“Chúng tôi không phải là người Thổ. Chúng tôi cũng không biết văn hóa truyền thống của người Thổ là như thế nào cả. Chúng tôi là người Poọng. Vậy nên, xin anh đừng gọi chúng tôi là Thổ!”.

         Đó là lời nói vừa đanh thép, vừa da diết của một cụ già người Tày Poọng đã gần trăm tuổi, cụ Viêng Cả Phia ở bản Phồng, một bản tập trung nhiều người Tày Poọng nhất ở huyện Tương Dương, Nghệ An hiện nay, khi chúng tôi đi khảo sát về dân tộc học ở vùng này.

Từ lâu nay, khi nhắc đến dân tộc Thổ, người ta thường biết đến nhiều nhóm địa phương thuộc tộc người này. Và trong danh mục các dân tộc ở Việt Nam được công bố từ năm 1979 và đến nay vẫn được sử dụng chính thức thì Thổ là một dân tộc gồm nhiều nhóm địa phương như Tày Poọng, Đan Lai – Ly Hà, Kẹo, Mọn, Cuối, Họ, Kon Kha, Xá Lá Vàng… Cũng vì thế mà trở thành một mặc định trong nhận thức chung, Tày Poọng là người Thổ. Chẳng vì thế mà khi thực hiện các nghiên cứu liên quan đến dân tộc Thổ, người ta tiến hành đi khảo sát các nhóm địa phương thuộc dân tộc này, trong đó có Tày Poọng (sống chủ yếu ở huyện Tương Dương), Đan Lai (sống chủ yếu ở huyện Con Cuông) và các nhóm khác. Nhưng càng ngày, nhận thức đó càng thay đổi nhiều, nhất là trong bối cảnh mà dân trí và nhận thức của người dân không ngừng được nâng cao. Sự tự ý thức về tộc người trở nên rõ ràng hơn, cụ thể hơn, thì những hạn chế trong việc xác lập thành phần tộc người cũng dần được phơi bày ra và con người ta không ngừng tìm hiểu về chính nguồn cội của mình. Những ghi nhận từ thực địa sinh động đã tạo cho tôi những suy nghĩ đó.

Từ khi về làm việc ở Nghệ An, tôi đã quan tâm nhiều về các nhóm tộc người hay các nhóm địa phương ở vùng miền núi. Lần lượt tiến hành những cuộc đi điền dã vùng miền núi phía Tây khi có điều kiện. Có lúc đi dăm bảy ngày, có lúc lại đi vài tuần. Khi thì đến các cộng đồng dân tộc khá đông người như Thái, Khơ Mú, Mông, có lúc thì đến các nhóm có dân số ít hơn như Ơ Đu, Tày Poọng, Đan Lai,… Nếu như các tộc người khác tôi được đi lại nhiều lần với nhiều địa chỉ khác nhau thì nhóm Tày Poọng ở bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương lại tạo cho tôi nhiều cảm xúc đặc biệt dù mới chỉ hai lần lên đây điền dã. Đặc biệt là lần thứ nhất vào tháng 3/2019, khi tham gia một nghiên cứu về tri thức dân gian của dân tộc Thổ trong một đề tài nghiên cứu khoa học của tỉnh.

Sáng sớm đầu tháng 3, trời khá nắng nóng, là quãng thời gian khá thuận lợi để đi điền dã miền Tây Nghệ An. Bởi mùa Đông lên đây thì quá lạnh giá, còn mùa Hè thì quá nắng nóng, trong khi mùa Thu lại hay bị mưa lớn, sạt lở và lũ quét nên đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. Từ Vinh, tôi bắt xe khách lên thị trấn Hòa Bình, thủ phủ huyện Tương Dương (nay là thị trấn Thạch Giám), làm việc với chính quyền huyện để lấy tài liệu liên quan và các giấy tờ đi lại. Việc đi khảo sát thực địa ở các xã khác có phần dễ dàng hơn về thủ tục, nhưng đi vào vùng bản Phồng thuộc xã biên giới nên phức tạp hơn, tôi phải có đầy đủ các loại giấy tờ mới được chính quyền địa phương chấp nhận cho ở lại dài ngày. Xong việc thì chiều muộn nên tôi ngủ tại thị trấn một đêm. Sáng sớm hôm sau, tôi mượn xe máy của người quen để đi vào Tam Hợp.

Trước đây, quãng đường khoảng 30km từ thị trấn vào đến Ủy ban xã Tam Hợp đi lại khá khó khăn. Nhưng giờ đường đã được đổ nhựa và bê tông nên đi lại cũng dễ dàng. Từ Ủy ban xã, sau khi trao đổi với lãnh đạo, tôi được một cán bộ công an xã đưa vào bản Phồng gặp trưởng bản liên hệ làm việc. Từ xã, theo đường chính khá rộng, mới được đổ bê tông, thẳng qua trường học rồi men theo một bên núi và một bên suối là tới bản Phồng. Bản chỉ cách Ủy ban xã tầm hơn 4km nên chỉ mất khoảng 15 phút là đến nơi. Đoạn đường này khá quanh co, một bên là núi cao, một bên là bờ vực dốc xuống phía dưới nên những đoạn quá nguy hiểm người dân dùng những cây nứa kết lại thành một bờ rào vừa làm lan can để đảm bảo an toàn cho người đi đường, vừa tạo ra cảnh quan khá đẹp mắt, nhất là khi có những cây dây leo bám vào.

       Bản Phồng là bản của người Tày Poọng, cũng là trung tâm tập trung đông dân cư nhất của nhóm này. Là một bản khá mới, được thành lập từ giữa những năm 50 của thế kỷ trước. Theo những già làng ở đây kể lại, khoảng những năm 1955, những hộ gia đình người Tày Poọng đầu tiên đã di cư từ vùng Khe Thơi (khu vực xã Tam Quang, huyện Tương Dương) vào đây để tìm địa điểm lập bản và xây dựng cuộc sống mới do quê cũ đã hết đất canh tác nên cuộc sống khó khăn. Ban đầu có 7 hộ gia đình di cư, sau đó thêm 3 hộ, rồi thêm 3 hộ nữa. Khoảng thời gian di cư của các hộ này chỉ cách nhau mấy tháng đến một hai năm mà thôi. Thế nên có chuyện, bây giờ nói về lúc lập bản thì người nhớ là 7 gia đình, người nhớ 10 gia đình, có người lại bảo là 13 gia đình mới đúng. Các con số này đều không sai bởi những hộ gia đình di cư vào đây đầu tiên đều có vị thế và là điểm tựa quan trọng cho các hộ vào sau và lập thành bản như bây giờ. Hiện nay, bản Phồng có 157 hộ gia đình Tày Poọng với 690 nhân khẩu sinh sống bên cạnh các bản của người Thái, người Hmông.

Trưởng bản là anh Viêng Văn Liêm, nhà ngay gần đầu bản. Sau khi được cán bộ công an trao đổi lại ý kiến của lãnh đạo xã, anh Liêm hỏi tôi về nội dung làm việc. Với mục tiêu tìm hiểu về các tri thức dân gian của người Tày Poọng nên tôi muốn anh giúp tôi gặp được những người lớn tuổi trong bản để hỏi họ những chuyện mà mình quan tâm và nghe họ nói những gì họ biết, họ nghĩ. Anh Liêm đau chân không đi lại được nên bố trí anh Tuấn Anh, là phó bản dẫn tôi đến nhà những người cao tuổi trong bản.

Người đầu tiên tôi được dẫn đến là cụ Viêng Cả Phia, một già làng được mọi người trong bản kính trọng, và là một trong những người đầu tiên đến đây lập nên bản Phồng. Cụ Cả Phia gần trăm tuổi. Cụ cũng không nhớ rõ mình sinh năm bao nhiêu. Con cháu cụ cũng chỉ biết là cụ sinh khoảng 1923 hay 1924. Nghĩa là tuổi cụ lớn hơn tuổi bản Phồng khá nhiều. Cụ sinh ra ở vùng Khe Thơi, lúc nhỏ cùng gia đình di cư qua Lào. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, cụ lại về quê cũ ở Khe Thơi và lập gia đình. Sau đó cụ di cư vào bản Phồng mong tìm cuộc sống mới. Từng tham gia kháng chiến và tiếp xúc với nhiều cán bộ miền xuôi, nhưng trong một lần cháy lán cụ đã bị mất hết giấy tờ liên quan. Giờ trí nhớ của cụ đã kém nhiều nên nhiều việc không còn nhớ được rõ ràng. Khi gặp tôi, cụ đang ngồi một mình ở sân trước nhà, cạnh đường chính của bản, miệng đang ngậm một tẩu thuốc. Thân hình đen sạm, da nhăn lại, tóc cũng rụng đi nhiều, nhưng đôi mắt thì sáng quắc. Lúc còn trẻ, có lẽ cụ là một người vạm vỡ, khỏe mạnh như cây cổ thụ trong rừng già. Và trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, “cây cổ thụ” đó càng trở nên săn chắc, vững vàng hơn. Sau khi anh phó bản trao đổi với cụ một lúc bằng tiếng Tày Poọng, thì cụ quay qua hỏi tôi: “Giờ anh muốn hỏi tôi việc gì nào?”.

Bản Phồng.

Để rõ ngọn ngành câu chuyện, tôi cũng trình bày rõ là đang đi tìm hiểu về tri thức dân gian của dân tộc Thổ. Mà Tày Poọng là một nhóm địa phương quan trọng trong dân tộc Thổ nên tôi muốn hỏi chuyện cụ về vấn đề này. Vừa nghe vậy, cụ nói ngay những lời trăn trở mà tôi đã viết ngay đầu bài: “Chúng tôi không phải là người Thổ. Chúng tôi cũng không biết văn hóa truyền thống của người Thổ là như thế nào cả. Chúng tôi là người Poọng. Vậy nên, xin anh đừng gọi chúng tôi là Thổ!”. Câu nói của cụ già gần trăm tuổi này, dù nhẹ nhàng nhưng cũng chẳng khác nào gáo nước lạnh dội vào mặt tôi. Nhưng nghĩ lại cụ nói đúng. Cụ không biết gì về dân tộc Thổ. Với cụ, cái tên dân tộc Thổ là một cái gì đó xa lạ. Tôi hỏi cụ thế sao người ta lại xếp người Tày Poọng mình vào dân tộc Thổ? Cụ bảo “Cái đó anh phải đi hỏi chính quyền, hỏi lãnh đạo chứ người dân như chúng tôi sao biết được”. Cũng từ câu nói của cụ, tôi bắt đầu hỏi cụ về nguồn gốc, về văn hóa của người Tày Poọng qua những câu chuyện cuộc đời mà cụ biết. Theo như cụ Cả Phia biết thì việc người Tày Poọng di chuyển từ Việt Nam qua Lào và từ Lào qua Việt Nam trước đây khá phổ biến. Cụ không nhớ thế hệ trước là thế nào, nhưng từ khi cụ còn nhỏ đã theo cha mẹ qua Lào sinh sống một thời gian rồi mới quay về. Và trong cuộc đời mình, cụ cũng đi qua, đi lại nhiều lần. Hiện nay, người Tày Poọng ở hai nước vẫn giữ mối liên hệ với nhau, khi có điều kiện vẫn qua lại thăm hỏi.

         Những câu chuyện của cụ Cả Phia cũng mở đầu cho việc tìm hiểu sâu hơn về các nhóm địa phương trong dân tộc Thổ mà tôi quan tâm. Tôi gặp nhiều người cao tuổi trong bản Phồng, từ cụ Vy Văn Thành gần 90 tuổi, cụ Lương Thị Hoa, cụ Vi Thị Huệ, cụ Viêng Hồng Phê gần 80 tuổi, đến những cụ già ngoài 70 và ngoài 60 tuổi. Họ là những chứng nhân của lịch sử làng bản, và cũng là những con người được đắm mình trong văn hóa truyền thống của người Tày Poọng. Có một điểm chung là, họ không nhận mình là người Thổ, và họ cũng không biết gì nhiều về dân tộc Thổ. “Chúng tôi là người Poọng, không phải là người Thổ” là câu trả lời chung, ăn sâu vào tâm thức của họ. Và câu chuyện về người Tày Poọng – dân tộc Thổ cũng gợi cho tôi sự tò mò về vấn đề này. Thế nên, tôi đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu thêm về tộc danh dân tộc Thổ, về người Tày Poọng.

Trong “Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam” công bố năm 1979, thì tộc danh Thổ xuất hiện ở mã số dân tộc 24, là tộc danh chung của các nhóm như Đan Lai, Ly Hà, Tày Poọng, Kẹo, Mọn, Cuối, Họ, Con Kha, Xá Lá Vàng. Một điều đáng lưu ý nữa là cũng trong danh mục này, “Thổ” còn là tên gọi của một nhóm thuộc dân tộc Tày (mã số dân tộc 2), và cũng là tên một nhóm thuộc dân tộc Khơ-me (mã số dân tộc 5). Không chỉ riêng trường hợp người Thổ mà ở Việt Nam, việc xác định tộc danh và xếp nhiều nhóm cộng đồng vào một tộc người cũng xuất hiện ở nhiều trường hợp khác. Có thể kể đến như dân tộc Sán Chay ở vùng Đông Bắc là tộc danh chung của các nhóm Cao Lan – Sán Chỉ, Cao Lan, Mán Cao Lan, Hờn Bạn, Sán Chỉ (Sơn Tử) nhưng người Cao Lan và người Sán Chỉ cũng tự gọi họ là tộc người riêng chứ không phải người Sán Chay. Nhiều nhóm cộng đồng trong tộc người Bru – Vân Kiều cũng có tên gọi riêng và họ cũng không chấp nhận tên gọi chung này. Hay ở các dân tộc như Gié Triêng, Cơ Ho, Mnông, Xơ Đăng,… cũng có tình trạng tương tự khi mà nhiều nhóm địa phương chỉ công nhận tên tự gọi của họ mà không thích gọi bằng tộc danh chung. Như vậy, việc các nhóm địa phương trong một dân tộc theo danh mục hiện nay không nhận mình thuộc về dân tộc đó không chỉ có người Tày Poọng ở dân tộc Thổ mà còn xuất hiện ở nhiều nhóm khác. Vậy, tại sao lại xếp các nhóm này vào dân tộc Thổ?

Theo các tài liệu ghi lại thì cuối năm 1973, Viện Dân tộc học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo về xác định thành phần dân tộc ở Việt Nam. Nhưng trước đó, từ giữa những năm 1950, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu và thảo luận về vấn đề này rất nhiều trên các diễn đàn quan trọng. Và xác định thành phần dân tộc còn là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao cho ngành Dân tộc học. Vậy nên, từ đầu năm 1973, ở Nghệ An đã tổ chức hội nghị gặp gỡ đại diện các dân tộc thiểu số để thảo luận về vấn đề này. Dựa vào các tiêu chí về ngôn ngữ, đặc trưng văn hóa và đặc biệt là ý thức tự giác tộc người mà phân chia thành phần dân tộc. Và trong hội nghị đó, người ta đã thông qua các nhóm Tày Poọng, Đan Lai, Ly Hà, Kẹo, Cuối, Mọn… là nhóm địa phương thuộc dân tộc Thổ. Nó nghe ra giống như một cuộc biểu quyết vậy. Khi tìm hiểu về nguồn gốc nhóm Tày Poọng thì các nhà dân tộc học trước đây cũng lập luận rằng họ là nhóm địa phương có nguồn gốc từ nhiều nơi, trong đó chủ yếu là dân vùng Thanh Chương và xung quanh di cư ngược lên mà tạo thành. Tuy nhiên, những tư liệu hiện nay cho thấy người Tày Poọng còn sinh sống ở bên Lào khá nhiều. Ông Lương Thanh Hải, nguyên Trưởng ban Dân tộc Nghệ An cho biết khi ông đi công tác bên Lào đã ghi chép lại rõ rằng ở Lào hiện có hơn 15.000 người Tày Poọng sinh sống. Trong đó, ở tỉnh Xiêng Khoảng có khoảng hơn 8.000 người Tày Poọng và tỉnh Bolykhamxay năm 2016 có 8.675 người Tày Poọng. Người Tày Poọng ở Tương Dương hiện nay có nhiều nét văn hóa vẫn giống như bên Lào. Đặc biệt, họ rất coi trọng mối quan hệ thân thiết với nhau và nhiều người vẫn qua lại thăm hỏi nhau. Thực tế này cũng đặt ra thêm nghi vấn về việc, liệu người Tày Poọng chỉ có nguồn gốc ở Việt Nam như các nhà nghiên cứu trước đây đã nhấn mạnh hay không?

       Quay trở lại câu chuyện của người Tày Poọng ở bản Phồng, hơn một tuần sống cùng với họ đã cho tôi hiểu ra nhiều điều. Đặc biệt là những nghi vấn về mối quan hệ giữa các nhóm địa phương và tộc người càng thôi thúc tôi tìm hiểu thêm nhiều điều thú vị hơn. Họ không phải là người Thổ, và thực tế họ đúng. Họ là ai thì điều quan trọng là từ chính họ nhìn nhận thông qua tâm thức cũng như thực hành văn hóa. Gọi họ là dân tộc Tày Poọng hay nhóm Tày Poọng thuộc dân tộc Thổ, có lẽ cuộc sống của họ vẫn vậy. Có điều phân chia như vậy có thật sự cần thiết khi mà chính người Tày Poọng vẫn nói: “Chúng tôi là người Poọng, không phải người Thổ. Nên đừng gọi chúng tôi là Thổ”. Điều đó đáng được trân trọng.

Lệ Cơ

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 19 bản in giấy)