Chắc chắn rất nhiều người từ thế hệ 7X về trước còn nhớ những khó khăn thời bao cấp, nhất là từ năm 1975 cho đến năm 1988. Cả nước thiếu lương thực trầm trọng. May lúc đó có nguồn viện trợ bột mì của Liên Xô. Những người dân có sổ mua lương thực thay cho mua gạo thì được nhận bột mì. Dân ta vốn quen ăn cơm từ gạo, chứ ăn bột mì thay “cơm” triền miên thực sự là một thử thách.

Người dân đã tìm mọi cách chế biến bột mì thành các loại sản phẩm cho dễ ăn. Bột được nhào đủ độ nhuyễn, cán mỏng, rồi thái thành sợi như sợi phở hay vắt thành bánh hông lên, hoặc vắt thành từng cục nhỏ bỏ vào nước luộc chín. Thời đó, chưa có tủ lạnh nên không thể bảo quản các sản phẩm từ bột mì để sử dụng hàng tuần hay hàng tháng. Trong “cái khó ló cái khôn”, người dân nghĩ ra cách gia công chế biến bột thành mì sợi rồi phơi khô vừa tạo thêm một vị mới, lại sử dụng được lâu dài vừa dễ bảo quản.

Có hai cách chế biến mì sợi. Sợi chín (qua hấp, sấy) và sợi sống. Sợi chín thì khá cao cấp và tốn kém, hầu như không ai làm được. Nhanh gọn, đơn giản hơn cả là cán sợi sống. Bột mì trộn nhuyễn với nước, thêm tí muối cho đỡ nhạt, rồi cán thành sợi để dùng liền hoặc  phơi nắng cho khô. Như vậy sợi mì sẽ để dùng lâu dài mà không bị mốc, thuận tiện khi vận chuyển. Sợi mì tươi hay sợi mì khô giúp người dân có món bánh canh rất dễ ăn, nhà nào có điều kiện tốt thì thêm tí thịt “dạo qua” cho nước dùng có vị thơm ngọt. Sợi mì còn được “ghế” với cơm, người ta gọi là cơm độn mì – một cụm từ rất quen thuộc trong đời sống thường nhật thời đó.

Sáng kiến biến bột mì thành mì sợi không rõ bắt nguồn từ đâu. Có thể là từ miền Nam đưa ra vì người miền trong vốn năng động hơn và có nhiều điều kiện tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các nước tiên tiến. Thời kỳ đó, Nhà nước có chính sách quản lý lương thực rất chặt, thời gian đầu chỉ có tổ hợp hay hợp tác xã mới gia công, sản xuất hàng lương thực, sau đó thì các hộ gia đình cũng tham gia vào hoạt động này. Thời kỳ này ở Vinh có rất nhiều cơ sở, sau đó là các gia đình làm mì sợi. Khi bột mì khan hiếm người ta dùng cả hạt bo bo (hạt cao lương) xay thành bột để làm thành mì sợi.

Thiết bị cán mì sợi khá đơn giản, một cái vòng quay có tay quay, hai cái lô trục, mấy vòng bi là có thể tạo dựng được máy. Ở thành phố Vinh khi đó người ta cũng làm được nhưng một số ít người cầu kỳ hơn, cơm đùm cơm nắm ra Hà Nội mua bằng được cụm máy mang về Vinh hoạt động.

Ngày nay mì sợi được sản xuất từ các nhà máy hiện đại, sản phẩm mì sợi hoàn toàn khác, chất lượng tốt hơn nhiều, hình thức đa dạng, bao bì đẹp. Tuy nhiên, trong tâm trí của nhiều người hẳn hình ảnh những chiếc máy cán mì thô sơ, những sợi mì tươi mềm mại, những sợi mì khô rổn rảng sợi ngắn sợi dài đóng đơn giản trong bao nilon vẫn còn đọng lại và trở thành kỷ niệm êm đềm, khó phai về thời gian khó.

Cảm ơn ông Werner Georges – một chuyên gia xây dựng thành phố Vinh ngày đó đã ghi lại những hình ảnh này ở Vinh vào năm 1977 giúp những ai đó được sống lại cùng kỷ niệm quá khứ một thời.

Những tấm bột mì chạy qua trục cắt tạo thành sợi mì 
Sản phẩm mì sợi hòan toàn được làm ra từ sức người.
Tất cả mọi người: người lớn, trẻ em, nam, nữ đều có thể tham gia làm mì sợi
Máy cán mì thô sơ vậy thôi nhưng đã giúp người dân thành Vinh có được những món ăn đa dạng và sử dụng trong thời gian dài.
Khâu đầu tiên là trộn bột mì. Kinh nghiệm trong khâu này rất quan trọng, bột khô tấm mì sẽ bị vỡ trên trục cán, bột ướt làm sợi dính vào nhau và lâu khô
Những chiệc cọc tre được dựng và nối với nhau tạo thành dàn cùng với các liếp nứa dùng để phơi sợi mì
Các tấm liếp còn được trải trên những khoảng đất trống để phơi mì
Một em bé tò mò nếm sợi mì

Nội dung: Lê Huy Hiền
Ảnh: Werner Georges