Đó là chủ đề cho các hoạt động văn hóa sẽ diễn ra trong suốt tháng Ba năm nay tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Sẽ có khoảng 100 đồng bào của 15 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Bahnar, Xê đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) đến từ các địa phương trên cả nước tham dự, trong đó có tỉnh Nghệ An.

Chương trình tháng 3 “Mùa xuân và Tuổi trẻ” gắn với tháng Thanh niên sẽ có những hoạt động như: Ngày hội thanh niên với văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc; tái hiện lễ hội cồng chiêng của dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai; giới thiệu, trình diễn cồng chiêng của các bạn trẻ Tây Nguyên; Giới thiệu văn hóa du lịch tỉnh Gia La.  Ngoài ra còn có một số hoạt động cuối tuần: Chương trình giao lưu tại làng dân tộc Gia Rai với sự tham gia hỗ trợ của các nhóm đồng bào dân tộc Gia Rai, Cơ Tu, Xơ Đăng, Ê Đê…

Đồng bào Ê đê giới thiệu bài hát, điệu xoang của dân tộc mình, nguồn ảnh: baodantoc.vn

Tại “Ngôi nhà chung”, du khách sẽ được tham gia các hoạt động trải nghiệm văn hóa dân tộc cùng đồng bào như: trải nghiệm “Nấu bữa cơm gia đình trên nhà sàn dân tộc”; trải nghiệm các nhạc cụ dân tộc truyền thống và thực hành diễn xướng dân gian; trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống với tổ hợp các trò chơi: ném pao, ném ngô vào quẩy tấu, đánh yến của dân tộc Mông, đi cà kheo, chơi tó má lẹ, kéo co; trải nghiệm làm đồ thủ công truyền thống: đan lát những vật dụng gắn với văn hóa của đồng bào (tại làng dân tộc Tày, làng dân tộc Thái, làng dân tộc Cơ Tu, làng dân tộc Gia Rai).

Trong khuôn khổ chương trình tháng 3 cũng sẽ có hoạt động tái hiện lễ hội cồng chiêng của dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai; giới thiệu, trình diễn cồng chiêng của các bạn trẻ Tây Nguyên; giới thiệu văn hóa du lịch tỉnh Gia Lai.

Hoạt động cuối tuần với chương trình điểm nhấn “Tháng Ba mùa con ong đi lấy mật” gồm các hoạt động tái hiện cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên gồm các dân tộc Ê Đê, Xơ Đăng, Cơ Tu, Tà Ôi, Ba Na, Gia Rai giới thiệu về cây cà phê, hoa cà phê, kỹ thuật rang xay cà phê và cùng với du khách thưởng thức những ly cà phê đượm chất Tây Nguyên. Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Mùa xuân yêu thương” của nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và hoạt động của các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng.

Các hoạt động tháng Ba được tổ chức theo chương trình hàng ngày, chương trình cuối tuần, chương trình du lịch Homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian… tạo không gian cho các bạn trẻ đến từ các đoàn và du khách khám phá, tìm hiểu các phong tục tập quán, các sinh hoạt văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc dân tộc Việt Nam.

Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam nằm trong khu vực Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 667 phê duyệt quy hoạch tổng thể Làng VHDL. Đến tháng 10/1999, Dự án Làng VHDL được khởi công xây dựng. Sau hơn 10 năm, đến tháng 9/2010, Làng Văn hóa đã chính thức khai trương, mở cổng Làng.

Hoàng Nguyên tổng hợp