Thơ không những làm giàu ngôn ngữ của các dân tộc, mà còn góp phần nâng cao đạo đức, lối sống nhân văn cho con người. Tuy nhiên, sang thế kỷ 20, càng về cuối, thơ càng được ít quan tâm. Vì vậy, vào năm 2000, UNESCO đã quyết định lấy ngày 21/3 hàng năm làm ngày Thơ thế giới (World Poetry Day). Kể từ đó đến nay, khắp nơi trên trái đất này đều có những hoạt động nhằm làm cho thơ ngày càng lan tỏa.

Tạp chí Sông Lam xin đăng bài viết “Cảm từ ngày Thơ thế giới” của tác giả Nguyễn Cảnh Nhu để thêm một lần chúng ta cùng chia sẻ với các nhà thơ và sự làm thơ nó đầy khó khăn nhưng cũng đầy hạnh phúc như thế nào.

Thầy giáo của tôi – thầy Hà Huy Hân kể rằng, có lần nói với thầy Vương Đình Huấn, tức là nhà thơ Thạch Quỳ:
– Em cũng muốn làm thơ, nhưng làm thơ khó thật anh ạ.
Thầy Huấn động viên:
– Vậy thì cố lên, cậu biết làm thơ rồi đấy.
Tôi nghĩ, lời khuyên của nhà thơ Thạch Quỳ rất chí lý: chỉ những ai biết làm thơ là việc rất khó mới mong làm được thơ.

Người ta thường nói, để vượt qua khó khăn thì phải có quyết tâm cao, có lòng dũng cảm. Nhưng trước khi thực hiện hai cái khẩu hiệu đó cũng cần phải biết cái khó của làm thơ là ở chỗ nào? Nhà thơ lớn của Áo Rainer Maria Rilke đã chỉ cho ta thấy những khó khăn của việc làm thơ. Nhưng trước khi bàn đến nó, xin được có vài lời về ông. R.M.Rilke sinh ngày 4/12/1875 ở Pra-ha và mất ngày 20/12/1926 ở Thụy sĩ. Có thể nói, ông đã cống hiến hết mình cho thơ, cho nghệ thuật. Ông chịu làm giúp việc cho họa sĩ lừng danh của Pháp François-Auguste-René Rodin (1840-1917), để học hỏi kinh nghiệm làm nghệ thuật, ông làm bạn với nhà triết học nổi tiếng Nietzsche và đã hai lần lặn lội sang Nga để được gặp đại thi hào Lép Tôn-xtôi. Sinh thời ông có những tập thơ bán được hàng triệu bản, được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới, nhưng lợi nhuận lại thuộc về nhà xuất bản, riêng ông chỉ nhận được số tiền nhuận bút ít ỏi. Cho đến nay, nhiều sách học, sách nghiên cứu lý thuyết thơ trích dẫn nhiều thơ của ông. Nhiều nhà phê bình văn học trong cộng đồng nói tiếng Đức xếp ông vào hàng top các thi hào. Đặc biệt trong dòng thơ hiện đại tiếng Đức, người ta coi ông ở vị trí hàng đầu. Hiện nay, nhiều đường phố, trường học ở Tiệp khắc, Áo, Đức, Thụy sĩ mang tên ông.

Thật ra, Rilke không viết sách về những kinh nghiệm làm thơ, mà chủ yếu qua thư từ ông gửi cho người thân, người ta mới biết được những suy nghĩ của ông về thơ và người làm thơ. Đặc biệt tác phẩm: “Thư gửi một nhà thơ trẻ”( Briefe an einen jungen Dichter) ghi lại mười lá thư của Rilke gửi cho nhà thơ Franz Xaver Kappus. Sau khi Rilke qua đời, Kappus đã chọn và cho xuất bản thành sách. Đây cũng là tác phẩm bán chạy không chỉ ở Đức, Áo mà còn ở các nước khác như Anh, Pháp…

Trước hết Rilke cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với một người làm thơ là sự chịu đựng nỗi cô đơn (tiếng Anh: solitude). Theo Rilke thì sự sáng tạo trong thơ được sinh ra từ nội tâm của con người vào lúc cô đơn nhất. Đã dấn thân vào sự nghiệp thơ phú thì phải coi sự cô đơn gắn liền với số phận, không được xua đuổi, không được lẩn tránh, càng không được làm dịu nỗi đau mà sự cô đơn đem đến. Ngay trong bức thư đầu tiên, ông đã khuyên Kappus không được mang thơ mình đi hỏi người khác để nhờ góp ý. Ông viết: “ Anh hãy hỏi chính mình. Anh hãy tìm hiểu xem, nguyên do nào thôi thúc anh làm thơ. Có phải cái nguyên nhân ấy nó được sinh ra từ nơi sâu thẳm trong mình hay không? Anh hãy đặt một câu hỏi, liệu mình có chịu nổi, nếu như không viết ra không? Trong đêm khuya thanh vắng, anh hãy trằn trọc, suy nghĩ để tìm cho ra câu trả lời. Nếu như anh khẳng định tôi phải viết “thì anh hãy chuẩn bị cho đời những thứ cần thiết”. Ông khẳng định: “Dấu hiệu đầu tiên báo hiệu người có khả năng làm thơ là sự chịu đựng được nỗi cô đơn đến yêu thích”.

Các nhà thơ giao lưu trong Đêm Thơ Nguyên tiêu 2024 của Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An. Ảnh: Hà An

Khó khăn thứ hai đối với một người làm thơ, theo Rilke là tu luyện để có lòng kiên nhẫn. Trong bức thư ngày 12/8/1904 gửi Kappus, ông viết: “Anh phải có được lòng kiên nhẫn như một người đang ốm, nhưng phải có sự tin tưởng như một người đã khỏe lại…”. Thi sĩ có nghĩa là không tính toán, không đo đếm, hãy kiên cường như một cây tùng, trước giông bão của mùa thu, giá rét của mùa đông, nhưng vẫn vững tin mùa xuân sẽ đến”. Lòng kiên nhẫn không chỉ thể hiện ở sự bền bỉ mà còn là sự chịu đựng những may rủi, những bất hạnh và những thay đổi. Trong bức thư số 8, Rilke đã nói với nhà thơ trẻ: “Anh Kappus ạ, anh không được hoảng sợ khi có một nỗi buồn lớn chưa từng có đang đến với anh, sự bất an cũng giống như đám mây tạm che mất nắng, nó đang bám lấy anh mọi lúc mọi nơi, thì anh hãy nhớ rằng có một cái gì đó sắp đến với anh và chứng tỏ rằng cuộc sống đã không quên anh, nó vẫn nâng anh trên tay, không hề bỏ rơi anh. Làm sao anh có thể nghĩ, sự bất an, nỗi bất hạnh và cái khó khăn của cuộc đời không đến với anh? Anh không biết được quá trình đó đang hoạt động ra sao? Vì đâu mà anh phải đặt ra câu hỏi từ đâu nó đến và nó sẽ đi về đâu? Anh biết rằng nó đang trong giai đoạn quá độ và không muốn gì hơn là biến đổi”.

Có lẽ còn phải nói thêm điều này: làm thơ là phải sáng tạo. Muốn có sáng tạo thì điều cần thiết là phải có sự hiểu biết qua sách vở cũng như qua thực tế. Đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, ta không chỉ được thưởng thức những câu thơ tuyệt mỹ, mà còn thấy cả một núi kiến thức về lý thuyết cũng như thực hành đã chất đầy trong con người của đại thi hào. Nhờ đó, Nguyễn Du đã tránh được những diễn tả tầm thường. Chẳng hạn, khi Kim Trong tình cờ nhặt được chiếc thoa của Kiều, trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân viết: “Kim Trọng nói: – Chính vì người được thoa, kẻ mất thoa, đều là việc vô tình, bỗng gặp nhau đây, há chẳng phải duyên trời xui khiến?”. Đó là sự diễn tả thường tình, vì người ta hay cho rằng, trai gái yêu nhau là duyên trời định. Nguyễn Du tránh cái thường tình ấy bằng câu:

Thoa này bắt được hư không,
Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về?

Qua đó người đọc không những biết thêm câu chuyện “Châu về Hợp Phố” mà tác giả còn muốn để cho Kim Trọng bày tỏ nỗi lòng của mình trước Kiều: tôi cũng học để làm quan, khi được làm quan tôi sẽ không như tên quan Thái thú tham lam, bạo tàn, mà tôi sẽ noi gương Mạnh Thường, một lòng vì dân, cho dân chúng tự do kiếm châu, sản xuất châu, thì châu từ quận Giao Chỉ mới trở về quận Hợp Phố quê nhà.

Ở một trường hợp khác, ta còn thấy kiến thức thực tế của cụ thật dồi dào. Đó là lúc diễn tả cảnh chia ly giữa người thân trong gia đình với Thúy Kiều, lúc nàng phải bán mình cho Mã Giám Sinh để chuộc cha. Cuộc chia ly này quả là một thảm kịch đau thương. Chúng ta hình dung nỗi lòng của người cha, người mẹ khi phải tiễn con đi về một xứ sở xa xăm, rồi đây sẽ “bặt vô âm tín”, hơn thế nữa lại biết chắc con mình – một thiếu nữ đẹp tuyệt vời, còn hết sức trong trắng, thơ ngây –  sắp phải gánh chịu nỗi khổ đau của kiếp vợ lẽ. Còn đứa con thì nghĩ rằng sẽ cầm chắc cái chết nơi xứ người, chẳng còn có dịp gặp lại cha mẹ và người thân, cho nên trước lúc đi Kiều đã nói lại với em gái của mình là Thúy Vân: “Trông ra ngọn cỏ lá cây /Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”. Trong “Kim Vân Kiều truyện”, tác giả đã phải dành gần trọn một chương để diễn tả cảnh đau thương này, nhưng Nguyễn Du chỉ cần một câu thơ:

Đau lòng kẻ ở người đi,
Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm

“Lệ rơi thấm đá” có giá trị cao hơn rất nhiều so với câu ví mà ta thường nghe “khóc như mưa”. Mưa không thể thấm vào đá được, trong cái tiếng khóc ấy, những giọt lệ ấy phải chứa đựng nỗi đau khôn cùng mới có thể làm cho đá mềm ra được để nước mắt thấm vào. Ở đây Nguyễn Du không những không bị mắc vào cái bẫy, bắt chước “mà còn thể hiện một bậc thầy về thủ thuật ví von trong thơ. Có lẽ cần nói thêm rằng “khóc như mưa”, người đọc nghe quá nhiều nên sẽ thấy nó trở nên bình thường. “Tơ chia rũ tằm” cho ta hình dung ra thể xác con người bị tâm trạng dày vò đến rã rời ra sao. Chắc hẳn để có được câu thơ này, đại thi hào đã phải biết rất rõ công việc nuôi tằm ở thôn quê.

Thơ không những làm giàu ngôn ngữ của các dân tộc, mà còn góp phần nâng cao đạo đức, lối sống nhân văn cho con người. Tuy nhiên, sang thế kỷ 20, càng về cuối, thơ càng được ít quan tâm. Vì vậy, vào năm 2000, UNESCO đã quyết định lấy ngày 21/3 hàng năm làm ngày Thơ thế giới (World Poetry Day). Kể từ đó đến nay, khắp nơi trên trái đất này đều có những hoạt động nhằm làm cho thơ ngày càng lan tỏa.

Nguyễn Cảnh Nhu