Cuốn tự truyện “Đường xanh viễn xứ” 250 trang do Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam liên kết Nxb Hội Nhà văn ấn hành tháng 8/2021 có sức lôi cuốn cả những người đọc khó tính.

Ở đó, người đọc cảm nhận sự chân thật của mọi diễn biến từ hành tung, biến cố nguy nan đến tâm lí nhân vật trong từng nấc thang buồn, vui của kiếp “dân chăn mèo” (người trồng cần sa dùng những mưu mẹo nhằm che mắt cảnh sát để hành nghề).

Nhà báo Tô Giang tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội năm 2002. Năm 2013, lúc 35 tuổi anh làm đơn xin rời biên tập viên Đài Truyền hình Nghệ An, sang Úc du học tại Học viện Công nghệ Melbourne (MIT). Nhưng du học chỉ là cái cớ để anh đi trồng “cỏ” (cần sa) với ảo mộng làm giàu.

Thế giới ma mị

Tháng 9-2013, Tô Giang đặt chân đến vùng Melbourne, tiểu bang Victoria, Úc. Đầu tiên, anh đi bán cá trong các trung tâm thương mại; dọn vệ sinh, sửa sang nhà cửa cho người Việt để thâm nhập thế giới trồng “cỏ”. Sau 5 tháng, Tô Giang lọt vào mạng lưới trồng và mua bán cần sa trong và ngoài vùng Melbourne, trở thành “dân chăn mèo”.

Anh sợ nhất là cảnh sát ngầm nên phải sàng lọc nhiều người, nhiều mối quan hệ mới có thể hành nghề. Với bản tính của người làm báo, anh “chỉ mong gặp người chân thật giúp mình để có “cửa” làm ăn, kiếm tiền trả nợ ở Úc, ở quê rồi ôm lãi về mở một doanh nghiệp truyền thông ở TP Vinh như mong ước thời làm báo. Tô Giang tin vào sự thánh thiện của con người cùng chung mộng làm giàu như mình nên dấn thân, mặc dù tâm trạng khi lo âu, khi phấp phỏng, khi khát vọng kể cả từng giấc ngủ trong “ngôi nhà trồng cần sa”. Lần đầu tiên anh thành thợ cả nhẫn nại dưới 20-30 bóng đèn 600W để thao tác các kĩ thuật trồng cần trong một căn nhà nhỏ. Anh biến dàn bóng đèn thành sức nóng mặt trời của những cây cần. Cứ sáu tuần “gặt” một vụ. Vụ đầu “gặt” được 15-20.000 AUD (đô la Úc). Thấy anh làm “dân chăn mèo” khá ổn nên “trùm” cần giao anh làm tại một trang trại lớn hơn cũng khép kín trong nhà. Lúc này, anh đã thành thạo kĩ năng từ ươm cây giống, thủy canh cây cần (điều khiển hệ thống tưới nước khép kín) và bắn bông (thay đổi chế độ đèn, điều chỉnh chế độ thức ăn bằng hóa chất nhập từ Mỹ, Hà Lan) để cây cần khi chuyển sang chu kì phát triển bông tích tụ nhiều hoạt chất Tetra Hydro Cannabino (THC). Đây là chất kích thích bộ não – hoạt chất chính của cần sa.

Trang trại mới rộng khoảng 200m2. Hệ thống chiếu sáng là 100 bóng đèn 600W. Anh phải chịu áp lực sức nóng của 720.000W/ngày. Vụ “gặt” này và hơn 20 vụ tương tự về sau đều thắng lớn. Sau ăn chia với chủ, anh bỏ túi 30-40.000 AUD mỗi vụ. Tỉ lệ ăn chia tăng dần 40/60; 50/50 rồi 60/40 là những cái mốc báo hiệu “kỹ nghệ” trồng cần của anh đạt mức có thể “chơi lớn”, thành “trùm” cần trong thế giới ma mị này.

Bìa tự truyện “”Đường xanh viễn xứ” của Tô Giang.

Ngôi nhà cần sa nào cũng có thể trở thành “kho báu”, thành “cỗ máy” in tiền ở Úc nhưng “trùm” cần đều là “bóng ma đêm”, đều cuồng vọng đồng tiền, biến họ “dở người, dở quỷ”. Anh lại chiêm nghiệm, nghề sống trong bóng tối này “không quái gở, không đốn mạt thì không thể giàu được”. Cảnh tượng những đêm nằm ngủ gối đầu lên những tệp AUD, anh lại hình dung chuỗi công việc trồng cần xoay xung quanh trục đô la với những hứa hẹn đổi đời “nhưng phải gan lì, giống như ngồi ôm quả bom trong nhà, không biết khi nào nó nổ”. Ý nghĩa này khiến “trùm” cần căng thẳng đến mức “cắm đồng hồ đo điện vào dây thần kinh mới đo được độ căng thẳng như thế nào”. Nhất là sau một vụ anh bị toán cướp dí súng vào mang tai rồi “đứng tim” khi sắp xếp những cây cần vừa bắn bông nộp cho chúng. Mất vụ cần lớn, tiêu tan gần trăm ngàn AUD dồn anh sang thế “không phải chỉ kiếm tiền mà phải kiếm nhiều tiền”, nếu không mọi dự định sau khi dứt bỏ nghề làm báo đều tan vỡ. Để “chơi lớn”, anh phải tìm người “chạy” gia hạn visa bằng kết hôn giả. Kết hôn giả của anh không đơn thuần bởi anh đã có vợ và hai con. Người “chạy” vụ này nêu quy trình là anh sẽ li hôn với vợ thật để tái hôn với vợ giả, sau đó lại li hôn vợ giả để về với vợ thật khi muốn đưa vợ con sang Úc. Anh viết kiểu hôn sự này trong tự truyện: “Nghe có vẻ hại não với con đường lòng vòng trên danh nghĩa hạnh phúc”. Chi tiền vụ này xong, anh lao vào vụ cần tiếp theo. Vụ này anh hi vọng “gặt” thành công sẽ từ bỏ kiếp “dân chăn mèo” để về quê. Đêm dài lắm mộng. Thay vì không để “đếm” thời gian của một đêm dài, anh phê cần sa rồi phê cả coc (cocain) và gái đẹp. Chính vụ này do một “Bông hồng phương Đông” trong tự truyện chung vốn, chỉ hưởng 40%. Nhưng gần đến ngày “gặt”, khi anh vừa lái xe ra cửa thì bị cảnh sát Úc bắt. Anh phải chịu án 30 tháng tù giam tại nhà tù Futham.

Những tín hiệu từ cuốn sách

Đầu năm 2020, Tô Giang mãn hạn tù, liền bị nước sở tại trục xuất ngay về nước. “Ngày tôi trở về thật lặng lẽ, khác xa với sự chào đón những lần trước. Không tiền, không mái ấm. Mẹ tôi nhìn tôi bằng ánh mắt vô hồn. Tôi tiến đến ôm lấy bà, nghẹn ngào. Trong vẻ thất thần, bà nói: “Con đã về rồi à””.

Chúng tôi nhắc lại câu viết thương cảm, hối hận này trong trang cuối của chương “Vĩ thanh”. Lạ thay, gương mặt Tô Giang bỗng đăm chiêu, đậm nét khắc khổ. Anh cầm cuốn tự truyện, thốt lên: “Cuốn sách này sẽ giúp tôi nói được nhiều điều. Dân chăn mèo đọc sẽ có thêm bài học về cái nghề sống trong bóng tối. Những ai đang nuôi mộng làm giàu bằng nghề cần ở xứ người sẽ hiểu được một thế giới ma quỷ, xoay tít mù, điên đảo giữa con người hám tiền với đồng tiền tội lỗi. Nhưng, trước hết cuốn sách chính là “người” kéo tôi đứng dậy để sống tiếp”.

Chúng tôi vẫn muốn biết, vì sao cuốn sách được viết bằng chính những sai lầm, tủi nhục và tội lỗi của chính tác giả kể cả chuyện đi tù… Đó là một sự “cả gan” trước dư luận. Tô Giang nói: “Nhưng tôi lại thấy mọi biến động của vụ việc lạ quá. Lạ bởi, khi mình trong cuộc thì không tài nào thoát ra nổi. Người ngoài cuộc hiện đang muốn đi theo con đường ảo mộng mà tôi đã mắc phải càng không hay biết. Đây là chuyện không dễ kể lể để thanh minh với mọi người, ngoài cuốn sách. Tôi thầm cảm ơn tất cả vì qua họ mà tôi có bài học”. Theo mạch ý nghĩ này, Tô Giang cho hay, ngay như một số bạn tù là người nước ngoài, bị bắt vì tội hacker trong marketing khi nghe anh kể chuyện này đều nói: “Chuyện của mày hay quá. Nên viết thành sách”.

Trong 30 tháng tù, Tô Giang đọc sách và học được nhiều từ những sai phạm, nỗi đau xót, sự thất bại của bạn tù. Hiểu thêm điều đó, anh thấy “mình phải có niềm kiêu hãnh của người đàn ông, biết chiến thắng thất bại để trở nên người tốt”. Đấy chính là khi anh dám chấp nhận đối diện với sự thật chứ không giấu diếm để viết cuốn tự truyện này. “Phải lôi sự thật thất bại của mình ra ánh sáng thì mới sửa sai và trở thành người sống tốt được”, Tô Giang nói.

Khi Tô Giang sắp hoàn thành bản thảo cuốn sách thứ hai đã có nhiều tín hiệu vui từ các nhà văn, nhà báo và bạn đọc trong, ngoài nước bằng cuộc gọi điện, nhắn tin, chia sẻ trên faceebok về sức thẩm thấu tích cực của cuốn sách.

Sau bài viết trên Blog Hồ Anh Thái, nhà văn Hồ Anh Thái đăng bài “Chuyện kể của ‘nhà nông’ cần sa” trên báo điện tử Đại biểu Nhân dân, trong bài có đoạn: “Tác giả kể chuyện một cách khách quan, lạnh lùng đối với bản thân mình. Vốn là một phóng viên chuyên nghiệp, anh biết cách kể chuyện chân thực… anh không tự cho mình là người vô can mà thẳng thắn vạch ra tội lỗi của mình trong nghề vô nhân tính”. Báo Lao động cuối tuần đăng bài “Viết để sống tốt hơn” của nhà báo Minh Nguyệt. Báo Vietnamnet trích đăng ba chương tiêu biểu cùng bài viết “Đường hoàn lương của một cựu nhà báo Việt trồng cần sa ở Úc” của nhà báo Nguyên Thảo.

Mới đây, TS. Lương Thanh Hải – một học giả của Trường Đại học quốc tế RMIT (Úc) đã dịch cuốn “Đường xanh viễn xứ” ra tiếng Anh, chuyển cho một số nhà xuất bản ở Mỹ, Úc. Một số độc giả người Úc gửi email, hỏi Tô Giang “Có bản Ebook không để đặt mua”. Một số du học sinh người Việt ở Úc, Singapore “Cảm ơn độ chân thật trong cuốn sách đã phơi bày mặt trái của đồng tiền tội lỗi khiến chúng tôi giật thột và hiểu sự huyễn hoặc trước đây rằng, đồng tiền phi pháp”. Tin vui cứ đến mỗi ngày, từ Hà Nội, Quảng Trị, Nghệ An đến một bà cụ tình cờ đọc cuốn sách rồi dò điện thoại gọi ngay trong đêm cho Tô Giang để chia sẻ và cảm phục. “Mặc cảm vì thế biến mất, nhường chỗ cho sự tự tin trong cuộc sống hôm nay. Nếu cuốn “Đường xanh viễn xứ” tự thuật về những sai lầm, tội lỗi, cú vấp ngã đầu tiên trong đời thì cuốn thứ hai chính là sự đứng lên để chuộc lỗi lầm. Tôi muốn cuốn này trở thành một sự tạ lỗi với đời”, Tô Giang nói.

Và cuốn sách thứ hai này mang tên “Nếu không có ngày mai” của anh, cũng do Nhà xuất bản Nhã Nam phát hành vừa mới hoàn thành.
Vũ Toàn
(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam bản in số 22, tháng 4/2022)