Sau 1 thời gian dàn dựng và luyện tập công phu, chiều 7/12/2019, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đã tổ chức báo cáo tổng duyệt vở diễn “Hừng Đông” (kịch bản: PGS – Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ) trước Hội đồng thẩm định của Tỉnh.

Về dự buổi tổng duyệt có ông Nguyễn Thế kỷ – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học – Nghệ thuật Trung ương, tác giả vở kịch; Ông Hồ Mậu Thanh – Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao, Chủ tịch Hội VHNT Tỉnh; Các thành viên Hội đồng thẩm định…

Một cảnh trong vở diễn. Ảnh: S.N

Vở diễn “Hừng Đông” tái hiện lại cuộc đời, sự nghiệp của nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu, một trí thức tiêu biểu, xuất sắc của Đảng và  nhân dân ta. Phan Đăng Lưu sinh ngày 5 – 5 – 1902 tại thôn Đông, xã Hoa Thành (trước đây là Tràng Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An,  trong một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước. Ông sớm bộc tư chất thông minh, hiếu học, can đảm, khí khái; Ông giỏi chữ Hán, tiếng Pháp, văn học, chính trị học, xã hội học, là kĩ sư canh nông…

Những năm tháng tuổi trẻ, Phan Đăng Lưu đã ấp ủ hoài bão giải phóng đất nước, đưa nước ta theo con đường độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ. Ông đã từ bỏ cuộc sống của một viên chức trong bộ máy chính quyền thực dân để tham gia Hội Phục Việt, rồi trở thành đảng viên Đảng Tân Việt và là lãnh đạo chủ chốt của đảng này. Sau đó, ông tham gia và trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Phan Đăng Lưu được Đảng giao trọng trách Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ từ năm 1936; Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ (từ tháng 3 năm 1937); Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1937- 1940). Ông hi sinh năm 1941, khi Khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, ông bị giặc bắt và kết án tử hình.

Giây phút bi hùng của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu khi ra pháp trường – một cảnh gây nhiều xúc động trong vở “Hừng Đông”. Ảnh: T.A

Đầu năm 2016, vở diễn “Hừng Đông” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, đã từng được Nhà hát Cải lương Việt Nam (Đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên) và Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp dàn dựng chào mừng Đại hội XII của Đảng.

Tiếp tục con đường sáng tạo, đổi mới, ê kíp chỉ đạo nghệ thuật của Nhà hát Dân ca Nghệ An thuộc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đã dày công dàn dựng để vở diễn có thể tái hiện lại bối cảnh xứ Nghệ nói riêng, Việt Nam nói chung những đêm trường nô lệ dưới ách thống trị của chế độ thực dân – phong kiến. Bên cạnh đó, không khí bi – hùng đã được thể hiện đồng bộ bởi tài năng của các nghệ sĩ: thiết kế mỹ thuật, ánh sáng, biên đạo múa… Âm nhạc hào hùng, bi thương mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ được vận dụng tài tình, phối hợp với ánh sáng, hình ảnh hiện đại của màn hình led góp phần tạo nên những chiều kích không gian, thời gian lịch sử của đất nước những năm trước cách mạng Tháng Tám.

Vở diễn “Hừng Đông” của tác giả PGS – TS Nguyễn Thế Kỷ được dàn dựng bởi: NSƯT Nguyễn An Ninh – Kịch bản dân ca; nhạc sĩ, NSUT Nguyễn Đình Đắc – Âm nhạc; NSND Thu Hà – Biên đạo múa;  họa sĩ Hoàng Phong – Thiết kế mỹ thuật; nhạc sĩ Tạ Minh Văn – Chỉ huy dàn nhạc; Hoàng Nam – Thiết kế ánh sáng; Ngọc Quyết – Trang âm; NSND Lê Hùng – Đạo diễn; NSND Hồng Lựu – Chỉ đạo nghệ thuật; các nghệ sĩ: Minh Thông, NSND Tuệ Minh, nghệ sĩ Triệu Quyền, Hoài Sinh, Duy Thanh, Thiên Huế, NSUT Thành Vinh, Quang Sáng, Mai Kiên, Xuân Đức, NSUT Đức Lam… cùng tập thể nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ phối hợp thể hiện.

Hội đồng thẩm định đánh giá vở diễn đã vượt qua lối mòn của một vở diễn tuyên truyền thuần túy bởi những cảnh diễn xúc động rơi nước mắt, những giá trị nhân văn rất con người đã được chú ý nhưng vẫn nêu cao tinh thần cách mạng của nhân dân ta hướng tới ngày mai tươi sáng.

Hội đồng Nghệ thuật Tỉnh đã xem để có những đề xuất, ý kiến chỉ đạo để vở diễn hoàn thiện hơn về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện trước khi công diễn phục vụ các ngày lễ lớn của đất nước và quần chúng nhân dân.

PV.