Nhà văn Nguyễn Thế Quang là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An. Là một nhà giáo nghỉ hưu, chỉ hơn mười năm nay ông đã “trình làng” 4 tác phẩm, tất cả đều là tiểu thuyết lịch sử và đều giành được những giải thưởng uy tín: “Nguyễn Du” (giải A Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương lần thứ IV (2005-2010) của tỉnh Nghệ An; “Khúc hát những dòng sông” (giải C Cuộc thi sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2013); “Thông reo Ngàn Hống” (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015, Giải thưởng văn học ASEAN năm 2016); “Đường về Thăng Long” (giải C Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương lần thứ VI (2015-2020)). Có thể nói, Nguyễn Thế Quang và tác phẩm của ông đã tìm được chỗ đứng và góp một tiếng nói quan trọng trong tiến trình vận động, phát triển của thể loại tiểu thuyết lịch sử. 

Mới đây, ông đã hoàn thành bản thảo cuốn tiểu thuyết lịch sử “Hồ Xuân Hương” với 27 chương, 9 phần. Dù chưa in, phát hành, nhưng nhà văn đã đồng ý để tạp chí Sông Lam trích đăng chương 8 và chương 9: Chém cha cái kiếp lấy chồng chung. Sông Lam xin giới thiệu cùng quý bạn đọc các chương này của tiểu thuyết “Hồ Xuân Hương”.

Ch­ương 8

Gió bấc từng trận tràn về lướt qua ngôi nhà sàn độc đáo được dựng trên ao nhà của Tổng Kình. Xuân Hương đang ngồi dệt lụa. Bàn tay trắng trẻo nhịp nhàng đưa thoi. Liếc mắt nhìn ra ngoài, nắng chiều vàng ửng. Tay thoi dừng lại. Nắng đẹp quá! Bên dưới, cách một khoảng đất rộng là ngôi nhà ngói 5 gian của Tổng Kình. Bà Cả đang quát tháo con ở hay tá điền nào đó. Có tiếng trẻ con khóc và tiếng ru của bà hai. Mang danh là bà ba của gia đình này, sống chung trong mảnh vườn nhưng Xuân Hương không ăn nhập gì với những âm thanh đó. Nàng thấy trống vắng, đứng dậy, thay áo xống, mặc cái váy bằng đũi màu tím, cái áo dài tay màu bồ quân, quàng chiếc khăn lụa Quảng Đông bước xuống cầu thang, đi ra ngoài. Đường vắng. Lúc này, người trong làng Gáp hầu hết đi làm ruộng, lên đồi, không ai rảnh rỗi cả. Qua lũy tre, nàng dừng lại. Sau cánh đồng, qua mấy vạt ao là những đồi thấp, cây cỏ lúp xúp. Tiếp đó là những rừng già xanh ngắt, sừng sững. Qua đình làng, nàng tới đền Sơn Minh Vương – nơi thờ người anh hùng Lân Hổ từ xa xưa đã biết tập hợp dân Mường, dân Kinh, dân Dao chống lại quân Tàu từ phương Bắc tràn xuống. Phía bên trái là làng Sơn Dương. Mười ba năm trước, lúc nàng mới 13 tuổi đã từng theo thầy lên vùng này. Thầy dạy học ở đó hai năm. Xuân Hương thích thì ngồi nghe thầy giảng, không thích thì đi chơi cùng các ả, các chị trong làng. Có những đêm trăng đi nghe hát xoan, hát ghẹo. Người dân ở đây lam lũ, cần cù, thuần hậu nhưng rất thích ca hát và đây cũng là vùng có nhiều lễ hội.

Xuân Hương còn nhỏ nhưng cũng sớm thuộc nhiều câu ca của vùng này dù chưa hiểu được bao nhiêu. Có lần xem các anh chị hát, Xuân Hương thấy một chàng trai cất tiếng:

Gặp đây anh mới hỏi nàng
Cái gì lủng lẳng một gang trong quần.
Mấy chị đỏ mặt lên. Một chị đáp:
Chàng hỏi thì thiếp thưa rằng
Cái đeo lủng lẳng là giằng cối xay.
Cả đám đông cười ồ lên thích chí.

Đêm ấy, Xuân Hương về hỏi mẹ. Mẹ giảng sơ qua cho nàng nghe rồi hỏi:
– Con nghĩ xem, câu hỏi và câu đáp đều nói về những “cái ấy” nhưng cách nói có gì khác nhau?
Xuân Hương nghĩ mãi rồi nói:
– Chàng trai hỏi thẳng còn cô gái trả lời tránh, mẹ ạ.
– Đúng vậy. Chàng trai hỏi trực tiếp, thô quá. Còn cô gái mượn một vật quen thuộc, trả lời khéo mà vẫn gợi đúng “cái ấy”. Con gái, phải thông minh kín đáo, thế mới được con ạ.

“Mượn một vật quen thuộc mà vẫn gợi được cái ấy, chuyện ấy mới là người thông minh, duyên dáng”. Hay quá! Xuân Hương nhớ mãi lời mẹ, học cách ấy mà sau này có bài “Vịnh cái quạt”, “Cái giếng thơi”…

Thế nhưng, Xuân Hương thích nhất là lễ hội tháng Giêng hàng năm của vùng đất Việt cổ này. Nghĩ đến đó, nàng cột lại khăn, đi về phía rừng Trám. Cứ mỗi năm, đến các ngày 10, 11, 12 tháng Giêng, làng Gáp (hay còn gọi là Thạch Gáp) mở hội. Vui nhất là đêm 11 từ đầu hôm cho đến sáng. Hội mở ngay khoảng đất rộng cạnh rừng. Xuân Hương dừng lại trước ngôi đền thiêng. Dân trong làng, trong xã và cả các vùng phụ cận kéo về rất đông. Đầu đêm là các màn hát xoan, hát ghẹo, là trò diễn “tứ dân chi nghiệp” (bách nghệ khôi hài). Sĩ nông công thương, rồi gần nửa đêm là màn cúng lễ của các cụ, đúng nửa đêm là lễ “linh tinh tình… phộc” kéo dài cho đến sáng. Ngày 12 là rước lúa thần.

Xuân Hương xin đi. Thầy không bằng lòng nhưng mẹ bảo cho con đi “giảng cho cháu hiểu các lẽ”. Chao ôi, thích thật! Cả Tứ xã người chen chân. Tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng hát vang lên khắp nơi. Mẹ con cố chen vào đám hát. Các anh chị trong làng quần áo mớ ba mớ bảy, các nhạc công chủ yếu là bộ gõ hòa theo. Không có những tích trò như chèo nhưng những tốp nam nữ diễn tả công việc của nhà nông đi cấy… nhà buôn… người thợ… học trò. Mà diễn những điều đó chủ yếu là pha trò, là chuyện vui.

Chị đi cấy thì hát:
Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy lấy ông chủ nhà.

Một thanh niên áo nâu, khăn thủ rìu màu đỏ, bước ra, nghênh cái mặt lên nghịch ngợm.
Anh đây đi cấy thì gốc chổng lên
Ngọn thời cắm xuống mới nên mùa vàng…

Mọi người cười ồ lên. Cô gái bên cạnh ngặt nghẽo cười, đấm vào lưng bạn trai ngồi trước thùm thụp. Một anh thợ xẻ, bước ra:
Người ta xẻ gỗ trên ngàn
Anh đây cưa lấy một nàng đương tơ…

Một ông già tóc bạc, râu dài, gánh mấy cái nơm, cái oi lại hát:
Ai ơi chớ tưởng tôi già
Tôi còn gánh được dăm ba cái…l…

Cứ thế, người tiếp người, đối tiếp đối, gánh gồng, múa hát… thật vui. Hai chị em xem mãi không chán.

Sau màn cúng nghiêm trang của các cụ, lễ linh tinh tình… phộc bắt đầu. Đám đông lặng im. Tất cả nhìn vào khoảng sân trống trước đền có trải những tấm chiếu nẹp đỏ. Năm cụ, mũ, quần áo lễ màu xanh đỏ. Sau lời xướng của chủ lễ, hai cụ mặc áo thụng xanh, hai tay cầm hai nắm hương khói cuộn thơm lừng, cụ thủ từ mặc áo thụng đỏ… Ba cụ thong thả, kính cẩn bước vào đền. Cụ thủ quỳ lạy rồi đứng lên, bưng một hộp vừa rộng vừa dài phủ vải đỏ. Cụ giơ lên quá đầu, vái ba vái rồi quay lại. Cái hộp vẫn nâng lên ngang đầu. Trong ấy đựng vàng bạc, hay ấn tín gì mà các cụ nâng cao kính trọng vậy nhỉ?

Đến giữa sân, có lệnh của chủ lễ, cụ thủ từ đặt chiếc hòm lên bàn. Chủ lễ hô: “khai hộp!” Bàn tay già lần lượt mở các nút vải. Xuân Hương chăm chăm nhìn. Hai bàn tay cụ thủ từ nâng nắp tráp lên. Bên trong vẫn bọc vải đỏ. Cái gì vậy nhỉ? Tay cụ già mở vải ra: hai vật bằng gỗ cũng sơn son đỏ. Một cái dài mà tròn, đầu nhẵn. Một cái hình ba góc khum khum, một phía nhọn có một lỗ tròn và dài. Xuân Hương quá đỗi ngạc nhiên: “sao mà hình tựa như cái… ấy của đàn ông và âm hộ của chị em vậy nhỉ?” Nàng nhìn mẹ. Bà ra hiệu im lặng rồi chỉ tay vào phía ông từ. Chợt một nam, một nữ áng chừng trên ba mươi tuổi bước đến. Chàng trai đầu vấn khăn đỏ, đóng khố đỏ để lộ bộ ngực rộng như tấm phản, bắp tay cuồn cuộn. Người đàn bà váy thâm, yếm đỏ, ngực căng tròn. Bác thủ từ trao vật gỗ dài tròn nhẵn cho người đàn ông, trao phiến gỗ ba góc cho người đàn bà. Hai người đứng quay mặt vào nhau, chân doãi ra như sắp đấu vật.

Có tiếng chủ lễ hô: Tắt đèn! Trăng 11 đã lặn. Trời tối lại. Bầu trời thăm thẳm chi chít muôn ngôi sao nhấp nháy. Mọi người lặng im. Có cái gì thiêng liêng quá! Chủ từ hô: Bắt đầu! “Linh tinh tình… phộc”. Cùng lúc, hai vật nõ và nường đâm khít vào nhau: phộc! Tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng reo hò của mọi người vang lên. Tiếng chủ lễ vang lên “lần 2 – chuẩn bị”. Đám đông lặng im. Chờ đợi. “Linh tinh tình… phộc”. Chỉ nghe một tiếng cạch nhỏ, nõ chỉ trượt qua nường. Đám đông nhốn nháo. “Trượt rồi!” Lại lặng im trong giây lát. Sao mà Xuân Hương cảm thấy dài thế. Tiếng chủ lễ vang lên “Lần 3 – chuẩn bị”. Đám đông lo lắng. Lần này mà trật thì năm nay mất mùa nặng, dân tình đói kém to “Linh…tinh…tình…phộc”! Tiếng hô vừa dứt, mọi người nghe rõ tiếng nõ và nường chập vào nhau. “Đúng rồi! Khớp rồi!” Tiếng trống giục liên hồi, tiếng chiêng đuổi nhau, tiếng mọi người reo vui kéo dài. Vui quá!

Lễ linh tinh tình… phộc. Tranh: Hồ Thiết Trinh

“Đủ ba lần rồi. Sao đèn đuốc chưa đỏ lên nhỉ?” Xuân Hương nghĩ vậy. Bỗng chủ lễ hô đĩnh đạc “Tháo… Khoán…” Đám đông như ong vỡ tổ. Có tiếng ai cất lên rành rõ: “Có chồng thì thả mồi ra/ Chưa chồng thì cặp, thì nuốt, thì tha lấy mồi…” Xuân Hương căng mắt nhìn, nhiều đôi nam nữ nắm tay nhau, kéo nhau đi. Có anh giơ tay cởi yếm cô gái… Họ chạy theo các đôi vào rừng tràm. Mẹ nắm tay Xuân Hương: “Giờ là chuyện của người lớn. Hết trò rồi, chúng ta về thôi”.

Nhớ đến đây, Xuân Hương đưa mắt nhìn miếu thờ, nhìn rừng tràm. Cành cây lực lưỡng vươn rộng với muôn vàn lá xanh um hiên ngang trong gió bấc ào ào. Nàng cảm nhận được hương tràm thơm nồng. Có cả hương hoa gì thoang thoảng. Xuân Hương nhìn quanh. Những bông hoa nhỏ xinh lặng lẽ trong những đám cỏ bên đường. Hoa cúc trắng! Nàng cúi xuống, nâng một bông nhỏ. Hương thơm dìu dịu của tình hiếu thảo, của sự trường tồn… Những vườn hoa cúc đại đóa rực rỡ vàng ở vườn hoa Nghi Tàm. Hoa cúc dại ở đây mọc lặng lẽ trong rừng già, dọc ven đường, nhỏ nhắn, khiêm nhường nhưng vẫn luôn nồng thắm. Nàng nhớ thầy, nhớ mẹ. Mình về đây, mẹ ở đó với dì… Mẹ có khỏe không…? Xuân Hương ngắt những đóa hoa vừa nở. Hoa đầy tay… Nàng trở lại làng. Nàng lại nhớ đêm hội Linh tinh tình… phộc hôm ấy.

Đến nhà Nho Trâm, học trò cũ của thầy, mọi người vẫn chưa ngủ. Xuân Hương thấy lòng mình xao động quá.
– Mẹ ơi! Sao đây lại thờ sinh thực khí của nam nữ; coi trọng nó đến vậy?
Mẹ nhẹ nhàng:
– Thế con coi hai vật đó thế nào?
Nghĩ một lúc, Xuân Hương nói:
– Dạ! Đó là những bộ phận quý của con người, nhưng đem thờ thì… thế nào ấy.
– Thế trên bàn thờ chúng ta thờ ai?
– Dạ. Thờ tổ tiên, ông bà.
– Thế cái gì làm ra ông bà, cha mẹ?
– Dạ. Do các cố ông cố bà, các can…
– Đúng rồi. Các cái đó của các cụ cố, các can… sinh ra đời này đến đời khác. Không có cái đó, không có con người, con người không thể sinh sôi nảy nở đông đúc thành xóm, thành làng, thành xã, thành tổng,… thành giang sơn thế này… phải thờ là đúng lắm chứ, phải không nào?

Xuân Hương lặng im. Hà mẫu nhìn con:
– Sinh được một con người, nuôi được lớn lên, dựng vợ gả chồng là khó lắm. Thầy mẹ sống với nhau bao năm, mong ước lắm cũng chỉ được mình con. Ngày xưa, cuộc sống vô cùng khổ sở, mưa gió thất thường, phần nhiều gia đình hữu sinh vô dưỡng, con người càng mong mỏi có con. Dân mình thờ “nõ”, “nường” là mong thần linh cho làng xóm đông đúc.

Xuân Hương nghĩ ngợi điều gì một lát, rồi nói:
– Mẹ ơi, thầy mẹ dạy con “nam nữ thụ thụ bất thân”, sao các anh chị ấy lại…?
– Các anh chị ấy làm vậy vì mong có con. Mọi người tin rằng, có con vào dịp ấy sẽ được thần linh che chở sau này tài giỏi con ạ. Những cặp đôi ấy họ thương nhau, quý nhau, tin nhau, quyết lấy nhau mới làm chuyện đó. Đó là chuyện hệ trọng con ạ.

Nắng chiều vãn vàng trên rặng tre làng. Mấy bà trong xóm nhìn bó hoa trong tay Xuân Hương, ngạc nhiên “bà Ba hái cúc dại làm gì nhỉ? Dân kẻ chợ lạ thật”. Nàng chạnh buồn nghĩ đến bao lời họ nói về mình. “Sao người dân ở đây luôn nghĩ khác về mình vậy nhỉ?” Về đến cổng nhà, nàng chợt thấy hai người đàn ông đang đứng chờ mình ở chân cầu thang. Một người là Nho Trâm – học trò cũ của thầy.
– Chào chị Tổng. Đây là anh Hân – bạn cùng làng. Chúng em hay tin anh chị có đôi độc bình quý xin đến xem.
Xuân Hương hoan hỉ mời hai người lên nhà. Nhà sàn đẹp nhưng vắng, không mấy khi có khách, nhất là khi nàng ở nhà một mình. Đỡ chén trà trong tay Xuân Hương, Nho Trâm nhẹ nhàng:
– Chị vẫn dùng trà sen Tây Hồ.
– Về đây chị uống chè vằng đã quen. Chè sen này mẫu thân vừa gửi lên. Có khách quý. Chị mời hai chú.

Vừa thưởng trà vừa ngắm đôi độc bình lớn làm từ gỗ mít phủ sơn then, Nho Trâm và Hậu chăm chú vào hai đôi câu đối:
Thảo lai băng ngọc kính/ Xuân tận hóa công nương
Độc bằng đan quế thượng/ Hóa phóng bích hoa hương
(Có tấm gương quý như ngọc/ Hóa công cũng chịu lúc tàn xuân – Chi bằng ta vin cành quế/ Tha hồ hoa biếc tỏa hương thơm).

Nho Trâm nhìn Xuân Hương. Bà chị mình thâm thúy mà kiêu hãnh. Hai câu, hai người một cặp mà đa nghĩa. Phải chăng câu một là lời của Xuân Hương, vừa tự nói lên sắc đẹp, tài năng và giá trị của mình, vừa nhắc nhở đẹp thế phải tận hưởng đi, già rồi thì chịu. Thế nhưng nó cũng hàm ý nhắc người phải nâng niu, gìn giữ cái đẹp. Còn câu hai là nỗi lòng của chàng hăm hở hưởng thụ hoa biếc hương thơm.

– Chủ nhân có đôi câu đối hay quá, thật đa nghĩa, hiểu nghĩa nào cũng thấy hay.
Xuân Hương mỉm cười khẽ gật đầu. Trông đôi mắt chị ấy, nho Trâm biết chị ấy bằng lòng: “chú lúc nào cũng hiểu chị”. Nho Hân thì đơn giản hơn, cứ nghĩ đôi câu đối này là của Tổng Kình làm, bèn phụ họa vào:
– “Giỏ nhà ai, quai nhà nấy”, hậu duệ của cụ Nghè Nguyễn thì ắt phải như vậy (Tổng Kình là cháu của Thiêm đô ngự sử Nguyễn Quang Thành đậu Tiến sĩ năm 24 tuổi đời Lê Chính Hòa (1680)).

Xuân Hương nhìn nho Trâm: “Cứ để chú ấy hiểu vậy, đẹp chàng thơm nàng càng hay”. Nghĩ trong nhà chỉ có một mình Xuân Hương, ngồi lâu không tiện, hai người đứng dậy cáo từ:
– Chúng em còn phải sang Sơn Dương, lâu ngày rồi chưa gặp anh Tú.

***

Bưng bát nước chè vằng đậm chát uống một mạch, Nho Trâm thấy đã quá, tỉnh cả người. Hồi nãy, đến nhà chị Xuân Hương, trà sen thơm thật nhưng không giải được cơn khát.
– Bác Tổng cũng vừa ở đây ra xong, đang phi ngựa lên làng trên. Nghe nói có đám vui gì đó.

Nho Trâm và Hậu nói cho Tú Điều về đôi bình quý và đôi câu đối hay, về việc Xuân Hương hái hoa cúc dại về cắm ở bình hoa quý trên Phong Nguyệt sào. Nho Hậu lại khen, “Bác Tổng làng mình thế mà chữ nghĩa khá thật. Đúng là quýt ngọt lấp lá!”

Tú Điều nhìn Nho Trâm:
– Bác Tổng ngang tàng, phóng túng, mang vẻ hào hoa, lúc nào cũng có quý nhân phù trợ.

Nho Hân nghe nói vậy, chưa hiểu ra sao. Còn Nho Trâm mỉm cười, gật đầu. Điều này, chỉ có ba người hiểu. Tổng Kình (tên chữ gọi là Cộng Hòa), Điền và Trâm ở ba làng khác nhau (nhưng cùng xã Tứ Xã) cùng học với thầy Hồ Phi Diễn ở làng Sơn Dương, sau về học tiếp ở Nghi Tàm. Xuân Hương càng lớn càng xinh, càng thông minh nghịch ngộ hầu như ai cũng thích. Ba anh em cũng vậy. Điền và Trâm thỉnh thoảng cũng tìm cách tán tỉnh cho vui nhưng luôn xác định mình không thể vươn và cũng không vươn cành quế ấy. Chỉ có Kình thì mê đắm Xuân Hương hơn. Mười năm trước, sáng Ba mươi Tết, Hòa rủ hai người về Nghi Tàm. Ba người, ba ngựa xuôi chúc tết thầy. Biết rõ mục đích, trời đã tối, Xuân Hương ra vế đối:

Tối Ba mươi khép cánh càn khôn, kẻo nữa ma vương đưa quỷ tới.

Kình đớ người nhìn hai bạn, chưa ai nghĩ ra được. Dọc đường ba người tìm cách đáp câu đối đó. Khi về đến Tứ Xã thì đã tìm ra vế đối có thể thỏa ý rồi.
Cộng Hòa sướng quá, reo lên: “Tuyệt! Hai bạn vui vẻ!”

Đêm ấy, đón giao thừa xong, Cộng Hòa một mình một ngựa phi về Thăng Long. Chiều mồng Một, Hòa đến nhà Điền. Trời rét mà người và ngựa ướt đẫm mồ hôi.
– Sao? Thành công chứ?
Cộng Hòa uống bát nước chè vằng xong, vui vẻ nói:
– Thầy Hồ ngạc nhiên, “Cha ông dặn “Mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết thầy”. Sao nay trò lại xuống?”
– “Dạ. Con xuống để đối câu đối mà em Xuân Hương ra chiều qua ạ”, nói rồi Cộng Hòa đọc cả vế ra và vế đối của mình:
Tối Ba mươi khép cánh càn khôn, kẻo nữa ma vương đưa quỷ tới
Sáng mồng Một mở then tạo hóa, để cho thiếu nữ rước xuân vào.
Hồ sư phụ gật gù khen: “Giỏi!”
– Còn người đẹp thì sao?
Xuân Hương nhìn, “anh khóa có công thật”.
Điền mỉm cười:
– Mong huynh nên đôi nên lứa.

Thế nhưng, thế sự rối, Kình bị nhà chúa bắt đi lính. Thầy mẹ bắt cưới vợ ngay. Đó là con gái đầu của viên lý trưởng – một người khỏe mạnh, cứng cỏi mà sắc sảo. Kình phải vâng lời. Vào lính, gan góc, giỏi võ nghệ, Kình sớm được cử làm cai đội. Cái tên Đội Kình có từ đó. Chúa Trịnh để Kình về làng. Bố vợ già yếu. Kình được chọn làm Lý trưởng. Ngày thầy Hồ mất, Kình kéo bạn học cùng chú Sáu (bố Tử Minh) lo đám tang cho thầy rất chu đáo. Ai cũng nể Kình. Điền và Trâm cũng rất quý ông anh của mình. Có ít chữ nghĩa, giỏi võ, Kình làm tốt chức trách của mình, được làm Phó tổng. Năm trước, Kình cưới thêm một bà vợ thứ người ở xã bên; hai vợ, ba con, nhà tòa ngang dãy dọc. Hai năm trước, Kình được bổ làm Chánh tổng. Điền và Trâm nghĩ chắc là Kình yên bề công việc và vợ con rồi. Nào ngờ, mùa thu năm ngoái, Kình mời Nho Trâm đến nhà Điền có chuyện muốn nói.

– Huynh bây giờ mọi chuyện đủ đầy rồi, chỉ còn một chuyện cần lắm, các đệ cố giúp.
– Chuyện gì vậy?
– Chức vụ, vợ con, tiền bạc, huynh có đủ, giờ chỉ thiếu một người vợ đẹp, có học giỏi giang.
Nho Trâm băn khoăn:
– Điều đó các sinh đệ làm sao giúp bác Tổng được.
Gắp một miếng thịt lợn rừng, uống một ngụm rượu, giọng Kình ồ ồ.
– Giúp được. Chỉ có hai đệ giúp được. Anh muốn cưới Xuân Hương làm bà ba.

Hai người nhìn nhau ngạc nhiên. Điền dè dặt:
– Năm kia đệ nghe tin Xuân Hương yêu Mai Sơn Phủ, người xứ Nghệ mà.
– Mối tình ấy tan rồi.
– Thực ư? Sao vậy?
– Mai bị Quang Toản bắt đi lính, đã bỏ xác ngoài biển Quy Nhơn cách đây hai năm.

“À! Thì ra hơn năm nay, Tổng Kình lặng lẽ một mình xuống Nghi Tàm. Anh ta đã khôn ngoan lên rất nhiều”, Điền nghĩ vậy. Nho Trâm lại nghĩ khác: “Không ngờ anh chàng ngang tàng, học không vào mà lại yêu Xuân Hương dai dẳng làm vậy”. Thế là hai người lại đi về tìm cách thuyết phục Xuân Hương. Nàng từ chối. Mãi đến tháng 11 năm ngoái, Xuân Hương gặp riêng Tú Điền:

– Nguyễn Huynh nếu thật lòng muốn sống với muội thì phải chấp nhận hai điều. Thứ nhất: làm nhà cho muội ở riêng. Thứ hai: Xuân Hương được tự do làm những việc mình thích.

Biết vậy, Kình mừng lắm. “Ta sẽ làm hơn cả những điều Xuân Hương muốn. Sẽ dựng ngôi nhà sàn đẹp trên ao nhà gọi là “Phong Nguyệt sào” để nàng sống trọn vẹn cùng ta và đàm đạo thơ văn cùng nho sĩ trong vùng. Nàng sẽ dệt lụa, mà cũng dệt cho vui thôi. Ta đủ tiền để nuôi nàng sung sướng. Nàng sẽ hoàn toàn tự do”.

Tổng Kình làm được điều đó thật. Chỉ ba tháng, nhà sàn đã xong, toàn bằng gỗ quý, sàn bằng gỗ, lan can quanh nhà cũng tiện trổ tinh xảo. Đám cưới ồn ào tốn kém nhất vùng, có đi thuyền, có đi kiệu, có phường nhạc từ Việt Trì xuống, Thăng Long lên. Mấy ngày sau, Kình mời hai người đến:

– Giờ thì anh sang nhất vùng rồi. Nam tử nổi danh vùng này đố ai có vợ là tiểu thư đẹp nổi tiếng đất Kinh kỳ, giỏi thơ văn đệ nhất thiên hạ. Đố đứa nào bảo Tổng Cóc là trọc phú. Cảm ơn hai đệ. Không có các đệ, việc lớn nhất đời anh không thành được.

Khi ra về, Kình dúi vào tay hai người hai cặp nhung hươu “hai chú uống vào cho khỏe để hai mự khỏi chê”. Tú Điền buồn rầu nói với Nho Trâm:

– Không ngờ anh Tổng quyết lấy Xuân Hương chỉ vì một chữ “sang”.
Nho Trâm điềm đạm:

– Trong đó có cả vì đẹp và trọng tài nữa. Nhưng “đũa lệch về âm”. Cơ sự này không hiểu rồi sẽ ra sao. Hôm đón dâu về, đệ bắt gặp đôi mắt của chị Cả nhìn Xuân Hương rồi nhìn lên nhà sàn dữ dắn lắm.
Đến cổng làng Gáp, trước lúc chia tay, Tú Điền nói:
– Phải chăng chúng ta đã sai, giúp anh Tổng mà làm khổ chị Xuân Hương?!

Giờ nghe Nho Trâm thuật lại chuyện đôi bình gỗ bức văn đề ván và đôi câu đối, Điền chậm rãi:
– Đúng là huynh ấy học làm sang nhanh thật. Đưa chị Xuân Hương về chưa đầy 5 tháng đã có nhà đẹp, có câu đối hay.
Bấy giờ, Nho Hân mới chen vào:
– Nhà sàn đẹp, vững chãi, tọa trên mặt nước, âm dương tích hợp. Thế nhưng, vị trí ấy xung, nghịch với mạch mạnh từ trên núi xuống, sợ không bền lâu.

Nhớ đến việc hồi nãy Nho Trâm nói Xuân Hương đi hái hoa cúc dại về cắm bình, Tú Điền trầm ngâm:
– Từ chốn Kinh kỳ kẻ chợ về miền sơn cước ta, bỏ hoa sen rực rỡ về chơi hoa cúc dại, chắc chị ấy buồn lắm. Mà cuộc sống còn nhiều nghịch cảnh từ trong nhà anh Tổng cho đến làng xã.
Trước khi ra về, Nho Trâm nói:
– Mọi việc đã an bài. Giờ thì biết làm sao được. Mong sao anh Tổng cầm cương cho vững.

Kiếp lấy chồng chung. Tranh: Hồ THiết Trinh

Tổng Kình về đến nhà lúc đêm đã sang canh. Xuân Hương vẫn ngồi dệt vải mong ngóng chồng về. Bao đêm lạnh nàng ngồi mong như thế. Bao đêm rồi chồng về nhưng nàng vẫn một đèn một bóng. Chị Cả không cho Kình lên Phong Nguyệt sào. Nàng buông một tiếng thở dài. Chợt có tiếng ngựa hí. Tiếng mở cổng. Nàng hồi hộp ngóng chờ. Có tiếng chân bước mạnh lên cầu thang. Tim đập rộn rã. Nàng cố nén. Tổng Kình mặt đỏ gay đứng nhìn. Ánh đèn sáng trong đôi mắt mở to dưới đôi mày rậm. Từ đôi môi dày phát ra những âm thanh ấm áp:

Tay ngọc lần đưa thoi nhật nguyệt
Gót vàng dận dạn máy âm dương.
Vừa nghe, Xuân Hương đã nhớ ngay câu thơ đó của ai rồi, bèn vừa đưa thoi, vừa nói:
– Thơ của vua Lê Thánh Tông là tuyệt bút. Mời chàng nghe thơ thiếp cũng nói về việc dệt cửi nhé.

Nói rồi, Xuân Hương đọc:
Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau,
Con cò mấp máy suốt đêm thâu.
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc,
Một suốt đâm ngang thích thích mau
Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả
Ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau…

Giọng Xuân Hương vừa kéo dài, vừa tinh nghịch. Tổng Kình ngạc nhiên:
– Đúng là cảnh dệt cửi… mà sao cũng giống… chuyện ấy…
Xuân Hương mỉm cười, nhìn Kình với đôi mắt nồng nàn như có lửa, giọng vừa thanh vừa dí dỏm:
Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ
Chờ đến ba thu mới đổi màu.
Kình cười ha hả:
– Hay quá! Chịu nàng…!
Kình bước tới, kéo Xuân Hương dậy, lôi vào phòng.
– Nào! Chúng ta cùng nhau… dệt!

Chương 9

“Tháng Giêng ăn nghiêng bồ thóc”, ngày đã dài hơn, thế nhưng đêm đã vào lâu mà bà cả Kình vẫn chưa hết việc. Việc đồng áng, việc nhà quần quật cả ngày mà vẫn còn nhiều việc chưa được. Hồi nãy, ăn vội mấy nắm xôi thừa, mấy bát canh thừa của bữa cúng rằm trưa nay, rồi cho hơn chục con lợn ăn, kiểm tra các chuồng trâu, sắp đặt công việc cho mọi người, không lúc nào ngơi chân, ngơi tay, không lúc nào đầu không phải nghĩ, phải lo, khỏe như bà mà cũng thấm mệt. Kìa, như dì Hai, sinh con mới hơn hai tháng mà tay bế con, tay đun lửa nấu cho được chảo cám lợn cao quá mặt. Bà bước lại chỗ cối đạp, xem thử bọn đầy tớ giã gạo có quá chày không. Gạo trắng quá, ăn nhạt mà lại tốn cơm. Bước về phía chuồng trâu, nhìn kỹ từng con: mười ba con cả trâu cả nghé, con nào cũng căng tròn. “Thằng hai khá thật. Kiểu này, thì sắp tới trời có rét mấy, đàn trâu nhà mình cũng không sao”. Bà bước ra sân. Căn nhà trên dài 5 gian tối om, chỉ nhà ngang có ánh sáng của bếp lửa và chiếc đèn dầu trẩu nơi cối gạo. Ngoài sân, hai con ở đem gạo ra giần dưới ánh trăng. Rằm tháng Giêng năm nay trăng sáng quá, đỡ được một ít dầu đèn. Bà Cả ngước mắt nhìn trời, nhìn quanh. Chợt đập vào mắt bà và người làng là cái nhà chòi toàn gỗ quý án ngữ tắm đầy trăng. Và kìa, ba chiếc đèn lồng màu đỏ có sáp to lủng lẳng trước mặt thật nhức mắt khó chịu! Đèn nến đỏ rực làm gì nơi chả cần ánh sáng. Rồi trong nhà, cũng đèn nến lung linh. Sáng để làm gì? Chỉ để cho một ả mặt hoa da phấn ngắm. Một cảm giác uất nghẹn trào dâng, chẹn lấy cổ. Nửa năm nay, bà cố nén, bây giờ lại bùng lên. Hồi tháng 2, thấy chồng mình kéo hàng đống gỗ về, mời đám thợ giỏi nhất làng bên đến, chẳng hiểu để làm gì, bà hỏi thì Tổng Kình chỉ nói:

– Ta muốn làm căn nhà sàn thật đẹp trên ao nhà để đón bạn văn chương.

Bà trố mắt nhìn chồng. Đã có 5 gian nhà ngói, gỗ quý, chạm trổ rất đẹp rồi. Ngay cái bậc cửa ra vào để bước chân qua dài hàng chục thước mà cũng chạm trổ “lưỡng long chầu nguyệt”, người nhà ngày ngày bước qua đầu rồng. Nhiều khách đến bảo “Tổng Kình chơi ngông, phạm thượng”. Giờ nghe nói vậy, bà quá ngạc nhiên: bạn văn chương là ai vậy? Ai là bạn văn chương với ông ấy? Tốn bao tiền của xuống tận kinh kỳ học, thế nhưng thi hương đến kỳ 2 thì bị loại. Bà định can thì ông ấy gạt đi:
– Bà cứ lo cơm nước nuôi thợ cho chu đáo.
Phận làm vợ, bà đành phải lo.
Ngày làm xong, ông ấy hí hửng tuyên bố:
– Tôi đặt tên nhà sàn này là Phong Nguyệt sào.

Chao ôi, phong với nguyệt! Gió với trăng là của trời đất, của thiên hạ, việc gì mà vơ vào của mình. Thế nhưng dùng không phải mất tiền, kệ ông ấy! Với bà, đó chỉ là cái chòi. Cái chòi, nhưng tốn tiền trăm bạc vạn của bà “đầu tắt mặt tối” tích lũy bao năm nay. Bà nóng ruột lắm mà đành chịu. Đùng một cái, đầu tháng 5 năm ngoái, ông ấy gọi bà và dì Hai lên, nói:

– Ngày 16 tháng 6 tới, tôi cưới bà ba. Đó là con thầy học của tôi ở đất Thăng Long, đẹp người, giỏi chữ nghĩa. Cô ấy sẽ ở riêng tại “Phong Nguyệt sào”. Hai bà sống cho vui vẻ, để tiếng ra tiếng vào là không được.

Bà nghe mà lòng sôi lên. Có hai người rồi, thỏa sức rồi mà vẫn còn rước ả nữa về hay sao. Mà lại con gái Kẻ chợ. Từ xưa đến nay các cụ dặn người Tứ Xã chỉ lấy người Tứ Xã, miệng liền bụng, chân liền tay, hay lam hay làm, chịu thương chịu khó. Thế mà lão Tổng ngang tàng này lại đi rước dân Kẻ chợ dài lưng tốn vải về ngự ở cái nhà này. Bà về nói với cha. Nào ngờ, ông cụ nói:

– “Trai làm nên năm thê bảy thiếp”, chồng con đứng đầu hàng tổng, nên danh nên giá, con cứ lo việc của mình, sắp đặt mọi việc trong nhà với dì hai, dì ba hay dì tư đi nữa cho tốt.

Bà ức lắm. Đến cha mình mà cũng bênh con rể, còn trông cậy ai nữa. “Thôi được! Ta sẽ có cách của ta”.

Ngày đón dâu về, nhìn ả ta áo dài quần trắng là lượt, da trắng như trứng gà bóc, đi thì ỏng ẻo, bà ngao ngán. Ngữ ấy thì chỉ biết ăn hại. Đàn bà làng này, xứ này da ngăm, ngực nở, lưng ong, đùi dế, quần quật suốt ngày bất chấp mưa nắng mới đủ ăn tằn tiện, đủ mặc đơn sơ. Thế nhưng, trước quan khách cả tổng cả huyện, bà vẫn phải tươi tỉnh đon đả ngậm bồ hòn khen ngọt. May mà lão tổng cho ả ta ra ở riêng, khuất mặt, đỡ chướng mắt, nếu không thì uất cả ngày. Thế nhưng, vẫn ở trong vườn này nên bao cảnh chướng mắt vẫn diễn ra. Lão chồngđưa ả ta đi tập cưỡi ngựa. “Ngựa của mình đổ bao tiền của mới có ngựa quý mà ả ngang nhiên cưỡi. Thỉnh thoảng lại kéo mấy anh dài lưng tốn vải về thơ phú lăng nhăng. Thơ thiếc chi, có làm ra tiền bạc đâu. Lại bắt cá dưới ao, lấy tiền của chồng mình mua sơn hào hải vị đánh chén, ngâm nga, “tốn nác rác nhà” (tốn nước bẩn nhà) tốn tiền, tốn bạc, tức chết đi được!” Đã thế, lại còn khảnh ăn. Trưa nay, cúng rằm tháng Giêng, phải ngồi cùng mâm một lúc mà không chịu nổi. Bà và dì Hai lo ăn vội còn dọn dẹp, còn trâu bò cỏ nả, cấy lúa, trồng đậu… Ả ta, ăn nhỏ nhẻ từng tí một, lại chọn miếng ăn ngon nhất. Theo lão tổng, cá phải kho nhạt mà ả khảnh ăn, chỉ chọn miếng giữa. Tức nhất là lão lại chọn miếng ngon nhất gắp bỏ vào bát cho ả. “Mình về gánh vác tất cả việc nặng việc nhọc, việc to việc nhỏ của nhà này hơn mười năm. Từ ba gian nhà tranh, mấy đám ruộng chua nay nhà ngói 5 gian chạm trổ, hàng chục mẫu ruộng nhất đẳng điền, trâu bò hàng chục con, thế mà đố có khi nào lão chú ý đến mình ăn gì. Còn mình lo từng miếng ngon, rượu quý cho lão. Trong cái đầu ương ngạnh đó chắc coi mình là thứ tiện dân phải cung phụng cho lão. Thế mà giờ lão lại chiều chuộng cái ả mắt trắng này. Uất chết đi được!”

Bà cả nhìn lên nhà chòi. Giá mà có được mồi lửa, thiêu rụi tất cả đi cho đỡ gai mắt. Bà bước vào nhà. Dưới nhà ngang, tiếng xay lúa vẫn ào ào quay, tiếng chày giã gạo thình thịch vẫn nhanh đều. Những người đầy tớ vẫn lo lắng công việc. Những âm thanh đó thật vui.

Đang định ngả lưng nghỉ một lát, bà cả bỗng dừng lại, có âm thanh nỉ non nào đó vừa cất lên. Âm thanh từ nhà chòi! Bà bước ra cửa, nhìn lên. Đúng là từ đó tiếng đàn vọng vang. Cái đàn hình tròn, cần dài, mọi người bảo là đàn nguyệt. Chồng bà đi mấy ngày, dạo khắp Kẻ Kinh rồi lên Kinh Bắc mới mua được cái thứ ấy. Nghe nói, ả vui lắm. Sao mà giờ tiếng đàn lại nỉ non vậy nhỉ? Ăn khảnh rồi lo thơ phú, thích thì vài ba đường thoi, bày cho lũ nhỏ dăm ba chữ, không thích thì nằm sướng như bà hoàng, còn nỉ non gì nữa. Muốn lên tiên chắc. Bực bội, bà cả đóng kín cửa lại.

Xuân Hương ngồi đó, góc phía đông Phong Nguyệt sào. Căn nhà bốn phía có hành lang rộng, song chạm vững chắc cầu kỳ. Phía tây là cầu thang lên nhà, ba đèn lồng đỏ chót. Ngồi đó mà làm gì, tuy là tết Nguyên tiêu nhưng có ai đến thơ phú gì đâu. Phía bắc dãy tre ken dày. Phía nam thì thông với nhà chính 5 gian. Nàng không muốn ngồi phía đó. Bất kỳ lúc nào, nàng cũng có cảm giác đôi mắt sắc lạnh của chị cả xoi mói, dò xét theo dõi mình. Nàng ngồi phía Đông để đón trăng lên. Đêm Nguyên tiêu đầu tiên trên đất Phong Châu này trời se lạnh nhưng trong trẻo lạ lùng. Nàng ngồi từ lúc trăng tròn vành vạnh như vầng hồng ngọc nhô lên qua màn sương phía chân trời xa. Phía ấy là Thăng Long, hình như trăng từ Tây Hồ. Những đêm náo nhiệt, tấp nập trai thanh gái lịch, tài tử giai nhân quần áo sặc sỡ đủ màu chen chân bên phủ Tây Hồ, nơi đài Khán Xuân… Nàng như nghe tiếng phách, tiếng đàn, tiếng ca dìu dặt và cả tiếng nói tiếng cười ríu ran của bao cô gái tinh nghịch. Trăng lên cao vàng rực cả núi đồi trung du. Nàng mở bàn tay búp măng ra. Tay đầy trăng. Gió mơn man thổi qua nhà rồi hình như quây quanh chỗ nàng ngồi. Đúng là Phong Nguyệt sào chứa đầy trăng gió. Tổng Kình đã thực hiện đúng lời hứa của mình: dựng nhà cho nàng ở riêng, nàng hoàn toàn tự do. Sau cái chết của Mai Sơn Phủ nàng suy sụp đau đớn. Nàng chán cảnh ồn ào nơi đế đô. Tổng Kình đến, quý một tình cảm lâu bền của đấng nam nhi khỏe mạnh ngang tàng, thèm được sống trong không gian khoáng đãng tự do, với những con người mộc mạc, nàng nhận lời. Những ngày tháng mới về thật vui. Đi đâu cũng được người làng cung kính: “Kính chào bà Ba…” Kình thỉnh thoảng mời Tú Điền, Nho Trâm và mấy nho sinh trong làng đến uống rượu bình thơ. Thế nhưng, Kình bị lôi vào công việc không mấy khi làm được điều đó. Những người quen cũ cũng ít đến dần. Ở cái làng này, đàn ông mà đến nhà người đàn bà ở nhà một mình là bao cặp mắt nhìn ngó dị nghị, bao lời đàm tiếu… nên không ai đến. Lần này, nàng nhắc Kình mời bạn đến uống rượu ngắm trăng. Kình nói:

– Anh đã mời nhưng họ từ chối.
– Sao vậy?
– Họ bảo chị Ba quá giỏi, thơ chị quá lạ, quá hay, bọn đệ không theo kịp.

Kình bảo nàng đêm nay đi Sơn Dương nhưng nàng từ chối. Sự xuất hiện của vợ Chánh tổng làm họ khó xử. Kình không nài thêm. Hình như anh ta cũng cảm thấy thế. Nàng ra sân đình. Các chị, các em đang hát xoan. Mấy người đon đả mời vào hát nhưng Xuân Hương không hiểu, không hát được. Qua cái nhìn, qua ứng xử, nàng cảm thấy sự có mặt của mình làm chị em ngại, cuộc hát mất tự nhiên, nàng khéo léo cáo từ.

Nàng lững thững trở về Phong Nguyệt sào. Trăng lên cao càng sáng. Sao Kình vẫn chưa về? Nàng thèm được đôi cánh tay cường tráng của Kình ôm chặt thân thể mình. Có tiếng chị Cả quát tháo ai đó vọng đến. Nàng chợt lo. Liệu rằng bà tai ác ấy có để cho chồng lên Phong Nguyệt sào? Nàng lại nhìn ra ngoài. Trăng vàng rười rượi. Nàng chợt nhớ Mai Sơn Phủ. Đêm ấy, trăng cũng rười rượi như đêm nay. Trăng đầy sào. Trăng đầy cả phòng nàng. Giường cũng tắm đầy trăng. Sau lời thề đinh ninh kết tóc xe tơ, nàng đã hiến dâng tất cả vẻ trinh nguyên và nồng nàn cho Mai Sơn Phủ. Nhớ lại giây phút ấy, nhớ lại đôi cánh tay cứng cáp ôm riết lấy thân hình tròn lẳn, nồng ấm của mình vào bộ ngực đỏ au ấy, nàng thấy lòng cồn cào. Chao ôi! Giá như được trở lại ngày ấy, giá như được trở về vườn nhà, múc nước giếng trong tắm gội thỏa thuê, nghe trăng nước ì oạp chạy tràn cơ thể mình, rồi được bàn tay nóng ấm của chàng vuốt ve lưng mình… Càng nhớ, tim đập dồn lên, nàng như ghẹt thở.

Tiếng ngựa lóc cóc rõ dần, “chồng mình đã về!” Lát sau, Kình to tiếng nói gì đó. Hình như có điều gì qua lại với chị Cả. Trong nhà này, ngoài chị ấy ra, có ai dám cãi lời Kình. Xuân Hương buông tiếng thở dài. Nàng vào nhà. Có tiếng chân nặng nề dậm lên cầu thang. Kình hiện lên trước mắt. Anh ta bước tới, kéo Xuân Hương vào phòng. Đã quen với cách hành xử này và chính lòng mình cũng đang khao khát, nàng nhập cuộc ngay. Hình như cộng thêm hơi men, Kình hùng hục đi sâu vào cơ thể nàng. Xuân Hương cũng háo hức oằn mình đón nhận. Hùng hục, hừng hực…

– Cháy nhà! Cháy nhà bơ làng!

Có tiếng kêu to. Tổng Kình dừng lại, nhìn ra ngoài. Ánh lửa góc vườn sáng lên. Tiếng kêu vẫn vọng đến: “cháy nhà vơ làng”. Kình vơ vội quần áo mặc vào chạy xuống cầu thang. Xuân Hương vội bước ra cửa. Sao làng xóm không đến cứu nhỉ? Hình như cổng không mở. Mà lửa đã tắt. Có tiếng ồn ào rồi lắng dần. Tổng Kình trở lại Phong Nguyệt sào.
– “Sao vậy?” Xuân Hương hỏi.
– “Có cóc khô gì”, giọng Kình bực bội, “Cháy đống rơm mà làm như cháy nhà”.

Xuân Hương sững người. Đống rơm ở góc vườn. Tường cao, cổng kín, ai mà vào đốt được. Bọn đầy tớ cho tiền cũng chẳng dám. Còn ai vào đó nữa. Nàng chợt hiểu… Bực bội, đau đớn, nàng ngồi phịch vào ghế. Kình kéo nàng vào phòng. Tay Xuân Hương gạt phắt.
– Ông xuống ngay đi. Nếu không “sư tử Hà Đông” nó xé xác ra bây giờ.
Kình dạm mãi, Xuân Hương quyết không. Lòng nàng lạnh tanh. Nhìn Kình buồn bã xuống cầu thang, lửa hận lại trào dâng. Nàng lại thấy đôi mắt sắc lạnh của chị Cả. Nàng thầm kêu lên:
– Trời ơi! Đàn bà với nhau sao mà độc địa, tàn nhẫn; mà hèn hạ với nhau thế hả trời?

Tháng Ba đã về, tháng cuối của mùa xuân rực rỡ. Trời Phong Châu rực sắc xuân, chim líu lo, đàn bướm sặc sỡ, hàng vạn con ong vo ve đi hút mật. Cả làng xã đi dự hội Giỗ tổ Hùng Vương. Tổng Kình và chị cả, hai người hai ngựa sóng vai đi cùng bao nhiêu lễ vật. Cưới nhau đã mười năm, có ba mặt con mà toàn con gái. Lần này, hai người cầu cho có đứa con trai.

Xuân Hương ở nhà. Nàng không được đi. Nàng có thai đã hơn tháng nay. Đầu tháng 2, thấy người trở khác, mất kinh, biếng ăn, hay thèm chua, nàng vui lắm. Thế là nàng sắp được làm mẹ. Mấy năm rồi, nàng mong được điều đó. Ôi! Những tháng ngày xa Mai Sơn Phủ nàng mong giọt máu của chàng trai xứ Nghệ thành hình hài trong cơ thể mình thì hạnh phúc xiết bao. Thế mà mong mãi mà chẳng có. Giờ đây, cảm nhận cái thai đang lớn lên từng ngày, nàng thấy người nôn nao, lâng lâng. Nàng ước gì có ai về xuôi mà báo tin vui cho mẹ. Mẹ sống với thầy mãi mấy năm sau mới có được mình. Nếu nghe tin, chắc mẹ vui lắm. “Mẹ già rồi. Mẹ chỉ mong trước khi nhắm mắt xuôi tay về với thầy con, mẹ có chút cháu ngoại trên tay”. Mẹ nói với mình thế. Nghĩ đến mẹ, Xuân Hương chợt buồn. “Con mình sẽ ở đây. Xung quanh hầu như toàn những người không thiện cảm với mình”. Nàng không hiểu tại sao vậy. Nàng sống khép mình, không gây sự, không giành phần của ai. Kể cả Tổng Kình, mỗi tháng, ba mươi đêm, chỉ có vài lúc Tổng sang làm nghĩa vụ người chồng. Chồng nàng nhiều ruộng, hơn nửa người làng đều là tá điền của ông. Mọi việc thu thóc, nhận lễ đều do chị cả, nàng không thể giúp họ mà cũng không thể gây khó dễ hay thu ruộng của họ. Con cái của họ muốn học chữ, nàng bày vẽ, cũng không lấy của ai một đồng xu. Vậy sao mọi người lại không mặn mà, thậm chí còn xa lánh, cô lập nàng nhỉ? Phải tìm cho ra ngọn ngành mới được.

Mặt trời đã xế bóng, Xuân Hương xuống cầu thang, bước vào nhà ngang thấp tè, nơi ở của mẹ con dì Hai. Dì vừa sinh cháu gái được sáu tháng nay. Con bé thật xinh. Xuân Hương thích bế nó lắm. Hình như nó cũng thích nàng. Thế nhưng, nàng chỉ làm được điều đó khi chị Cả không có nhà. Lần đầu tiên bế nó, chị Cả đã mắng dì Hai “Sao lại để dì Ba bế cháu, lỡ nó ỉa bẩn hết quần áo đẹp, dì không có của quý ấy mà đền đâu”. Vì thế, khi nào biết chị Cả vắng nhà là Xuân Hương xuống chơi với cháu. Nó sà vào lòng Xuân Hương. Đỡ đứa bé ôm vào lòng, sau vài câu đùa với cháu, nàng hỏi dì Hai:
– Chị ơi! Tôi chẳng làm gì nên tội sao mọi người trong nhà, trong làng này lại xa lánh tôi vậy nhỉ?
Mấy tháng nay, chứng kiến mọi điều, dì Hai càng ngày càng quý Xuân Hương, bèn nói:
– Có chi mô. Chỉ vì dì Ba không giống mọi người.
– Sao vậy? Em cũng đầu đen máu đỏ như mọi người mà.
Dì Hai vừa sàng gạo, vừa nói:
– Có đấy! Dì trắng trẻo, thon thả. Mọi người da đồng, đùi dế, thấp đẫn. Dì quần là áo lượt thong thả hết ra lại vào, mọi người xứ này từ trẻ con đến người già, cả đàn ông đàn bà quần quật từ mờ sáng đến khuya, khách đến nhà cũng vừa làm vừa chuyện trò, còn dì hết ra lại vào, hết thơ lại thẩn. Mọi người quanh năm chí tối, nắng nung hay mưa bão, cúi mặt xuống đất, bán lưng cho trời, còn dì nắng không đến tay, mưa không một giọt bén áo… Người ở đây ăn to nói lớn, chặt to kho mặn, dì thì lời nói nhẹ nhàng kiểu cách, ăn thì xào rán thơm lừng… Tóm lại, dì khác mọi người quá nên họ không thích.

Càng nghe, Xuân Hương càng sửng sốt, hai tai nóng dần lên. Ở Thăng Long không ai nghĩ thế, sống thế, mọi người đua nhau sướng. Ở Quỳnh Đôi quê cha có khắt khe hơn nhưng mọi người không đối xử với nhau thế.
– Dì Hai ơi, tôi sống quen thế nhưng có hại ai đâu. Sao bà con lại lạnh nhạt với tôi thế?
Bấy giờ, dì Hai dừng tay, đặt sàng gạo xuống nhìn Xuân Hương.
– Bà con vẫn kính dì nhưng sợ không có ruộng cày, sợ đói. “Dĩ thực vi tiên” dì ạ. Mọi người ai cũng muốn sống yên ổn.

Xuân Hương định nói với dì Hai cho ra nhẽ, nhưng chợt nghĩ ra… Dừng lại. “Đúng rồi. Mình không gây ra điều đó. Tất cả trong tay chị Cả và chồng mình. Đi lại với mình, quý mình… bà Cả có thể rút ruộng, có thể làm bao điều khác. Sự đời lắt léo không lường được”.
– Thế tại sao, mấy đứa trẻ con đến học, bây giờ đều bỏ cả?
– Vì nhiều lẽ. Học tốn bao nhiêu của nhưng mấy ai làm quan được. Đến như Tú Điền, Nho Trâm cũng về cày ruộng.

Dừng lại một lát, dì Hai chậm rãi:
– Cả làng này, cả làng bên nhiều người bảo dì là… yêu tinh.
Xuân Hương đặt đứa trẻ xuống, kêu lên:
– Tôi mà là yêu tinh! Dì nắm tay tôi xem, cũng da thịt như dì.
– Đành rằng thế, nhưng dân làng nghĩ thế. Dì có biết thầy phù thủy nổi tiếng ở làng Mường bên tổng Sơn Dương không?
Xuân Hương lắc đầu.
– Dì nhớ có lần trên người dì có tấm lá chuối đắp lên không?
– Có. Sao vậy?

Xuân Hương nhớ, cách đây một tháng, đang ngủ thì tỉnh dậy thấy một lá chuối to lành lặn đắp trên người. Nghĩ là Kình đùa, nàng đặt xuống bên cạnh. Đêm đó, nàng thức trắng đêm. Sáng mai, Kình sang. Nàng đưa cho Kình. Anh ta nhìn kỹ một lúc rồi vứt xuống mặt ao.

– Thầy ấy bảo nếu lá không dập nát, đích thị dì là yêu tinh. Mọi người tin điều đó. Vì thế mọi người không cho con đến học, sợ yêu tinh ám vào làm hại.

Xuân Hương tái mặt. Sao lại đến cơ nỗi này? Sao Kình lại tin điều đó? Sao mọi người tin điều đó? Thế là niềm vui còn lại, niềm hy vọng lớn của nàng gắn bó với các em nhỏ, giúp cho các em lớn khôn bị dập tắt, biết sống sao đây?

Đứa bé khóc. Thúng gạo sàng chưa xong. Xuân Hương vội bồng cháu. Đứa bé im ngay. Nàng nhìn dì Hai. Ái ngại. Dì ấy gầy quá. Con nhỏ mà quần quật từ sáng đến khuya.
– Dì vất vả quá, nghỉ một lúc đi.
– Không được. Còn bao việc phải làm. Ri là sướng lắm rồi. Nghèo khổ, không cha không mẹ mà có chồng, có con. Bao nhiêu người không được như tôi, khổ cực cay đắng hơn tôi nhiều.

Xuân Hương không hiểu. Dì Hai nói cho nàng nghe:
– Làng này có dì ba Tân lấy phải anh chồng vũ phu, trái ý một chút là thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, mỗi tháng ba mươi ngày thì hai mươi ngày bị chồng đánh. Đến bữa ăn phải ăn sau cùng, bòn chút cơm thừa canh cặn. Thịt cá còn đầy mà không dám đụng đũa. Bà cả lườm nguýt nói cạnh nói khóe. Ngay tôi có bà cô lấy làm thiếp. Lúc trẻ đẹp được chiều chuộng, chẳng may ốm yếu bệnh tật bị đuổi ra khỏi nhà…

Xuân Hương ngạc nhiên:
– Thế sao không bỏ mà về với cha mẹ mình?
Lần này thì dì Hai tròn mắt nhìn Xuân Hương:
– Dì nói sao? Ai làm lẽ mà dám bỏ chồng? Bỏ thì ở với ai? Không có bậc cha mẹ nào chấp nhận con gái bỏ chồng. Đàn ông bao giờ cũng đúng. Kẻ làm lẽ bị chồng bỏ luôn bị coi là đồ hư hỏng, là bôi tro trát trấu vào gia tộc mình, không ai chấp nhận được. Anh em thì ai lo nồi nấy, chẳng ai dám chứa chấp.

Dừng lại một lát, dì Hai nhìn Xuân Hương:
– Dì Ba ạ, phận làm lẽ làm mọn thì khổ mấy cũng cắn răng mà chịu! Bao đời nay đã thế rồi, đừng nghĩ dại nghĩ thầm dì ạ. Rồi còn nhiều điều nữa, ráng mà chịu.
Sàng gạo xong, không dám để Xuân Hương ngồi lâu, đỡ con vào lòng, dì Hai dặn:
– Dì đừng cho ai biết tôi nói với dì điều đó, nếu không chị Cả không cho tôi yên đâu.

Nặng nề từng bước lên cầu thang, Xuân Hương ngồi nhìn ra ngoài. Gió xuân hây hẩy thổi từ phía đông về, qua làng xanh um bóng cây, tràn qua các đầm lầy ao chuôm, qua những đồi chè, đồi sắn rồi mải miết đến những rừng già chập chùng. Thế nhưng, nàng lại thấy ngột ngạt. Có cái gì đè nặng lên ngực mình không thở được. Căn nhà gỗ xinh đẹp này sao mà u uất như có một cái chụp lớn, úp lên đầu mình? Sao ngày ấy, mình lại nhận lời về sống ở vùng quê này? Nàng nhìn quanh, nhớ bao ánh mắt lạnh lùng bám riết từng bước đi, từng cử động của mình, tai nàng như nghe bao lời xì xào nhỏ to… yêu tinh, yêu tinh. Nàng lại nghĩ, mình đang ngồi trong cái giếng sâu, ong ong, u u, ngột ngạt không thở được, muốn hét lên một tiếng người mà không ai nghe. Những ánh mắt ấy, những lời nói ấy như muôn mũi tên cắm vào người nàng. Nàng muốn đập vỡ hết mà không đập được, nàng thèm một tiếng người, một tiếng cười của mẹ, nhưng tất cả vẫn lặng im. Trời nắng mà người nàng ớn lạnh. Nàng bóp chặt tay mình. Bàn tay lạnh tanh. Không có bàn tay nào nắm lấy tay mình. Nàng nhớ Chiêu Bảy, nhớ Mai Sơn Phủ. Lòng lại cồn cào hơi ấm từ bộ ngực lực lưỡng của đàn ông. Nàng đứng dậy, lấy nước chế vào nghiên mực đã khô cứng. Nàng trải giấy ra viết. Nàng vẫn dùng thể thơ Đường luật theo bốn phần đề – thực – luận – kết để nói về cảnh làm lẽ của mình. Nàng không cần chuẩn mực vòng vo, nàng nói thẳng tình cảnh. Nàng trút cả bao nhiêu cay đắng và giận hờn vào đó.

Cảnh làm lẽ:
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng|
Tất cả cảnh bất công hiện ra.
Ta khổ. Bao người phụ nữ khổ. Bao đời rồi vẫn khổ. Thiên hạ chẳng ai cứu lại còn an ủi đạo đức giả: “kiếp người thế phải chịu thế”. Không! Phải phá nó đi! Nàng viết tiếp:
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.

Chửi bới là không nên nhưng phải trút phẫn nộ như vậy mới hả dạ. Nàng đọc lại. Hai chữ “lấy chồng” đập vào mắt. Nỗi thèm khát chính đáng lớn nhất của muôn người con gái, việc lớn nhất, quan trọng nhất, cần cho mỗi người, mọi đời thế mà “lấy chồng chung” lại trở thành sự cay đắng như tạm bợ, như ký sinh, như chẳng có gì. Thoáng nhớ những thành ngữ mẹ cha thường dùng, nàng thích quá vội viết.
Năm thì mười họa hay chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không.

Được lắm! Rất đúng sự tình. Nàng lại nghĩ đến dì Hai. Đến bao người đàn bà khổ như mình, khổ hơn mình, nàng viết:
Cố đấm ăn xôi xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn mướn không công.

“Đàn ông bao giờ cũng đúng. Đàn bà, nhất là kẻ làm lẽ bị chồng bỏ bao giờ cũng là đồ hư hỏng”. Câu nói của dì Hai lại thức dậy. Thật bất công! Thật sai trái! Cả xã hội nam quyền coi rẻ, coi khinh, đọa đày người phụ nữ yếu đuối, mẹ của muôn người. Bao đời, người phụ nữ phải chịu. Cam chịu. Không! Xuân Hương không bao giờ chịu vậy. Nàng cứng cỏi viết:|
Thân này ví biết dường này nhẽ
Thà trước thôi đành ở vậy xong.

Nàng dừng bút, bằng lòng với những con chữ của mình, chợt buồn nghĩ lại ngày ấy: Sao hồi đó mình nông cạn và vội vàng nhận lời làm lẽ Tổng Kình vậy? Thật kém hiểu biết! Thật nông nổi! “Ta sẽ làm cho nàng hơn thế. Nàng sẽ được hoàn toàn tự do”. Ta đã quá tin vào lời hứa đó. Ta cũng chỉ nghĩ đến chút tự do sống cho mình. Ta không hiểu chỉ có tự do cho riêng mình mà không có tình yêu thương gắn bó với mọi người thì sẽ cô đơn, buồn thảm biết chừng nào. Đó là địa ngục. Ta phải thoát khỏi ngục tù này, về với mẹ, về với Tây Hồ rực rỡ và thơm ngát hương sen với Quế Hương và mọi người.

Chợt có cái gì lấn cấn ở cổ. Nàng buồn nôn. Xuân Hương chợt nhớ trong bụng mình đang hình thành một hài nhi đứa con của mình và Kình, niềm mong mỏi bao ngày của hai người. Ý nghĩ bỏ tất cả đề về với mẹ bị chặn lại. Lần đầu tiên nàng nghĩ giá mình có thai với Kình muộn hơn. Giờ thì mình sẽ phải ở lại nơi đây với đứa con của mình.

***

Trăng tháng 6 rười rượi cả khu vườn Cổ Nguyệt đường. Xuân Hương lấy ghế cùng mẹ ngồi bên cạnh hòn non bộ ngắm trăng. Hai năm rồi, hôm nay húy nhật thầy, Xuân Hương về làm giỗ. “Chỉ còn ba tháng nữa là đến kỳ “mãn nguyệt khai hoa”, lần này không về còn lâu mới trở lại Nghi Tàm”. Nàng nói thế. Kình bằng lòng thuê thuyền đưa nàng về. Giờ lễ giỗ đã xong, Kình vội trở về Phong Châu. Nàng ở lại ít hôm cùng mẹ.

Gió nồm mơn man. Nàng cảm nhận được trong gió hương thơm của sen Tây Hồ. Buồn rầu kể cho mẹ bao cay đắng của những ngày trong Phong Nguyệt sào, nỗi cô đơn kinh khủng khi sống giữa căn nhà đó và cả vùng Tứ Xã.

– Lần này con về trước là để thắp hương cúng thầy, sau là xin mẹ cho con về lại nhà.
Hà mẫu ngạc nhiên:
– Sao vậy được con. Chị cả cay nghiệt nhưng còn chồng con. Mẹ thấy nó vẫn quý con. Sáng nay, trước bàn thờ thầy, anh ấy nói: “Con xin lỗi thầy, con chưa làm được cho Xuân Hương vui”.
– Đúng là vẫn quý con nhưng không nói được, không làm thay đổi sự cay nghiệt và ác độc của bà cả. Không bảo vệ, không đem lại cuộc sống tự do cho con như lời anh ấy đã hứa.

Nghe Xuân Hương nói vậy, lòng bà rất lo lắng. Từ nhỏ, nó đã học đạo thánh hiền, tam tòng “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Giờ chồng còn đó, sắp sinh con, ai lại bỏ chồng bao giờ. Bà nhẹ nhàng:
– Con nghĩ lại cho kỹ. Từ xưa đến nay, đàn bà con gái có bao giờ được tự do, nhất là khi đã làm vợ người khác.
– Con biết vậy. Mọi người xưa nay cũng nghĩ vậy. Nhưng con không muốn vậy. Họ là người, cha mẹ cũng 9 tháng 10 ngày sinh ra mình, mình cũng muốn sống tốt với gia đình, với làng xóm, sao họ lại o ép mình, bắt mình thui thủi như vậy. Mẹ xem kìa, đất Kẻ chợ mình náo nhiệt, mọi người sống với nhau vui vẻ biết bao nhiêu.
– Con nên giãi bày với chị cả để chị ấy hiểu và thương con hơn.
– Con đã nói rồi, nhưng không được. Bây giờ lại càng không được.
– Sao vậy?
– Bà ấy đang sợ con sinh con trai sẽ chiếm giữ toàn bộ tài sản của gia đình Tổng Kình mà bà ta đã gây dựng nên. Dạo tháng 3, vợ chồng lễ lớn lạy Vua Hùng cho sinh quý tử nhưng đến nay bụng vẫn lép kẹp nên càng lo, càng ghét, càng cô lập con.

Hà Mẫu thở dài:
– Con ạ. Nếu như chỉ mình con… Giờ còn con con, con nghĩ cho kỹ.
Xuân Hương thiết tha:
– Chính nghĩ đến con con, con mới quyết vậy. Không thể để con con sống trong sự kiềm chế áp bức ấy rồi con con cũng chỉ là phận cam chịu, đập thì đi, họ thì đứng, mẹ ạ. Con đã sai khi trở lại cuộc sống tù túng, mòn mỏi đó. Giờ con không muốn thế. Con lại càng không muốn con con phải chịu thế.

Nghe giọng nói và quá hiểu tính con mình, biết không thể làm gì hơn lúc này, Hà Mẫu nói:
– Khuya rồi. Cả ngày tiếp khách mẹ mệt lắm. Đi nghỉ đi. Suy nghĩ thêm rồi mẹ sẽ trả lời con.

Lại một đêm trằn trọc, Hà Mẫu nghĩ hết chuyện xa chuyện gần về đời con, đời mình. Ngày trước, bà cũng thế. Quyết lấy anh đồ Nghệ, bà trải qua bao phản đối của gia đình, của người thân. Nhưng bà quyết làm bằng được ý muốn của mình. May sao, bà gặp được người chồng quá tốt, quá hiểu bà, yêu thương, che chở và cùng bà chèo lái qua bao khó khăn. Còn Xuân Hương, không may rơi vào cảnh này. Con nó vội vàng. Nhưng chính bà cũng không hiểu được, không lường được mọi sự mà đồng ý nó về đó. Bà cũng là người có lỗi. Giờ ép nó sống ở đó, nó càng khổ hơn. Nhưng để nó về đây, làng xóm sẽ đàm tiếu chê bai, liệu nó sẽ ra sao? Và rồi cháu mình sẽ ra sao? Bà lại trăn trở nhiều. Hai ngày sau, bà nói với Xuân Hương:
– Mẹ nghĩ nhiều rồi. Tình cảnh đến vậy, mình không thể thay đổi được cách nghĩ của họ thì mình phải làm theo cách của mình. Con nghĩ vậy, quyết vậy là đúng. Chọn cách đó, mẹ con mình gặp muôn vàn khó khăn, con phải chèo chống cho vững, đừng để mọi người coi thường gia tộc mình, con ạ.
Xuân Hương ôm chầm lấy bà:
– Vui quá mẹ ơi! Thế là con lại được về với mẹ. Khổ mấy con cũng chịu được. Con lại được sống theo ý của mình rồi!
Sáng hôm sau, nàng thuê thuyền trở về làng Gáp. Quế Hương đi cùng.

Một tháng sau, sau ngày rằm tháng Bảy, nhân khi Tổng Kình đưa dân phu lên rừng đốn gỗ nạp cho triều đình, nàng cho người thân tín chuyển thư về người thân ở bến Hà Khẩu. Mấy hôm sau, một con thuyền nhỏ, vợ chồng Tử Minh và Quế Hương đến làng vào lúc canh ba. Xuân Hương viết mấy câu thơ để lên gối đầu giường:
Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi.

Chiếc thuyền lặng lẽ rời bến. Trời mưa rả rích. Xuân Hương thầm nghĩ: Thế là ta phải rời một bến đỗ mà ta ngộ nhận yên bình để rồi giờ lại lênh đênh trên dòng đời. Có bao giờ ta tìm được một bến bình yên với gia đình và mọi người? Tháng 7 này là tháng sum họp của Ngưu Lang – Chức Nữ, của mọi người, thế mà ta lại phải chia lìa. Sự đời thật lắm nỗi đắng cay… Thuyền cập bến Hà Khẩu. Vợ chồng Tử Minh đưa Xuân Hương vào căn nhà của người thân giữa thành Thăng Long sầm uất, náo nhiệt đã được Hà mẫu bàn bạc trước.

Nửa tháng sau, Tổng Kình xuống Cổ Nguyệt Đường.
– Thưa mẹ, để Xuân Hương bỏ đi, là lỗi của con. Kính xin mẹ tha lỗi. Mong Xuân Hương hiểu cho nỗi khổ tâm của con. Con chỉ xin mẹ và em sau này cho con được gặp con con.
Hà Mẫu ái ngại:
– Anh và nó đã không có duyên trăm năm kết tóc xe tơ thì đành chịu. Còn con anh thì vẫn là con của anh đó thôi.

Một ngày trung tuần tháng Chạp, ước tính con đã gần chẵn tháng, Tổng Kình lại đến Cổ Nguyệt Đường. Nhà vắng teo. Hà mẫu ngồi lặng trong căn nhà rộng, nét mặt u buồn. Linh cảm có điều chẳng lành, Kình cúi chào.
– Xuân Hương đang ở bên chùa Kim Liên.
Kình lặng lẽ quay đi. Đến cổng đã nghe tiếng chuông, tiếng cầu kinh đều đều. Một ni cô bước ra:
– Mô Phật. Nhà chùa đang bận cầu siêu cho tín chủ Hồ Xuân Hương. Cháu vừa nhập cõi niết bàn đã một tuần.

Tổng Kình thảng thốt muốn khuỵu xuống. Kình lặng lẽ quỳ gối. Thế là mọi việc đã kết thúc hoàn toàn. Nam mô a di đà Phật!

Nguyễn Thế Quang

(Phần trích này đã đăng trên tạp chí Sông Lam bản in số 29)