Tôi sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng miền Trung “gió Lào cát trắng”. Làng tôi nằm bên nhánh rẽ của con đường chiến lược trước cửa ngõ chiến trường Trị Thiên suốt 2 cuộc kháng chiến cứu nước. Những năm chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ, thỉnh thoảng lại có những đơn vị bộ đội hành quân “đi B” qua làng, thường là vào ban đêm. Nhưng từ cuối mùa xuân 1968, những cuộc hành quân như thế nhiều hơn và thường là vào ban ngày, vì sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đế quốc Mỹ buộc phải ngừng ném bom miền Bắc để ngồi vào bàn đàm phán ở Pa-ri.

Chao ôi, những chú bộ đội trẻ trung, rắn rỏi, quân phục mới tinh, ba lô nặng trĩu, gương mặt đẫm mồ hôi, rầm rập trên đường làng thật oai phong hùng dũng biết bao! Lũ trẻ chúng tôi lăng xăng chạy theo bước chân của các chú từ đầu làng đến cuối làng, rồi lại chạy ngược lên đầu làng để “hành quân” cùng các chú đến cuối làng một vòng nữa, rồi lại tiếp như thế vòng nữa, vòng nữa… Đứa nào được các chú cho mượn chiếc mũ cối có ngôi sao vàng chụp lên đầu đi một đoạn, hoặc được mang giúp các chú cái ruột tượng đựng gạo vắt ngang trên ba lô, là sung sướng hãnh diện lắm.

Vui nhất là những hôm làng trở thành “binh trạm dừng chân” cho bộ đội, có khi chỉ nửa ngày, có khi là một đêm, có khi là vài hôm… Mỗi khi như thế, bộ đội được chia về ở trong các nhà dân. Nhà rộng có khi chứa nguyên cả một tiểu đội. Trong rất nhiều những dịp “vui” như thế, vui nhất là chiều 30 Tết Kỷ Dậu năm 1969, làng tôi có một đơn vị bộ đội dừng chân trên đường hành quân vào chiến trường. Hồi đó bố tôi là cán bộ xã, thuộc diện “nhà có điều kiện” nên được bố trí Ban chỉ huy một đại đội về ở. Ban chỉ huy đại đội có chiếc đài bán dẫn, chỉ nhỉnh hơn chiếc bánh chưng, nhưng tiếng nghe rất rõ, không lẹt rẹt tắc tịt như đài mấy bác trong làng thường xuyên đói pin. Đêm ấy, cả nhà tôi đã thức cùng các chú bộ đội để đón giao thừa và nghe Bác Hồ chúc Tết, đọc thơ…

Tròn 55 năm đã trôi qua, trong tâm trí của cậu học trò lớp 5 là tôi ngày ấy, đến nay vẫn nhớ như in cái giây phút cả nhà cùng các chú bộ đội quây quần bên chiếc đài bán dẫn đặt trên chiếc bàn kê giữa gian chính, nín thở lắng nghe giọng nói trầm ấm của Bác Hồ cất lên: “Đồng bào và chiến sĩ yêu quý!”…

Mở đầu thư chúc Tết, Bác biểu dương những thắng lợi mà quân và dân cả nước đã giành được trong năm 1968; Người khẳng định đế quốc Mỹ nhất định sẽ thất bại hoàn toàn, kêu gọi quân và dân ta “thừa thắng xông lên”. Tiếp đó, Người thay mặt Nhân dân Việt Nam chúc mừng và cảm ơn các nước anh em, các nước bầu bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân Việt Nam… Cuối cùng, Bác gửi tới đồng bào chiến sĩ cả nước “mấy lời mừng xuân”:

          Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn! 

Bác Hồ vừa dứt lời, mọi người còn ngồi yên bởi quá bồi hồi xúc động, thì tiếng nhạc vang lên dạo đầu cho bài ca phổ nguyên văn bài thơ chúc Tết trên đây của Người. Đến nay, tôi còn nhớ rất rõ tác phẩm được điệp khúc 3 lần. Lần đầu và lần cuối là dàn đồng ca nam nữ, lần thứ hai là một giọng nam đơn ca. Điều đặc biệt là cả đồng ca, cả đơn ca, trong tiếng nhạc rộn ràng réo rắt hòa âm, nhưng ca từ vẫn rõ ràng từng lời từng chữ. Sau này tôi được biết tác giả phổ thơ là nhạc sĩ quân đội Huy Thục và tiết mục phát trong đêm giao thừa năm ấy là do các ca sĩ của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị trình bày cùng dàn nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Và tôi cũng hiểu được, sở dĩ bài hát dễ nghe, dễ nhớ, dễ thuộc… là vì nhạc sĩ đã hết sức bám sát tinh thần giản dị, rõ ràng, khúc chiết của bài thơ, kết hợp nhuần nhuyễn âm hưởng một số làn điệu chèo miền Bắc với chất ví giặm của dân ca Nghệ Tĩnh…

Xin được kể thêm rằng hồi đó cả làng tôi chỉ có 3 nhà có đài bán dẫn. Một nhà là Việt kiều ở Thái Lan hồi hương năm 1960, có chiếc đài hiệu Philips. Một nhà có người bà con ở nước ngoài gửi về cho chiếc đài hiệu National. Và một nhà là cán bộ hưu trí có chiếc đài Xiong Mao. Ba nhà ở ba xóm khác nhau, hằng tối chỉ mở đài một lúc cho bà con trong xóm đến nghe nhờ tin tức chiến thắng hoặc Sân khấu truyền thanh Kể chuyện cảnh giác tối thứ Bảy; còn bình thường thì chỉ vặn loa rất nhỏ đủ nghe nội bộ gia đình vì vừa hiếm pin vừa sợ tàu bay Mỹ không dám tập trung đông người. Bởi vậy, Tết Kỷ Dậu năm 1969 là lần đầu tiên nhà tôi “có đài”, là giao thừa đầu tiên cả nhà tôi được nghe Bác Hồ chúc Tết. Đặc biệt hơn nữa, đó là giao thừa cuối cùng Bác Hồ tại thế và đọc thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ. Một bài thơ được Bác viết bằng thể lục bát truyền thống quen thuộc, rất giản dị và mộc mạc. Chỉ với 6 câu thơ trong 3 cặp lục bát, nhưng nội dung vừa rất cụ thể lại hết sức khái quát, vừa mang tính tổng kết vừa định hướng chỉ đạo, vừa động viên khích lệ vừa như “mệnh lệnh” hành động. Thật vậy, với bố cục chặt chẽ và ngắn gọn, bài thơ vừa tổng kết được tình hình “Năm qua thắng lợi vẻ vang”; vừa dự báo cho tương lai “Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to”; vừa khẳng định lại mục đích chiến đấu “Vì độc lập, vì tự do” của dân tộc. Đồng thời, bài thơ cũng vạch ra mục tiêu kháng chiến trước mắt là “Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, cùng đó là lời kêu gọi như tiếng kèn đồng xung trận “Tiến lên chiến sĩ đồng bào” và cuối cùng là lời tiên tri như một sự khẳng định ngày toàn thắng “Bắc-Nam sum họp xuân nào vui hơn”!

Có thể nói, bài thơ chúc Tết xuân Kỷ Dậu năm 1969 là bản “Di chúc bằng thơ” của Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã thực hiện thắng lợi “bản Di chúc” đặc biệt ấy, tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên trong giai đoạn mới, để non sông đất nước ta có được tiềm lực và vị thế như hôm nay. Trong niềm vui lớn của đất nước, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, chúng tôi lại bồi hồi nhớ về đêm giao thừa năm Kỷ Dậu 1969 ở quê nhà…

Mai Nam Thắng