Tôi bắt gặp những bức ảnh về hoa giấy trong phiên chợ Tết Vinh xưa trên facebook mà rưng rưng. Một bầu trời tuổi thơ cực nhọc, chắt chiu từng đồng, chắt chiu từng niềm vui, gặm nhấm từng nỗi buồn và thất vọng để có hy vọng… ùa về như chưa từng là quá khứ của hơn 20 năm.

30 năm trước, trong những ngày giáp Tết, tôi cũng như cô bé trong ảnh, vác cây hoa giấy đi khắp các chợ cóc trong thành phố để mong bán hết, cuối ngày đưa tiền về cho mẹ, mong chờ khấp khởi về bộ quần áo mới, về bó hương trầm thơm ngát, bánh pháo đốt đêm giao thừa và những nồi thịt kho trong tủ bếp.

Cô bé bán hoa giấy giúp mẹ ở chợ Vinh ngày Tết. Ảnh: Werner Georges

Năm nào trời nắng ráo, những ngày giáp Tết là ngày vui rộn rã khắp các thôn xóm làm hoa giấy (hoa làm bằng giấy), vì có nắng thì màu hoa giấy sẽ tươi rực lên, người mua nhiều và bán rất được giá. Cái Tết của những năm đó đủ đầy hơn, mắt bố mẹ lấp lánh hơn.

Hồi đó rất ít hoa tươi, người dân chủ yếu mua hoa giấy để đặt lên bàn thờ trang trí thay hoa tươi. Cái nghèo làm cho việc thờ cúng cũng thành ra đơn giản. Hoa giấy được làm từ giấy lề, là những mẩu giấy khổ rộng tầm 10-15cm, dài 30-50cm, được máy xén giấy xén ra từ các cuộn giấy trong quá trình in sách báo, tài liệu. Vậy nên chỉ những công nhân làm ngành in mới làm hoa giấy, vì chỉ có họ mới có giấy lề. Bố mẹ mình đều là công nhân ngành in nên tự nhiên nhà mình thành nghệ nhân hoa giấy cả.

Hoa giấy. Ảnh: Werner Georges

Giấy được tích cóp cả năm trời, cất giữ cẩn thận, đến khoảng tháng 10 âm lịch thì đưa ra nhuộm màu để làm thành các cành hoa giấy. Cảnh nhuộm giấy cũng khá là vui mắt. Từng tờ giấy lề được kéo qua nước màu pha nóng rồi giăng khắp sân khu tập thể để phơi đến khi khô ráo thì xếp lại để chờ công đoạn tiếp theo. Từ 3 màu cơ bản là xanh lá, hường, vàng sẽ pha trộn để có các màu khác nhau, vàng và xanh sẽ ra nõn chuối hoặc vàng chanh, hường xanh sẽ có tím, hường vàng sẽ là đỏ cờ… Tùy khổ giấy sẽ làm được hoa hồng, hoa thược dược hay hoa lay ơn. Hoa được xếp 3 lớp giấy, gấp lại, hồng thì gấp 4, cắt tròn ở rìa giấy, hoa thược dược gấp thành ly nhỏ, cắt nhọn. Sau đó xếp 3 tập lại với nhau, kẹp nhụy ở trên, cố định bằng que giang, cột chắc bằng dây đồng nhỏ, rồi lại xếp vào thùng. Trước Tết một tháng thì đưa ra để mở, từng lớp giấy sẽ được đưa lên, vuốt thẳng, uốn mép sao cho đẹp, rồi lại cắm vào những chiếc cọc được kết bằng chổi giành giành. Hoa mở đến đâu sẽ kết cành đến đó, mỗi cành cao tầm 50 cm, có 2 cái búp ở trên cùng và 4 bông hoa kết từ cao xuống thấp.

Hoa giấy được bán nhiều vào dịp Tết. Ảnh: Werner Georges

Từ ngày 22 tháng Chạp, là phiên chợ Tết đầu tiên, những chổi hoa đầu tiên sẽ được cột sau xe đạp hoặc vác ra chợ để bán. Hoa nhà tôi làm không được xuất sắc nên chỉ bán ở chợ cóc, không dám lên chợ Vinh.

Với những nhà làm hoa giấy, bao nhiêu ngày trước Tết sẽ là bấy nhiêu ngày khấp khởi mong trời không mưa. Vì trời mưa thì hoa sẽ ướt nhẹp, những giọt nước mưa làm các màu sắc hòa với nhau thành một thứ màu thâm xỉn. Dĩ nhiên chẳng ai đi mua những cành hoa đó. Công sức mấy tháng trời cộng với niềm hy vọng mong mỏi về cái Tết đủ đầy bị đốt theo chổi hoa xấu số.

Hơn 10 năm mình đã buồn vui cùng những mẩu giấy lề nhuộm màu sặc sỡ và những chổi hoa đi khắp các chợ cóc trong thành phố. Cho đến khoảng năm 1993, 1994 gì đó thì gặp năm trời mưa rét tầm tã không có nổi một ngày nắng ráo từ 22 tháng Chạp trở đi. Cả một nhà hoa bị ế không bán được. Mẹ đút từng cành vào đống lửa, nước mắt rơi lã chã, hòa cùng với khói, cay xè.

Từ sau năm đó, cái nghèo cũng từng bước lùi dần, mẹ không cần phải làm hoa mới có Tết. Và nhà tôi kết thúc nghề làm hoa mà không hề tiếc nuối…

Phan Minh Lý