Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng, nhiều vùng miền với những điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau; dân cư đông; trong đó số địa phương thuộc địa bàn vùng miền núi khá nhiều. Trước bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp, và chưa biết thời điểm nào sẽ kết thúc, ngành Giáo dục tỉnh nhà đã quyết tâm không “chờ đợi” (một cách vô xác định) ngày dịch tạm yên, để năm học vẫn tiếp tục được diễn ra như thường lệ. Phải nói rằng, đó là một quyết định vô cùng khó khăn khi mà rất nhiều vùng quê ở nông thôn, miền núi hạ tầng cơ sở về điện, về đường truyền mạng không có hoặc rất kém; đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, không đủ thiết bị cho con học trực tuyến; tâm lý một số người dân muốn tạm hoãn chờ cho dịch yên mới tổ chức năm học. Tuy nhiên, với sự quyết tâm lớn, sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của ngành Giáo dục cộng với việc áp dụng đồng bộ, linh hoạt các giải pháp thực hiện phù hợp theo địa bàn, điều kiện thực tế mỗi địa phương, mỗi trường học đã giúp ngành Giáo dục từng bước tháo gỡ các khó khăn.

Cuộc trao đổi ngắn giữa P.V Tạp chí Sông Lam với GS.TS Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho chúng ta hiểu rõ hơn về những điều nói trên.

GS.TS Thái Văn Thành-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phát biểu tại lễ Khai giảng năm học 2021-2022 tại trường THPT Phan Bội Châu. Ảnh: Hoàng Nguyên

Năm học 2020 -2021 khép lại với rất nhiều khó khăn, thách thức; do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, có những thời điểm học sinh phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học từ xa, nhưng ngành Giáo dục Nghệ An vẫn giữ được sự ổn định và đảm bảo về chất lượng giáo dục. Năm học 2021 – 2022 bắt đầu ngay trong thời điểm đợt dịch Covid – 19 lần thứ 4 ở Nghệ An vẫn chưa được khống chế hoàn toàn. Là “tư lệnh” ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh nhà, ông có suy nghĩ gì trước thềm năm học mới này?

Năm học 2021-2022 này diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới cũng như tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Là năm đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, là năm thứ hai ngành Giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đây sẽ là năm học có nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua bởi chúng ta phải thực hiện mục tiêu kép vừa dạy học hoàn thành chương trình vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả. Tuy vậy, được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo tỉnh nhà, sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện dạy học của từng địa phương; sự đồng hành ủng hộ của học sinh, phụ huynh, cộng đồng xã hội; toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục sẽ đem hết tinh thần và trí tuệ; tận tâm, tận lực, tận tụy với nghề nghiệp bằng tất cả tình yêu thương học sinh, quyết tâm thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Dịch bệnh có thể còn kéo dài, dạy học trực tuyến đã không còn là giải pháp tình thế; ông có thể cho biết ngành Giáo dục Nghệ An sẽ nỗ lực như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất trên hành trình “chuyển đổi số”, khi mà Nghệ An có rất nhiều huyện miền núi, nhiều gia đình học sinh ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn?

Để khắc phục mọi khó khăn, Nghệ An đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm học:

Thứ nhất: Do đặc điểm Nghệ An là tỉnh rộng, số học sinh lớn, các địa phương trong tỉnh có sự khác biệt lớn về điều kiện tổ chức dạy học, không thể áp dụng một mô hình cho tất cả các trường trong toàn tỉnh được. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng đơn vị, của phụ huynh và học sinh từng lớp, xây dựng kế hoạch dạy học sát với thực tiễn. Hiệu trưởng nhà trường chủ động, linh hoạt sử dụng nhiều giải pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp như: trực tiếp, trực tuyến, trực tuyến kết hợp với trực tiếp, hay các giải pháp khác như giao bài trực tiếp, phiếu giao bài, qua zalo, messenger…, để hoàn thành chương trình, với phương châm “tạm dừng đến trường không dừng việc học”.

Thứ hai: Rà soát đến tận từng học sinh có hoàn cảnh khó khăn không đủ thiết bị, trong đó phân loại học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng khác…, từ đó có giải pháp hỗ trợ kịp thời; rà soát tận các điểm trường, từng gia đình học sinh không có điện, không tiếp cận được sóng truyền hình, mạng internet báo cáo UBND tỉnh; phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông để nâng cấp dịch vụ, cải tiến giải pháp kỹ thuật, nâng cao tốc độ truyền tải dữ liệu của đường truyền.

Thứ ba: Bằng nhiều hình thức khác nhau vận động mọi tầng lớp trong nhân dân hỗ trợ học sinh: Đoàn Thanh niên đến tận từng nhà học sinh để hướng dẫn cài đặt, dử sụng các phần mềm dạy học trực tuyến, cho mượn thiết bị; huy động giáo viên mầm non, giáo viên nghỉ hưu hỗ trợ trực tiếp cho học sinh lớp 1 trong thời gian học trực tuyến…; chia thời gian học trực tuyến cho từng cấp theo các khung giờ khác nhau để đáp ứng mục tiêu, một thiết bị có thể sử dụng cho nhiều người học trong cùng một gia đình; đảm bảo việc truy cập vào phần mềm được thông suốt, hạn chế trường hợp cùng thời điểm có nhiều tài khoản đăng nhập vào một hệ thống, ảnh hưởng đến chất lượng đường truyền.

Thứ tư: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục lựa chọn nội dung dạy học để tinh giản theo hướng: Ưu tiên giảng dạy các nội dung kiến thức cơ bản theo các mức độ nhận biết, thông hiểu (mức 1, mức 2), hướng dẫn học sinh tự học hoàn thành nội dung bài học. Các kỹ năng, mức độ còn lại cao hơn, tổ chức dạy cho học sinh khi học trực tiếp. Tận dụng “thời gian vàng” tăng thời lượng dạy học trực tiếp, như dạy học 2 buổi/ngày, dạy học vào các ngày nghỉ (thứ Bảy, Chủ nhật) để tập trung giảng dạy các nội dung trọng tâm, cốt lõi; củng cố, hệ thống lại nội dung trong thời gian các em học trực tuyến.

Thứ năm: Tiếp tục tập huấn cho đội ngũ giáo viên về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; kỹ thuật dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; xây dựng phần mềm giáo án điện tử, bài giảng điện tử, thư viện tài nguyên học liệu điện tử; xây dựng các bài giảng có thể dùng chung cho học sinh toàn tỉnh, nhất là học sinh vùng sâu, vùng xa có thể cùng tham gia học tập với đội ngũ giáo viên giỏi của tỉnh.

Thứ sáu: Chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường, các địa phương kêu gọi, vận động quyên góp ủng hộ thiết bị học trực tuyến theo chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Chính phủ phát động. Xây dựng “Thư viện thiết bị hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn” lưu giữ các loại thiết bị điện tử được quyên góp, ủng hộ phân bổ cho các cơ sở giáo dục, học sinh mượn; điều chuyển từ cơ sở giáo dục này sang cơ sở giáo dục khác, từ học sinh này sang học sinh khác nhằm khai thác tối đa, có hiệu quả số lượng thiết bị hiện có phục vụ cho dạy và học trực tuyến trong thời điểm giãn cách xã hội, phòng, chống dịch bệnh, đồng thời giúp các em có ý thức bước đầu hình thành và thích ứng làm việc với môi trường chuyển đổi số trong tương lai.

Thứ bảy: Đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, cơ quan y tế các cấp đưa giáo viên vào nhóm ưu tiên được tiêm phòng vac-xin sớm để học sinh, phụ huynh, giáo viên an tâm đến trường học tập khi điều kiện cho phép học trực tiếp.

Mặc dù dịch bệnh khó khăn nhưng ngành cũng đã xác định đây là cơ hội để nâng cao ý thức, từng bước hình thành kỹ năng làm việc trong môi trường chuyển đổi số cho toàn thể giáo viên, nhân viên, học sinh; thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hoàn thiện Trung tâm điều hành thông minh (IOC) mà Sở đang triển khai. Giúp học sinh vượt qua các rào cản về không gian, thời gian có thể học tập thường xuyên mọi lúc, mọi nơi nhất là đối với học sinh đang ở ngoài tỉnh, ngoài huyện chưa thể về nhà do bị mắc kẹt bởi thực hiện cách ly vẫn có thể tham gia học với lớp và bạn bè của mình; góp phần hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.

GS.TS Thái Văn Thành trao thưởng cho các giáo viên điển hình tiên tiến của ngành

Trước thềm năm học mới, trong bối cảnh công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đã bước đầu có những tín hiệu đáng mừng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã xác định ngành Giáo dục phải quán triệt tinh thần học thật, thi thật, chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách và phát triển toàn diện cho học sinh, chú trọng phát triển năng lực, kỹ năng, tinh thần sáng tạo của người học. Đối với môn Văn, cần chấm dứt lối học theo mẫu, dạy theo mẫu. Ông có suy nghĩ gì về những điều này?

Quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng là rất đúng và trúng với tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành T.Ư (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế và thực tiễn giáo dục của đất nước. Đây cũng là quan điểm xuyên suốt trong mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT 2018) là phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh. Vì vậy, đòi hỏi các nhà trường phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, phát huy vai trò dân chủ trong trường học, chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; trao quyền cho giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch dạy học các môn học và HĐGD, kế hoạch bài dạy. Giáo viên hoàn toàn chủ động lựa chọn hình thức dạy học sáng tạo tăng kỹ năng thực hành, trải nghiệm phát triển khả năng sáng tạo của học sinh. Riêng đối với Nghệ An đang triển khai mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục trong đó kiểm soát toàn bộ các khâu trong quá trình dạy học từ đầu vào, quá trình tác động, đầu ra, bối cảnh.

Để khắc phục tình trạng học theo mẫu, dạy theo mẫu trong môn Văn (thực chất là dạy, học rập khuôn, máy móc, triệt tiêu sáng tạo) cần thay đổi cách kiểm tra, đánh giá của giáo viên, của cơ quan quản lý giáo dục nhằm phát huy hết khả năng sáng tạo của học sinh trên nền tảng các kiến thức cơ bản đã được học, qua các hoạt động trải nghiệm, kinh nghiệm sống, vốn sống mà các em có. Những năm gần đây, Nghệ An đã thay đổi cách kiểm tra, đánh giá dạy học môn Ngữ văn theo hướng vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề mang tính thời sự của cuộc sống nhằm hạn chế tình trạng học tủ, học lệch, dạy học rập khuôn máy móc.

Là một nhà giáo, nhà quản lý trưởng thành từ môi trường giáo dục đại học, tại một trong những ngôi trường có bề dày về đào tạo sư phạm, ông có suy nghĩ gì về mối quan hệ gắn kết giữa giáo dục đại học và giáo dục phổ thông, khi có ý kiến cho rằng mối quan hệ này ở nhiều thời điểm đã có những đứt gãy?

Để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên các trường đại học sư phạm cần gắn kết hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên với thực tế ở các trường phổ thông; triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục tại các nhà trường; tham gia các hoạt động chuyên môn ở phổ thông (hướng dẫn sinh viên thực tập sư phạm, tham gia phát triển chương trình, biên soạn sách giáo khoa, các chuyên đề…), theo kế hoạch yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo và theo hợp đồng với các địa phương đã ký kết. Cải tiến, thay đổi chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tế, với xu thế phát triển, trong đó cần dự báo chính xác nhu cầu về số lượng, cơ cấu các mã ngành, môn học; chương trình đào tạo xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực để không bị lạc hậu, lỗi thời.

Xây dựng đội ngũ và các điều kiện đảm bảo để mở thêm các mã ngành mới đáp ứng nhu cầu giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, đơn cử như: Đào tạo giáo viên chuyên ngành âm nhạc, mỹ thuật cho cấp THPT, giáo viên KHTN, KHXH cho cấp THCS, giáo viên ngoại ngữ, tin học cho cấp tiểu học… Các cơ sở giáo dục phổ thông cũng cần chủ động phối hợp với các trường đại học trong việc xây dựng nhu cầu đào tạo sao cho thiết thực, tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới; đề nghị các trường đại học hỗ trợ giáo viên, học sinh trong nghiên cứu khoa học.

Trước một năm học mới với nhiều khó khăn, thách thức, dịch bệnh có thể còn kéo dài, dạy học trực tuyến còn có những ý kiến khác nhau, bộ sách giáo khoa mới đang được triển khai giảng dạy ở một số bậc học cũng đang có những tranh luận; ông muốn gửi gắm thông điệp gì tới giáo viên, phụ huynh và học sinh tỉnh nhà?

Trước hết cần xác định là dạy học (trực tuyến) online không chỉ là giải pháp tình thế trong thời dịch bệnh mà sẽ là xu hướng mà Việt Nam cần tiến tới trong thời đại 4.0; học trực tuyến đang ngày càng khẳng định nhiều ưu điểm vượt trội: Tiết kiệm thời gian, chi phí, nội dung hình ảnh trực quan sinh động, mang tính tương tác cao…

Trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, dạy học trực tuyến là giải pháp phù hợp nhất; giúp học sinh thực hiện chương trình học tập năm học 2021-2022 trong thời gian nghỉ học tại trường để phòng chống Covid-19 với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. Tùy từng điều kiện của cơ sở giáo dục, vào từng thời điểm khác nhau có thể áp dụng linh hoạt các hình thức: Dạy học trực tuyến, trực tuyến kết hợp với trực tiếp… để hoàn thành chương trình.

Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển xã hội số. Các cơ sở quản lý giáo dục, các nhà trường, giáo viên, học sinh cần nắm bắt cơ hội này để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, cải thiện các kỹ năng, hòa nhập vào quá trình chuyển đổi số của đất nước và trên thế giới.

Về sách giáo khoa, trước hết cần khẳng định các bộ sách được Bộ GD và ĐT phê duyệt đều đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018. Căn cứ vào hướng dẫn chọn sách giáo khoa của Bộ, Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng lựa chọn được các bộ sách giáo khoa lớp 1, 2, 6 phù hợp với đặc điểm của tỉnh và điều kiện dạy học của cơ sở giáo dục trong tỉnh. Theo CTGDPT 2018, chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa là kênh tham khảo để giáo viên chủ động trong việc xây dựng kế hoạch dạy học môn học và HĐGD, kế hoạch bài dạy cho phù hợp với đối tượng học sinh.

Xin trân trọng cảm ơn GS.TS Thái Văn Thành!

PV thực hiện

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 17, tháng 9/2021)