Dư luận trong và ngoài giới văn chương gần đây khá xôn xao chuyện nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khi xuất bản tập thơ mới “Nhật ký người xem đồng hồ” đã thẳng thắn tuyên bố rằng, ông sẽ tiến hành một chiến dịch “đặc biệt” – chiến dịch… bán thơ! Ông giải thích: “Tôi in thơ hầu như chưa bao giờ bán mà chỉ tặng. Bây giờ nghĩ lại có chút ân hận vì có người không đọc mà mình cứ tặng.” Vậy nên “bán thơ là một cách chống lại sự làm phiền của mình với người khác. Họ quan tâm thì họ mới mua…” (Trang cá nhân 12/08/2023).

Trước đó ít ngày, thi đàn xuất hiện Tuyển tập thơ Vương Trọng – tuyển tập thứ 6 của nhà thơ và tác giả sách cũng có lời nhắn gửi: “Bạn đọc nào có nhu cầu mua tuyển tập thì cho tôi biết tên, địa chỉ, số điện thoại… Tôi cám ơn các bạn và rất vui khi đi gửi sách cho người mua, vì biết được vẫn có người đọc thơ mình: Một quyển sách gửi tới người mua/ Tin ít nhất có một người đọc trọn/ Mười quyển sách gửi đi biếu tặng/ Đã chắc chi ai đọc hết một bài” (Trang cá nhân 02/08/2023). Sau đó, nhà thơ còn giải thích cặn kẽ việc so với biếu/tặng thơ, thì bán thơ ít ra còn có 3 ưu việt: 1), Để thơ đến tay người đọc cần thơ; 2), Hiểu được thái độ của bạn đọc đối với thơ mình. Nếu nhiều bạn đọc đăng ký mua, nghĩa là thơ mình còn có ích. Nếu bạn đọc dửng dưng thì nhà thơ cần xem lại chính mình; 3), Góp phần trang trải chi phí in ấn… (Trang cá nhân 13/08/2023).

Chuyện nhà thơ bán thơ ở xứ ta tưởng mới mà thực ra rất… cũ. Văn học nước nhà từng chứng kiến Tản Đà “Gánh thơ lên bán chợ trời” và Hàn Mạc Tử thì đâu chỉ viết “Ai mua trăng ta bán trăng cho” mà còn phải mượn 200 đồng bạc thời đó để in tập thơ đầu tay “Gái quê”, sau đó bán sách lấy tiền trả nợ. Rồi Nguyễn Bính trong khi “hành phương nam” cũng từng bán thơ, từng bỏ ra 5 ngày để chép tay tập “Lỡ bước sang ngang” có chữ ký thi nhân để bán đấu giá, thậm chí bán từng câu thơ đăng báo để sống ở chốn phồn hoa Sài Gòn hồi những năm bốn mươi thế kỷ trước…

Đến thời bao cấp, khó khăn nhiều bề nên việc in sách, đọc sách cũng khó theo. Phải là các cây bút có tên tuổi mới đủ “tư cách” để được xuất bản một tập thơ. Phải vài ba tác giả nổi tiếng mới được in chung một tập thơ, xem như được ưu ái và không mấy người có được vinh hạnh đó. Ví dụ như “Hương cây, bếp lửa” (Bằng Việt, Lưu Quang Vũ), “Tuổi hai mươi” (Hoàng Nhuận Cầm, Vũ Đình Văn) “Tình yêu sáng sớm” (Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quốc Anh), “Sóng nhà – Đêm biếc – Tôi yêu” (Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Hoa và Nguyễn Trọng Tạo)… Sau này, mọi việc dễ dàng hơn nhưng rồi câu chuyện “khủng hoảng thừa” dù không nói, không muốn thì cũng diễn ra mà không có cách nào tránh được. Các tập thơ in ra rất nhiều, lúc đầu một số nhà thơ có thể bán được sách qua hệ thống phát hành, qua vô vàn phương thức chính ngạch và tiểu ngạch. Nhưng rồi đến lúc sách các loại ê hề ra, không ai ngó ngàng, trong đó có sách thơ, dẫn đến chỉ biếu và tặng, tặng và biếu mà thôi. Thật buồn lòng khi thiên hạ “diễu” rằng, “Gặp nhau tay bắt, mặt mừng/Tặng chi thì tặng, xin đừng tặng… thơ”!

Tất nhiên, “tấm huân chương” nào cũng có hai mặt và việc xuất bản thơ cũng tương tự. Ngày nào in thơ ít nhưng phần lớn đều chất lượng là điều không cần bàn cãi. Bạn đọc tìm thơ, tìm sách và quý sách như một “báu vật” không bao giờ là một lời nói quá hay cường điệu. Nay in thơ nhiều, dễ dàng nhưng chất lượng có song hành hay không lại là điều rất đáng suy ngẫm. Câu hỏi vì sao bạn đọc ngại đọc thơ, thậm chí cả bạn viết, bạn thơ cũng không đọc của nhau là một thực tế mà nhà thơ lâu nay đã… sống chung, sống quen đến mức chấp nhận rồi chăng?

Ở đây, không chỉ là chất lượng của việc biên tập thơ, chọn thơ, mà còn cả chất lượng kỹ – mỹ thuật in sách, khả năng tiếp thị sản phẩm… Rõ ràng, câu chuyện không chỉ của riêng “ngành thơ” mà văn xuôi hay phê bình lý luận… cũng đều đang đi chung một con đường vui nhưng đầy khó khăn, ngáng trở. Khi khoa học – công nghệ mở ra chân trời mới mẻ, dễ tiếp cận đối với đại chúng, bên cạnh vô số điều đáng mừng thì cũng không tránh khỏi điều đáng lo, đáng ngại về sự thiếu chuyên nghiệp, chuyên môn ở rất nhiều công đoạn để có một tác-phẩm-sách chất lượng cao về mọi mặt.

Tình trạng “mất kiểm soát” khi in thơ chỉ để biếu tặng, thơ hay lẫn chìm trong vô vàn thơ dở, bạn đọc tâm huyết với thơ thưa vắng dần bởi bị rơi vào ma trận mịt mùng của “thơ trăm hoa đua nở”, “loạn thơ” dường như đã đến lúc phải được gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh. Không phải ngẫu nhiên cùng lúc hai nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Quang Thiều và Vương Trọng, không ai bảo ai, lại cùng lúc thẳng thừng tuyên bố thực hiện “chiến dịch”… bán thơ và họ làm thật, nói thẳng. Thật đáng mừng là “chiến dịch” này đã ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo bạn đọc, bạn viết gần xa. Sau hơn một tháng tiến hành, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết ông đã bán được gần 1000 cuốn thơ mới xuất bản. Nhà thơ Vương Trọng cũng hồ hởi cho biết ông đã bán được hơn 500 cuốn Tuyển tập.

Cùng thời điểm này, trang cá nhân ngày 28/09/2023 của họa sỹ Ngô Xuân Khôi “khoe” bức tranh minh họa cho tập thơ nổi tiếng “Góc sân và khoảng trời” của thần đồng Trần Đăng Khoa ở bản in lần thứ 155 (một trăm năm mươi lăm)! Một kỷ lục xuất bản, một kỷ lục tái bản chắc chắn không chỉ trong nước mà cả thế giới cũng không dễ gì đạt tới! Để thấy, thơ hay, tác phẩm chất lượng thì “như gái đẹp, ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng” (Chế Lan Viên). Nghĩa là thơ hay, có “thương hiệu mạnh” và in ấn chất lượng thì ở đâu, lúc nào cũng bán được, cũng có bạn đọc chờ đợi, thậm chí đọc đi, đọc lại từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Trong bối cảnh hiện nay, “Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục tạo những điều kiện tốt nhất cho các nhà văn trong sáng tạo cũng như công bố và tôn vinh những tác phẩm văn học có giá trị” (lời Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Hội nghị Nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất, 30/09/2023) là một thuận lợi vô cùng to lớn và quan trọng giúp các nhà văn dành trọn tâm huyết cho sáng tạo văn học. Ai ai cũng biết quá trình phấn đấu để đi tới, đạt tới những tác phẩm văn học có giá trị là quá trình lâu dài, gian khổ, là con đường khó khăn, thậm chí là con đường cô độc, đầy bản lĩnh của mỗi cá tính sáng tạo. Không dễ để nhà thơ nào cũng làm được thơ hay, mà trái lại ở đâu, lúc nào cũng rất khó mới có thơ hay, thơ được công chúng đón nhận, hay cụ thể là được bạn đọc tìm mua, tìm đọc.

Vậy nên, câu chuyện nhà thơ mở “chiến dịch” bán thơ không chỉ mang tính thời sự, nhất thời mà sẽ trở nên thường nhật, lâu dài trong suy nghĩ, hành động của mỗi nhà thơ, mỗi người cầm bút. Không dễ nhà thơ nào cũng bán được thơ, cũng không chắc từ nay sẽ chấm dứt hẳn tình trạng in thơ chỉ để biếu tặng, nhưng sau câu chuyện khá thu hút này, hẳn mỗi người cầm bút sẽ đắn đo hơn, ngẫm nghĩ kỹ hơn về công việc mà mình tâm huyết ngày đêm. Đó cũng chính là cách để tôn trọng bạn viết, bạn đọc, tôn trọng chính mình, góp phần làm cho đời sống văn học, với trọng tâm, cốt lõi là chất lượng tác phẩm văn học ngày một nâng cao thực sự.

Bùi Sỹ Hoa