45 năm trôi qua, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc đã lùi xa, nhưng những mất mát và đau thương thì vẫn còn đó, trong những “nén nhang cũng khóc”, trong nụ cười khắc vào bia đá của những người chiến sỹ tuổi mười tám, đôi mươi, “những đám mây còn đỏ máu hoàng hôn” để rồi những bài học cho tới giờ “nơi cuối trời sẹo đất mãi còn đau”.

Trên facebook, ngày 17/2 hôm nay, chúng tôi gặp được nhiều câu thơ, nhiều xúc cảm của người Việt về cuộc chiến của 45 năm trước. Xin trân trọng gửi tới bạn đọc các bài thơ của nhà thơ Văn Công Hùng vừa viết sáng 17/2 mà như ông nói “mới như một phác thảo” và của nhà báo Phan Xuân Luật.

Văn Công Hùng
CHIỀU VỠ ÒA BIÊN CƯƠNG

mộc miên đã rụng đầy suối
viên đá cuội khô kịp lên rêu
trời xanh giăng ngang núi
rừng đã kịp non sau bom pháo tơi bời

mẹ khóc
nén nhang cũng khóc
tóc bạc phơ lặng ngắt nắng chiều
con mẹ đấy, ngôi sao đỏ chói
im lìm tấm bia im lìm chân hương

tiếng súng ấy đã vang nơi này
đá thành vôi đá tan như bụi mịn
những thân người trắng xóa
mắt đen, nòng súng đen

mẹ đến tìm con
bốn mươi năm sau ngày đau thương ấy
vai gầy như hơi thở
con cười trong bia

con mãi tuổi hai mươi
thương mẹ tảo tần
bông hoa nở trong chiều muộn
nghĩa trang gối đầu vào núi
vẫn đội hình hành quân

có một cô gái khóc
chiều vỡ òa biên cương…

Những người lính trẻ tham gia mặt trận Vị Xuyên. Ảnh tư liệu

Phan Xuân Luật
NGƯỜI LÍNH GIỮ BIÊN CƯƠNG

Các anh nằm dọc biên cương Tổ quốc
Những nấm mộ có tên và không tên
Những hình hài lẫn vào đất cát
Ngã xuống rồi Tổ quốc vẫn trong tim.

Vẫn là lính canh đất trời quê mẹ
Người lính tiền tiêu mưa nắng dãi dầu
Nơi ấm lạnh vô thường cơn gió dữ
Nơi cuối trời sẹo đất mãi còn đau.

Nơi đầu suối, đầu sông chảy vào đất Việt
Nơi đám mây còn đỏ máu hoàng hôn
Nơi hạt bắp cựa mình trong kẽ đá
Nơi tiếng chim xanh sự sống tự nguồn.

Là nơi ấy, anh nằm trong đất mẹ
Hóa thân vào cây cỏ quê hương
Hóa cột mốc ngàn đời vững chãi
Hóa tượng đài người lính giữ biên cương.