“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”

    Xứ Nghệ vốn có truyền thống văn hóa với những bản sắc riêng trong đó có lễ tết. Mọi người trên đất nước ta đều đón “Tết Cả” – Tết Nguyên đán theo lịch âm được xây dựng theo chu kỳ mặt trăng, thường ở vào giữa hai ngày tiết Đại hàn hoặc Lập Xuân. Vào thời kỳ này ở xứ Nghệ hay mưa, rét, thường là mưa phùn, không có trận mưa to nhưng kéo dài. Tháng Chạp là tháng xuống đồng, dù rét mấy người nông dân xứ Nghệ cũng phải cấy xong vụ Chiêm trong tiết Đại hàn, chậm lắm là đầu Xuân – tức là trước Tết Nguyên đán.

Đón giao thừa. Tranh của cháu Hoàng Tài.

Người Nghệ thu hoạch vụ mùa (còn gọi là vụ Mười) vào khoảng tháng 8 đến đầu tháng 9 âm lịch. Lúc này đã qua tiết Bạch lộ, nhưng do thời tiết xứ Nghệ chậm hơn ngoài Bắc nên vụ gặt thường vào kỳ mưa lụt. Xứ Nghệ thường hay bị hạn. Hạn to thì mưa lớn, mùa vụ bấp bênh nên luôn canh cánh nỗi lo ngày giáp hạt. Tháng Ba là tháng bắt đầu thu hoạch vụ mới, họ mong thời gian trôi nhanh để đến ngày đó. Người Nghệ ăn Tết xong là thắc thỏm nỗi lo chạy bữa.

    Tháng Tết là tháng xứ Nghệ chìm trong mưa dầm nên rất khó trồng rau, họ đành bổ sung rau xanh bằng bí đao, chuối xanh, đu đủ, giá đậu… Đối với người nông dân xứ Nghệ rau rất quan trọng, rau là thực phẩm hiếm không kém gì thịt cá, hoa quả, vào thời vụ này rau lại càng hiếm, hiếm đến nỗi ca dao xứ Nghệ có câu:

“Chuối mùa Đông mỗi đồng một quả”.

Hay:

“Thịt cá là hương hoa

Tương cà là gia bản”

Trồng trọt khó khăn thì chăn nuôi cũng không phát đạt. Nguồn thịt ở đây chủ yếu là thịt lợn, thịt gà. Ngoài ra người Nghệ còn bổ sung thịt trâu vào dịp Tết. Người Nghệ có cách chế biến thịt trâu khá độc đáo, nhấm với rượu “quốc lủi” độ ngon ngang tầm thịt xông khói châu Âu. Cách chế biến như sau:

Thịt trâu nạc súc được luộc nước lã pha gừng, sau đó luộc lại bằng nước mắm, sôi lăn tăn chừng 15 phút thì vớt ra để khô mặt ngoài. Khi ăn thái lát mỏng ngang thớ. Thịt trâu thớ thưa, khả năng hấp thụ đạm rất tốt nên có vị ngọt đậm. Xưa kia người ta cho thịt trâu có tính lạnh, nên những người sức khỏe yếu không dám ăn. Vì thế thịt trâu chỉ dùng cho người nghèo, nhưng không ngờ ngày nay nó được coi là đặc sản khiến nhiều người ưa chuộng.

    Dù đạm bạc đến mấy thì ngày Tết người dân nơi đây vẫn được ăn ngon hơn, no hơn nên xứ Nghệ thường có từ “ăn Tết” mà không có các từ “chơi Xuân”, chơi hội như ngoài Bắc. Tết của người Nghệ được xem tương đương với giỗ vì tâm linh của họ thường hướng về tổ tiên. Trong tiếng Nghệ, từ lâu hình thành chữ giỗ chạp, giỗ đi liền với chạp tức là giỗ và Tết ngang nhau. Người Nghệ cúng Chạp (cúng Tết) vào các ngày Ba mươi, Mồng một. Cúng Tết cũng hướng vào tổ tiên nhưng khác giỗ. Giỗ làm vào ngày kỵ của ai đó, còn cúng ngày Tết thì cho những người đã khuất. Ngày Tết không chỉ cúng tại gia, mà còn phải cúng ở nhà thờ họ.

Phong cảnh làng quê. Tranh của cháu Trường Hưng

Người Nghệ cúng tế tại gia vào đêm giao thừa còn gọi là đêm Ba mươi dù có năm tháng Chạp thiếu chỉ có 29 ngày. Đêm Ba mươi nhà nào cúng nhà nấy bởi họ sợ đạp đất nhà khác đầu năm mới, không may gia chủ làm ăn xui xẻo sẽ bị quở trách là người “nặng vía”. Tục này còn giữ đến tận bây giờ.

    Cúng Mồng một Tết được tiến hành trước hết tại nhà thờ họ, sau đó mới cúng năm mới tại gia. Khác với cúng đêm Ba mươi, cúng Mồng một ở xứ Nghệ thường mời cả họ hàng làng, xóm gần gũi. Chính vì nhà nào cũng cúng nên họ thường đi ăn vòng tròn, nghĩa là sau khi ăn nhà này lại sang nhà khác.

Người Nghệ thờ cúng tổ tiên là chính, việc thờ cúng thổ thần tuy có nhưng không được tổ chức riêng. Vì vậy người Nghệ thường thờ cúng trong nhà, ít thờ cúng ngoài sân.

Tết của người Nghệ hướng về tổ tiên nên tháng Ba không đi tảo mộ như ngoài Bắc mà việc tảo mộ được thực hiện cùng thời với cúng Tết. Việc tảo mộ được tiến hành gồm rất nhiều trai tráng và các bé trai tuổi thiếu nhi dưới sự dẫn dắt của người già thông hiểu phần mộ dòng họ và am tường gia phả. Con gái không được đi tảo mộ vì theo các cụ họ sẽ đi lấy chồng. Trong quá trình tảo mộ, khi đến phần mộ ai thì người già liền nói lại thứ bậc cũng như đặc điểm, những kỷ niệm về người đó cho con cháu nghe. Các thế hệ này sẽ có nhiệm vụ truyền lại cho những thế hệ kế tiếp.

    Người Nghệ chơi Tết bằng các trò đánh đu, đánh cù, đi cầu kiều. Ngoài ba trò chơi phổ biến này ở xứ Nghệ còn có một số trò chơi khác như trèo chuối, đánh đáo. Đáng tiếc là do cực đoan trong nếp sống đổi mới, những trò chơi này đang dần mai một.

Xứ Nghệ, miền quê yêu dấu của tôi, con người luôn phải nhọc nhằn lao động trên đất cằn để làm ra hạt lúa củ khoai; phải chống chọi với những ngọn gió lào khắc nghiệt, nhưng sao vẫn cho ta ngàn nỗi nhớ, khi phải sống xa quê:

“Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”

Khi đi xa, ngày Tết cho ta bao nỗi nhớ về quê hương xứ sở, dẫu cái Tết ở đây không đủ đầy bằng một số miền quê khác, nhưng nặng nghĩa, nặng tình. Chính vì lẽ đó mà ngày Xuân đến ta càng nhớ về xứ Nghệ thân yêu.

Hồ Sỹ Tá

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 20, tháng 1-2 năm 2022)