Chặt Buôn Mê Thuật, rụng cả Tây Nguyên/ Quét Huế – Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng/ Và Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… / Và Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Nha Trang… Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/ Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa…

Đó là khí thế ngút trời “trúc chẻ tro bay” trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975, là tiếng reo vui của cả dân tộc trong ngày toàn thắng trưa 30-4 năm ấy, được nhà thơ Tố Hữu ghi lại trong bài thơ Toàn thắng về ta công bố chỉ sau đó 1 ngày. Bao nhiêu tháng năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, bao nhiêu máu xương đồng chí, đồng bào để có ngày hôm nay. Đất nước từ đây sạch bóng quân thù, non sông thu về một mối, Bắc – Nam liền một dải… Thắng giặc Mỹ xâm lược là đánh thắng một đế quốc giàu mạnh bậc nhất thế giới, thì còn có thế lực nào ngăn cản Việt Nam “hóa rồng, hóa hổ”? Như đoạn kết bài thơ trên đây: Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh/ Đứng gác biển trời tươi mát màu lam…

Hóa ra không hẳn thế! Và chẳng phải đợi đến hôm nay nhìn lại, mà chỉ hơn một năm sau đó, chính nhà thơ Tố Hữu đã phải điềm tĩnh viết trong bài thơ “Một khúc ca Xuân”: Chớ say sưa, nhiều việc phải làm!

1. Vâng, quả là quá nhiều việc phải làm! Bởi sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, là giai đoạn đất nước chồng chất khó khăn, thách thức: hậu quả nặng nề và toàn diện sau mấy chục năm chiến tranh; cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu đất nước; cuộc chiến đấu giúp nước bạn thoát họa diệt chủng; sự bao vây cấm vận của các thế lực thù địch… Và đặc biệt là những yếu kém, ấu trĩ, rập khuôn trong tư duy kinh tế và quản lý xã hội, mà đỉnh điểm là những hệ lụy trong việc xử lý mối quan hệ giá – lương – tiền những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, khiến đất nước như lên cơn sốt với “tốc độ phi mã” của lạm phát, trượt giá… cùng những tiêu cực xã hội và sự li tán lòng người…

Đúng lúc ấy, như một sự “bừng thức” tất yếu, công cuộc Đổi mới do Đảng ta phát động, với khẩn trương “Những việc cần làm ngay!” và tinh thần “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu” đã được toàn dân háo hức đón nhận. Tuy nhiên, quá trình đổi mới tư duy để đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và quản lý xã hội là một cuộc chiến đấu không kém phần gay go quyết liệt. Bởi đó trước hết là cuộc chiến đấu để vượt qua chính mình, để tấn công vào những định kiến già cỗi trong ý thức và tiềm thức của dằng dặc mấy chục năm chiến tranh và hậu chiến tranh.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI: đánh dấu mở đầu thời kỳ đổi mới. Ảnh tư liệu

Và công cuộc Đổi mới đã đạt được những kết quả hết sức to lớn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công cuộc đổi mới đất nước hơn ba chục năm qua vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, 4 nguy cơ mà Đảng ta đã nhận thức và chỉ ra từ những năm cuối của thế kỷ trước, đến nay vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp hơn; như nguy cơ “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, cùng những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Cuộc đấu tranh phòng và chống “quốc nạn” tham nhũng cùng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mặc dù đã được tiến hành hết sức quyết liệt, nghiêm minh và đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, bước đầu củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, nhưng vẫn còn vô cùng gian nan phức tạp.

2. Quá trình vận động cách mạng cũng như một dòng sông, nó luôn chảy, luôn phải tiến lên phía trước và luôn phải vượt qua mọi thác ghềnh trở ngại. Trước khi có đại dịch Covid-19, mặc dù phải đương đầu với không ít khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… và những tác động bất lợi của môi trường xã hội; cùng đó là những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực… nhưng đất nước ta vẫn tiếp tục ổn định và phát triển. Tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục đạt những kết quả khá toàn diện. Đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét. Quốc phòng – an ninh được giữ vững. Thế và lực của nước ta không ngừng được củng cố và nâng cao. Năm 2019, các tổ chức tài chính uy tín quốc tế xếp Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư làm ăn…

“Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay!”. Đó là điều không chỉ chúng ta tự hào nhìn nhận, mà còn là sự thật được bạn bè quốc tế công nhận. Năm 2015, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã công bố báo cáo cho biết: Từ năm 2006, Việt Nam đã hoàn thành “Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa nghèo”, về đích trước gần 10 năm so với thời hạn của UNDP đề ra. Đặc biệt, qua đại dịch COVID-19, càng thể hiện rõ bản lĩnh kiên cường và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Vượt qua buổi đầu “chống dịch như chống giặc” kiểu “chiến tranh nhân dân” vì còn thiếu thốn kỹ thuật và kinh nghiệm, Đảng và Nhà nước ta đã sớm chuyển hướng chỉ đạo theo phương châm “5K + Vaccine”, quyết liệt triển khai chiến lược vaccine với quyết tâm “đi sau về trước”, trở thành 1 trong 6 nước có độ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Mới đây tại Hà Nội, trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, các ông Takeshi Kasai (Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức WHO) và ông Kidong Park (Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam) đã đánh giá rất cao những kết quả trên đây của Việt Nam.

Mặc dù dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường với các biến thể mới có tốc độ lây lan rất nhanh, nhưng với độ bao phủ vaccine cao, nước ta vẫn bình tĩnh chuyển phương châm chống dịch sang “thích ứng an toàn”, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 4-2021 đạt trên 5%, góp phần đưa GDP cả năm đạt 2,58%, cao hơn năm 2020. Với kim ngạch xuất nhập khẩu gần 670 tỷ USD, Việt Nam đang thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Trong bản Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2-2022, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: Tăng trưởng xuất – nhập khẩu là gam màu sáng nhất trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021. Bước sang năm 2022, nền kinh tế này có nhiều tín hiệu tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng so với cùng kỳ năm trước lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng dương kể từ khi đại dịch bắt đầu… Nhiều tổ chức quốc tế uy tín cũng đều đánh giá Việt Nam có khả năng phục hồi trở lại cao ở mức 6% đến 6,5% vào năm 2022 trong bối cảnh mà dịch bệnh được kiểm soát, tỷ lệ tiêm chủng được phủ rộng và biến chủng mới Omicron không gây ra nhiều thiệt hại đối với nền kinh tế…

3. Đặc biệt là vừa lãnh đạo chống dịch thành công, vừa triển khai các giải pháp thích ứng linh hoạt để khôi phục nền kinh tế tăng trưởng hiệu quả, Đảng ta vừa tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng và suy thoái về đạo đức, tư tưởng, lối sống. “Lò lửa” chống giặc nội xâm vẫn rừng rực cháy, không có vùng cấm, không có ngoại lệ… Cùng với việc tiếp tục kêu gọi sự nêu gương, trước hết là nêu gương nói và nêu gương làm của cán bộ và đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì và cán bộ cấp cao; Bộ Chính trị cũng ban hành Nghị quyết về khuyến khích và bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Những ngày đầu năm 2022, Đảng, Nhà nước và các ngành chức năng đã có những biện pháp nghiêm khắc và cứng rắn đối với các hành vi tham nhũng, trục lợi, nâng khống giá vật tư xét nghiệm dịch bệnh, lũng đoạn thị trường đất đai và thị trường chứng khoán… Những chủ trương cụ thể, rõ việc, rõ người, sát cuộc sống… cùng những biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm minh như thế càng khiến các tầng lớp nhân dân thêm phấn khởi, tin tưởng đới với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Cùng với cuộc đấu tranh chống giặc “nội xâm”, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vẫn luôn luôn nâng cao cảnh giác với mọi âm mưu kích động, chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Ngày nay không còn là thời đại làm mưa làm gió của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa thực dân, nhưng những biểu hiện của chủ nghĩa cực đoan và tư tưởng bá quyền vẫn tồn tại ở nơi này nơi khác; châm ngòi cho những cuộc tranh chấp, xung đột; tiến hành những cuộc chiến tranh truyền thống và phi truyền thống ở những mức độ khác nhau. Và một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hòa bình, đang từng ngày phát triển… vẫn đang là mục tiêu chống phá của các âm mưu và thủ đoạn ấy.

Cột cờ Thủ đô Hà Nội. Nguồn ảnh tienphong.vn

Là một đất nước đã phải trải qua biết bao cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ để giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết sự khốc liệt của chiến tranh. Trong tâm trí của nhiều thế hệ người Việt còn in đậm hình ảnh những cuộc tản cư chạy giặc lếch thếch, nháo nhác; những trận địch càn xóm làng dậy tiếng la thét hoảng loạn, rừng rực lửa cháy, nhà đổ; những trận mưa bom B52 rải thảm khiến trong chớp mắt làng mạc, phố xá, trường học, bệnh viện tan hoang… Những thảm cảnh đó đã lùi xa nhiều chục năm, nhưng di chứng của nó thì vẫn còn nhức nhối trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhiều số phận, nhiều gia đình, nhiều thế hệ trên đất nước này, thống thiết nhắc nhở mỗi người về giá trị vô bờ bến của cuộc sống hòa bình hiện nay. Hạnh phúc nào hơn được sinh sống và làm ăn trên một đất nước yên ổn, hơn thế nữa là một đất nước yên ổn và đang từng bước đổi mới, phát triển như đất nước của chúng ta hiện nay?

“Việt Nam là bạn của tất cả các nước trên thế giới”. Đó là đường lối ngoại giao nhất quán trong công cuộc Đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước ta. Truyền thống yêu chuộng hòa bình kết hợp với tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp đất nước ta vượt qua muôn trùng khó khăn thử thách do bao vây cấm vận, từng bước xây dựng kinh tế – xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, trở thành một nhân tố ổn định trong khu vực và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đó là thành quả vô giá mà toàn thể nhân dân Việt Nam quyết giữ gìn và phát huy.

Một hiền triết La Mã nói rằng: “Tất cả lịch sử là lịch sử đương đại”. Tức là, những giá trị của quá khứ luôn luôn song hành với thời đại chúng ta; như là cơm ăn, nước uống và tinh thần thời đại chúng ta đang sống. Theo đó, có thể nói những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực mà dân tộc ta đạt được trong sự nghiệp Đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế mấy chục năm qua, nhất là những kết quả nổi bật trong công cuộc “chống dịch như chống giặc” mới đây, chính là những minh chứng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong kháng chiến cứu nước trước đây, đang được tiếp nối phát huy trong môi trường và điều kiện mới của cuộc sống hôm nay. Hiểu như thế để tin yêu hơn và trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, giáo dục và phát huy những giá trị lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước – những giá trị được đánh đổi bằng biết bao xương máu của lớp lớp đồng chí, đồng bào…

Bùi Đức Thọ

(Bài đã đăng tạp chí Sông Lam số 22, tháng 4/2022)