Tôi may mắn được cùng với một số anh em văn nghệ sĩ Nghệ An ra xem Triển lãm mỹ thuật Du & Dội tại Bảo tàng Hà Nội của hai họa sĩ Ngô Xuân Bính và Lê Văn Thìn (nhưng chủ yếu là của Ngô Xuân Bính) từ ngày 9/12/2017.

Có thể nói đây là lần đầu tiên tôi được chAứng kiến một cuộc triển lãm mỹ thuật cá nhân với quy mô đồ sộ, hoành tráng, mang tầm quốc tế; với trên 300 bức tranh sơn dầu, sơn mài, phấn màu, giấy dó, màu nước; cái lớn nhất trên 10m2; trang trí trong một không gian 2000m2 độc đáo, hấp dẫn cuốn hút cảm giác người xem. Tôi thấy cái gì cũng mới và lạ. Tên gọi cũng thật là trừu tượng, khó hiểu. Có lẽ DU là du ngoạn, du dương, du hành các nhịp điệu, cất cánh thăng hoa phát ra năng lượng mới. Còn DỘI là vang vọng, là dội, đọng lại tất cả những sự DU để lan tỏa muôn nơi. Triết lý DU & DỘI là sự kết hợp ăn ý giữa các nhịp điệu, đường nét, màu sắc, bố cục, chất liệu, nội dung để mang đến cảm xúc cho người xem. Tôi lần lượt xem hết tranh của Ngô Xuân Bính để một lần nữa tò mò, khám phá, cảm thụ các giá trị thẩm mỹ trong từng tác phẩm.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính.

Thú thật, lâu nay tôi không thích và cũng không hiểu lắm về tranh trừu tượng, vì nó khó xem, vừa huyễn hoặc vừa ngụy biện, nói tung hứng kiểu gì cũng được, không rõ đề tài và chủ đề,… Nhưng khi xem tranh của Ngô Xuân Bính, tôi được ngộ ra rằng, tranh trừu tượng nói được nhiều, đề cập được mọi vấn đề trong cuộc sống đời thường, trong tâm thức, tín ngưỡng, của mọi con người, cái mất cái còn, cái thấp hèn, cái cao cả, cái cô đơn đau khổ trăn trở và cái khát vọng vươn lên, đặc biệt là những cái hiện thực chưa nói được mà tranh trừu tượng cứ tự do thể hiện. Những tác phẩm như Ẩn dụ, Biểu cảm, Khất thực, Ảo giác, Phong cảnh, Tò le, Hóa thạch, Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ, Hoang dã, Ký ức, Hoang tưởng, Hoài niệm,… tác giả có khi thể hiện bằng sơn dầu, có khi bằng màu nước, giấy dó, đặc biệt ở đây chủ yếu bằng sơn mài. Mỗi chất liệu đều có một hiệu quả nghệ thuật khác nhau, gợi ra một xúc cảm mới. Càng xem đi xem lại tranh của Ngô Xuân Bính càng thấy được sự đột phá, khác lạ, không giống ai về bút pháp biểu hiện- trừu tượng.Tác giả đã chọn được cái tôi trong tư duy cảm xúc, đến cái ta trong mọi sự vật đấu tranh sinh tồn của cuộc sống để trút ra những năng lượng dồn nén.

Tác phẩm: Khất thực – chất liệu sơn dầu

      Ngô Xuân Bính giống như con tằm nhả tơ đúng lúc khi anh đã trang bị cho mình một hành trang khá đầy đủ về kiến thức đại học lý luận và sáng tác mỹ thuật (anh được phong tặng danh hiệu Giáo sư, Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Nga). Ngoài ra anh còn là một võ sư, nhà thơ, nhà nhiếp ảnh. Một con người đa tài, đứng ở lĩnh vực nào cũng có cái riêng độc đáo. Đến nay anh đã xuất bản được trên 20 đầu sách về y học, văn học nghệ thuật , thể thao, in ra hai thứ tiếng Nga- Việt và 5 cuộc triển lãm mỹ thuật cá nhân. Một con người đầy chí lực, sinh ra lớn lên ở thành phố Vinh, trưởng thành ở Hà Nội và phát triển tài năng ở Đông Âu. Suốt 30 năm ở Liên bang Nga, anh vẫn luôn nhớ về những câu hò- ví- giặm mộc mạc dễ thương để gửi gắm những ước mơ hoài bão, tôn lên trong mình một cốt cách, khí chất và năng lượng sống đam mê.

Tác phẩm: Biểu cảm, chất liệu sơn tổng hợp

    Tranh của Ngô Xuân Bính vừa khỏe mạnh chắc nịch như một võ sư, vừa duyên mềm như một nghệ sĩ, vừa sâu lắng cẩn trọng như một lương y trong từng đường nét chấm phá, màu sắc và bố cục. Có lẽ trong anh là sự nghịch lý phản biện và năng động sáng tạo của một cá nhân bởi những suy luận nhất quán- biết chấp nhận sự thật, tài định giá và phê bình lịch sử mang tính nhân bản. Cuộc chơi đắm chìm hội họa của Ngô Xuân Bính đã từng thử sức qua các trường phái nghệ thuật hiện thực, ấn tượng, lập thể… nhưng anh vẫn đam mê với trừu tượng, một trường phái mà có nhiều quan điểm khác nhau, nhận thức khác nhau trong quá trình phát triển của nền mỹ thuật thế giới.

       Cho tới nay người vẽ tranh cũng như khán giả hiểu biết và xem tranh trừu tượng cũng chưa nhiều. Vì tranh trừu tượng cũng mới xuất hiện từ thế kỷ 19, 20 sau sự ra đời của nhiếp ảnh.Tranh trừu tượng là loại tranh trong đó hình ảnh các vật thể như người, vật, cây cối, sông núi… bị loại ra. Nghĩa là thứ hội họa trong đó chỉ còn “hình” chứ không còn “tượng”và cũng không còn vết tích gì của vật thể từ thế giới của hiện thực khách quan nữa. Hay nói một cách dễ hiểu tranh trừu tượng là loại tranh mà trong đó hình ảnh các vật thể (người, vật, cảnh quan) bị loại bỏ, các nét vẽ, mảng màu, hình khối sẽ không mô phỏng những sự vật một cách rõ ràng như ta nhìn thấy. Nhưng như vậy cũng có nghĩa rằng hội họa trừu tượng tuyệt đối là tận cùng của hội họa, là cái chết của hội họa, đồng nghĩa với triết lý của Freud: “Mục đích của toàn bộ cuộc sống là cái chết”. Đó cũng chính là lý do mà nhà danh họa Picasso không công nhận hội họa trừu tượng. Bởi theo ông hễ còn hình khối, đường nét, màu sắc trong tranh tức là còn dấu vết của thế giới khách quan, hay nói cách khác là hễ còn “hình” thì còn “tượng”. Không thể rút hoàn toàn “tượng” ra khỏi “hình”. Vì thế ông vừa phủ nhận hội họa trừu tượng toàn phần, vừa mở ra một loại trừu tượng bán phần để cho người nghệ sĩ thả sức sáng tạo ra những giá trị tác phẩm. Họa sĩ Ngô Xuân Bính đã tiếp thu được lý thuyết này để gieo mầm cho bản năng sáng tạo của mình như một trải nghiệm, bứt phá. Theo anh, mọi quan điểm, khái niệm, định nghĩa đều có thể thay đổi như chính khái niệm về cái đẹp trong mỹ thuật, nên anh càng say sưa sáng tạo từ ý tưởng tác phẩm đến cách dùng chất liệu thể hiện. Cái gì anh cũng muốn thể nghiệm mới, lạ trên cơ sở nguyên tắc và truyền thống để phả ra hơi thở thời đại. Kỹ thuật vẽ sơn mài của anh cũng không tuân thủ theo bài bản, trường lớp.

Tác phẩm: Trâu thần – chất liệu phấn màu

      Anh vẽ như một sự phát tiết năng lượng thừa dồn nén lâu nay. Từ loại sơn dầu đến sơn công nghiệp anh có thể dùng hết, pha trộn lẫn nhau, chồng thành nhiều lớp làm cho màu óng mượt, có chỗ dùng máy sấy tóc thổi cho sơn chảy tràn cùng với nét bút cào xước làm cho chất ma-che nổi lên, tung tẩy, gây ấn tượng mạnh về màu sắc và hình vẽ. Anh đã biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa hội họa phương Tây và phương Đông để tạo ra một phong cách riêng. Tranh của anh còn chứa đựng yếu tố tôn giáo, tâm linh; và hỉ, nộ, ái, ố theo ngũ hành âm dương làm tăng thêm sự phong phú cảm giác trực quan .

   Sau cuộc triển lãm, chắc chắn có người khen, người chê, có người im lặng. Đó là bình thường. Còn tôi thì rất mừng và thán phục tài năng, sự đam mê và trí lực của anh. Nếu họa sĩ Ngô Xuân Bính có điều kiện giành thời gian nhiều hơn nữa để đầu tư cho một số tác phẩm giàu ý tưởng, có chiều sâu, tinh tế hơn trong cách thể hiện thì sẽ hiệu quả rất cao. Anh chững chạc bước vào thế giới phẳng, góp phần phát triển phong phú nền mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Tạ Tâm