Tôi đọc Hà Nội quán xá phố phường và bị lôi cuốn ngay từ mục lục của nó. Có thể nói, Uông Triều đã chọn được những nét đặc sắc của Hà Nội, không phải chỉ từ góc nhìn cá nhân mà còn trên tổng thể, để quan sát và viết. Cách đặt tiêu đề cho mỗi đoản văn, theo tôi, có lẽ đã được chuẩn bị trong một kế hoạch dài hơi. 41 tản văn/đoản văn không phải bài nào cũng gọi tên đối tượng. Có những sự vật, địa danh cần thêm các tính từ/định ngữ để miêu tả nó, để thấy được ít nhiều góc nhìn của nhà văn hoặc là nét đặc sắc Hà Nội trong cảm nhận của người viết (Huyền sử làng Vạn Phúc, Bách Thảo – thiên đường tình yêu một thuở, Cầu Long Biên ai đã từng qua, Lạ miệng mì vằn thắn, Thanh nhẹ bún cá…), nhưng có những sự vật/địa danh chỉ cần gọi tên nó, không cần thêm một miêu tả nào bởi cái tên tự nó đã chứa đựng tất cả những nét riêng Hà Nội (Hàng Ngang, Hàng Đào; Chợ Đồng Xuân; Mã Mây…).

Bìa sách “Hà Nội quán xá phố phường, NXB Văn học, 2018

Mỗi tản văn trong Hà Nội quán xá phố phường đều mang một độ dài vừa phải: đủ dài để cung cấp, dung nạp những tri thức/hiểu biết về đối tượng cho người đọc; đủ ngắn để không có cảm giác dông dài, tản mạn dễ gặp phải ở những cây bút mới vào nghề. Là lựa chọn thức thời của người viết hay do khuôn khổ của mục “Sống ở Hà Nội” trên tờ An ninh thủ đô mà Uông Triều cộng tác có hạn? Có lẽ là cả hai. Dù thế nào, cách làm sách của Uông Triều cũng gợi nhớ về đời sống văn học và báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. Khi đó, vì giữ chân thư ký tòa soạn hay phụ trách chuyên mục trên các báo, nhiều nhà văn đã “chuyên canh” một thể loại/một chủ đề, về sau tập hợp thành những cuốn sách đi cùng năm tháng. Thạch Lam với Hà Nội băm sáu phố phường; Ngọc Giao với Một đêm vui, Phấn hương, Cô gái làng Sơn Hạ; Vũ Bằng với Lọ văn… là những trường hợp như vậy.

Tác giả Lê Tú Anh và nhà văn Uông Triều

Viết về cảnh vật, con phố, đặc sản nào của Hà Nội, tác giả Hà Nội quán xá phố phường cũng đều gọi ra được cái hồn cốt của nó, cái hồn cốt thấm đẫm văn hóa hơn ngàn năm tuổi đất kinh kỳ. Món bánh rán thì địa phương nào chả có, nhưng bánh rán Hà Nội qua tìm hiểu và giới thiệu của Uông Triều, quả thực đặc biệt. Cà phê ở đâu chả uống, nhưng uống kiểu Hà Nội thì đúng là riêng có bởi nó không chỉ là vị cà phê, là cách uống, mà quan trọng hơn là không gian ngồi thưởng thức, là những con người đặc biệt, gắn với những câu chuyện chỉ diễn ra ở đó – những quán cà phê kiểu Hà Nội. Cháo lòng là món ăn phổ biến ở nhiều nơi, nhưng chỉ có quán cháo lòng ở Ô Quan Chưởng mới có phong cách “chảnh”… Đôi khi, để thấy hết tính nhiều vẻ của một góc riêng Hà Nội, người viết phải ngắm nó nhiều lần, ở nhiều tư thế. Viết về cầu Long Biên, Uông Triều không chỉ quan sát cả buổi sáng sớm lẫn buổi chiều muộn, mà còn đặt nó trong chiều lịch đại để thấy được số phận lịch sử và sức sống mãnh liệt của nó – một chứng nhân của Hà Nội hào hùng. Viết về phố Phan Đình Phùng, người viết đã “nhiều lần đi dạo trên phố” và nhận ra chỉ những cây sấu ở đó thôi cũng nhiều vẻ lắm rồi: “Có những chỗ gốc cây giống như một vách thuyền, chỗ khác lại như một vòm hang đá, và có chỗ như một con bạch tuộc khổng lồ với rất nhiều tua vòi”[1]. Cũng đôi khi, để gọi ra được nét riêng Hà Nội, người viết phải tìm về cả những tri thức lịch sử, văn hóa đã hình thành từ hàng trăm năm, thậm chí cả ngàn năm trước. Hà Nội trong quan sát của Uông Triều là một thực thể được bao bọc trong nhiều lớp, nhiều tầng văn hóa, lịch sử, địa lí, phong tục… nên vừa cổ xưa, vừa tươi mới; vừa thâm trầm, vừa trẻ trung; vừa điềm tĩnh, vừa năng động…

Ảnh tư liệu về đền Quán Thánh được sử dụng trong sách “Hà Nội quán xá phố phường”

Song song với thủ pháp hồi cố, Uông Triều thường dùng bút pháp tả cận cảnh. Nhà văn nhiều khi như người đã/đang nhìn thấy cảnh ấy, người ấy và quay lại rồi phóng chiếu bằng một thứ ngôn ngữ chân xác, giản dị, đúng người đúng việc. Nhưng văn phong của Uông Triều không vì thế mà khô, mà nặng nề, khó đọc, ngược lại, nó nhẹ nhàng, hóm hỉnh như cách tác giả vẫn thể hiện hàng ngày. Giới thiệu về Hà Nội, nhà văn không chỉ muốn người đọc thấy được nét đặc sắc riêng có của đất và người Tràng An, mà còn như muốn xui khiến người ta nhanh chân tới đó, thưởng thức, chiêm nghiệm, đồng cảm, sẻ chia cùng người viết. Bởi thế, tính tương tác, đối thoại, mời gọi cũng dự phần làm nên sức hấp dẫn cho tản văn của Uông Triều.

Ảnh tư liệu phố Hàng Đường được sử dụng trong sách “Hà Nội quán xá phố phường”

Nhưng Hà Nội không chỉ mang vẻ thanh lịch, lãng mạn được kết tinh từ truyền thống văn hiến lâu đời, mà có cả cái hỗn tạp, sinh sôi, bộn bề của cuộc sống đương đại. Cũng như quá trình đô thị hóa đầu thế kỷ XX, Hà Nội đầu thế kỷ XXI vẫn là mảnh đất màu mỡ để người lao động từ các vùng nông thôn tìm kiếm cơ hội mưu sinh, hy vọng thay đổi cuộc đời. Uông Triều nhiều lần đi lại trên phố phường, quán xá, dùng tất cả các giác quan, cố gắng thu nhận cho hết những vẻ đẹp của nó, lắng nghe từ sâu thẳm những tiếng vọng ngàn xưa cũng như thấu cảm tận cùng những âm thanh hiện tại. Và điều đáng quý tôi nhận ra ở tản văn của Uông Triều là mối quan tâm, tình yêu thương nhà văn dành cho lớp người lao động chân tay cực nhọc, vất vả: “Tôi còn muốn kể thêm một quán cháo lòng nữa (…) Bởi quán phục vụ dân lao động nên chỉ độ chín giờ sáng đã hết hàng. Mấy anh công nhân ăn một bát bún hoặc một bát cháo lòng to tướng, uống thêm vài chén trà nóng là đi luôn ra công trường”[2].

Là dân nhập cư, lại là người đến sau trong đề tài Hà Nội, Uông Triều hẳn đã nhìn thấy trước những thử thách của mình. Nhưng nhà văn trẻ đủ thông minh để chọn một lối riêng. Ngoài những cách tiếp cận đã kể, Uông Triều còn tinh tế ghi dấu ấn cá nhân qua việc tiếp xúc với những người, những việc cụ thể, cùng thời. Hà Nội trong tản văn của Uông Triều ngoài “lớp sương mờ” văn hóa – lịch sử, còn gắn với những số phận cá biệt, với những đổi thay mang dấu ấn của thời này, lúc này. Rồi mai sau, đến lượt những người hôm nay thành “người muôn năm cũ”, tản văn của Uông Triều chính là nơi lưu giữ một thời Hà Nội. Bởi thế, dù đến sau, Uông Triều vẫn tìm được chỗ đứng, một chỗ đứng vững vàng, rộng rãi./.

Lê Tú Anh

[1] Uông Triều, Hà Nội quán xá phố phường, Nxb Văn học, Hà Nội, 2018, tr. 184.

[2] Uông Triều, Hà Nội quán xá phố phường, sđd, tr. 41-42.