ARISHIMA TAKEO (1878 – 1923), sinh ra ở quận Koishikawa, phố Suido,Tokyo. Năm 1910, ông tham gia thành lập tạp chí theo trường phái văn học “Shirakaba” (Bạch Hoa) lúc đang là giảng viên của Đại học Nông Nghiệp Hoàng Gia Tohoku và công bố các tác phẩm như (tạm dịch): “Những con bọ tẩy”, “Sự thoáng hiện của một phụ nữ”,… Năm 1916, sau khi vợ chết vì bệnh lao, bố cũng qua đời, ông bỏ việc dạy học và chính thức bước vào con đường văn chương. Các sáng tác tiêu biểu của ông gồm (tạm dịch): “Một người phụ nữ”, “Hậu duệ của Cain”, “Nỗi khổ khi ra đời”, v.v…

Tác phẩm dưới đây được Nhà xuất bản Shinchosa (Tân Triều Xã) ấn hành lần đầu tiên năm 1955, sau đó đã được đưa vào sách giáo khoa tiếng Nhật.

1.

Lúc còn nhỏ tôi rất thích vẽ tranh. Trường tôi nằm ở khu thượng lưu của thành phố Yokohama nhưng đó là khu phố toàn người phương Tây sinh sống nên thầy cô giáo ở trường cũng toàn là người phương Tây. Đến trường hay về nhà lúc nào tôi cũng đi trên con đường ven biển, san sát khách sạn và công ty của người phương Tây. Đứng trên con đường chạy dọc bờ biển trông thấy những tàu chiến, tàu buôn xếp dày đặc trên mặt biển xanh biếc, khói bốc lên từ những ống khói và cờ của các nước treo từ cột buồm này sang cột buồm kia phấp phới, đẹp đến hoa cả mắt. Tôi thường đứng trên bờ nhìn khắp khung cảnh ấy và khi về nhà cố gắng vẽ lại thật đẹp theo trí nhớ. Tuy nhiên, với bộ màu tôi có, không tài nào vẽ được màu sắc xanh biếc trong suốt của nước biển và màu đỏ thẫm được sơn bên dưới gần mép nước của những con thuyền buồm màu trắng. Vẽ đi vẽ lại mãi cũng không thể nào vẽ ra được màu sắc của phong cảnh thật như mắt nhìn.

Bất chợt tôi nhớ đến bộ màu Tây của người bạn cùng trường. Người bạn đó là người phương Tây, lại lớn hơn tôi hai tuổi nên là một đứa bé to cao đến chừng tôi phải ngước lên nhìn. Bộ màu mà Jim, tên của cậu bé đó, có là loại nhập khẩu cao cấp, 12 thỏi màu hình chữ nhật như thỏi mực tàu nhỏ được xếp thành hai hàng bên trong chiếc hộp gỗ nhẹ. Màu nào cũng đẹp, nhưng đặc biệt hai thỏi màu xanh đậm và đỏ thẫm đẹp đến kinh ngạc. Jim cao hơn tôi nhưng cậu ấy vẽ tệ hơn nhiều. Dù vậy, khi vẽ bằng loại màu đó, ngay cả một bức tranh được vẽ kém trông cũng đẹp theo một cách khác. Tôi luôn ganh tỵ với điều đó. Tôi vừa căm ghét bộ màu tồi tệ của mình vừa nghĩ rằng giá như có được bộ màu như thế tôi nhất định sẽ vẽ được phong cảnh biển như thật sự nhìn thấy cho mà xem. Vì thế, từ hôm ấy tôi cứ khao khát bộ màu của Jim đến không chịu nổi. Thế nhưng tôi cứ rụt rè, không dám xin bố mẹ mua cho, chỉ tiếp tục mơ về bộ màu đó, ngày này qua ngày khác.

Giờ đây, tôi không còn nhớ lúc ấy là khoảng thời gian nào nhưng hình như là vào mùa thu, vì những chùm nho đã chín. Một ngày bầu trời trong xanh tưởng chừng có thể nhìn tít mãi vào khoảng không vô tận như thường thấy trước khi mùa đông đến. Chúng tôi cùng ăn trưa với giáo viên nhưng giữa bữa trưa vui vẻ mà lòng tôi cứ thấy bồn chồn, u uất trái ngược với bầu trời hôm ấy. Tôi ngồi thừ một mình. Nếu có ai đó chú ý chắc sẽ thấy sắc mặt tôi lúc ấy nhợt nhạt lắm. Tôi thèm khát bộ màu của Jim không kìm được. Thèm khát đến đau thắt cả ngực. Tôi nghĩ chắc Jim cũng biết tâm sự trong lòng mình nên khẽ liếc nhìn nhưng có vẻ như Jim không biết gì, cười nói vui vẻ với những bạn đang ngồi bên cạnh. Nhưng nụ cười ấy trông như thể biết được tâm sự của tôi mà cười và chuyện họ đang nói cũng như thể nói rằng “Để xem, thằng Nhật đó chắc chắn sẽ trộm hộp màu của tớ!” Tôi cảm thấy khó chịu. Thế nhưng Jim càng nhìn tôi với vẻ nghi ngờ thì tôi lại càng thèm muốn hộp màu của cậu ấy.

2.

Tôi là một đứa bé có lẽ khuôn mặt cũng đáng yêu nhưng thể xác và tâm hồn thì yếu đuối. Hơn thế, là một đứa rụt rè, không nói ra những điều muốn nói mà để cho qua đi nên tôi ít được ai ưa và cũng không có bạn bè. Ăn trưa xong, những đứa trẻ khác liền náo nhiệt chạy ra sân chơi đùa, chỉ mình tôi, hôm ấy cảm thấy chán nản kỳ lạ, quay về phòng học một mình. Vì bên ngoài sáng sủa nên trong phòng học trở nên tối tăm, như nỗi lòng u ám của tôi. Tôi ngồi xuống ghế của mình, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn về phía bàn của Jim. Nếu nhấc chiếc nắp bàn có nhiều hình khắc nguệch ngoạc bằng dao và những dấu tay dơ đen ấy lên thì bên trong sẽ có sách vở, bảng viết và cùng với đó là chiếc hộp màu gỗ giống như kẹo ngọt. Bên trong chiếc hộp đó là thỏi màu xanh đậm và đỏ sẫm hình dạng như thỏi mực… Tôi cảm thấy mặt mình như đỏ bừng, bất giác quay đi. Thế nhưng, ngay sau đó, tôi không thể không liếc nhìn lại bàn của Jim. Tim tôi nhói lên đến đau đớn. Ngồi yên một chỗ nhưng cảm giác cứ nhấp nhổm như bị một con quỷ đuổi theo trong giấc mơ.

Chuông vào học reo lên leng keng. Tôi giật mình đứng dậy. Từ cửa sổ, tôi trông thấy đám học sinh vừa cười nói la hét ồn ào vừa đi về phía bồn rửa tay. Đầu tôi bỗng lạnh như nước đá, loạng choạng bước về phía bàn của Jim, nửa mơ nửa tỉnh nhấc chiếc nắp bàn ấy lên. Ở đó, như tôi đã nghĩ, có hộp màu mơ ước nằm lẫn lộn với sách vở và hộp bút chì. Chẳng hiểu vì sao tôi quay nhìn xung quanh và khi nghĩ chắc không có ai nhìn, nhanh tay mở nắp chiếc hộp, rút ra hai thỏi màu xanh đậm và đỏ thẫm nhét ngay vào túi. Sau đó vội vàng chạy đến nơi xếp hàng đợi giáo viên đến như thường lệ.

Chúng tôi được cô giáo trẻ dẫn vào lớp, lần lượt ngồi vào chỗ của mình. Mặc dù tôi rất muốn nhìn xem nét mặt của Jim như thế nào nhưng không thể quay về phía đó. Tuy nhiên, có vẻ không ai nhận ra việc làm của mình, tôi có cảm giác như vừa khó chịu lại vừa yên tâm.

Lời nói của cô giáo mà tôi rất kính mến vẫn lọt vào tai nhưng tôi hoàn toàn không biết là cô đang nói gì. Có vẻ như cô giáo thỉnh thoảng cũng nhìn về phía tôi một cách là lạ.

Thế nhưng, trong ngày hôm ấy, không hiểu sao tôi không dám nhìn vào mắt của cô. Cứ trong tình thế như vậy, một giờ trôi qua. Một giờ trôi qua như thể mọi người đang xì xầm điều gì đó.

Chuông hết giờ vang lên, tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhưng, khi cô giáo rời đi, tôi bị một học sinh lớn nhất và giỏi nhất nắm lấy khuỷu tay, nói “Lại đây một chút!” Tim tôi bất giác đập loạn lên như khi lười biếng không làm bài tập về nhà mà bị giáo viên gọi tên. Nhưng tôi nghĩ phải cố hết sức giả vờ như không biết chuyện gì, cố làm vẻ mặt bình thường, để mặc bị kéo ra một góc sân.

“Mày lấy màu của Jim phải không, đưa nó ra đây!”

Người bạn ấy nói và chìa bàn tay mở to ra trước mặt tôi. Bị tra hỏi thế, tôi tự nhiên trở nên bình tĩnh, chối biến:

“Tôi không có thứ đó!”

Jim cùng 3,4 người bạn khác sấn đến bên cạnh tôi, nói với giọng hơi run run.

“Trước giờ nghỉ trưa, tao đã xếp gọn gàng hộp màu rồi. Không thiếu một màu nào cả. Nhưng sau giờ nghỉ trưa thì mất hai màu. Chẳng phải trong giờ nghỉ chỉ có mày trong lớp sao?”

Không xong rồi. Máu dồn lên đầu, mặt tôi đỏ bừng. Lúc ấy, một người nào đó trong số đang đứng ở đấy bất ngờ thọc tay vào túi tôi. Tôi đã cố gắng không để họ làm như thế nhưng họ quá đông không thể chống cự được. Từ trong túi tôi, cùng với những viên đá tròn (nay gọi là bi), đồng chọi menko bằng chì, vv… là hai thỏi màu được lấy ra.

Bọn trẻ lườm tôi với vẻ khinh ghét như thể nói “Đấy, xem đi!” Người tôi rung lên bần bật, mọi thứ trước mắt như tối sầm lại. Dù trời rất đẹp, dù mọi người đang chơi đùa vui vẻ trong giờ giải lao, chỉ mình tôi thật sự héo úa đến tận đáy lòng. Tại sao tôi lại hành động như thế kia chứ?! Không thể cứu vãn được nữa rồi. Tôi rồi đời rồi! Nghĩ đến đó, kẻ vốn yếu đuối là tôi trở nên buồn tủi, bật khóc thút thít.

“Đừng có mà khóc dọa!”

 Đứa bé to xác giỏi nhất lớp nói như chế giễu với giọng khinh ghét, bọn trẻ xúm lại kéo tôi lên tầng hai trong khi tôi cố ghì lại. Tôi cố hết sức không chịu đi nhưng cuối cùng để mặc bị kéo lê lên cầu thang. Đó là nơi có phòng cô giáo mà tôi yêu quý.

Jim gõ cửa hỏi xem có vào được không. Từ bên trong có giọng nói dịu dàng của cô giáo “Vào đi!” Tôi chưa bao giờ cảm thấy không muốn bước vào căn phòng đó như lúc ấy.

Cô giáo đang viết gì đó, tỏ vẻ hơi ngạc nhiên khi thấy chúng tôi ồn ào bước vào. Thế nhưng cô vừa vuốt mái tóc cắt ngang cổ như đàn ông vừa nhìn chúng tôi với nét mặt dịu dàng như thường lệ, khẽ nghiêng đầu như muốn hỏi có việc gì. Lúc ấy, đứa bé to con giỏi nhất lớp bước đến kể cho cô giáo ngọn ngành chuyện tôi lấy màu của Jim. Nét mặt cô hơi sầm xuống, nghiêm nghị nhìn vào mặt mọi người và khuôn mặt mếu máo của tôi rồi hỏi “Đúng vậy sao?” Dù đúng là vậy nhưng thật khó để nói với người giáo viên mà tôi yêu quý rằng tôi là một đứa đáng ghét như thế. Vì vậy, thay vì trả lời, tôi bật khóc thật sự.

Cô giáo nhìn tôi một chốc rồi quay sang những người khác nói với giọng nhẹ nhàng “Được rồi, các em ra ngoài đi!” Bọn họ ồn ào đi xuống cầu thang với vẻ hơi bất mãn.

Cô giáo im lặng một lúc, cũng chẳng quay sang phía tôi mà nhìn chăm chú vào móng tay của mình, cuối cùng cô lặng lẽ đứng dậy, đi đến ôm chặt lấy vai tôi, hỏi khẽ “Em đã trả lại màu chưa?” Tôi muốn cô biết rõ rằng tôi đã trả lại nên cúi đầu thật sâu.

“Em có thấy việc mình làm là không tốt không?”

Khi cô giáo khẽ nhắc lại câu đó, tôi thấy mình không còn chịu đựng được nữa. Tôi cố cắn chặt đôi môi đang run rẩy không điều khiển được nhưng tiếng khóc vẫn bật ra, nước mắt tuôn chảy đầm đìa. Cảm thấy như muốn chết phứt đi trong vòng tay cô.

“Đừng khóc nữa, nếu hiểu rõ là tốt rồi, đừng khóc nữa, nhé. Không đến lớp giờ tiếp theo nữa cũng được, hãy ở lại trong phòng cô. Im lặng ở đây nhé. Hãy chờ cô ở đây đến khi cô quay lại nhé. Được không?” Cô vừa nói vừa đưa tôi lại ngồi xuống chiếc ghế dài. Lúc ấy, chuông vào lớp lại vang lên, cô cầm lấy sách vở trên bàn, quay nhìn tôi rồi ngắt một chùm nho từ dây nho đã bò lên tận cửa sổ tầng hai, đặt lên đùi đứa bé đang thút thít khóc là tôi và lặng lẽ ra khỏi phòng.

3.

Tất cả học sinh ồn ào náo nhiệt nãy giờ đều đã vào lớp, xung quanh chợt trở nên im lặng. Tôi bỗng thấy lòng buồn vô hạn. Tôi đã thật sự làm điều xấu xa khiến cho cô giáo mà mình yêu quý dường ấy buồn rồi. Chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến việc ăn chùm nho nữa, tôi chỉ ngồi khóc mãi.

Mở choàng mắt ra khi bỗng thấy vai mình bị lay nhẹ, tôi đã khóc rồi ngủ thiếp đi trong phòng cô giáo lúc nào chẳng hay. Cô giáo người hơi gầy và cao đang nhìn xuống tôi với nét mặt tươi cười. Giấc ngủ làm tâm trạng tôi tốt hơn nên quên hết mọi chuyện lúc nãy, tôi mỉm cười ngượng ngùng, vội vàng chụp lấy chùm nho sắp tuột xuống khỏi đầu gối, rồi sực nhớ lại chuyện buồn, tôi không cười nữa.

“Đừng làm mặt rầu rĩ như thế nữa được không? Mọi người đã về hết rồi, em cũng về đi. Hôm sau cho dù có chuyện gì cũng phải đến trường nhé. Không trông thấy em là cô buồn lắm đấy. Chắc chắn nhé!”

Nói xong, cô liền nhẹ nhàng cho chùm nho vào cặp của tôi. Theo con đường dọc bờ biển như thường lệ, ngắm nhìn mặt biển và thuyền bè, tôi chán nản đi về nhà, sau đó ăn nho một cách ngon lành.

Thế nhưng, hôm sau, tôi không hề muốn đến trường. Ước gì đau bụng hay đau đầu cũng được nhưng hôm ấy ngay cả đau chỉ một cái răng cũng không. Chẳng biết làm cách nào, tôi đành miễn cưỡng ra khỏi nhà nhưng vừa đi vừa nghĩ ngợi linh tinh. Tôi tưởng chừng như mình không thể nào bước vào được cổng trường. Nhưng nhớ lại những lời cô giáo nói lúc chia tay, tôi bỗng rất muốn gặp cô. Nếu tôi không đến chắc chắn cô sẽ buồn lắm. Tôi muốn được nhìn lại đôi mắt dịu dàng ấy của cô. Chỉ với điều đó trong tâm trí, tôi bước qua cánh cổng trường.

Chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?! Trước tiên, Jim chạy bay lại như thể đã đợi từ trước và nắm lấy tay tôi. Như thể đã quên hết chuyện ngày hôm qua, thân thiện nắm lấy tay trong khi tôi còn đang ngơ ngác rồi dẫn lên phòng cô giáo. Tôi không hiểu tại sao. Tôi đã nghĩ rằng khi đến trường mọi người sẽ đứng nhìn từ xa rồi bàn tán rằng “Nhìn kìa, thằng người Nhật trộm cắp đến rồi kìa”, thế nhưng lại được đối xử như thế này khiến tôi thấy lo lắng.

Có lẽ cô giáo nghe tiếng bước chân của hai người, không đợi Jim gõ cửa, cô đã mở ra. Hai chúng tôi bước vào.

“Này Jim, em là cậu bé ngoan, rất biết nghe lời cô. Jim đã nói em không cần xin lỗi nữa đâu. Hai người từ nay trở thành bạn tốt là được rồi. Hãy bắt tay nhau đi!” Cô giáo cười nói và cho chúng tôi đứng đối diện nhau. Trong khi tôi đang lưỡng lự, ngại ngần thì Jim đã vồn vã kéo bàn tay đang buông thõng của tôi lên rồi siết chặt. Tôi chẳng biết làm sao để thể hiện nỗi vui mừng này nên chỉ biết cười một cách bẽn lẽn. Jim dường như rất vui, cười toe toét. Cô giáo vừa cười tủm tỉm vừa hỏi “Nho hôm qua có ngon không?” Không biết làm sao, tôi đỏ bừng mặt, thú thật “Ngon ạ!”

“Nếu vậy cô sẽ cho thêm nhé!”

Nói đoạn, cô giáo trong chiếc áo vải lanh màu trắng, rướn mình ra ngoài cửa sổ, ngắt một chùm nho rồi đặt chùm nho màu tím phủ đầy phấn lên bàn tay trái trắng muốt của mình, cắt nó làm đôi bằng chiếc kéo bạc thon dài, đưa cho Jim và tôi. Mãi cho đến bây giờ, tôi vẫn có thể nhớ rất rõ vẻ đẹp của những quả nho màu tím nằm trên lòng bàn tay trắng muốt ấy.

Kể từ đó, dường như tôi ngoan hơn và bớt nhút nhát hơn.

Cô giáo mà tôi rất mực kính yêu ấy giờ không biết đã đi phương nào. Dù biết sẽ không còn gặp lại được nữa nhưng tôi cứ ước ao giờ này cô có ở đây. Mỗi độ thu về, những chùm nho lại chín, màu tím phủ đầy phấn rất đẹp nhưng tôi không còn tìm thấy ở bất cứ đâu bàn tay xinh đẹp trắng muốt như đá cẩm thạch đỡ lấy chùm nho ấy nữa.

ARISHIMA TAKEO
Nguyễn Thống Nhất (dịch)