Tháng Hai, tháng Ba, giữa mùa xuân lặng lẽ dài dằng dặc, những phụ nữ người Thái ở mường Chiêng Ngam cũng khởi sự mùa trồng dâu nuôi tằm.

Mường Chiêng Ngam là tên gọi cũ vùng Châu Tiến và Châu Bính (huyện Quỳ Châu, Nghệ An). Từng có một mường cổ của người Thái ở nơi đây. Mường là đơn vị hành chính cổ truyền của người Thái và từng tồn tại song song với những xã, tổng và duy trì luật lệ riêng. Mường Chiêng Ngam, cùng các mường khác bị bãi bỏ sau Cách mạng Tháng Tám (1945), nhưng nhiều bậc cao niên nhớ lại là các chủ mường chỉ bị mất quyền lực từ đầu những năm 50 thế kỷ trước, nghĩa là sau dăm năm khi cách mạng thành công.

Nay thì tên gọi “mường” chỉ như để gợi nhớ. Người Thái khi giao tiếp trong cộng đồng với nhau bằng ngôn ngữ bản địa vẫn quen gọi các khu vực theo mường. Ở xã Châu Tiến vẫn gọi cư dân Châu Thuận (Quỳ Châu) là người Mường Chai.

Một khúc sông Nậm Hạt qua bản Hoa Tiến

 “Mường Chiêng Ngam ăn cá ba sông” là câu hát phổ biến của người Thái ở Châu Tiến.

Sông Nậm Việc từ vùng rừng núi Quế Phong giáp ranh nước bạn Lào đổ về. Sông Nậm Hạt và Nậm Quàng từ xã Châu Thuận, Châu Bính sang tạo thành sông Hiếu, một trong hai nhánh lớn nhất tạo thành sông Lam từ miền núi Nghệ An. Ở huyện Quế Phong cũng có một sông Quàng khác dài hơn sông Quàng ở Quỳ Châu. Dân địa phương cũng gọi Nặm Quàng. Người Thái ở Nghệ An ít khi phát âm “nậm” – nước như ở miền núi phía bắc. Chỉ nói là “nặm”.

Ba con sông tụ về tạo thành những bãi bồi. Có thể gọi đó là những cánh đồng, bởi cũng rộng cả trăm hecta. Dọc các con sông là những bản người Thái của mường Chiêng Ngam. Có người viết là Chiềng Ngam. Tôi dựa theo cách phát âm của người địa phương thì thấy ký âm Chiêng Ngam phù hợp hơn khi thêm dấu thanh huyền. Thật khó khăn khi dùng dấu thanh tiếng Việt để ký âm ngôn ngữ Thái.

Phụ nữ Thái ở Hoa Tiến hái dâu

Ba con sông khiến cuộc sống cư dân có nhiều điều khác biệt so với những cộng đồng cùng sắc tộc phía trên cao hơn. “Từ hàng trăm năm nay, ở đây đã không có nhiều lúa rẫy. Chủ yếu làm ruộng nước thôi”.  Ông Sầm Văn Kiêm sinh năm 1936 nói với tôi cách đây hai năm. Mỗi năm cư dân Chiêng Ngam cấy hai vụ lúa. Cá thì đánh lưới quanh năm. Nhưng mùa dâu tằm chỉ khởi sự từ tháng Hai âm lịch, khi đã ấm trời, rộ lên trong những tháng hè, đến cuối thu, rét về thì ngừng.

Ông Sầm Văn Kiêm, người già bậc nhất ở làng Hoa Tiến, xã Châu Tiến hiện nay kể nghể trồng dâu nuôi tằm có từ rất lâu rồi. Thời Pháp thuộc đã có. Nhưng rồi bẵng đi mấy chục năm người ta làm cách mạng, đi kháng chiến, làm kinh tế rồi kinh tế thị trường, nghề có bị bỏ bẵng. Tưởng người ta sẽ quên hẳn nghề canh cửi, trồng dâu, nuôi tằm.

Cho tằm ăn là công việc quan trọng của phụ nữ Thái ở bản Hoa Tiến

Cuối những năm 1990 có đoàn du khách người Pháp ghé thăm Hoa Tiến. Họ ở thử nhà sàn, thử ăn như người bản địa, đi bè trên sông vãn cảnh. Đoàn khách nọ có trở lại vào những mùa hè sau đó và nghe đâu họ có nói với chính quyền địa phương về tiềm năng làm du lịch sinh thái của vùng đất này. Vài năm sau, khi đã bước qua thế kỷ thứ XXI, một chiến lược phát triển du lịch hướng đến sự bền vững được khởi động. Người ta khôi phục lại nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa, dân ca, nhạc cụ truyền thống và cả nghề trồng dâu nuôi tằm để hướng tới thương mại hóa các sản phẩm thổ cẩm.

Năm 2005, một hợp tác xã về nghề dệt thổ cẩm được lập ra. Đến 2010, Hoa Tiến trở thành một trong những làng nghề đầu tiên của người dân tộc thiểu số ở Nghệ An. Trong khoảng thời gian này, một số bãi bồi thành nơi trồng dâu. Giống dâu tằm lá rộng, năng suất cao hơn giống bản địa được mua về. Sau nhiều năm ngừng nuôi, giống tằm địa phương không còn, cũng phải mua từ nơi khác. Đến nay, diện tích trồng dâu ở xã Châu Tiến là khoảng 5 hecta.

Hoa Tiến có gần 300 hộ dân, chỉ vài chục hộ theo nghề nuôi tằm. Cuộc sống dân bản ít nhiều đã nhuốm màu tân thời. Dẫu phần lớn vẫn cấy ruộng, trồng ngô, trồng cỏ nuôi trâu bò, nhiều người đã rời làng đi làm ăn xa rồi ở lại xứ người. Có người từ xứ khác cũng tìm về và ở lại đất này. Cư dân đã quen với việc cây rau con cá cũng là hàng hóa. Nay dân bản mở thêm homestay, làm du lịch. Người bản ít nhiều đã mang nếp sống phố thị.

Thế mà chỉ một nhóm mấy chục nhà cũng làm nên mùa dâu tằm nơi đây. Lặng lẽ và có phần nhàn nhã. Thăng trầm theo một kiểu cũng lặng lẽ.

Trong quá trình cho tằm ăn cũng phải để ý mắc màn chống muỗi và bảo vệ đàn tằm

Vào mùa ươm tằm, những nhà làm nghề mua trứng tằm từ tư thương. Tằm cho tơ trắng, hoặc vàng tùy mùa vụ. Trứng nở thành tằm con, bé xíu như hạt tấm đã phải hái lá dâu cho chúng. Để ong, ruồi khỏi phá trứng và nhộng non, người nuôi làm những chiếc giàn, đặt nong tằm lên rồi mắc màn xung quanh. Nói là nuôi tằm ăn cơm đứng, vất vả đủ đường. E là không hẳn vậy, ít nhất là với những phụ nữ ở Hoa Tiến. Sáng dậy, cơm nước, uống nước chè xong xuôi, đưa bọn trẻ đến trường về mới ra đồng hái dâu. Người mang gùi, kẻ đeo túi ẩn hiện giữa những đám dâu trên bãi sông. Tầm một giờ đồng hồ đã thấy họ trở về. Rồi người thái lá, kẻ luộc tằm kéo sợi. Công việc vốn chẳng cần nhiều lời nên có khi cả nửa buổi không nghe một tiếng chuyện trò.

Dạo quanh một lượt các bãi sông cũng vậy. Thấp thoáng đâu đó những bóng phụ nữ hái dâu với chiếc gùi trên lưng. Mỗi người một khoảnh vườn, điềm nhiên, tĩnh tại.

Thu nhập từ việc bán kén tằm để làm sợi tơ tằm góp phần cải thiện đời sống người dân ở mường “ba sông”

Tôi gặp bà Sầm Thị Bích là một trong những người đầu tiên ở Hoa Tiến gây dựng lại phong trào trồng dâu, nuôi tằm. Bà đang quản lý một homestay nhưng vẫn trồng khoảng 5 sào dâu tằm. Người phụ nữ ăn nói nhỏ nhẹ nhưng năng động bậc nhất làng Hoa Tiến. 18 năm trước bà trồng dâu, đưa hàng thổ cẩm ra thị trường, nay làm du lịch đều gọi là đi đầu. Bà chia sẻ, vẫn làm đầu mối thu mua tơ tằm cho những phụ nữ trong làng, nhưng thường thì cung không đủ cầu. Để đảm bảo cho xưởng sản xuất thổ cẩm, đôi khi bà vẫn phải nhập tơ tằm từ bên ngoài.

Trở lại bản thấy đâu đó, dưới mái nhà sàn, những bà “mế” tuổi trung niên, tuổi ngấp nghé ngũ, lục tuần lặng lẽ bên những nong tằm, xe tơ kéo sợi. Chị Hồng năm nay 41 tuổi, đến Hoa Tiến làm dâu trên 20 năm cũng đã quen với việc nuôi tằm. Chị cho hay mỗi lứa nuôi sau gần 1 tháng cũng được 1 đến 2 ký tơ. Theo thời giá hiện tại mỗi ký khoảng 2 triệu đồng. Số tiền làm tranh thủ lúc nông nhàn đủ cho con trai đang tuổi mẫu giáo ăn học. Tiền ăn, tiền mua kẹo, mua sữa, tiền học phí của con cũng nhờ vào đó. Nhưng nguồn phụ thu này không thường xuyên. Mùa cấy, gặt thì phải ngừng làm. Nay Châu Tiến đã về đích nông thôn mới, nhiều khoản hỗ trợ đã bị cắt. Con đi học cũng phải đóng học phí, bảo hiểm y tế phải mua. Vì vậy mà những lứa nuôi tằm cũng giúp được nhiều người gỡ khó.

“Một nong tằm năm nong kén. Một nong kén” là mấy nong dâu? Nhàn nhã và lặng lẽ, con tằm đang góp cho người làng Hoa Tiến thêm các khoản thu. Người ở xa về cũng có thể có thêm trải nghiệm một nghề truyền thống, không chỉ là ăn ở, ngủ nghỉ.

Những ngày xuân lặng lẽ hãy còn dài. Mùa dâu tằm thì sẽ dài hơn những ngày xuân.

Vi Văn Chôồng