20h tối nay, ngày 6/8/2023 tại Cảng Sài Gòn, số 5 Nguyễn Tất Thành, phường 12, quận 4, tại Cảng Sài Gòn, bối cảnh lịch sử mà chàng trai Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước đúng mùa Hè 112 năm trước, có một sự kiện lịch sử chưa từng có nơi đô thị lớn nhất VN.

Câu chuyện lịch sử của Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh trải dài theo không gian và thời gian. Ảnh: Võ Mạnh Hảo.

Hệ thống sân khấu ba lớp với tổng chiều dài 140 mét tại Cảng Sài Gòn – Cảng hành khách tàu biển, là nơi “Dòng sông kể chuyện” (Signature Show “The Story Of A River”).

Sản xuất chương trình là Công ty Newday Media từ Hà Nội, do Giám đốc Lê Hải Yến viết kịch bản và Tổng Đạo diễn. Lê Hải Yến đã nhận được một số giải thưởng quốc tế bằng các chương trình quy mô lớn như Lễ hội đón nhận di sản Xoè Thái Tây Bắc, Lễ hội biển Sầm Sơn. Thật thú vị, đặc biệt khi ê kip chính đều là người Hà Nội. Lê Hải Yến sinh năm 1982, sinh ra – lớn lên tại 366 phố Bạch Mai, Hà Nội. Nhà thơ Vi Thùy Linh sinh 1980 tại Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thi sĩ “Dệt tầm gai” có 28 năm sáng tác chuyên nghiệp và đã 42 lần vào SG.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, câu chuyện lịch sử của Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh trải dài theo không gian và thời gian với một dòng chảy lịch sử hơn ba trăm năm, được kể qua năm chương nghệ thuật: Khẩn hoang – Xây Thành – Trên bến dưới thuyền – Thương cảng phồn vinh – Rực rỡ thành phố bên sông.

Signature Show “The Story Of A River” được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, nổi bật của Thành phố gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản và bản sắc văn hóa, lịch sử riêng biệt, góp phần đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm đến với du khách quốc tế.

Bối cảnh nghề thủ công của cư dân Sài Gòn xưa. Ảnh: Võ Mạnh Hảo.

Thường thì sông là cảm hứng sáng tác để các nghệ sĩ tình tự với dòng sông. Nhưng với show thực cảnh đêm nay, sông Sài Gòn là chủ thể kể chuyện, các nghệ sĩ ẩn mình đi để cái tôi chính là của dòng sông. Văn hoá sông nước, hồn cốt của Sài Gòn – Gia Định, từ thời khẩn hoang Nam Bộ.

Lời bình nhiều chất thơ, dữ liệu lịch sử do nhà thơ Vi Thuỳ Linh công phu viết sau quá trình trải nghiệm, tình cảm yêu mến Sài Gòn và đọc nhiều sách của các nhà văn, nhà nghiên cứu. Gắn bó nhiều chương trình của Lê Hải Yến, nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến (Nhà hát Ca múa Thăng Long) càng tỏ rõ sự đa năng của một chuyên gia phong phú trữ lượng âm nhạc. Bởi âm nhạc của show thực cảnh này đòi hỏi phức tạp: từ hò, đờn ca tài tử, cải lương, phòng trà, nhạc nhẹ, rap… Phu quân Hải Yến, nhạc sĩ 7x Phạm Khánh Băng sáng tác mới một ca khúc sôi động đúng chất Sài Gòn trẻ trung rộng mở, hiếu khách, với ngôi sao ca nhạc Võ Hạ Trâm nhóm MTV. Gần 1 năm chuẩn bị, tham kháo các cố vấn chuyên môn, nhưng chỉ có 1 tháng thi công tại hiện trường, cả công ty Newday và ekip từ Thủ đô phải căng mình để kịp ngày 4/8 tổng duyệt và diễn đêm 6/8/2023. Tại họp báo sáng 12/7/2023, ông Jonathan Hạnh Nguyễn (thường được biết đến với tên gọi trìu mến là “bố chồng diễn viên Tăng Thanh Hà”) đã xuất hiện trong vai trò nhà tài trợ chính của Lễ hội đặc sắc này. Từ Philippines về sống, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nhân J.Hạnh Nguyễn cùng phu nhân là cựu diễn viên Lê Hồng Thuỷ Tiên (vai cô sinh viên chơi dương cầm mà Lê Công Tuấn Anh theo đuổi, phim Vị đắng tình yêu, tập 1) và các con của họ luôn tỏ rõ trách nhiệm vì cộng đồng, đóng góp cho thành phố trong nhiều sự kiện, cảnh huống khó khăn (đại dịch Covid – 19) tới các hoạt động văn hoá. Sài Gòn bên sông, chi chít kênh rạch, lại bị triều cường, nên một Tổng Đạo diễn nữ mảnh mai, từ Hà Nội vào, dù nỗ lực mấy cũng là hy hữu, phi thường khi chỉ huy làm đạo cụ, tìm thuyền buồm cổ, phân phối luồng tàu thuyền khi tập lệ thuộc thuỷ triều, cùng lúc điều phối nhiều nhóm lao động, tập luyện từ hậu trường tới sân khấu ba lớp – ba vị trí. Hải Yến và gia đình thực sự chuyên tâm cho mốc sự nghiệp quan trọng này, dồn mọi quan tâm để dốc lòng khi được tin cậy trao sứ mệnh. Yến đã sống tại Sài Gòn, khi đưa cả 3 con nhỏ (bé lớp 3, lớp 2 và 2 tuổi), 4 người giúp việc vào Thành phố Hồ Chí Minh để yên tâm tập trung cho Signature show chưa từng có. Sống từ cảm thức đọc, tìm hiểu để hình thành kịch bản 5 chương tới khi nó hiện dần và ra mắt.

Tái hiện nghề làm chiếu của cư dân ven sông Sài Gòn xưa. Ảnh: Võ Mạnh Hảo.

Dòng sông kể chuyện hội tụ gần 700 diễn viên chuyên, không chuyên, thợ thủ công, nghệ nhân như những người dân thành phố hội tụ ba miền cùng gắn bó với đời sống đô thị sông nước này. Biên đạo múa, NSƯT Thanh Hằng, không chỉ dàn dựng các màn vũ đạo đẹp mắt của diễn viên mà còn diễn tả các nghề thủ công bằng khối thực cảnh sinh động: đánh bắt cá, làm nước mắm, dệt chiếu, gốm sứ. Toàn bộ lời bình của nhà thơ Vi Thuỳ Linh được đọc bằng giọng phát thanh viên Nam Bộ với phần dẫn trực tiếp của hai MC: Nguyên Khang, Thuý Hằng.

Dòng sông Sài Gòn chính là một “nhân chứng” hào hùng và lãng mạn của lịch sử, bởi vậy, toàn bộ câu chuyện về Sài Gòn ở ‘Dòng sông kể chuyện” sẽ được kết hợp các kỹ thuật trình diễn từ sân khấu hóa đến nghệ thuật thực cảnh, từ nghệ thuật dân gian đến đương đại, âm nhạc, vũ kịch, điện ảnh kết hợp công nghệ giải trí đa dạng nhằm tạo ra lễ hội rực rỡ trên sông – tinh lọc thành sản phẩm du lịch cuốn hút sẽ diễn thường xuyên thời gian tới.

Điểm đặc biệt có một không hai là những hào quang rực rỡ ấy phơi mở trong ánh sáng lộng lẫy trên dòng sông – thương cảng thật, tàu lớn, thuyền buồm, ghe trái cây thật, con người thật, bối cảnh thật và những câu chuyện thật cùng cảm xúc chân thật nhất được nâng tầm thành nghệ thuật với tổng thể thực cảnh quy mô tầm quốc tế.

Newday Media, đơn vị thực hiện chương trình này đã và đang căng sức thực hiện “tốc hành” suốt 1 tháng cho đến khi chương trình hoàn tất. Setup hệ thống sân khấu 3 lớp: phần trên cạn, phần dưới sông và phần nổi trên sông dài 140m là sân khấu thực cảnh “khổng lồ” chưa từng có tiền lệ này sẽ là nơi thực hiện các phần biểu diễn chính với nhiều lớp diễn cùng lúc tốn nhiều công điều phối khi quá trình tập luyện công phu, chính xác đến từng chi tiết lệ thuộc vào cả thời tiết lẫn thuỷ triều.

Sân khấu 3 lớp: phần trên cạn, phần dưới sông và phần nổi trên sông dài 140m là sân khấu thực cảnh “khổng lồ”. Ảnh: Võ Mạnh Hảo.

Ngoài tập luyện công phu, tận lực của diễn viên, Lê Hải Yến còn phát huy ưu việt công nghệ. Tổng Đạo diễn như một “nữ tướng nhiều mặt trận”. Sử dụng công nghệ 3D, mapping lên toàn bộ phần sàn của bối cảnh trên bờ; hệ thống nhạc nước lập trình theo âm nhạc của vở diễn; hệ thống ánh sáng được phổ chi tiết theo từng tiết mục. Để tạo ra được những hình ảnh chân thật nhất, trong màn Khẩn hoang, ekip đạo diễn phải lục tìm lại những ghe bầu cổ từ miền Trung, phục dựng lại những cánh buồm xưa. Tới màn Chợ nổi, ekip huy động hơn 40 xuồng ba lá và tam bản để tái hiện khung cảnh chợ hoa bến Bình Đông ngày Tết. Màn diễu hành với hơn 30 tàu thuyền du lịch các loại: từ cano, thuyền buồm, tàu nhà hàng, tàu du lịch, water bus… là một hình ảnh ẩn dụ cho sự phát triển phồn thịnh mà ngành du lịch có được khi phát huy hết vẻ đẹp, công năng sông Sài Gòn.

Chương cuối sẽ làm bữa tiệc trở lên toàn bích của các công nghệ trình diễn hiện đại bậc nhất với hệ thống đèn lazer công suất lớn, màn flyboard đặc sắc, hiện ra các công trình lịch sử và hiện đại mang tính biểu tượng của Sài Gòn hoa lệ, kết hợp cùng phần trình diễn drone show và pháo hoa trên trời cùng ánh sáng từ hàng chục tàu thuyền lớn trên dòng sông đẹp nhất của “Hòn ngọc Viễn Đông” lộng lẫy.

Êkip sáng tạo dâng tặng người xem cả nước và nước ngoài bức tranh liên hoàn đan kết bởi chắt lọc vàng ròng từ lịch sử mãnh liệt và trữ tình của đô thị bên sông sôi động nhất Việt Nam mà là sự thức động của đặc sắc đời sống Gia Định – Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh hơn 300 năm, đủ bề dày, chiều sâu và sức trẻ bằng cách khai thác, thể hiện đột phá và hiếm lạ. Khán giả, du khách được hưởng dạ tiệc du ngoạn giác quan, là thành tố cùng làm nên dấu ấn trải nghiệm với festival trên sông chưa từng có.

Lễ hội sông nước Thành phố Hồ Chí Minh – Ho Chi Minh city River Festival, đỉnh điểm là đêm nghệ thuật thực cảnh trên sông Sài Gòn, bối cảnh Cảng lịch sử.

Nguyệt Hằng