Chẵn 80 năm về trước, đúng vào ngày 01/1/1942, chưa đầy một năm sau khi về nước: “Ôi, sáng Xuân nay Xuân 41/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về… Im lặng. Con chim hót/ Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ” (Tố Hữu), Bác Hồ đã có ngay bài thơ Xuân chúc Tết gửi đồng bào cả nước. Đó là bài đầu tiên, bài thứ nhất tạo nên một dòng thơ Xuân đầm ấm trong trao gửi những mục tiêu theo đuổi, những ước nguyện tốt lành giữa mọi tầng lớp nhân dân với vị lãnh tụ tối cao được xem là Cha già dân tộc. Kể từ 1942 cho đến 1969 là năm Người qua đời, Bác đã viết nhiều bài thơ Xuân.

Bài Mừng Xuân 1942 gồm 10 câu với 5 lời chúc:

Tháng ngày thấm thoắt chóng như thoi

Năm cũ qua rồi, chúc năm mới

Chúc phe xâm lược sớm diệt vong

Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi

Chúc đồng bào ta đoàn kết mau

Chúc Việt Minh ta càng tiến tới

Chúc toàn quốc ta trong năm nay

Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới

Năm nay là năm Tết vẻ vang

Cách mạng thành công khắp thế giới.

Năm lời chúc đặt Việt Nam còn trong bóng tối của chủ nghĩa thực dân vào bối cảnh thế giới trong cuộc chiến giữa phe xâm lược và phe dân chủ, với hình ảnh Cờ đỏ sao vàng – biểu tượng của dân tộc và với lòng tin cách mạng thành công trên khắp thế giới.

Đầu năm là thế. Còn giữa năm, đúng vào ngày 24 tháng 6, Bác có bài thơ chữ Hán đầu tiên sau khi về nước, cũng có nghĩa là bài thơ chữ Hán đầu tiên rồi sẽ mở ra một chùm thơ chữ Hán, không kể 135 bài trong Ngục trung nhật ký, trong sự nghiệp viết của mình kể từ Yêu sách của nhân dân An Nam (1919) và Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) bằng chữ Pháp; rồi Đường Kách mệnh (1927) bằng tiếng Việt – những văn bản ghi nhận, đánh dấu từng bước đi thần kỳ của cách mạng Việt Nam theo chân người con mang tên Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

Bài thơ 4 câu, 20 chữ:

Lục nguyệt nhị thập tứ

Thướng đáo thử sơn lai

Cử đầu hồng nhật cận

Đối ngạn nhất chi mai.

Bản dịch thơ của Tố Hữu:

Hai mươi tư tháng Sáu

Lên đỉnh núi này chơi

Ngẩng đầu mặt trời đỏ

Bên suối một nhành mai.

Bản dịch của Xuân Thủy:

Hăm tư tháng Sáu hôm nay

Trèo lên trên đỉnh núi này dạo chơi

Ngẩng lên đỏ chói mặt trời

Bên kia khe một nhành mai xanh rờn.

Bài thơ ghi nhận không phải là “khẩu khí” mà là cốt cách, phong độ của một người con vĩ đại của non sông Việt Nam trong cảnh quan đất nước – quê hương, với phía trên hoặc phía trước là mặt trời hồng, nó là mục tiêu, là lý tưởng đang rất gần cận; và phía bên hoặc gần cạnh là nhành mai, nó là sự sống tươi xanh, hằng thường của con người. Một tư thế ung dung tự tại như một hiền triết, một tiên ông, một nghệ sĩ cũng đồng thời là một chiến sĩ cách mạng, một lãnh tụ dân tộc trong hòa hợp, hòa đồng với ngoại cảnh, dẫu Tổ quốc vẫn còn trong tăm tối của chế độ thực dân.

Năm 1942, cùng với trên 10 bài trong chùm ba chục Bài ca Việt Minh đăng trên tờ Việt Nam độc lập của Mặt trận Việt Minh, như Ca tự vệ, Ca sợi chỉ, Nhóm lửa, Hòn đá… với câu chữ cực kỳ giản dị, dễ nhớ, dễ thuộc, nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia Việt Minh, làm cách mạng, cũng là năm Bác cho ấn hành lần đầu tiên thiên sử ca Lịch sử nước ta, dài 208 câu, với lời mở: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, kể lại theo trật tự thời gian, bắt đầu từ “Hồng Bàng là tổ nước ta/ Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang”… cho đến dòng cuối cùng “…Đến ngày khởi nghĩa Việt Minh bắt đầu” – năm 1941. Bài sử ca chỉ 208 câu mà không bỏ sót bất cứ sự kiện quan trọng nào của lịch sử, cùng với các ảnh minh họa của chính tác giả. Và ở mục cuối có tên Những năm quan trọng, như là một Phụ lục, ghi chi tiết 30 sự kiện gắn với 30 thời điểm của lịch sử Việt – với dòng đầu, đó là:

Hồng Bàng – trước lịch Tây – 2879 (?)

Và dòng cuối:

Việt Nam độc lập – 1945.

Một tiên đoán cực kỳ chính xác ở thời điểm 1942, khi tác giả cho ấn hành thiên sử ca. Và lịch sử đã chứng thực lời tiên đoán ấy đúng 3 năm sau, trong ngày Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945, cả đất nước rực rỡ một rừng cờ đỏ sao vàng, và tiếp đó ngày Quốc khánh 2 tháng 9 năm 1945, trên quảng trường Ba Đình lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bốn tháng sau, đầu năm 1946 – Bính Tuất, Bác có bài thơ Chúc Tết lần thứ hai, mở đầu nền dân chủ cộng hòa, với câu mở là một sự khẳng định: Tết này mới thực tết dân ta…

Tết này mới thực Tết dân ta

Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia[1]

Độc lập đầy vơi ba chén rượu

Tự do vàng đỏ một rừng hoa

Mọi nhà vui đón xuân dân chủ

Cả nước hoan nghênh phúc cộng hòa

Ta chúc ta rồi ta nhớ chúc

Những người chiến sĩ ở phương xa.

Có nghĩa là trước đó, ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp đã gây hấn chiếm lại Nam Bộ; con thuyền cách mạng còn phải vượt bao ghềnh thác với sự chèo chống của Hồ Chí Minh, để hơn một năm sau, vào ngày 19 tháng 12 năm 1946, cả dân tộc lại vang lên lời Hịch cứu nước: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”. Rồi tiếp đó, hơn 10 ngày sau – đúng Tết Dương lịch 1 tháng 1 năm 1947 – Đinh Hợi, chẵn 75 năm trước đây, cả dân tộc lại được lắng nghe bài Thơ Xuân Chúc Tết thứ ba của Bác Hồ mở đầu cuộc trường chinh chống hai đế quốc Pháp và Mỹ.

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng

Tiến lên chiến sĩ đồng bào

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông

Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi

Thống nhất độc lập nhất định thành công.

Cả bài thơ “phơi phới như buồm căng thẳng gió” – theo lời bình của Hoài Thanh – với hình ảnh Cờ đỏ sao vàng, và âm thanh tiếng kèn kháng chiến; với ba phương diện: toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến; và với mục tiêu thống nhấtđộc lập cho dân tộc Việt Nam. Đây là mục tiêu rồi sẽ được thực hiện trọn vẹn vào 30 tháng 4 năm 1975, ngót 6 năm sau ngày Bác qua đời và để lại Di chúc“Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”, cùng bài Thơ Xuân chúc Tết cuối cùng của Người vào 1-1-1969:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!

Với Bác, với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của Nhân dân Việt Nam: mục tiêu Độc lập, Tự do cho dân tộc và Thống nhất đất nước để cho Bắc Nam sum họp một nhà luôn luôn, lúc nào cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình cách mạng của Người, một hành trình trong một cuộc đời với “Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng/ Vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay” (Tố Hữu).

  1. Bài Chúc Tết này Bác viết theo lời mời của báo Quốc gia.                                             Phong Lê                                                                                                           (Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 20 tháng 1+2/2-22)