Nhà quê nội Bác Hồ.

Những ngày giáp Tết, dù lượng khách về quê Bác có ít hơn thường ngày, nhưng anh chị em ở Khu Di tích Kim Liên vẫn vô cùng bận rộn. Khi chúng tôi về đây thì cả cơ quan đang chuẩn bị cho cho các công việc đón Tết.

Tết Quý Mão là cái Tết cuối cùng ông Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc Khu Di tích Kim Liên được cùng anh em sum vầy chộn rộn đón chờ thời khắc giao thừa, rồi cùng đi chúc Tết bà con ở làng Sen lúc bình minh năm mới. Chẳng còn nhiều thời gian nữa, sang năm 2023, ông đã nghỉ hưu rồi, đây là kỳ cuối cùng ông được cùng anh em trực Tết. Tết hay ngày lễ là dịp để các gia đình Việt được sum vầy, nhưng với nhân viên của Khu Di tích Kim Liên lại là những ngày bận rộn, làm việc bằng 200 phần trăm so với ngày thường. Với ông Chung và anh em nơi đây, nhiệm vụ này đã như một lẽ tất nhiên mà nếu bây giờ không làm ông thấy hụt hẫng, là lạ, vì hơn 30 năm gắn bó với Khu Di tích này, ông đều đã thực hiện như vậy. Bắt đầu từ ngày 28 cho đến 05 Tết toàn cơ quan sẽ chia thành 2 kíp trực đón khách, thuyết minh, bảo vệ. Ngày 30 đến 03 Tết, việc phục vụ được thực hiện thông tầm từ 7h sáng đến 18 giờ chiều để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách. Dịp này việc phòng chống cháy nổ và đảm bảo an ninh trật tự đòi hỏi yêu cầu cao hơn nên nhóm trực bảo vệ phải duy trì liên tục 24/24 giờ. Ông Chung chia sẻ: Chúng tôi là nam giới, thời gian trực có nhiều hơn chút đỉnh, nhưng chị em phụ nữ cũng bận lắm, vừa phải chu tất việc nhà nội, nhà ngoại, vừa phải lo việc cơ quan. Đâu chỉ dịp Tết mà suốt cả năm anh em ở đây cũng hiếm khi được nghỉ ngày Chủ nhật. Phụ nữ được ưu tiên hơn chút nên có vài ngày nghỉ trong tháng, còn lại hầu như chỉ bố trí nghỉ bù vào những thời điểm ít khách. Vậy nhưng, ông Chung cười: Vất vả song ai cũng gắn bó với công việc, với tập thể này, kể cả hai năm dịch Covid căng thẳng là thế, tiền lương cho các nhân viên hợp đồng gặp nhiều khó khăn nhưng cũng không ai bỏ việc. Tất cả mọi người cùng chia sẻ khó khăn, cùng gánh vác công việc. Chị Nguyễn Thị Huyền, người đã có trên 20 năm thuyết minh tại Khu Di tích Kim Liên cũng vững lòng khi nói về công việc của mình: “Chúng tôi thấy vui khi được làm việc tại quê Bác. Biết sắp xếp hài hòa việc nhà việc cơ quan thì mọi việc đều tốt đẹp cả. Nhiều khách muốn nghe thuyết minh để hiểu về quê hương, về Bác, có nghĩa là công việc của chúng tôi đã góp phần hữu ích cho cộng đồng.”

Chị Nguyễn Thị Huyền giới thiệu về thời niên thiếu của Bác cho các em học sinh Trường tiểu học Sơn Thành, Yên Thành..

Những ngày giáp Tết, dù lượng khách về quê Bác có ít hơn thường ngày, nhưng anh chị em ở Khu Di tích Kim Liên vẫn vô cùng bận rộn. Khi chúng tôi về đây thì cả cơ quan đang chuẩn bị cho cho các công việc đón Tết. Đoàn Thanh niên và công đoàn đảm nhận các nhiệm vụ tạo không khí bằng xây dựng các trực quan Tết xưa, Tết sum vầy với pano, áp phích, cờ, cây nêu và những đảo hoa, giỏ hoa tại 3 điểm di tích: Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, quê nội và quê ngoại của Bác và trên các con đường dẫn vào di tích cho du khách vừa tham quan vừa check in. Đây là một nét mới của Tết này nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan di tích và vui xuân của du khách. Việc tổng dọn vệ sinh toàn bộ cảnh quan cũng đã được lên kế hoạch cho toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động cơ quan cùng thực hiện để đảm bảo Tết đến, các khu vực, các điểm trong mỗi di tích đều thật sạch đẹp, làm sao cho du khách hài lòng nhất. Số chị em lo chuẩn bị lễ thắp hương, mâm cơm cúng đêm giao thừa và trong 3 ngày Tết tại nhà tưởng niệm Bác, mộ bà Hoàng Thị Loan, nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc cũng đang khẩn trương vào việc. Mỗi người mỗi việc, ai cũng tất bật trong không khí thật khẩn trương. Dù đang trò chuyện cùng tôi, nhưng chị Bùi Bích Đảm – Trưởng phòng Tuyên truyền đã phải mấy lần xin lỗi để nghe điện thoại chỉ đạo công việc. Chị cũng “khoe” một chút với tôi, rằng năm nay chị là người được cử ra Quảng Ninh nói chuyện chuyên đề về Bác, theo lời mời của đơn vị Hải quan Cẩm Phả. Từ một số cá nhân ở Hải quan Cẩm Phả về thăm quê Bác đã đề đạt cơ quan mời thuyết minh về giới thiệu trực tiếp để toàn thể viên chức Hải quan Cẩm Phả được hiểu thêm về Bác và quê hương Nghệ An. Chị Đảm đã dành khá nhiều tâm huyết cho bài nói chuyện để có thêm các tư liệu về Bác với Quảng Ninh giúp bài nói chuyện được phong phú và gần gũi hơn với mọi người ở đây. Kết quả thật tốt đẹp khi anh chị em Hải quan Cẩm Phả đã dành cho chị những lời khen ngợi và tình cảm nồng ấm.

Xuân này, Khu Di tích Kim Liên cũng thật vui khi báo công lên Bác, bởi có nhiều điều khởi sắc được làm nên từ nội lực của toàn thể anh em. Những tháng đầu năm khi dịch bệnh còn căng thẳng, bộ phận thuyết minh đã cố gắng hoàn thành lớp học tiếng Anh, tiếng Pháp được triển khai từ năm trước, gần đây lại mở thêm lớp học tiếng Lào. Nhờ đó, năm nay đơn vị đã phục vụ nhiều đoàn khách nước ngoài, nhất là các đoàn của nước bạn Lào bằng tiếng nói của chính họ. Có thể vẫn còn nhiều điều phải tiếp tục để hoàn thiện nhưng đây là một sự cố gắng rất lớn từ việc phát huy nội lực hướng tới phục vụ khách nước ngoài bằng tiếng của du khách, trong điều kiện nhiều năm nay chưa thu hút được người có trình độ ngoại ngữ chuyên sâu về làm thuyết minh. Cũng thời điểm dịch đang diễn biến phức tạp, đơn vị đã chủ động phối hợp với các cơ quan, trường học, địa phương như Trường Chính trị tỉnh để thuyết minh online về các di tích trên quê hương Bác Hồ. Trong năm qua, Khu di tích đã đón trên 1.210.000 lượt khách tham quan. Hoạt động truyền thông cũng được tăng cường trên các trang thông tin của Khu Di tích Kim Liên như trang thông tin điện tử, face “Thuyết minh quê Bác”, fapage “Động tranh non nước” thu hút gần 150 ngàn lượt truy cập. Từ các trang thông tin này, đông dảo Nhân dân khắp cả nước và ở nước ngoài đã cập nhật được các hoạt động của Khu Di tích Kim Liên, tìm hiểu được sâu hơn về quê hương, con người và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trung tâm dữ liệu di sản phi vật thể của Khu di tích được thành lập năm 2005, nhưng gần đây đã được bổ sung rất nhiều nhờ số hóa. Từ hai đợt triển khai đã số hóa trên 10.500 file ảnh, tài liệu, hiện vật và trên 3.000 tài liệu tham khảo tạo rất nhiều thuận lợi cho công tác lưu trữ và tuyên truyền. Tại nhà truyền thống, hiện nay du khách đã chủ động trực tiếp tìm hiểu thông tin mình mong muốn về Khu Di tích từ việc vào thực hành công nghệ màn hình chạm…

Một du khách ở Hà Tây về thăm quê Bác đã sử dụng màn hình chạm để tìm hiểu về quê hương và về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, nhà ở Hà Tây đã rất nhiều lần về thăm quê Bác, lần này đưa 5 người nhà tới tham quan, anh cho hay: tôi rất mừng vì hôm nay chúng tôi, dù không nghe thuyết minh cũng hiểu khá sâu những điều mình muốn biết về các di tích trên quê Bác bằng việc vào màn hình chạm tự chọn.

Anh Lâm Đình Hùng – Trưởng phòng Sưu tầm, kiểm kế và bảo quản của Khu Di tích cũng phấn khởi khi chia sẻ, năm nay chúng tôi đã tập trung làm được việc lớn, đó là hoàn thành 4 bộ triển lãm: Hồ Chí Minh với di sản văn hóa; chuyên đề Khắc sâu tình hữu nghị Việt Nam – Lào; Hồ Chí Minh – đep nhất tên Người; Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu Di tích còn hoàn thành bộ triển lãm “Những di tích và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam và trên thế giới” trưng bày dịp kỷ niệm 35 năm UNESCO vinh danh Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất (1985-2022). 5 bộ phim tư liệu online cũng kịp phát hành trên trang thông tin tổng hợp của Khu di tích. Một khối công việc lớn như vậy đã được những người con của Khu Di tích Kim Liên cần mẫn làm nên trong một năm đều xuất phát từ sự mong mỏi đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu tìm hiểu của Nhân dân Việt Nam và du khách quốc tế.

Vào một ngày của tháng cuối cùng năm 2022, tôi may mắn được gặp đoàn tham quan là các em học sinh Trường Tiểu học Sơn Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Các em đã thật hào hứng khi nghe thuyết minh. Bài thuyết minh cũng rất phù hợp với các em qua phương pháp đan xen giới thiệu và hỏi – đáp lặp lại nhiều lần để vừa nhấn mạnh vừa kiểm tra, giúp các em nắm chắc chắn các thông tin cần nhớ. Tôi khá bất ngờ từ phương pháp hỏi đáp này, khá nhiều em đã nhớ và nắm được những thông tin về quê ngoại của Bác mà các em vừa được tham quan trước đó. Thêm may mắn nữa, trước khi rời Khu Di tích Kim Liên, tôi được gặp đoàn của nhạc sỹ Nguyễn Cường, tác giả “Ly cafe Ban Mê” và những ca khúc nổi tiếng về Tây Nguyên cũng về thăm quê Bác. Tôi để ý, nhạc sỹ rất trầm lặng tham quan kỹ từng di tích, từng hiện vật. Rất nhiều lần, ông lặng lẽ lau nước mắt sau những lời thuyết minh đầy xúc động. Ông chia sẻ với giọng nghèn nghẹn khi dòng cảm xúc vẫn chưa lắng lại: Qua 3 cụm di tích, Mộ bà Hoàng Thị Loan, quê ngoại đến quê nội của Bác, tôi đã được nghe 3 cô hướng dẫn thuyết minh. Lời thuyết minh của các cô gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Đây thực sự là một chuyến về thăm quê Bác đầy ý nghĩa và sâu sắc đối với chính tôi.

Nhạc sỹ Nguyễn Cường nghe thuyết minh tại gian bêp nhà quê nội của Bác.

Những lời bộc bạch rất giản dị ấy là phần thưởng to lớn, là sự động viên vô cùng giá trị giúp các nhân viên Khu Di tích Kim Liên làm tốt hơn những công việc mà họ gắn bó, yêu quý.

Những hạt mưa xuân lất phất nhẹ rơi trên những mầm xanh và trên những đảo hoa khoe sắc khắp các điểm di tích làm lòng người man mác, lâng lâng. Hương xuân, sắc xuân đã căng tràn trên mọi cảnh vật. Tình xuân trong tâm hồn những con người đang từng ngày âm thầm phục vụ du khách ở Khu Di tích Kim Liên đã tiếp cho tôi dòng cảm xúc ngọt ngào và tươi mới. Tôi mường tượng, rồi sẽ có một ca khúc của nhạc sỹ Nguyễn Cường, có thể rất đậm chất Tây Nguyên về quê Bác và về những người con quê Bác chăng? Có thể lắm! Xuân luôn chất chứa hy vọng và những điều bất ngờ thú vị!

Đào Thúy Hoa

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 30, Xuân 2023)