết ăn cắp ăn nẩy thế nào mà chúng nó bắt được cả chùm. Chúng dã man quá, bắt con mẹ Hâu cởi truồng tồng ngồng giữa phiên chợ đại. Sau đó giải cả ba bà cùng hội cùng thuyền vào Ủy ban thị trấn Cầu Giát đánh công văn về địa phương bắt người nhà đến nộp phạt, nhận người. Thế mới nhục. Cú đó anh quyết tâm theo em đi Nam cho đỡ mất mặt.

Thạc rót nước uống, ngửa mặt lên chắp tay trước ngực nghĩ thầm: Trong lịch sử có những cuộc chiến tranh năm năm, mười năm. Trong cuộc đời có một kế sách thầm lặng mười năm. Em ạ, sau này, vài trăm năm nữa, anh và em sẽ lập nên một nhánh họ, Ngô Văn (chứ không phải Trần Văn) từ Bắc di cư vào Nam, sống tại phum Cà Tớn này. Hậu sinh sẽ ghi nhớ Thủy tổ Ngô Văn Thạc và cụ bà Phạm Thị Lành, là một trong những bậc kiên trinh hảo hán. Đang nghĩ thì Lành xuống nói hổn hển “Xong rồi, phải “nháp” với lão tý rồi mới xuống làm thật với anh được, thương anh lắm, cố lên nhé, không có anh em chết mất, anh khỏe gấp mười lão ấy chứ, từ nay tối nào “nháp” với lão xong em cũng xuống đây nhé. Chuẩn bị sẵn chờ em nhé.” Xong việc Thạc ngủ một giấc ngon lành, trên cái giường gỗ tạp tiếng mọt nghiến kẽo cà kẽo kẹt.

Không phải chờ đến mười năm, nếu không nhầm thì mới được năm thứ ba, lão Lộc Dê đã ngồi hai đầu gối quá tai. Các cụ trong phum Cà Tớn lấy làm kinh ngạc. Nhà này giàu bậc nhất trong huyện, có hai rẫy cà phê, một cửa hàng bán cà phê “Cửa Rừng” tiền thu bạc tỷ mà ông cụ lại không mua nổi thuốc bổ để tẩm bổ hay sao mà để cơ thể suy sụp nhanh như vậy. Tuổi bảy ba, có cụ ở đây hãy còn đi cuốc rẫy, đi xe máy vù vù. Thế mà ông Lộc Dê một thời lão dương ích tráng bây giờ đứng không vững, thở phều phào, thấy đàn bà con gái rùng mình ớn lạnh. Đáng tiếc cho con mẹ Lành, từ ngày quản lý quán cà phê ấy người cứ như khúc dò nạc. Của ấy gặp phải thằng chồng hết hơi quả là phí của trời. Mà con mẹ ấy cũng công dung ngôn hạnh thật, con trai vào quán đèn mờ, thằng nào cũng lăm le với thị nhưng đều bị thị dạy cho bài học bằng cách đọc câu ca dao “con cóc ngồi góc bờ ao/ lăm le lại muốn nuốt sao trên trời”! Sao trên trời nói đây là thị ví mình đấy, kiêu thế là cùng. Hay là thị bị lãnh cảm nhỉ? Cũng có thể, vì trong nhà có một người đàn ông khỏe mạnh hẳn hoi, lầm lì như con gấu mà thị vẫn ôm ấp với bộ xương bọc da đó thôi. Cũng có thể là thị yêu ông già đến mê muội.

Sáng nay cả phum Cà Tớn thấy gã đàn ông như con chó giữ nhà đến cấp báo với ông Hơ-Tum, trưởng phum, một chuyện lạ từ cha sinh mẹ đẻ, nói đúng ra tử cổ chí kim chưa từng thấy – lão Lộc Dê ngất trên bụng vợ, bụng con mẹ có nhan sắc nhất vùng, chủ quán cà phê Cửa Rừng, Phạm Thị Lành lúc vừa tờ mờ sáng.

Ông trưởng phum đến, xộc vào buồng, đốc chăn lên xem. Chết lặng vì cảnh tượng cụ Lộc như con nhái bén ôm quả dưa hấu là bà vợ Lành. Chị vợ vẫn thản nhiên để chồng trên bụng, nói như ma ám:

– Nhà em tối qua quá chén. Đêm lại ra giếng dội nước lạnh ngắt, can không chịu nghe. Chả giấu gì bác, em đã bảo thế mà cấm có chịu nghe, để đến khi em thấy nhà em rùng mình, lạnh toát xương sống. Thôi chết, mắc cảm phòng rồi… Em nhớ lại kinh nghiệm các cụ truyền, khi xảy ra sự cố này thì người vợ phải chịu xấu hổ, để cứu chồng. Nếu hất xuống là coi như đi đứt. Bây giờ nhà em hãy còn nóng, bác cứ để thế xem có hồi lại…

– Hồi nỗi gì nữa. Nghoẻo rồi! Không tin các vị vào mà xem.

Người dân nghe nói có cái chết lạ thì tò mò, nhất là khi chứng kiến bà chủ nhà không khóc; lại thấy hai cái quần một lụa, một quần đùi đỏ rơi xuống nền nhà và cái chăn hoa đắp lùm lùm cựa quậy. Ai cũng muốn đốc chăn xem cái “tòa thiên nhiên” của chủ quán cà phê lâu nay khao khát. Họ choáng ngợp, nôn nao khi thấy thân thể một người đàn bà đẹp đến thế nên có người vào dở chăn quan tâm đến hai ba lần. Người ta còn quá khâm phục với một người chịu hy sinh, chịu thẹn thùng để cứu chồng đến phút chót. Do vậy, chuyện ông Lộc Dê chết ở tuổi bảy lăm, chết trên bụng người đẹp như là một huyền thoại.

Đến giờ Ngọ không thể chữa cứu người bằng cách cổ truyền được nữa, ông Hơ-Tum khuyên bà chủ, chuầy ông xuống giường để phường tang lễ khâm lượm cho được giờ hoàng đạo. Bà chủ lúc ấy mới chịu đứng lên mặc quần áo sô vào gào khóc thảm thiết.

Người phum Cà Tớn bàn luận: Tuy bà này là vợ ba, lại sống ngắn, nhưng xem ra có tình hơn cả hai bà trước. Bà này thật sự “xuất giá tòng phu”, mới thật tình nghĩa vợ chồng như sông, như núi.

Đám tang xong, người ta thấy ông chú đen thui ấy không ngủ ở nhà ngang nữa, mà dọn hẳn lên nhà chính nằm. Chắc là để cho bà chủ khỏi sợ ma quấy, quỷ hờn.

Hồ Ngọc Quang

  1. Du (tiếng địa phương Nghệ Tĩnh): con dâu

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 19, phát hành tháng 12/2021)