Quyên góp từ thiện là một chủ đề luôn được dư luận Đức quan tâm. Một câu hỏi luôn được đặt ra không chỉ bởi những người hảo tâm là: Liệu tiền quyên góp có được sử dụng đúng mục đích? Về vấn đề này, nhiều địa chỉ truyền thông lớn ở Đức thời gian qua đã đăng hàng loạt bài viết, thí dụ, trang mạng của chương trình thời sự Tagesschau Đài truyền hình ARD – kênh số 1 hệ thống đài truyền hình trung ương Đức – ngày 16/02/2021, đăng bài báo với tựa đề “Tổng kết cho năm 2020 – Người Đức ít khi hào phóng như vậy”. Bài báo cho biết, theo Công ty Nghiên cứu Thị trường GfK, 5,4 tỷ euro đã được quyên góp. Người dân Đức đặc biệt hào phóng trong thời gian giãn cách xã hội.

Bất chấp đại dịch Corona, người dân ở Đức đã quyên góp tiền nhiều hơn đáng kể so với trước đây. Điều này được công bố trong bản tổng kết của Hội đồng Quyên góp Đức cho năm 2020. Với 5,4 tỷ euro, mức quyên góp đã tăng khoảng 260 triệu euro so với năm trước. Điều đó tương ứng với mức tăng khoảng hơn 5%.

Chỉ trong năm 2015, sau cuộc khủng hoảng người tị nạn và trận động đất nghiêm trọng ở Nepal, số tiền quyên góp thậm chí còn cao hơn, 5,5 tỷ euro. Bản tổng kết quyên góp được Viện Nghiên cứu Thị trường GfK lập ra hàng năm theo sự ủy thác của Hội đồng Quyên góp Đức. Theo số liệu này, khoảng 19 triệu người đã quyên góp tiền cho các tổ chức từ thiện hoặc nhà thờ vào năm ngoái, tức là khoảng 28,5% dân số có độ tuổi từ 10 tuổi trở lên tham gia. So với năm trước, con số đó ít hơn khoảng nửa triệu người.

Ba phần tư số tiền quyên góp (75,6%) dành cho hỗ trợ nhân đạo. Chi phí cho cứu trợ khẩn cấp và thiên tai đã tăng lên gần 18%. Chi phí cho bảo vệ động vật và việc bảo tồn văn hóa, di tích cũng tăng lên đáng kể.

Phân tích này cho thấy rằng các nhà tài trợ đặc biệt hào phóng trong hai lần giãn cách xã hội vào năm ngoái, hơn cả giai đoạn trước Giáng sinh, thời gian vốn có nhiều khoản quyên góp.

Tranh minh họa. Nguồn: dantri.com.vn

Một chuyên gia cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, người dân có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ và suy ngẫm về cuộc sống. Hơn nữa, lúc đó mọi người có ít cơ hội để tự tiêu tiền hơn, chẳng hạn như đi ăn ở nhà hàng, đi mua sắm quần áo hoặc đến câu lạc bộ.

Thế hệ người trên 70 tuổi đóng góp nhiều nhất. Tỷ lệ của họ trong tổng số lượng quyên góp đã tăng từ 40,8% lên 43,8%. Ở nhóm tuổi này, khối lượng quyên góp trung bình tăng từ 344 lên 402 euro cho mỗi nhà tài trợ. Đối với chuyên gia trên lĩnh vực này, điều đó liên quan đến thực tế là những người nghỉ hưu biết rất rõ mức thu nhập của họ và thường có ít chi phí lớn và dài hạn hơn.

Khoản quyên góp trung bình vào năm 2020 chính xác là 40 euro, nhiều hơn 3 euro so với năm trước. Ngược lại, tần suất quyên góp trung bình của mỗi nhà tài trợ vẫn giữ nguyên là 7 lần.

Tuy nhiên, đại dịch cũng dẫn đến những kẻ thua cuộc trên “thị trường” quyên góp, đó là những tổ chức có nguồn thu chủ yếu dựa vào khán giả. Thí dụ, các tổ chức liên quan đến thể thao nói riêng nhận được ít hơn khoảng 76 triệu euro tiền quyên góp so với năm 2019.

Sự sụt giảm liên quan đến đại dịch trong các nhóm cũng làm giảm thu nhập của các tổ chức hỗ trợ thuộc nhà thờ (giảm 3,7 điểm phần trăm). Tỷ lệ quyên góp cho họ trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo là 23,6% vào năm 2020. Tuy nhiên, nhìn chung, các tổ chức tôn giáo đã có thể tăng số tiền quyên góp của họ lên một chút. Thị phần của họ tăng 0,5 điểm phần trăm lên 23,4%. Các tổ chức của nhà thờ Công giáo tăng 1%, trong khi các tổ chức Tin lành bị giảm nhẹ thị phần trong tổng thị trường (giảm 0,5 điểm phần trăm).

Hội đồng Quyên góp Đức là tổ chức đầu não của khoảng 70 tổ chức phi lợi nhuận từ các lĩnh vực hỗ trợ xã hội và nhân đạo, môi trường và bảo vệ động vật, nghệ thuật và văn hóa, và bảo vệ di tích. Từ năm 2005, hàng năm, Công ty nghiên cứu Thị trường GfK, đưa ra bản “Tổng kết hỗ trợ” theo sự ủy thác của Hội đồng Quyên góp Đức, trong đó ghi nhận các khoản đóng góp ở Đức. Phân tích này dựa trên khảo sát thường xuyên mang tính đại diện gồm 10.000 người Đức từ 10 tuổi trở lên. Cần lưu ý, báo cáo này đề cập đến khoảng 70 tổ chức, trong khi đó ở Đức có hơn 200 tổ chức chuyên thu quyên góp từ thiện. Một con số chính xác về số tiền thu được không thể có, một số chuyên gia phỏng đoán, người dân Đức đã quyên góp khoảng trên dưới 10 tỷ euro trong năm 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: cafebiz.vn

Khi bàn luận về việc quyên góp từ thiện ở Đức, không thể không nhắc đến Viện Nghiên cứu Trung ương Đức về Các vấn đề Xã hội (tên viết tắt DZI) là một quỹ có trụ sở tại Berlin, chuyên kiểm tra các tổ chức phi chính phủ hoạt động trên lĩnh vực xã hội và từ thiện ở Đức từ năm 1991 về việc sử dụng các khoản quyên góp từ thiện. Tiền thân của quỹ này được thành lập năm 1893 bởi Hiệp hội Văn hóa Đạo đức Đức, năm 1906 quỹ mang tên Trung tâm phúc lợi tư nhân và từ năm 1957 mang tên hiện nay là Viện Nghiên cứu Trung ương Đức về Các vấn đề Xã hội.

Viện Nghiên cứu Trung ương Đức về Các vấn đề Xã hội cung cấp thường xuyên thông tin về 227 tổ chức quyên góp từ thiện và cấp chứng chỉ chất lượng. Chứng chỉ chất lượng được trao cho các tổ chức phi lợi nhuận đã sử dụng hợp lý các khoản quyên góp. Ủy ban kiểm soát của Viện thiết lập các tiêu chí cho việc này. Chứng chỉ chất lượng nhằm cung cấp cho các nhà tài trợ và các nhà đầu tư xã hội sự định hướng về chất lượng công việc của tổ chức tương ứng. Ngoài Chứng chỉ chất lượng, viện này còn trao các giải thưởng và vinh danh các tổ chức có thành tích đặc biệt. Ngoài các chỉ số chất lượng còn có các cam kết tự nguyện.

Trong tiếng Đức, về phương diện nội dung, quyên góp là một khoản đóng góp tự nguyện cho mục đích tôn giáo, khoa học, phi lợi nhuận, từ thiện, văn hóa, kinh tế hoặc chính trị. Người nhận quyên góp có thể là thể nhân hoặc pháp nhân, chẳng hạn như hiệp hội, tổ chức, đảng phái chính trị, tổ chức hỗ trợ hoặc cộng đồng tôn giáo. Quyên góp có thể bao gồm tiền mặt hoặc vật hoặc từ bỏ thù lao cho công việc đã thực hiện (quyên góp thời gian). Trong hệ thống pháp luật Đức không có phạm trù pháp lý quyên góp từ thiện. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, quyên góp từ thiện là quà tặng. Nếu việc quyên góp được liên kết với một mục đích cụ thể, thì người quyên góp có thể yêu cầu đáp ứng điều kiện của mình. Nếu người nhận không sử dụng khoản quyên góp như đã thỏa thuận, người quyên góp có thể yêu cầu trả lại khoản đóng góp tài chính của mình. Hoạt động quyên góp từ thiện liên quan đến thu và chi, vì vậy, sở tài chính là cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và cho thi hành những chế tài khi phát hiện sai phạm. Ở Đức, rất nhiều nhân vật của công chúng, thí dụ, ca sĩ, diễn viên điện ảnh, vận động viên thể thao… tham gia sôi nổi trong việc vận động quyên góp từ thiện. Tuy nhiên, hầu như không bê bối xảy ra, bởi vì họ không tự nhận tiền quyên góp mà chỉ kêu gọi đóng góp cho một tổ chức nào đó, thí dụ cho tổ chức Làng trẻ em SOS, Ủy ban Đức vì UNICEF, Hỗ trợ thảm họa Diakonie…

Khi nghe con số 10 tỷ euro, nhiều người nghĩ rằng, Đức là quốc gia dẫn đầu trên lĩnh vực này. Nhưng đó là sự ngộ nhận. Tờ Thế Giới (Welt) ngày 17/10/2019 đăng bài“Những người hào phóng nhất sống ở đâu”. Trong đó, câu trả lời cho điều này hiện đã được chứng minh rõ ràng qua một phân tích toàn diện của Tổ chức hỗ trợ Từ thiện (Charities Aid Foundation, viết tắt CAF) của Vương quốc Anh. Trong hơn mười năm, tổ chức này đã hỏi tổng cộng khoảng 1,3 triệu người ở 126 quốc gia về số tiền họ quyên góp cho tổ chức từ thiện, tần suất họ giúp đỡ những người xa lạ đang gặp khó khăn và mức độ làm công việc tình nguyện của họ. Kết quả là đáng ngạc nhiên. Ở vị trí đầu tiên là người Mỹ luôn thể hiện sự sẵn sàng đóng góp tiền bạc, hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp hoặc làm công việc thiện nguyện. Nhưng ngay sau đó, ở vị trí thứ hai là một đất nước mà người ta không ngờ tới: Myanmar. Và cũng ở vị trí thứ chín và thứ mười trong danh sách, Sri Lanka và Indonesia là những quốc gia có xu hướng nghèo hơn. Còn đây là 10 quốc gia dẫn đầu danh sách: Mỹ, Myanmar, New Zealand, Úc, Ireland, Canada, Anh, Hà Lan, Sri Lanka, Indonesia.

Tranh minh họa. Nguồn: cuoituan.tuoitre.vn

Mới đây, Tổ chức hỗ trợ Từ thiện (CAF) đã công bố Chỉ số quyên góp Thế giới (World Giving Index, viết tắt WGI) của năm 2021 cho năm 2020, dựa trên dữ liệu do Gallup (viện nghiên cứu thị trường và quan điểm hàng đầu có trụ sở tại Washington, D.C.) thu thập và xếp hạng hơn 140 quốc gia trên thế giới. Mục tiêu của Chỉ số quyên góp Thế giới là cung cấp cái nhìn sâu sắc về số lượng và bản chất của hoạt động quyên góp từ thiện trên khắp thế giới. Theo WGI, Indonesia là quốc gia hào phóng nhất trên thế giới. Hơn tám trong số mười người Indonesia đã quyên góp tiền vào năm 2020. Thời gian dành cho hoạt động phục vụ cộng đồng ở đảo quốc này cao gấp hơn ba lần so với mức trung bình toàn cầu. Vị trí thứ hai thuộc về Kenya, tiếp theo là Nigeria ở vị trí thứ ba. Mười quốc gia hào phóng nhất đã thay đổi đáng kể vào năm 2020. Nhiều quốc gia liên tục nằm trong nhóm 10 trong các báo cáo của WGI trước đây đã chứng kiến sự giảm mạnh giá trị chỉ số của họ vào năm 2020. Mỹ, Canada, Ireland và Hà Lan đã sa sút rất nhiều. Ở vị trí của họ, Nigeria, Ghana, Uganda và Kosovo đã vươn lên trong nhóm 10. Ảnh hưởng của đại dịch Corona là một lời giải thích khả dĩ cho việc thay đổi thứ hạng, bởi vì giãn cách xã hội đã hạn chế hoặc ít nhất là thay đổi khả năng tham gia hoạt động từ thiện. Theo WGI lần này, mười quốc gia hào phóng nhất trên thế giới là: Indonesia, Kenya, Nigeria, Myanmar, Úc, Ghana, New Zealand, Uganda, Kosovo và Thái Lan. Rõ ràng, sự sẵn sàng giúp đỡ đặc biệt lớn ở các nước kinh tế yếu kém. Cũng rất thú vị khi nhìn vào kết quả của các hạng mục riêng lẻ: khi nói đến sự giúp đỡ đối với người lạ, không một quốc gia châu Âu nào có thể lọt vào nhóm 10. Theo WGI, những người sẵn sàng giúp đỡ nhất sống ở Nigeria. Cameroon đứng thứ hai, tiếp theo là Iraq. Đức chỉ xuất hiện ở vị trí thứ 100. Khi nói đến các khoản đóng góp tiền, các quốc gia sau đây đứng đầu bảng: Indonesia, Myanmar và Australia. Đức đứng thứ 42, trung bình, cứ mười người trưởng thành thì có ba người quyên góp tiền vào năm 2020. Bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng lao động tình nguyện cũng cung cấp những hiểu biết thú vị. Dẫn đầu: Indonesia, Tajikistan và Kenya. Người Đức đứng ở vị trí thứ 70. Ba quốc gia bị xếp hạng kém nhất trên thế giới trong WGI là Bỉ (vị trí thứ 112), Bồ Đào Nha (vị trí thứ 113) và Nhật Bản (vị trí thứ 114).

Hồ Ngọc Thắng

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 18, tháng 10/2021)