Tiếng xe máy nổ ì ạch rẽ ngang con đường dốc đất đầy những đá cục lởm chởm, bụi tung bay túa ra hai bên đường bám vào lá cây lớp đất đỏ quạch, dày bịch loang lổ. Tiếng xe thưa nhỏ dần rồi giảm ga cua vào ngõ nhỏ, theo cái đà xóc nảy của hõm đá ở bờ sân kêu beng một tiếng. Bà nhấn nhá, lom khom cúi xuống tìm cái cần chân chống để dựng xe. Ông trong nhà nhủng nhẳng vọng ra:

– Làm cái gì mà về muộn thế, để mẹ con bác ấy tới chơi đợi cả tiếng đồng hồ.

Bà bước lên bậc thềm, tay vo vo vào vạt áo lau khô nước vừa mới rửa, nhỏ giọng.

– Mẹ con bác đến lâu chưa? Nay em bán rau hơi ế, còn mấy bó cứ cố nấn ná mãi mới về.

Người đàn bà áo hoa ngồi trên băng ghế dài xởi lởi đáp.

– Có lâu gì đâu thím, nghe thấy chú đi viện, nay cũng mới bảo cháu chở đến chơi. Tình hình chú khỏe hẳn rồi chứ thím?

Bà vừa châm thêm nước trà vào chén cho khách vừa đáp.

– Ông nhà em vẫn vậy, qua đợt này không đỡ chắc lại đưa ra ngoài Hà Nội thôi.

Ông nghe vợ nói liền đưa mắt nguýt dài một cái, hậm hực.

– Chả phải đi đâu nữa sất, lão này già rồi, nghe chừng không còn tích sự, động nhắc đến lại thở ngắn với chẳng than dài.

Bà khách biết ý, thôi không hỏi nữa. Bà nghe giọng chồng giận dỗi cũng chẳng dám thỏ thẻ gì thêm.

Quá trưa, mẹ con bà khách ra về, còn mình ông ngồi lại trên chõng. Bà lại lúi húi về sau dọn dẹp nấu cơm. Đến giờ ăn, bà bưng lên tô cháo bò bằm còn nóng hổi, kéo cái ghế đẩu đến trước mặt chỗ ông ngồi, dùng thìa đảo qua đảo lại cho nhanh nguội. Xong xuôi, bà để đó cho ông tự xúc ăn, còn mình ra ngoài nhà kho cho con cù lần uống nước. Quê bà gọi con cù lần là con cu li, thuở xưa đi rừng, hễ bắt được cù lần là chẳng ông thợ nào vui bởi người ta quan niệm cù lần mang nhiều điều xui xẻo. Lần đó anh Trung con trai lớn của chồng bà bẫy được nó còn sống, mang về nhà cứ vứt vạ vật khắp nơi, con vật trong lồng vừa đói vừa khát, nhìn vào mắt nó, thế nào bà lại thấy thương thương. Bà bảo anh Trung đưa cho mình, bà thả nó ở nhà kho phía sau chuồng gà. Lạ là mấy lần bà quên không đóng cửa, con cù lần vẫn ở rịt đó không đi.

Phía sau vườn nhà bà có mấy gốc hương to, đàn cháu ông năm đứa nắm tay nhau quây tròn mới vừa vòng ôm một trong 4 cái cây ấy. Ông cũng không biết nó có từ bao giờ, nhưng để giữ được chúng nó nguyên vẹn, ông đã trả giá bằng việc mất hết anh em. Nhà ông bốn anh em trai, ông là con út, hồi xưa mẹ cha chia đất có để lại cho ông mảnh vườn bây giờ ông đang ở vì ông có trách nhiệm chăm nom bố mẹ già. Khi hai cụ khuất núi, đám anh ông chả hiểu kiểu gì đòi chia lại đất. Gỗ hương tự nhiên đắt giá hơn vàng, có người đổi đời thành triệu phú chỉ sau một đêm nhờ bán những gốc hương cổ thụ. Đồng tiền làm mờ mắt, khi giành nhau chán chê không được, người anh thứ hai vác dao đến nhà ông dọa chém. May mà ông công an thôn đến can kịp chứ không cũng kẻ chết người vào tù. Đến bây giờ, mỗi lần ra sân giếng, bà vẫn rùng mình mãi vì vết chém sâu hoắm in hằn trên cái cột gỗ nơi chái nhà.

Anh em ông từ dạo đó ân đoạn nghĩa tuyệt, coi nhau còn không được bằng người dưng nước lã.

Bà năm nay ngoài 60, nhưng về làm dâu nhà ông mới được 4 năm có lẻ. Tối ngủ, nằm cạnh chồng nhưng bà thấy cái giường cứ rộng thênh thang làm sao. Ông gần bảy mươi, hơi thở phì phò như trâu đánh chọi, cánh tay ông lúc nào cũng giang ra nhưng bà không dám gối đầu lên đó bởi bà trông nó cảm giác lỏng lẻo và yếu ớt, bà lại sợ ông đau. Lăn qua lăn lại từ tối cho đến gần sáng, gà gáy canh 3, bà trở dậy lo nhóm bếp đun nước để sáng ngày pha chè xanh cho chồng uống. Ngồi bên bếp lửa nóng ran nổ tí tách, bà cời cời que than bó đầu vào trong gối. Cảm giác đời mình đã trôi xa lắc xa lơ từ tận cõi nào.

Lấy chồng, bà đã lặp lại hai từ đó trong giấc mơ trôi dạt dài từ năm này qua năm khác. Năm 20 tuổi, bà ôm mộng lấy chồng, người thanh niên trai trẻ vạm vỡ bà ước ao được lấy làm chồng năm nào nay qua quãng đời dâu bể đã thành một lão già chưa lụ khụ nhưng đã gần 70, cọc cằn và khó tính. Có ai biết đâu bà đã ôm mộng làm vợ ông từ những năm thanh xuân xa lắc lơ non dại. Ngày đó, ông bà thề non hẹn biển, cứ ngỡ chỉ cần túp lều tranh nhưng hai quả tim vàng. Đùng một cái, cha mẹ bắt ông cưới vợ, vợ ông là người môn đăng hộ đối cha mẹ ông chọn lựa. Thân bà bần hàn côi cút, bà lấy tư cách gì bước qua cửa nẻo nhà ông.

Hôm chia tay, chàng thanh niên trẻ trung phong độ nói với bà là anh ta không yêu người cha mẹ anh ta chọn, anh ta chỉ yêu bà thôi. Nếu có thể, sau này anh ta vẫn muốn cùng bà gặp gỡ, không có phận nhưng anh ta vẫn muốn cùng bà nối duyên. Bà lặng im không nói, nước mắt theo bóng trăng chảy xuống thành hàng. Người đàn ông bà yêu đi lấy vợ, lại còn ích kỉ muốn cả cúc cả mai. Anh ta lấy vợ rồi còn muốn bà tiếp tục gặp gỡ, như thế chẳng phải muốn bà làm người thứ ba sao.

Ông có gia đình, bà cũng cứ ở không như thế, có nhiều người tới nhà bà dạm ngõ, nhưng người một nơi tim bà một nẻo, bà không mang được tim về, đành để nó chết chìm bên người đàn ông đã thành gia lập thất. Con ông hết đứa này đến đứa khác thay nhau chào đời, bà cũng hết lần này đến lần khác quặn thắt ruột gan. Bà không trông mong gì ở ông, cũng chưa bao giờ có suy nghĩ dám cùng ông quá phận, chỉ là bà cứ ở thế đấy. Tim bà chết rồi, ngoài ông ra thì nó có sống lại được vì ai nữa đâu.

Ấy thế mà đùng một cái, vợ ông đổ bệnh, vật vờ ba năm thì khuất núi. Bà cũng chẳng dám nghĩ ngợi mơ tưởng gì xa xôi. Nhưng đột nhiên, mãn tang vợ, ông đến nhà bà xin cưới. Ừ thì bà vui nhưng cũng tủi đấy, người làng bảo người ta ăn ốc bắt bà đổ vỏ, bà về đấy hầu hạ ông với đám cháu con ông thì có khác gì con cu li, con ở đợ. Miệng bà cười chua xót nhưng đáy lòng mâu thuẫn, bà có thể ở không vì ông cả đời như thế, đời bà bà còn không tiếc, bà tiếc gì hầu hạ ông, hầu hạ con ông.

Lấy chồng, bà cũng lấy hết can đảm để bước vào cuộc trường chinh vật chất, đất đai nhà cửa bà cắm ngân hàng hết để trả nợ cho thằng con chồng vì nó làm ăn thua lỗ, không có tiền đền bù người ta kiện ngồi tù như chơi. Ừ thì bà thiệt thật đấy, nhưng về ở cùng chồng, vườn tược thênh thang bà cũng để không để trống, vả lại con ông cũng có khác chi con bà, bà thương yêu chúng nó, sau này bà già yếu, bà sợ gì chúng nó không phụng dưỡng, chăm sóc bà như chúng nó chăm ông.

Minh họa: MINH CHÂU

58 tuổi lấy chồng nhưng đâu ai biết bà mới chỉ thuộc về ông có mỗi một lần vào đêm trước hôm ông đi lấy vợ. Còn bây giờ lấy được chồng, nhưng ngủ với ông chồng già nhạt nhòa chăn chiếu, cảm giác liêu phiêu lơ lửng mà mấy bà bán cá miêu tả đâu không thấy, bà cứ thấy hụt hẫng hoài một giấc mơ, giấc mơ về chàng thanh niên trẻ trung vạm vỡ thổi sáo trúc véo von trên bến sông trăng năm nào. Ngày đó, ông lịch lãm, trẻ trung và ấm áp trong chiếc áo màu vàng nhạt, ông thích nói với bà về ngôi nhà gỗ nhỏ ba gian, với cánh cổng cao qua đầu trồng đầy hoa giấy cùng những đứa trẻ. Con ông bà đứa đầu tiên sẽ là một cô công chúa, nó đẹp đẽ và có đôi mắt long lanh giống như bà. Lấy chồng, đêm tân hôn, ông vặn vẹo ngủ say như chết, nửa đêm tỉnh lại, ông mò mẫm làn ngực còn đang căng bóng của bà, được một lát, hơi lửa heo heo mà chú rể đã như đứa trẻ con no sữa gục đầu ngủ mất. Bước vào cuộc sống hôn nhân lạ lẫm với người đàn ông bà thầm nhớ trộm thương suốt mấy chục năm ròng cũng không dập tắt được hết lửa lòng cùng những lo toan cơm áo gạo tiền của cuộc sống. Đám con ông đứa có chồng, đứa lấy vợ nhưng kinh tế thỉnh thoảng vẫn về ngửa tay xin ông. Lấy bà về tiền nong ông đưa bà giữ hết, đám con thấp thỏm nhìn ông nháy nháy mắt với bà, bà tần ngần móc hầu bao xòe vào tay chúng, nay 1 triệu mai 3 triệu, những đồng tiền mặn mòi mồ hôi nồng nồng mùi đất của bà cứ thế ngon lành nhảy vào túi đám con.

Hôm nay anh Trung đến chơi từ tờ mờ đất. Thấy lạ, ông nheo nheo con mắt bảo bà xuống bếp đun ấm chè xanh. Nay Trung vớ vụ gì mà mặt mày tươi tắn lạ, xởi lởi chìa tay ra khoe bố.

– Hôm nọ con nhờ người mua mãi mới được hai củ sâm, biếu bố. Tốt lắm đấy, bố bảo dì mài ra mà uống.

– Ô! Hôm nay mặt trời mọc đằng tây à? Anh lại biếu bố anh quà cơ đấy.

Trung chữa ngại, xun xoe chạy sang ngồi gần bố, đưa tay xoa nắn chân ông.

– Bố cứ nói thế cho xa cách nào. Con là con trai bố, có đồ ngon không cho bố thì còn cho ai.

Ông bề ngoài cười cợt nhưng trong ruột mát lịm. Con ông nó biết quan tâm ông rồi, sâm khó kiếm như thế mà nó cũng lùng được về để báo hiếu cho bố đấy.

Sau hôm đó, Trung sang chơi với ông thường xuyên hơn, hai bố con cứ thậm thà thậm thụt chuyện to chuyện nhỏ trên nhà. Bà dưới bếp lò dò bê mâm cơm lên, anh Trung im bặt.

Xong bữa, ông bảo với bà nay Trung đưa ông lên thị trấn làm thủ tục cho người ta thuê đất, có người trên thị trấn muốn thuê mảnh đất của ông mở xưởng gỗ, giá cả rất hời, nay Trung chở ông đi để làm hợp đồng.

Thấy bà lưỡng lự mãi chưa bê mâm đi, ông bảo Trung về thay quần áo trước. Trung đi rồi, ông nhỏ giọng trấn an bà.

– Bà đừng nghĩ ngợi, con tôi cũng giống như con bà, nó có phân biệt gì đâu mà bà hay cả nghĩ.

Thấy bà vẫn im lặng, ông tiếp tục.

– Cho thuê 3 năm chúng ta lấy lại đất, vừa không phải vất vả, lại để ra được một món.

– Nhưng còn mấy cây hương, ông mất công giữ chúng thế, giờ đất đấy cho thuê thì thế nào?

– Tôi cho thuê đất thôi chứ có bán cây đâu, cây vẫn ở nguyên đấy. Thằng Trung làm việc với họ rồi, không ai động đến cây đâu mà bà sợ.

Thấy chồng chắc chắn thế, bà thôi không nói nữa. Nhưng nửa tháng sau khi hợp đồng đã ký, có một nhóm người bê cưa lốc, máy múc vào xới tung vườn nhà ông. Ông chạy ra ngăn thì họ bảo ông bán cây cho họ rồi, trong hợp đồng mua bán rõ rành rành có chữ ký của ông.

Ông chết sững, lờ mờ hiểu ra điều gì đó. Hôm Trung đưa ông đi, nó giục ông ký hợp đồng thuê đất mà cứ vội vội vàng vàng. Ông bảo nó bình tĩnh để ông đọc lại đã, Trung lại thầm thì vào tai giục ông kí nhanh đi không người ta lại đổi ý, hợp đồng hợp điếc Trung đã đọc qua hết cả, chẳng có gì cần lấn cấn nữa đâu. Yên tâm, ông kí nhanh rèn rẹt, xong xuôi đâu đấy, Trung chở ông ôm cục tiền 100 triệu về nhà. Ông cứ tưởng mình trúng mánh, ai ngờ đâu thằng con trời đánh nó lừa nó bán mất mấy cây hương quý của ông hẳn 600 triệu đồng, nó lừa, nó ẵm của ông hẳn 500 triệu.

Sau vụ bán cây của bố, Trung đi đâu bặt vô âm tín, gọi điện không được, lò dò đến nhà nó ông mới biết vợ nó đã ôm con về ngoại cả tháng nay. Phẫn uất vì con, ông đổ bệnh nặng. Con ông ngoài thằng Trung ra thì cũng còn hai đứa con gái, nhưng chúng đối với cha không mặn cũng chẳng nhạt. Bố ốm, thỉnh thoảng lắm chúng mới ghé về thăm, quẳng cho ông được vài cân trái cây với lon sữa, còn đâu để một mình bà lo tất. Nhà ông nghề nông rặt, ruộng vườn đất đai nhiều, bà vừa lo đồng áng heo gà, về nhà lại tất bật chăm ông.

Ông ốm, bà không ra đồng làm xa được nữa, công việc ngoài đồng bà thuê khoán cho người ta, ở nhà mò mẫm trồng thêm vài luống rau tăng thu nhập với tiện thể chăm sóc ông. Càng ngày ông càng khó tính, phẫn uất vì con cộng thêm bất lực bệnh tật khiến ông trái tính trái nết. Lắm hôm thay bỉm cho chồng, ông nặng quá bà không sao nhấc cái mông lên được, ì ạch mãi đâm ông nổi quạu, người ông ốm đấy nhưng cái tay ông khỏe, ông đẩy một cái bà ngã sõng soài xuống nền gạch. Ông lầm bầm trong miệng:

– Đồ vô dụng, để lão già này tự thay, tao không khiến.

Ông khua tay sờ soạng, lần mò nhấc đít kéo cái bỉm ra, tay khuờ khoạng phải mớ chất thải dây ra thối khắm, ông càng cú tiết hơn đem cả cái bỉm quăng xuống trước mặt bà. Bà bàng hoàng đi ra từ cơn mê mộng. Người đàn ông bà dành cả đời để tôn thờ như thần phật nay còn đâu, trước mắt bà chỉ còn lão già ỉ lại, lọm khọm, cục cằn và thối nát. Ngày bà lấy ông, đám cháu bà khuyên lên khuyên xuống. Một tay bà chăm bẵm đàn cháu từ ngày bé nên đứa nào cũng thương bà như thương mẹ ruột. Nhưng tình cảm là chuyện riêng tư của bác, đàn cháu không có tư cách gì cấm cản nên khuyên bác không được cũng đành ngậm ngùi theo dõi đằng sau. Chúng dăm ba hôm lại dấm dúi cho bà ít tiền để bà tẩm bổ. Nhưng tính bà ky cóp tằn tiện, được tấm được món thì hết đứa lớn đến đứa bé con chồng hỏi vay. Giờ sổ đỏ mảnh đất thằng con cắm ngân hàng còn chưa lấy về được, còn ông coi bà không khác kẻ hầu người hạ. Bà lập cập ngồi dậy, nhặt miếng bỉm chồng quăng dưới đất cuộn tròn lại, run rẩy bước vào nhà vệ sinh. Có thứ gì đó rơi xuống thấm vào môi vào mắt cay xè, mặn chát.

Con cù lần kêu lên rát rạt, biết nó đói, bà lấy cái ống bơ đựng đầy gián đất hôm qua dọn trong kho, bắt ra vài con cho nó nhấm đỡ. Cù lần mở to đôi mắt long lanh vô tội, ươn ướt nhìn bà. Tối đó, bà đem nó ra cửa rừng phía sau thôn văn hóa, thả cho nó chạy đi. Con vật quen hoạt động trong đêm tối, chỉ chờ có thế, mắt sáng rực leo tót lên cây, hòa vào đám lá mơn man, xào xạc. Ánh đèn bà soi bóng nó cứ lấp loáng dần, mờ nhạt rồi thưa hẳn. Cù lần mất hút vào đêm đen.

Nguyễn Thị Hồng