Một trong những điểm đến hấp dẫn của chuyến đi lên vùng đất trập trùng hiểm trở của núi rừng phía bắc Tổ quốc là chuyến trèo dốc lên thăm nhà và vườn chè của một người Hmông họ Sùng ở Lũng Phìn.

Đã nghe bạn đồng hành kể về gia đình ấy từ trước nên cả đoàn càng thấy háo hức! Đây là dòng họ có truyền thống trồng và sao trà mạn, bao đời nối tiếp là nguồn cung trà duy nhất cho Vua Mèo! Bàn tay các nghệ nhân họ Sùng là bàn tay biết nói chuyện với lửa, biết sao trà vừa độ, biết khiến cho những búp to không bị non lửa mà ngái, những búp nhỏ không bị già lửa mà khét, tách trà khi nâng trên tay, có đồng thời cả hương ngát nồng nàn, dư vị chát ngọt vương vấn, và sắc xanh trong sóng sánh…!

Lại nghe kể về cá tính đặc biệt của người nhà họ Sùng, càng thấy tò mò thú vị: năm 2017 hai vợ chồng bạn lên huyện Lũng Phìn, Đồng Văn, thuê xe máy trèo dốc gập ghềnh lởm chớm đá sắc, lên được tới ngôi nhà đất rất đặc trưng của người dân vùng cao nguyên, ông Sùng cha (sinh năm 1959) nếu không đi lại vật vờ như bóng ma trong nhà thì lại ngồi thu lu, bó gối, im lìm, lặng lẽ như pho tượng vai so, gối nhọn; cậu Sùng con (sinh năm 1990) pha trà mời khách, lại đúng khách lụy trà đạo, mới chỉ chạm môi vào miệng chén đã nhận ra vị trà cằn say người, đã biết chắc chắn phải trở lại vùng đất này, vườn chè này! Uống trà xong, khách hỏi mua trà, ông Sùng cha mắt lơ đãng thờ ơ, cậu Sùng con nói tiếng Kinh lơ lớ: Lấy bao nhiêu thì lấy! Hỏi tiền, cậu quay vào líu lo tiếng Hmông với bố rồi quay ra bảo khách: Cho bao nhiêu thì cho! Hỏi: Trà ngon vậy, sao không mang xuống núi bán, lấy tiền sửa nhà, mua đồ, mua quần áo…? Cậu Sùng con cười: Ai thích thì lên mua, không mang đi đâu cả!

Nghe chuyện, hình dung sự lập dị cao ngạo của những người ý thức được giá trị của mình! Với tâm thế háo hức, tò mò phải gặp bằng được những con người phảng phất chất Nguyễn thời vang bóng như vậy, nên dù nhìn con đường phải trèo bộ một cách khá sợ hãi, chúng tôi vẫn nghĩ: phải đi! May, hay không may, các bạn đồng hành biết sức mình nên đã gọi điện thoại trước và mấy phút sau, cậu Sùng con sầm sầm lao chiếc xe máy khá dị hình xuất hiện, cả đoàn động viên mình trèo lên xe sau sự ngần ngại, cả sợ hãi nữa! Quả nhiên, đoạn leo dốc bằng xe máy thật kinh hoàng, đường hẹp khoảng 40 cm, dầy đặc đá sỏi, xe chồm lên, dập xuống, lượn phải, rẽ trái, lá ngô ráp sắc đập vào tay vào mặt, rát bỏng, run run nói: “Cháu ơi đi chậm chút!”, cháu cười: “Không sao đâu, đừng sợ mà!”. Cuối cùng cũng tới con đường lên ngôi nhà đất huyền thoại, xuống xe vẫn run vì sợ và đau nhừ người!

Một cậu bé lanh lợi và lấm láp đã đợi sẵn, đưa bà khách miền xuôi vào nhà, hỏi chuyện, khó khăn lắm để luận đoán thứ tiếng nửa Hmông, nửa na ná tiếng phổ thông mới biết cậu bé là con trai của cậu Sùng con lúc nãy. Lại men theo con đường sống trâu nhỏ và gập ghềnh len lỏi giữa những ruộng ngô, nhưng loanh quanh mãi không thấy cửa chính ngôi nhà họ Sùng, bé Sùng cháu thoăn thoắt dẫn đường, nhảy chân sáo qua mô đất xếp lỏng chỏng mấy tảng đá đầu tường, thập thõm bước theo mới biết đó là lối vào nhà!!!

Ngôi nhà đất nện, tối âm u, trống huếch hoác, ông Sùng cha đang cân chè cho vào túi, thấy khách vào cúi chào, ổng ngẩng lên nhìn khách, rồi lại lơ đãng cúi nhìn cân! Cậu Sùng con líu lô với đứa con, chắc giục bé đun nước sôi, vì lát sau bé khệ nệ xách ấm nước đen sì, đáy ấm còn vương tàn lửa, đổ vào phích, hình ảnh của sự gắng sức đầy bất an khiến các vị khách lo lắng – cậu bé nghe nói học lớp 2 mà nhỏ bé tong teo, gương mặt cũng thấp thoáng cái thờ ơ của ông, sự lặng lẽ của mẹ, vẻ bằng lòng trì trệ của cha… Trước đó, khi vào một nhà hàng ở Hà Giang, rồi một homestay ở Yên Minh, đã có mấy học sinh và phụ huynh nhận ra cô giáo online – tới ngôi nhà heo hút trống rỗng này, một bạn trong đoàn nói đùa: “Giờ mà cậu Sùng kia nhận ra cô giáo online nữa thì mới thật shock”! Biết là đùa, nhưng câu đùa bỗng đem tới một thoáng lặng cho cả đoàn, bởi thấy rất rõ nơi đây, dù chỉ cách dưới kia mấy tiếng đồng hồ đi ô tô, nhưng cách xa thế giới văn minh biết bao nhiêu năm tháng!?

Khách tò mò ngỏ ý đi một vòng quanh nhà, chẳng thấy ai tỏ vẻ ngạc nhiên, cũng chẳng ai vồ vập hay khó chịu – ngôi nhà tường đất, nâu cũ như mặt đất ngàn đời; mái tôn thủng lỗ chỗ; giữa nhà là chiếc bàn gỗ ghép nhỏ xíu, cập kênh trên nền đất mấp mô; hai gian bên là hai chiếc giường ngủ, lá màn ngả màu tro nửa buông nửa vắt, quần áo bề bộn trên giường, rúm ró trên sợi dây chùng sát vách đất; cạnh giường che mảnh vải, chắc được coi là rèm, nhàu nát tăm tối, như bóng đêm! Sự sinh động duy nhất của ngôi nhà có lẽ là ngọn lửa nhảy nhót chập chờn trong bếp lửa góc nhà, than củi đen và đỏ vương vãi khắp nền đất, khói quẩn vào góc nhà.

Lúng túng một hồi, rồi cậu Sùng con cũng mang đủ cho mỗi khách một chiếc ghế, ngồi quanh chiếc bàn gỗ nhỏ, bụi bậm, cậu pha trà, rót nước mời khách, rất cởi mở, chu đáo… Nhưng có lẽ do tâm thế quá chờ đợi từ trước, do đoạn đường quá kinh hoàng vừa qua, do sự lạnh lẽo tỏa ra từ căn nhà đất trống trải, từ ánh mắt lơ đãng của Sùng cha, cái tong teo của Sùng cháu, cái áo tả tơi của Sùng con, cái dáng vẻ rất “Mị” của Sùng vợ đang lặng lẽ giặt quần áo sau nhà…, khiến khách chỉ thấy nỗi ngậm ngùi đầy ám ảnh. Hỏi: Sao mái nhà thủng nhiều thế kia, mưa dột thì sao? – Tại mưa đá đấy, kệ, chẳng sao đâu! – Sao không sửa đi? – Không có tiền sửa, lo ăn thôi! – Tiền bán chè mỗi năm được khá không? – Vườn chè cả năm chỉ được hai chục kí chè khô, ai biết thì tới mua, có nhiều đâu! – Bằng giờ sang năm mới hái được chè, hai tháng nữa mới hái được ngô, giờ cả nhà làm gì? – Ngồi thế này thôi, làm gì đâu!

Trên đường đi tiếp về Mèo Vạc, trời gần tối, thấy một ngôi nhà bên đường le lói sáng, chúng tôi lại nhớ tới ngôi nhà họ Sùng trên ngọn núi cao, xa hút, thẫm tối đã lùi lại phía sau lưng, băn khoăn không biết giờ này họ làm gì, nghĩ gì trong căn nhà không có bất kì sự liên hệ nào với thế giới bên ngoài, ngoại trừ chiếc điện thoại chỉ có duy nhất chức năng nghe gọi!!!

Cô bạn đồng hành đột nhiên chia sẻ băn khoăn của cô về con mèo rất đẹp ở nhà: “Nhiều lúc nhìn nó nằm dài trong nắng, em cứ tự hỏi: “Không biết nó có bao giờ nghĩ gì không?”, và bây giờ em cũng băn khoăn như vậy về những người nhà họ Sùng, chị ạ”!

Lạ là cả đoàn không ai thấy ý nghĩ và sự liên tưởng của cô ấy là kì quặc, chắc vì ấn tượng quá mạnh của chuyến đi, vì bóng đêm đang buông thẫm trên đường, tất cả chúng tôi hình như đều đang lặng lẽ nghĩ về “sự nghĩ” của họ: “Họ có nghĩ gì không nhỉ, khi đêm xuống, khi sáng mai dậy, có nghĩ gì không trong suốt quãng thời gian chè chưa hái, ngô chưa già, họ có nghĩ gì không trong suốt cuộc đời họ, dằng dặc, nối tiếp từ đời này sang đời khác” – băn khoăn ấy đã trở thành đề tài trong suốt chặng đường chinh phục Mã Pí Lèng! Mấy người bạn đồng hành đặt giả thiết:

– Cậu hình dung đi, nếu cậu hỏi nhà họ Sùng câu ấy, họ sẽ hỏi cậu câu này: “Nghĩ là gì”?

– Tớ thấy họ an nhiên thực sự đó, ngay việc cậu cứ ám ảnh nghĩ về sự vô nghĩa hay có nghĩa của cuộc đời họ, cậu đã khổ hơn họ nhiều rồi!

Ừ nhỉ, cuộc đời họ vô nghĩa hay có nghĩa, quê hương họ hùng vĩ hay khắc nghiệt… đó chỉ là những khái niệm do bọn rảnh rỗi đi qua mà áp đặt, dở hơi dừng lại mà trăn trở, những khái niệm tuyệt đối không bao giờ xuất hiện trong mấy chục năm cuộc đời của họ…!

Tự ngượng vì sự hẫng hụt có chút bẽ bàng khi suốt chặng đường trèo đèo leo dốc đã hình dung một cách hồi hộp, háo hức về những hậu thân các nhân vật “Vang bóng một thời” của Nguyễn xưa, tới đây, hóa ra lại gặp gia đình họ Sùng và tiếp cận với một dạng triết học khác! Mê trà, cao ngạo tới lập dị… các nhân vật của cụ Nguyễn vẫn là Đời; còn lơ đãng, thờ ơ với hết thảy, để tâm trí thanh rỗng tới tận cùng, những thành viên của Sùng gia mới là sự hiện hữu tự nhiên nhi nhiên của Đạo chăng?

Vậy mà sao cô bạn đồng hành vẫn cứ day dứt: Chị ơi, cũng là một kiếp người…!

Và sao tâm trí mình vẫn cứ mơ hồ lời thủng thẳng của cậu Sùng con: “Ngồi thế này thôi, làm gì đâu!”

Trong khi, nếu cậu ta đọc những dòng trăn trở này, cậu ta sẽ thương hại những kẻ rảnh rỗi giời đày là chắc!

Trịnh Thu Tuyết

(Bài đăng Tạp chí Sông Lam số 21, tháng 3/2022)