Khó nhất vẫn là đám chó. Tường từng nói vậy, anh đang cố nhớ hồi nào. Lần gần nhất anh gặp nó là ở sân tòa, ngồi cách nó bảy hàng ghế, thằng em anh mặc áo thun cổ bẻ xám xanh, kể cả nó không đứng ở bục khai báo thì anh cũng sẽ nhận ra, với cái đuôi rùa lệch bên gáy. Không một lần ngoái tìm người thân, nó chẳng mảy may nghĩ anh chẳng tới. Lúc Tường ngó thấy anh, cũng là khi họ đưa nó ra xe. Sửng sốt, nhưng chân nó vẫn bước nhanh, chào anh bằng cái cười mơ hồ. Câu nói nọ nghi không phải từ cuộc lướt qua vội vàng hôm đó.

Vậy có phải vào cái tối anh với Tường nằm nhìn lửa vàng mã bập bùng dưới áo quan, chờ sáng ra tiễn dượng Lê vào đất?! Hôm đó anh về tới nhà cũng nửa đêm, rạp vắng tanh, nhưng bàn ghế sắp soạn tinh tươm, mặt sân không chút rác. Tường nghe tiếng dép lê lẹp xẹp, tưởng khách, nhổm dậy định châm nhang. Anh nhìn thấy vết hằn của chiếu trên đôi đầu gối nó, đoán chắc sập tối đông khách viếng. Người xứ này hay đợi buổi tối trước ngày di quan mới đến cúng tiễn. Rút ra ba nén nhang đặt chéo góc bàn, Tường không châm lửa, để mặc anh đối diện với ánh nhìn dài dại của người đàn ông trong bức hình, chừng như cắt ra từ ảnh chụp chung một bàn nhậu nào đó. Khói quẩn lên, thằng em anh quay lại với xấp áo xô.

“Sợ chật. Cứ áng chừng”, Tường nói khi nhìn vào bụng anh như xác nhận lại một khối hình hoang mang. Đỡ bộ đồ được xếp ngay ngắn, vải xô lạnh rợn lòng tay, anh mới có cảm giác mình cũng thuộc về gia đình này, và sáng mai thôi anh sẽ phải đứng ra nói lời cảm tạ, rằng mong được bỏ qua trong lúc tang gia bối rối.

Phải không, đêm đó, Tường đã nói về chuyện vượt qua lũ chó khó hơn là những ổ khóa, bờ rào? Anh tự hỏi, khi nhìn thấy trong phòng dượng nửa gói thuốc bột màu trắng, đặc chữ Hán phồn thể in hình đôi con chó ngao Tây Tạng hung hãn nhe nanh.

Cẩu mê hồn hương, bất thần anh nhớ tên thứ thuốc Tường từng nói “bán đầy trên mạng”. Giọng của một đấu thủ biết mình đang sở hữu thứ vũ khí bách chiến bách thắng. Ký ức không có vẻ mặt thằng em anh khi nói chuyện đó, chắc là đúng cái đêm chờ sáng ra tiễn dượng Lê đi. Tường nằm bên kia, anh ngủ lơ mơ tấm chiếu bên này, giữa là người đàn ông từng là chồng có hôn thú duy nhất của má anh, giờ đã lạnh trong cái áo quan quá khổ. Câu cuối cùng ông nói với anh là cuối chiều ba mươi Tết trước, sau khi bập một hơi thuốc dài, khiến tảng xương ức dị tật giờ càng gồ lên, “cậu không coi tôi là cha, không sao, nhưng thằng Tường máu mủ với cậu, cùng nằm khoanh trong một ổ bụng chớ phải đâu xa”. Ông nhờ anh, vịn vào những mối quan hệ cũ, tìm cho Tường một chỗ làm khác sau khi nó bỏ việc ở trạm xăng.

Anh không nói gì, ngó đứa em cùng mẹ khác cha cao nghều đang bày mâm cúng, cố tìm ra điểm nào đó giống mình. Nếu hay đó là lần cuối, anh có nói được câu nào tử tế không, kiểu như “cũng ghét nó hồi nào đâu”. Anh không có khả năng đọc được tương lai, nên vào cái đêm cơn đột quỵ hạ gục dượng, ông đã gọi anh, sau khi gọi Tường, nhưng cả hai đều không nghe ông kêu cứu.

Anh luôn tắt chuông trước khi đi ngủ. Chỉ người có cha mẹ già thì mới kè kè điện thoại bên mình, đồng nghiệp ở ban anh nói vậy, họ than phiền những tin nhắn quảng cáo vô duyên phá quấy giấc nửa đêm, nhưng không thể hoặc không muốn rời ra tiếng vọng của quê nhà. Những cuộc gọi tràn vào cả văn phòng, nhiều khi không phân biệt được loạt xoạt kia là giấy tờ hay rơm rạ. Lần duy nhất anh nhận được điện thoại gia đình trong giờ làm, từ dượng Lê. Ông báo tin Tường bị bắt.

“Tại tôi”, sự mất tự chủ đổ xuống bên kia đầu dây nói. Nghe âm thanh loảng xoảng, anh nghĩ dượng Lê vừa đánh rơi cái gì đó khỏi bàn tay mướt mồ hôi.

Phải lúc cô mẫu giáo than phiền chuyện thằng con ông, lúc vài ba tuổi, nó không bao giờ chợp mắt giấc trưa, chỉ ngồi say sưa hoặc bị cô đe nẹt lắm thì nằm đó, thao láo nhìn bạn ngủ, khi ấy ông đừng phẩy tay nói “có sao đâu, vô hại mà, phiền gì ai đâu mà phải rầy thằng nhỏ?” Phải ông nhận ra có gì khác lạ nơi đứa nhỏ, khi vài khuya thức giấc thấy nó đứng cuối giường, sừng sững như đồ nội thất. Nhưng lúc đó dượng mới hai mươi ba tuổi, và như người ta hay nói, chẳng ai sinh ra đã sẵn là cha. Má anh hồi còn ở nhà hay kêu không biết ai cha ai con, khi dượng giành lái chiếc xe ba bánh của Tường, giật dây diều trên tay nó. Anh ngồi ở đâu đó, tức điên nhìn đứa em khóc lăn ra đất. Nếu trừ Tường ra, thì mình có được cộng vào, phép tính ấy dấy lên không biết từ hồi nào, cứ chập chờn trong đầu anh.

Lúc dượng xáp ở với má, anh đã mười một tuổi. Có thể thấy dượng bối rối, lưỡng lự chẳng biết nên rầy la, phét roi vô mông thằng con riêng của vợ hay cứ rủ rỉ cưng chiều nó. Ngay xưng hô cũng ngắc ngứ, gọi cha con chẳng tiện, dượng con ngượng miệng, cậu cháu lại không hợp lẽ. Ở trước anh, dượng không biết làm gì mới phải, rốt cuộc, ông chẳng làm gì.

Nhưng với Tường, ít nhất dượng đã làm bạn nó. Vậy chưa đủ sao?

Khi hay tin thằng em cùng mẹ với anh, đêm đêm, dưới sự đồng lõa của bóng tối, len lỏi vào nhà này nhà nọ trong xóm, anh tự hỏi nó còn muốn kiếm tìm gì nữa.

Mê hoặc gì ở những người đang ngủ, khi mà thân xác trở lại là khối vật lý thuần chất, với những tư thế trễ nãi buông tuồng, họ suồng sã hết cỡ, dạng chân, ngáy phì phò, mớ u ơ? Lôi cuốn gì ở tảng mỡ xổ tung, môi xô lệch, đầu tóc xã xượi, nước dãi chảy ròng? Bỏ nhiều trưa lén nhìn đồng nghiệp ngủ trưa, đọc “Người đẹp say ngủ” và một bản sao của nó, “Hồi ức những cô gái điếm buồn của tôi”, nhưng không sao hiểu được thằng em.

“Ngủ thì không nghĩ gì, đẹp ở chỗ đó”, Tường chỉ nói vậy, giọng hãy còn ngỡ ngàng vì anh bỗng dưng gọi nó, “khỏi mướn luật sư mất công”.

Cãi chẳng ích gì, đâu phải oan sai. Nhà nào có lắp máy quay an ninh đều trưng ra được hình ảnh Tường đột nhập vào tư gia họ. Xá ba xá trước bàn thờ, luôn vậy, như một thủ tục nhập gia, nó ung dung đi lại, tiện tay sửa lại một nhánh bông trong bình, xếp mấy cái ghế tựa cho ngay ngắn, vuốt phẳng khăn trải bàn, trước khi biến mất vào một căn phòng. Chẳng ai đặt máy quay trong phòng ngủ, nhưng mọi hành vi của thằng Tường vẫn sống động qua những lời khai vã mồ hôi lạnh, trên từng con chữ như thấy những nhịp tim dồn nhanh, những bàn tay ướt đẫm. Vặn đèn chong cho sáng lên, hôm nào mỏi chân nó ngồi luôn bên mép giường ngó cận mặt người ta ngủ. Có lần nó thiếp luôn trên giường một ông già lú lẫn, và lúc tỉnh giấc ông nghĩ nó là con trăn, đã sợ tới xỉu đi. Có bữa, bà mẹ trẻ sâu giấc không hay con thức ọ ẹ đòi ăn, Tường cho đứa nhỏ uống cạn bình sữa được pha sẵn ở đầu giường, rồi nằm gãi lưng dỗ bé ngủ trở lại. Thằng em anh bị bắt quả tang một lần, nhưng được gia chủ thả đi tưởng nó say ghé nhầm nhà, không thì có kẻ trộm nào lúi húi cầm chổi lông gà lau bụi, sau khi xếp gọn kệ gia vị. Ai cũng nói thà Tường lấy của cải đi họ đã không rợn gáy. Một tên trộm nguy hại sao bằng kẻ biến thái. Anh đặc biệt chú ý tờ tường trình có câu “Rành tên Phạm Văn Tường sáu câu, từ nhỏ nó đã bịnh hoạn vậy rồi, rình rập giấc ngủ của người trong nhà không đã, giờ nó đi rình thiên hạ. Ai dám chắc sau này nó chỉ đứng coi thôi mà không giở thú tánh gì ra”.

Minh họa: Hồ Thiết Trinh

Nhìn vào tên anh nhận ra người quen cũ.

Chị Ái. Người đàn bà lỡ thời bên xóm có cái mông héo hắt, thường xuyên tới nhà chơi sau khi má anh mất tích vài năm. Dượng khi đó chưa tới bốn mươi, sượng sùng nhìn anh khi chị Ái te từ bên nhà qua, vào phòng dượng tìm nút áo bị đứt.

Vào đại học, anh ít về, nhưng mỗi lần về chị lại làm một hành động khoa trương nào đó, như lấy quần lót của dượng ra vá, khoe họp phụ huynh lớp Tường xong kết thân với cô chủ nhiệm, bảo anh công tắc đèn bên ngoài phòng vệ sinh hư rồi, có cái khác cạnh ống giắt lược.

“Thiếu đàn bà nên người nhà này rã bèn như cơm nguội”.

Ý chị là một người đàn bà sẽ kết dính mọi người bằng cằn nhằn ai đó tắm đêm, nhắc người này gọi cho người kia dặn đừng về khuya quá, xoa dịu cuộc cãi nhau bằng một nồi lẩu, bởi ăn lẩu thì cần ăn cả nhà cùng lúc. Anh ngó hình má trong tấm ảnh gia đình, nghĩ gắn kết hay không cũng tùy người. Má thấy rõ hơn ai mối quan hệ bời rời, nhưng quá bận với những sô hát đám, khuya nào về cùng dượng cũng loạng choạng say, bồng Tường trên tay trật vuột. Cả khi biến mất má cũng không làm cho bọn anh bớt bời rời. Người nhà anh cứ rơi ra ngoài những công thức, kiểu như người ta nói rằng những nhân vật trong vũ trụ hoạt hình của hãng Walt Disney luôn mồ côi, chỉ vậy thì chúng mới nhanh trưởng thành, nhưng anh có cảm giác mình ngưng lớn sau khi má biến mất.

“Đi đâu nhớ để chìa khóa chỗ bụi xương cá”, má anh dặn vậy, và bước lên xe. Bà đã vấp chân ở bậc lên. Một người đàn ông chừng như phụ lái đã nắm tay bà, đỡ lấy cái giỏ quần áo. Chi tiết đó là do chị Ái kể lại, vì cả nhà anh không ra tiễn. Tháng nào bà cũng đi hành hương một chuyến. Nhưng chỉ chuyến nọ má không về. Họ nói lần cuối thấy má anh trong trường gà bên kia biên giới, bà không cược gì, chỉ đứng coi.

“Má mầy như bom nổ chậm vậy, đùng một cái lúc nào không biết”, người trong xóm kéo anh ra, nói. Họ nhắc anh nhớ mình còn không biết cha ruột là ai. Cơi nới giới hạn đời mình ra hết cỡ, má làm mẹ đơn thân khi mười bảy tuổi, rồi làm đám cưới rình rang với ông chồng nhỏ hơn một giáp, và biến mất. Suốt mùa hè năm đó, dượng Lê đem thằng Tường theo, bảo là đi tìm người, dặn anh ở lại giữ nhà, nếu má về thì gọi ông hay. Lúc hai người họ đứng chờ xe, anh nhớ tới hồi Tường còn nhỏ, tối nào có đám hát nó cũng được chở đi. Hai người lớn kẹp thằng nhỏ ở giữa, thêm cây đàn của dượng, mông má tràn một nửa phía đuôi xe. “Cũng đâu còn chỗ cho mình”, anh nghĩ vậy, khi ấy và cả lúc xe đò xịch lại nuốt trộng cha con họ.

Cuối hè dượng đưa Tường về nhập học, cả hai chẳng kể gì nhiều về cuộc kiếm tìm. Thấy người thì ắt đã về cùng, anh nghĩ vậy, không cố hỏi. Tường tặng anh cái vòng da có chuông, mà khi để lạc mất anh còn chưa biết kia là vòng cổ cho bò.

Chục năm sau người nhà anh vẫn đặt chùm chìa khóa chỗ cây xương cá. Có lần chị Ái đòi đốn cả bụi, nhưng dượng lườm rát, kêu “Cây thì tội gì”. Chẳng mấy khi dượng phản ứng thái quá kiểu vậy. Giống như hồi chị ngăn không cho ve chai mua chiếc xe ba bánh trẻ con, “để đó biết đâu nay mai xài”, dượng giằng cây guitar phím lõm xuống sàn nhà, mớ dây thẳng căng run bắn.

Chuyện đó cũng lâu rồi, khi hay chị Ái thôi không qua nhà tự dưng anh nhớ. Ngôi nhà vườn giáp ranh với nhà anh, chị dứt khoát bán đi, đổi chỗ khác gần Cầu Đá. Đi qua nhận ra nhà chị, bởi cái bóng đèn chong ngay cổng, rờ rỡ soi một lối vào. Có lần đụng mặt nhau ở bến xe thị trấn, mặt chị Ái chát đanh.

Hình dung chị với vẻ mặt ấy, khi ký tên vào bản tường trình dành cho nhân chứng. Bộ hồ sơ anh mượn được từ bên công tố, cho phiên tòa đầu tiên mà Tường nhận án treo năm rưỡi. Phiên nọ anh báo bận không dự. Nhưng dượng Lê chắc là tới từ sớm, chọn ngồi ở gần bục khai báo nhất, chỗ ông không bị khuất tầm nhìn và ngược lại, thằng nhỏ cũng dễ thấy ông – người đã bạc đi, còng xuống chỉ sau mươi ngày. Cuộc xử ấy chắc cũng buồn chán, tẻ nhạt như cuộc mà anh chứng kiến.

Tòa hỏi gì Tường cũng nhận, hỏi ngày giờ đó có vào nhà của người này không. “Dạ. Có”. Hỏi, “đột nhập vào nhà người khác là phạm pháp, biết không?” “Dạ biết”. Hỏi, “bỏ công trèo rào, chuốc mê chó, mất giày rách áo, da thịt bị miểng chai cào, chỉ để nhìn người ta ngủ thôi sao?” “Dạ phải”. Hỏi, “tại sao?” “Dạ tại thích”. Lời cuối không thể ngắn hơn, khi Tường nói “Tui xin lỗi hết thảy”. Vị thẩm phán chốt án rằng mọi người báo không mất gì, nhưng thứ họ mất chính là sự bình yên, nhiều bị hại mất ngủ triền miên sau vụ đột nhập. Giữ vẻ mặt thép nguội cho tới cuối, nhưng khi thu xếp giấy tờ, ông thẩm phán và cả thư ký tòa, một cô gái trẻ với những cái mụn sưng đỏ trên trán đã không giấu được ái ngại. Sao ai đó lại phải chịu án chất chồng chỉ vì lê la coi thiên hạ ngủ? Và gã thanh niên kia, dáng vẻ chẳng có chi hung hiểm, nhất là cái nước da trắng xanh, màu của những kẻ thức đêm ngủ ngày và nhạy sáng. Anh nhớ cái cách Tường đưa tay che ánh nắng lúc chín giờ rọi vào mặt, trước khi họ đóng cửa xe, mà anh nhầm lẫn tưởng nó chào mình.

“Đèn chong quên tắt”, Tường nói. Hay cái bóng tối trong thùng xe bít bùng đang khép lại nói. Câu đó có nghĩa anh phải qua nhà một chuyến, ngôi nhà từ giờ chính thức bị bỏ rơi, bởi sớm lắm phải hai năm nữa thằng em anh mới được tha về.

Chùm chìa khóa vẫn ở chỗ cũ, gỉ sét. Sàn gạch phủ một lớp bụi dày, đầy những cứt thằn lằn. Quệt bụi bằng ngón tay, nghe ngấm lạnh. Anh phủi lấy một lõm trên giường đủ nằm, tò mò mình trong lúc ngủ sâu bộ dạng ra sao, có khác cái thế nằm nghiêng co quắp hai đầu gối kẹp chặt tay mà anh luôn làm khi thiu thiu vào giấc.

Chắc Tường đã ngắm anh ngủ không ít lần. Chính nó nài má mua cho anh cái gối ôm lớn hơn, đổi cho anh cái mền dày hơn.

Mình đã từng làm gì cho đứa em này? Anh tự hỏi, khi đọc bản khai báo viết tay trên mặt giấy không đường kẻ nhưng vẫn thẳng thớm, ung dung. Không nét nào cho thấy thằng em anh đã mất bình tĩnh. Lúc đó Tường toàn đột nhập nhà trong xóm, phải sau đám tang dượng nó mới qua tận bên sông. Lần theo dấu nó, những kỷ niệm riêng tư lũ lượt quay về, chúng luôn ở đó, nhưng anh đã không nhận ra.

Cây me nó đu nhánh thả mình vào nhà bà Cả Na anh từng trèo lấy tổ chim. Cái mương nước trước nhà ông già Ba Đậu mà nó nhảy qua hồi anh đi câu trộm vẫn còn rộng ngợp. Hàng rào cắm miểng chai nhà chị Măng khiến Tường rách đùi xưa là một hàng so đũa đầy sâu róm, mùa chướng đi học ngang qua sâu rụng vào áo anh ngứa suýt lột da. Hai anh em đã từng trùng dấu chân ở cùng nơi chốn, nhưng không cùng một thời gian. Một anh khi đó, một nó sau này. Nhưng cái khe tường bị nứt hở ra do đất sụt ở sau nhà ông Bảy Lăm, giáp với vườn Miếu Đổ thì trùng dấu với người thứ ba. Dượng đã nằm ngay chỗ ấy, còn mềm nóng khi người ta tìm thấy.

“Sao dượng lại ở đó lúc nửa đêm?” câu hỏi làm nên một lớp thủy tinh tráng mỏng dưới mỗi bước chân bọn anh. Hôm đám tang dượng, mặc cho xóm giềng đồn đoán, bọn anh không bảo gì nhau, cùng thỏa hiệp, né tránh. Như thể mở lời là hụt chân rơi xuống. Từ má anh mất tích, anh nhận ra có những khoảng trống không cần phải lấp đầy. Bởi dấn bước vào những khoảng trống sẽ liên tục mở ra, lây lan như bệnh dịch, ví dụ như ở tháng thứ mười của hạn án treo, Tường đã đi đâu cả đêm mà điện thoại ngắt nguồn không hay dượng gọi.

Phòng dượng giờ chỉ trơ chiếc giường. Tường đã dẹp gọn, chắc là từ sau tang lễ.

Tủ đầu giường xổ ra một vun phân mọt gỗ. Anh kéo vài hộc, bâng quơ, nhưng ở ngăn cuối cùng, trong góc, anh nhìn thấy nửa gói Cẩu mê hồn hương, dưới nó là một tờ rơi quảng cáo sòng bài in song ngữ, cuối trang có một câu viết tay, “ngắm thật lâu những người ngủ sâu, ta có thể nhìn thấy giấc mơ của họ. 13/01/2004”.

Nét mịn, chữ Tường. Ngày tháng đó có ý nghĩa gì với nó không, hay chỉ là bâng quơ ghi vậy? Và ai là người xài dở gói thuốc kia?

Rảo một lượt trong nhà, anh nghĩ Tường đã liệu trước chuyện bị bắt. Nó dồn chăn nệm vào một chỗ rồi phủ bạt lên, dọn trống tủ lạnh và ngắt điện, đóng chặt những cửa tủ bảo đảm thằn lằn không lẻn vào đẻ trứng. Không có gạo trong thùng. Những hũ gia vị trống rỗng. Gas khóa chặt van. Lạ lùng, anh lại cảm giác đây chính là nơi mình thuộc về, không thể khác.

Nên anh đã ngoái lại căn nhà chìm trong bóng tối khi xe khách xịch lại đón anh quay lại Sài Gòn. Đi một đoạn, khi ngã ghế nằm anh nghe âm thanh của chùm chìa khóa. Mình đã quên để nó lại chỗ bụi cây xương cá, ý nghĩ đó khiến anh bất an.

Khi xe qua cầu Đá, với ý nghĩ nếu đi thêm chút nữa là không thể cứu vãn, anh nói muốn xuống xe. Gã tài xế ném vào anh cái nhìn cục cằn, và cách chiếc xe vọt đi cũng cộc không kém. Anh cảm giác mình giống như một túi nôn bị ném ra ngoài.

Cũng phải, đêm nay khách không được nửa xe, và họ đã giữ chỗ cho anh từ cuối tuần trước.

Anh xốc lại ba lô, cố nhận ra chỗ mình đứng. Cách một con sông, phía bên này thị trấn sáng và ráo hoảnh. Tường bị tóm lần cuối ở đây, sau khi cộc đầu vào một cái cửa quá thấp, gây ra cuộc náo động sau đó. Ở nơi chốn mà nó chỉ là thằng đàn ông xa lạ, trước khi cảnh sát tới, thằng Tường đã no đòn. Họ nghĩ nó là kẻ trộm, tệ hơn: trộm chó.

Anh đứng thêm một lúc, vô phương nhận ra căn nhà nào dính mảnh da trán của thằng em. Sực nhớ từ đây về nhà cũng phải hơn bảy cây số, mười một giờ đêm không dễ đón xe ôm, anh xốc ba lô lên cuốc bộ. Sợ sẽ nổi khùng với chính mình bởi cơn bốc đồng vừa nãy, anh tìm chùm chìa khóa, như vịn vào một cái cớ chính đáng. Lỡ như có ai về. Sục tay vào ngăn phụ của ba lô, nơi tiếng kim loại phát ra, anh chạm vào nửa gói Cẩu mê hồn hương. Thứ thuốc bột mềm, mơn trớn làm anh dịu lại. Anh ngửi mấy đầu ngón tay, tự hỏi những con chó đang sủa rộ kia, một khi hít phải thứ này, chúng ngủ bao lâu thì dậy, liệu chúng có mơ không?

Qua cầu Đá, anh nhìn thấy nhà chị Ái. Hình dung tư thế ngủ sâu của người đàn bà có khung xương chậu luôn khép chặt đó, người luôn thắp đèn ngoài cổng soi rõ một lối đi đầy xác lá khô, ánh đèn mời mọc dẫn đường nhưng chẳng ai rẽ qua, hoặc đã từng tới rồi rời bỏ. Vào một cái đêm ráo tạnh như đêm nay, chị Ái, và cả những người đang bắt đầu lịm đi dưới những mái nhà thiêm thiếp bên đường kia nữa, họ chiêm bao gì, và có thật là nếu ngắm một người đang ngủ thật lâu, ta có thể nhìn thấy giấc mơ của họ?

Nguyễn Ngọc Tư