Trong các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian góp phần quan trọng trong việc tái hiện và kế thừa các giá trị văn hóa của một cộng đồng, dân tộc. Trò chơi dân gian không chỉ là hoạt động giải trí, mà còn thể hiện và duy trì các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh việc kết nối con người với nhau, các trò chơi dân gian còn là cầu nối giữa các thế hệ, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của Việt Nam. 

Hàng năm, khi những nụ đào vào thời kỳ thắm nhất, rồi những lá vàng bắt đầu rơi để nhú lên những mầm xanh của mùa xuân là khắp mọi miền quê xứ Nghệ lại rộn rã vào lễ hội. Có hàng chục lễ hội lớn nhỏ lần lượt diễn ra trong mấy tháng xuân với sự háo hức tham gia của người dân. Làm nên sự hấp dẫn và đặc biệt là không khí sôi động trong mỗi lễ hội không chỉ là những nghi lễ thiêng mà còn bởi các trò chơi dân gian truyền thống. Hầu như các lễ hội ở Nghệ An, bên cạnh các sinh hoạt văn nghệ thể thao hiện đại đều có trò chơi dân gian của địa phương mình. Phải chăng người xem hôm nay đã tìm thấy, đã nghe được những câu chuyện lịch sử, những phong tục tập quán của cha ông qua những trò chơi lý thú ấy.

Đấu vật – một trò chơi dân gian truyền thống, là một biểu tượng của lòng đoàn kết và tinh thần chiến đấu. Ảnh: thi vật cổ truyền ở Lễ hội Vua Mai

Tương truyền, hội vật bắt nguồn từ những lần tuyển quân của Vua Mai Hắc Đế. Hàng năm, vào dịp đầu xuân, Vua Mai thường cho phép các vùng tổ chức thi vật để chọn lấy những đô vật khỏe mạnh, tài trí bổ sung cho đội quân tiên phong của mình. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hội vật vẫn được gìn giữ, lưu truyền trong các kỳ lễ hội Vua Mai.

Một trong những giá trị văn hóa nổi bật được thể hiện qua các trò chơi dân gian trong lễ hội là tinh thần đoàn kết và gắn kết cộng đồng. Những trò chơi như kéo co, đua thuyền… là những hoạt động mà người dân thường tham gia cùng nhau trong các lễ hội mùa xuân.

Kéo co cũng là một sự lựa chọn phổ biến được ưa chuộng trong các hoạt động giải trí của các lễ hội. Ảnh: kéo co ở đền Quy Lĩnh (xã Quỳnh Lương).
Đây không chỉ là cơ hội để rèn luyện sức bền mà còn là dịp tuyệt vời để tôn vinh sức mạnh tập thể và bồi dưỡng tinh thần đoàn kết. Ảnh: thi kéo co lễ hội đền Chín Gian
Đua thuyền là trò chơi mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Hoạt động này thường thấy trong các lễ hội vùng sông nước Nghệ An. Ảnh: đua thuyền lễ hội Đền Cờn
Các loại đua thuyền không chỉ là một trò chơi dân gian mà đó còn là một hình thức thực hiện nghi lễ với thủy thần, xuất phát từ tục cầu nước của cư dân nông nghiệp. Ảnh: thi lắc mủng trong lễ hội Phúc Lục Ngoạt ở Nghi Thuỷ (Cửa Lò)

Bên cạnh các trò chơi dân gian mang tính tập thể thì trong các lễ hội truyền thống xứ Nghệ còn có các trò chơi dân gian thể hiện tinh thần, sức mạnh, trí tuệ, sự khéo léo của từng cá nhân như đẩy gậy, bắn nỏ, đánh cờ, đi cà kheo, đập niêu…

Thi đẩy gậy lễ hội Hang Bua thu hút đông đảo người xem
Cờ tướng là trò chơi phổ biến không chỉ lễ hội mà trong cả ngày thường, là trò chơi đòi hỏi trí tuệ, bản lĩnh của người chơi. Ảnh: thi đánh cờ tướng lễ hội đền Thanh Liệt
Những người muốn thể hiện khả năng giữ thăng bằng thì tham gia trò đi cà kheo – một trò chơi rất độc đáo. Ảnh: thi chạy cà kheo lễ hội đền Chín Gian
Các trò chơi như bịt mắt bắt dê, bắt lợn, bắt vịt, đập nồi đất… luôn hấp dẫn góp phần tạo nên không khí vui tươi trong các lễ hội. Ảnh: thi bịt mắt đập nồi đất ở lễ hội Đền Bạch Mã

Nếu như đua thuyền mang đậm dấu ấn của các lễ hội vùng sông nước thì các trò chơi như bắn nỏ, ném còn, đánh đu… lại là những trò chơi dân gian phổ biến mang tính cổ truyền ở miền núi xứ Nghệ

Thi bắn nỏ lễ hội đền Chín Gian với sự tham gia của nhiều đối tượng, trong đó có cả phụ nữ

 

Đánh đu là trò chơi đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo và phối hợp ăn ý giữa hai người chơi, đặc biệt phải là sự phối hợp của cả nam và nữ mới tạo nên không khí vui tươi, hứng khởi. Ảnh: chơi đánh đu lễ hội Mường Ham
Trò chơi ném còn đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống và văn hóa của nhiều dân tộc thiểu số. Ảnh: thi ném còn lễ hội đền Chín Gian
Việc tổ chức trò chơi dân gian trong lễ hội góp phần động viên người dân rèn luyện thể chất, sự dẻo dai, khôn khéo, ý chí vươn lên giành chiến thắng và tinh thần gắn kết cộng đồng. Thông qua các trò chơi dân gian còn nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá cho nhiều thế hệ. Ảnh: nhảy sạp lễ hội đền Chín Gian

Ảnh: Quang Dũng
Nội dung: Mộc Hương