Lần đầu tiên hồ Xanh sẽ là một trong bốn điểm được bắn pháo hoa đêm giao thừa.
Hai mươi chín Tết.
Tổ trưởng nhao nhác đi lại, mặt nghiêm cẩn, tay cầm cuốn vở học sinh cài chiếc bút, lâu lâu dừng lại ghếch một chân lên cột điện nghỉ tạm. Kê sổ lên đầu gối, rút bút, mắm môi hí hoáy viết, thiếu cái máy ảnh là thành nhà báo chuyên nghiệp. Cô lao thẳng xe vào Tổ trưởng, nhoẻn cười “Hế lô Tổ trưởng đẹp trai”. “Gì thế, anh đã nép vào đây, em còn húc là sao?”. Tổ trưởng hơn năm mươi, cao gầy, tóc dày, râu quai nón, hàm răng vàng xỉn ám thuốc, mặc đồng phục xanh nước biển của dân phòng. Đèn pin móc lủng lẳng bên hông.
“A, năm nay hồ Xanh nhà mình bắn pháo hoa đấy! Công sức của chi bộ và bọn anh đơn từ kiến nghị thành phố bao lâu, nay thành hiện thực nhé. Chuẩn bị mà xem. Cửa sổ nhà em là trung tâm đấy!”. Giọng Tổ trưởng phấn khích.
   Cô nhìn Tổ trưởng rạng rỡ hân hoan báo tin vui, nhấn mạnh chữ hồ Xanh nhà mình giống như nó là cái ao riêng của hai người. Thấy quý hơn sau câu khéo khoe công trạng, dù biết ông bốc phét. Làm gì có chuyện chi bộ hay dân phòng làm đơn xin thành phố bắn pháo hoa ở cái hồ Xanh nông choèn, quanh năm cá chết do nước thải từ trăm hộ dân vây quanh xả thẳng ra mỗi ngày, mà thành phố vác máy bắn pháo đến ngay.
  ***
Pháo hoa.
Không nhớ lần cuối cô ngửa mặt xem pháo hoa vào năm nào. Tuổi thơ lớn lên sau ngày giải phóng, pháo hoa là thứ xa xỉ. Sau này, cô thường ngồi ban công, nhìn từng đoàn người phi vun vút đầy niềm tin lên phố hồ Gươm xem pháo hoa. Đêm giao thừa, cái mà cô thích nhất, đấy là những tiếng cười vang vọng lúc nửa đêm.
Mới nghĩ đến thế, cô đã lên tới cửa. Đi thẳng giày vào nhà là thói quen từ ngày hay phải khiêng mẹ cấp cứu, tránh chuyện đã từng chân đất chạy vào viện. Băng qua hai căn phòng nhỏ sát nhau, cô mở cửa ban công. Hơi lạnh ùa vào. Không khí đang đặc do đóng cửa ba ngày loãng nhanh. Thơm mát mùi lá cây giập vỡ sau mưa. Ngẩng nhìn trời. Rồi nhìn quanh. Sống ở đây hơn hai mươi năm. Nhiều đêm rằm. Cô trải chiếu nằm trên nền ban công ngắm trăng tròn lạnh ngắt giữa màu xanh không gợn mây, rồi ngủ quên đến sáng hôm sau.
Pháo hoa sẽ bắn ở đây. Các khẩu súng sẽ đặt trong tấm thép gai mới được xếp quây lại góc kia. Nhòm sang mấy nhà hàng xóm, thấy những chậu hoa được xếp gọn lại. Mọi nhà cũng chuẩn bị xem pháo hoa đêm mai.
Quay vào nhà. Đi vòng quanh, không biết sẽ làm gì trước. Mọi sắp xếp bị đảo lộn, chỉ vì tối mai ở ban công nhà cô sẽ có pháo hoa.
Góc bếp, bát đĩa bẩn xếp chồng lên nhau. Người đi qua, đám dĩn bay lên xong lại đậu xuống, ăn húp béo mầm. Những lớp bụi mờ phủ lên mặt bàn, giá sách. Đứng một lúc. Nhìn khắp nhà như tạm biệt để đi xa, như định hình lại tất cả, xem nên bắt đầu từ đâu.
Mở ngăn kéo hộc bàn làm việc, lấy cái phong bì lồng phồng tiền, rút ra già nửa, cô quay đi.

  • Anh không yên tâm khi em đưa bác về
  • Nhưng…
  • Có chuyện gì sao?
    Nhìn thẳng bác sĩ Lâm thân như ruột thịt, mắt cô sáng lên. Vô thức nắm chặt khuỷu tay anh: “Mai ở hồ Xanh nhà em có bắn pháo hoa. Lâu lắm rồi, mẹ em chưa xem pháo hoa. Em mong anh tiêm thêm thuốc bổ, chuẩn bị bình ô-xy, các thứ khác nữa, em đưa mẹ về”.
    Lâm im lặng. Cả hai cùng quay vào nhìn về cái giường góc phòng dây nhằng nhịt, máy chạy tíu tít đèn báo xanh đỏ. Mẹ nằm lọt thỏm trên giường.
  • Thôi được. Đêm mai anh trực. Có vấn đề gì, báo anh gọi xe đón bà vào lại.
  • Em biết ngay là anh lo được mà.
  • Theo anh. Vào làm thủ tục xuất viện cho bà. Nhận thuốc luôn.
    Cô đi theo anh. Được mấy bước, một người chạy từ phòng cấp cứu ra, mặt xanh lét, lắp bắp “Bác sĩ. Bố tôi…”. Bác sĩ quay người đi nhanh vào phòng cấp cứu. Thấy anh đứng khom người loay hoay làm gì đó trên mặt ông cụ vào trước mẹ mấy ngày, cũng viêm phổi và tiểu đường. Rồi anh đứng thẳng người, vòng một cánh tay vỗ vỗ vào lưng người vừa báo tin. Và quay ra, đi nhanh ngang mặt cô, vào phòng trực.
    Cô đi thẳng ra sân.
    Mùa Đông.
    Mới chín giờ tối nhưng đường phố trước mặt vắng hoe hoắt. Bên đường đối diện cổng viện, các nhà vẫn mở cửa tổng vệ sinh đón năm mới. Nhà mang bàn ghế ra phun nước. Nhà gói bánh chưng. Nhà luộc bánh. Góc xa, tiếng gà bị cắt tiết kêu chóe lên trước khi tắt lịm. Tất cả như cuốn phim mờ ảo chạy chậm.
    Những con cú mèo sống lâu quanh khu nhà xác eng éc gào thét. Từ ngày chăm mẹ ở đây, ngày nào chúng chả la hét như thể có rất nhiều xác chết được đẩy ra.
    Sau lưng, vài tiếng sụt sịt to dần. Hai người đẩy chiếc xe cáng qua, ga trắng trùm dài. Một người đàn bà chạy theo sau, hai tay xách lủng củng làn, túi, vừa chạy vừa kêu khe khẽ: “Khổ quá. Khổ quá bố ơi. Sao không cố ở thêm với chúng con vài ngày. Mai giao thừa rồi. Khổ quá!”.
    Nhìn theo chiếc cáng chở ông cụ hàng xóm bệnh viện –  từ mẹ gọi ông cụ – khuất dần cuối con đường nhỏ và tối. Cô mở túi, lấy mấy tờ tiền lẻ, cúi đặt xuống chân gốc cây xà cừ già. Ngửa mặt nhìn trời, cô lẩm bẩm nói như thể linh hồn ông vẫn loanh quanh đâu đây: “Cháu chào ông hàng xóm bệnh viện. Ông ra đi siêu thoát. Cháu biếu ông tiền đi đường ạ”.
    Quay vào trong.
    Bên ngoài, cú mèo kêu thảm thiết.
    “Mai ban công nhà mình có bắn pháo hoa. Mẹ con mình sẽ xem pháo hoa”.
      ***
    Em tin mẹ em sẽ khá lên anh ạ
  • Thôi được. Em đưa bà về đi. Có gì gọi anh.
    Cô nắm khuỷu tay bác sĩ thay lời cảm ơn, rồi đẩy mẹ ra đường. Ngó nghiêng tìm taxi, chợt nhớ còn chiếc xe máy dựng góc bên kia cổng. “Phải gửi xe vào bãi thôi”, cô lẩm bẩm.
    Dáo mắt tìm xe, không thấy. “Mẹ ngồi yên đợi con mấy phút”. Cô tháo khăn quàng trùm thêm lên đầu mẹ. Mưa bụi lất phất rơi, rồi mau dần.
    Một người đàn ông dáng lồng cồng đang cúi cúi gần xe máy của cô như tìm kiếm vật gì rơi dưới đất. Cô reo to “Anh ơi!”. Người này quay phắt lại, đứng thẳng tắp rất nhanh. Hai mắt khá to lóe sáng trên khuôn mặt da ngăm đen ướt nước mưa. Anh cao lớn, mặc đồ bụi phủi, tiến lại gần cô, mặt khá hoảng hốt:
  • Cô gọi tôi?
  • Vâng. May quá. Phiền anh dắt giúp tôi cái xe kia vào gửi trong bãi xe được không ạ? Tôi phải đẩy mẹ tôi ra vẫy taxi bây giờ.
    Người đàn ông mặt nhẹ dần, thở mạnh, quay về phía có mấy cái xe, hỏi:
  • Xe của cô đâu để tôi gửi cho.
  • Cái màu đỏ mà anh vừa đứng cạnh đấy. Khóa xe đây. Anh giúp tôi nhé!
    Lại tiếng thở mạnh từ người đàn ông tầm bốn mươi tuổi. Anh ta quay đi, tới chiếc xe đỏ, mở khóa, và dắt vào bên trong bãi xe.
    Cô ngồi xuống. Thò tay qua lớp chăn mỏng trùm lên người mẹ. Như đợi có thế, mẹ nắm lấy tay cô, bóp nhẹ. Tín hiệu của bà, mỗi khi muốn nói điều gì. Ghé mặt gần mẹ, cô nghiêm giọng: “Mẹ phải cố lên đấy. Chống cự không uống thuốc, ăn cháo xong lử đi như vừa rồi, con quay xe vào trong kia ngay lập tức đấy. Sợ không”. Bàn tay mẹ bóp chặt hơn.
                                                                   ***
    Trả lại khóa xe máy, và phiếu gửi xe, người đàn ông nhìn quanh, rồi hỏi:
  • Cô và bà về bằng gì?
  • Nhà tôi ở khu hồ Xanh.
  • Tôi không biết. Xa đây không?
  • Cũng khá. Anh cũng chăm người ốm trong viện này?
  • Ừ. À không, người đàn ông buột miệng dứt khoát, xong hỏi lại luôn: “Tôi thấy bà khá mệt, sao không ở thêm cho khỏe hẳn hãy về?”
    Cô nhìn sang bên đường, chỉ tay “Anh không thấy Tết đang về sao?”, rồi cúi xuống nhìn mẹ, cười với bà khi thấy hai mắt bà mở to. Khuôn mặt tố cáo bà đang căng tai nghe chuyện của cô với người đàn ông lạ. Quay sang người đàn ông, mặt cô sáng bừng: “Mẹ tôi sẽ khỏe khi được về nhà. Chả ai thích nằm trong viện. Ngày mai, hồ Xanh nhà tôi có bắn pháo hoa.”. Người đàn ông nhìn đăm đăm vào mắt cô, khuôn mặt anh chùng xuống. Suốt từ lúc chạm mặt, giờ cô mới thấy anh hơi cười.
  • Vậy thì về nhà là đúng rồi. Tôi cũng thích pháo hoa mà chưa bao giờ được xem đấy”.
  • Tôi cũng chỉ xem vài lần, từ lâu rồi. Sau này, nhiều nơi bắn nhưng cứ sát giao thừa là tôi bận kinh khủng. Nhà có hai mẹ con, mẹ tôi không khỏe từ lâu rồi, không thể bỏ bà ở nhà một mình đêm giao thừa để đi xem pháo hoa một mình được. Thế nhà anh ở đâu? Hay mai sang nhà tôi xem pháo hoa đi. Nhà tôi có hai mẹ con thôi, lại ở tầng năm, đúng chỗ pháo hoa sẽ rơi vào cửa sổ đấy.
    Người đàn ông nhìn cô, đôi mắt vời vợi. Bên kia đường, hơi nước cuộn lên mang mùi thơm của bánh chưng khi hai thanh niên đang mở vung, đảo lại vị trí những chiếc bánh. Bên dưới, một cô gái đang cúi người bên bếp củi lửa cháy đỏ, đảo những củ khoai nướng, hai má đỏ ửng. Cô nhắm mắt hít sâu mùi thơm, thì thào:
  • Lâu lắm rồi, từ ngày mẹ ốm, tôi thì đoảng, nhà tôi không gói và luộc bánh. Thực ra, cảm giác chuẩn bị gói rồi luộc luôn thích nhất. Ăn chỉ là phụ thôi.
    -Tôi thì thích lúc chuẩn bị, gói rồi luộc, sau đấy ăn. Ăn bao nhiêu cũng không chán.
  • Đàn ông mà. Anh lại cao thế này, lo gì béo. Sướng nhỉ. Tôi mà cao lên mười lăm phân nữa, chả kiêng ăn luôn. Bị lùn, lên một cân là càng lùn.
    Sau này, nhớ lại. Cô luôn đỏ tai không hiểu tại sao mình vốn là người dè dặt trước các mối quan hệ giao tiếp hàng ngày mà có thể huyên thuyên đủ chuyện với một người lạ mới quen khoảng hai mươi phút. Họ cứ đứng dưới mái hiên, đằng sau là bà mẹ tùm hum trong đống chăn. Mưa phùn bay mù mịt lẫn với khói giống như họ đang đứng ở Sa Pa. Vài chiếc taxi từ xa tới. Người đàn ông chạy theo vẫy nhưng toàn có khách, phóng vụt qua, rất vội.
    Mãi không có xe.
    Cô quay sang người đàn ông, thở dài:
  • Sắp Tết mà, ai cũng bận.
  • Ừm, ai cũng chạy để làm nốt những việc của năm cũ.
  • À, anh tên là gì? Tôi tên Mây.
    Người đàn ông quay nhìn sang nhà luộc bánh chưng bên kia đường, vẻ như không nghe thấy cô hỏi. Một thoáng, quay lại nhìn cô, hơi cười: “Mây cứ gọi tôi là Anh”. Mây gật gù, cười “Anh thực ra vừa là người hơn tuổi, vừa là tên. OK. Cảm ơn anh Anh”.”Không. Chỉ cần nói: cảm ơn Anh là đủ rồi”. Cả hai người đều cười. Mặt họ ướt đẫm nước mưa.
  • Cô để tôi gọi xe. Giờ này phải đi lên ngã tư kia mới nhiều. Ta đứng đây nãy giờ có gọi được cái nào đâu.
  • May quá, gặp được anh đúng lúc này…. Không đợi nghe hết câu cảm thán nhưng chân thành của cô, Anh bước nhanh về phía ngã tư, mất hút rồi quay lại rất nhanh.
    Đưa mẹ vào taxi, cô hỏi Anh có phải quay lại bệnh viện không. Anh hỏi lại “Có thì sao mà không thì sao?” Mây hơi sững, rồi nói: “Tôi hỏi thế vì nếu anh không phải quay lại viện, có thể đưa mẹ về giúp tôi. Mẹ con tôi ở tầng năm. Tôi không thể đưa mẹ lên được. Anh sẽ ngồi xe với mẹ tôi, tôi lại lấy xe máy đi theo xe”.
  • Nếu không có tôi, ai sẽ đưa bà lên tầng năm?, mặt Anh lo âu.
  • Gần nhà tôi có bác Tổ trưởng dân phố. Tôi sẽ nhờ bác ấy. Nhưng tầm giờ này, nhất là cận Tết, bác ấy đi tuần suốt đêm, không biết tìm ở đâu.
  • Thôi được rồi, tôi đưa bà về. Cô đi lấy xe, phóng trước, taxi theo sau. Không đợi cô trả lời, anh quay sang nói với lái xe: “Mở cốp lên, cất đồ giúp anh”. Quay sang cô “Tôi sẽ đưa bà vào xe”.
  • May quá. Cảm ơn anh Anh!
  • Gọi tôi là Anh thôi.
  • Vâng, anh!
                                                                           ***
Mịnh họa: Nguyễn Minh Châu

Mọi chuyện tự nhiên trôi qua, như họ ở chung một nhà từ lâu. Taxi đỗ trước cầu thang, anh đã bế cả đống chăn có mẹ cô trong đó, đi thẳng lên tầng năm, trong bóng tối của cầu thang với những bậc khá cao.
Anh nhìn quanh sau khi bước vào nhà, rồi đặt bà xuống giường. Mẹ Mây thức, mặt giãn ra, hồng dần lên. Thấy rõ bà hài lòng khi được về nhà và nằm lên giường của mình thay vì nằm giường bệnh viện. Mây xách lỉnh kỉnh những làn, cặp lồng vào và bắt đầu dọn dẹp.
– Nhà có mỳ gói, tôi đói quá. Anh ăn mỳ với tôi nhé!”
Anh gật, “Bác sĩ nói cần làm gì cho bà, để tôi làm?”
– Ăn xong, tôi sẽ thay quần áo cho mẹ. Về đến nhà là khỏe ngay.
Anh nhìn quanh nhà, lẩm bẩm,“Nhà này phải dọn nhiều. Mai đã Ba mươi”
– Vâng. Tại tôi toàn ở viện, chưa động gì đến lau chùi, kê dọn. Cũng chưa mua sắm gì đón Tết nữa. Ôi chao, còn bao nhiêu việc, mà chỉ có một ngày mai…!
Trong lúc họ ăn mỳ, mẹ Mây lén nhìn Anh. Khuôn mặt bà tỉnh táo, khác hẳn trước đấy vài tiếng.
Anh bị cuốn theo đời sống của mẹ con cô. Qua những câu chuyện về đồ vật hỏng trong nhà, thấy rõ không có bàn tay người đàn ông từ sau ngày bố Mây mất vì ung thư khi cô hai mươi tuổi. Mẹ Mây thích mua sắm nên nhà giống cái kho chứa đồ. Đêm xuống. Mây thay quần áo cho mẹ rồi đóng cửa phòng riêng khi bà ngủ, hai người quay ra dọn nhà. Mới mấy tiếng quen nhau mà như thân từ lâu do quá nhiều việc phải làm, không có chỗ cho những khoảng trống giao đãi. Mây nói:
– Khuya quá. Ngoài kia đang mưa to, anh cần về viện chăm người nhà không?
– Tối nay không cần, Anh lắc đầu.
– Vậy anh ngủ ở phòng khách, sáng mai đi sớm.
Anh không nhìn Mây, gật đầu.
Ngày cuối cùng của năm.
– Nhờ anh mà mẹ con tôi đón Tết tươm tất.
– Bây giờ cần gì, tôi mua giúp rồi đi. Anh nói.
Nếu trước đấy hai ngày, cô nghĩ sẽ đón Tết trong viện với mẹ, chưa chắc làm nổi mâm cơm cúng bố đêm giao thừa thì bây giờ, cô đã có tất cả, như những tết xưa. Mây ghi những thứ cần mua ra mặt sau tờ lịch nhỏ. Không đủ. Thêm tờ nữa. Bé nhất là nắm lá mùi đun tắm cuối năm thành quen từ ngày bé. To như cành đào, chai rượu, con gà cúng, mâm ngũ quả.
– Anh đã đi thì mua luôn những thứ này nhé!
– OK, cô viết hết ra, đừng quên cái gì, tôi cứ nhìn giấy mà.
Mây chìa hai tờ lịch cũ kín chữ mặt sau cùng phong bì tiền, Anh hỏi đường đến chợ.
Trong lúc đợi bà bán gà thịt con gà trống buộc cánh tiên để cúng, Anh đứng chơi với ông bán đồ chơi trẻ con rồi quyết định mua một con chim họa mi nhựa. Lắp hai cục pin con, chim gật gù hót như tiếng họa mi thật. Sau mấy tiếng lượn khắp phố phường Hà Nội sáng Ba mươi Tết, anh cũng có đủ những thứ Mây cần. Lần đầu tiên Mây thấy Anh cười khi đứng ở cửa, với những túi đồ lớn trên tay. Cành đào kẹp ở nách. Mẹ Mây đang ngồi ở ghế, thấy Anh vào, nhìn không chớp mắt. Chỉ có Mây biết cách nhìn của bà là kiểu “chụp ảnh” riêng, nhằm lưu dấu lại người bà cần quan tâm. Anh chào, và đưa con họa mi chạy pin vào tay bà “Cháu thấy con này hót giống họa mi thật, tặng cô cho vui”. Mẹ Mây nhìn con chim, rồi nói chậm chậm “Nó ăn gì?”, “Nó ăn pin cô ạ”. Anh lại cười, để họa mi lên cái bàn gần đấy, bật công tắc phía sau. Họa mi nhảy và hót vang nhà. “Vì cháu đã nuôi họa mi, nên hiểu loại này. Nuôi chim thật thì hay hơn nhưng nhà mình không có thời gian chăm”. Mẹ Mây nhìn con chim không ngừng nhảy nhót hót vang, mắt sáng lên. Khuôn mặt sinh động dần, nhìn Anh, bà cười: “Cảm ơn cậu. Tôi không biết có họa mi giả lại hót hay thế”.
Mây và Anh quần quật cắm đào, bày mâm ngũ quả, trộn gấc vào gạo nếp đồ xôi, đun nước cây mùi tắm. Sẩm tối, mâm cơm cúng được bày lên bàn thờ, hương trầm thơm ấm áp căn nhà bao năm lạnh.
“Xong!” Mây reo lên, hai má hồng rực. Anh cười, ngồi vặn lại những tai cầm ở cái tủ sách. Một bóng đèn già nhấp nháy chuẩn bị tắt. Vớ chìa khóa xe của Mây, Anh nói:
– Mua nhanh không chiều Ba mươi người bán nghỉ sớm. Năm mới mà bóng đèn chết là đen lắm.
– Vâng. Anh mua giúp tôi mấy cái, thay hết luôn. Chúng nó già như nhau, thay được rồi.
Anh ôm mấy cái bóng đèn dài về rồi trèo lên thay từng cái, nhà Mây bừng sáng. Khi Anh gom rác và bóng đèn cũ để cô mang đi vứt, Mây đứng cạnh, ngập ngừng: “Tối nay Anh có phải vào viện không?”
Anh thở mạnh, lắc đầu.
– Anh ở đây xem pháo hoa nhé! Anh nhìn Mây, gật đầu.
Mười giờ.
Họ ngồi quanh mâm cơm tất niên. Ba ly vang đỏ sóng sánh. Trong hương trầm ấm áp, làn hương thơm của cây mùi đun lâu trên bếp lan tỏa, mọi vất vả của một ngày bận rộn tan biến. Mây cầm ly rượu giúp mẹ, và ba cái ly chạm nhau kêu keng keng. Mây cười “Thật là may, khi mẹ con mình được ngồi uống rượu đón giao thừa thế này. Con chúc mẹ sang năm mới, mọi hạn xấu chôn theo năm cũ. Từ mai, đồng chí Nguyệt sẽ khỏe như lực sĩ. Em cảm ơn Anh. Anh giống như sứ giả của tình thương hiện ra giúp mẹ con em đúng lúc cần nhất. Chúc anh mọi sự tốt lành. Keng lần nữa nào!”
Bà Nguyệt nhìn con gái cười. Quay sang Anh, bà nói: “Anh uống rượu chắc giỏi, trông anh khỏe thế kia mà”. Anh lắc đầu “Cháu không uống được cô ạ”.
Còn năm phút là giao thừa.
Cơm rượu xong. Mây kéo chậu hoa giấy gọn vào một góc ban công, để trống một khoảng rộng vừa ghế cho mẹ ngồi.
Đúng mười hai giờ.
Ban đầu là lục bục bắn thử. Từng quả đơn lẻ gầy guộc phóng vút lên rồi tắt ngúm, để lại quầng khói khi vàng khi tím. Sau vài phát thử là bắn thật. Tiếng nổ liên tục vang lên. Bầu trời chói lòa ánh sáng muôn màu. Những bông hoa nở bùng rồi rơi như sao sa, gần đến mức cảm giác như thò tay ra là có thể nắm được từng bông. Khói pháo theo gió tràn vào ban công đem theo mùi Tết không thể trộn lẫn.

Minh họa: Sưu tầm

                                                                 ***
Loanh quanh.
Mấy ngày Tết êm đềm của cả hai mẹ con trôi qua. Bà Nguyệt như hồi sinh. Ý thức được trong nhà có người đàn ông, bà lôi quần áo đẹp ra mặc dù chỉ ngồi trên ghế và lâu lâu tập đi mấy bước chống liệt. Chai nước hoa phủ bụi giờ lôi ra xịt lên mái tóc thưa được gội sạch. Người bà toát lên mùi thơm của sự sống, khác hẳn tuần trước và nhiều năm qua, là luôn khai và hôi do không tắm gội và tiểu bậy ra quần. Khi Mây bận, bà ngoan ngoãn ăn cháo do Anh xúc.
Mây không biết thêm gì về Anh, ngoài việc sáng anh đi làm đến chiều. Tối quay lại nhà cô, ngủ ngoài phòng khách, do cô đề nghị “Mẹ tôi không biết khỏe thế này được bao lâu. Chả may đêm lại khó thở phải cấp cứu, một mình tôi không biết làm thế nào. Anh ở đây giúp tôi thêm mấy hôm, qua Tết hẳn hãy đi”.
Bà Nguyệt là người dí dỏm, hay nói những câu nhiều nghĩa. Mây quá quen với kiểu nửa đùa nửa thật của mẹ, nhưng Anh thì chưa, nên nhiều câu trả lời khiến bà nghi ngờ. Luôn nghĩ ra những câu hỏi, và bằng mọi cách tìm câu trả lời là khoái cảm của bà từ trẻ. Nhiều lần bà tiếc nuối “Mẹ đáng nhẽ làm thám tử mới đúng vì nhìn đâu cũng thấy những bí mật cần khám phá”. “Với trình độ của mẹ, làm cảnh sát hình sự mới đúng. Nếu vào ngành sớm, giờ chắc mẹ lên tướng cũng nên”, Mây chọc lại.
Hàng ngày. Bà Nguyệt diện như sắp đi chơi nhưng chỉ ngồi ở cái ghế chính giữa nhà, vừa ngắm được trời bên ngoài lại trông được cửa ra vào.
Hôm nay. Tổ trưởng lên chơi, tranh thủ báo cáo tình hình an ninh trật tự khu phố.Tôi nhờ anh một việc.
– Chị nói đi, Tổ trưởng nhiệt tình sau khi uống hết hai lon bia Hà Nội xin lộc trên bàn thờ.
– Từ hôm tôi ở viện về, có cậu Anh đến giúp đỡ. Cậu này cũng trông người ốm trong viện. May mà gặp nó, không thì mẹ con tôi mất Tết.
= Công nhận. Thời buổi này tìm được người tốt, nhiệt tình thế hiếm lắm. Tổ trưởng trèo lên ghế. Nghiêm cẩn vái ba vái, xin bao thuốc thắp hương. Ngồi xuống, châm một điếu, hút hơi dài, mãn nguyện.
– Anh giúp tôi tìm hiểu xem cậu này nhà cửa thế nào. Tôi giờ như người liệt, bất lực rồi. Ngày trẻ, tôi có kinh nghiệm chuyện này nên đi đâu tìm hiểu về những đứa thích con Mây nhanh lắm. Cứ gặp mấy bà bán nước là ra hết. Anh làm sao để nhà cậu Anh không nghi ngờ. Cậu Anh cũng không biết chuyện tôi bàn với anh. Phiền lắm. Mấy lần trước, tôi phát hiện ra những thằng theo đuổi con Mây, cấm không cho quan hệ. Chúng nó mách với con Mây, nó giận tôi mãi.
Mặt Tổ trưởng căng thẳng. Chuyện này quan trọng đây. Cần lên kế hoạch chi tiết, cụ thể. Rít sang điếu thứ ba, khói mù mịt góc phòng, Tổ trưởng nghiêm trang:
– Em thấy mặt mũi cậu Anh không có vẻ lừa đảo. Cái Mây rõ là thích cậu ta. Mây cũng cứng. Băm rồi. Nếu chúng nó thương nhau, chị gả đi. Loanh quanh, Mây sang bốn mươi là ế chị ạ!
–  Thì tôi thấy chúng quấn nhau nên mới nhờ anh tìm hiểu. Được người tử tế, con nhà đàng hoàng, tôi đồng ý chứ. Những đứa trước toàn thành phần phức tạp, không cùng đẳng cấp với nhà tôi, sao chấp nhận được.
Tổ trưởng từ lúc nghe bà Nguyệt nhờ, mặt thoắt già. Với người hoạt động tay chân nhiệt tình có thừa như Tổ trưởng không mấy khi phải nghĩ ngợi nhiều. Khả năng rình mò, theo dõi đời sống cư dân hay đi tuần trong bóng đêm luôn mang đến những khoái cảm cho Tổ trưởng từ ngày về hưu. Giờ nhận việc điều tra về một con người, Tổ trưởng thấy tự phục mình giỏi. Có giỏi mới được một người trình độ cao nhất, khó tính nhất khu hồ Xanh này nhờ việc trọng đại chứ!
– Chị có địa chỉ nhà cậu Anh không? Cậu ta đang làm gì, ở đâu? Đã vợ con chưa?
– Tôi không biết. Nhiều lần tôi gợi ý về bố mẹ, công việc, nhưng nó lảng đi rất nhanh, Bà Nguyệt nhìn Tổ trưởng, mặt tuyệt vọng.
Mặt Tổ trưởng hiện vẻ thất thần. Những gì mới lạ, cần suy nghĩ nhiều luôn khiến Tổ trưởng hoảng hốt một lúc.
– Thôi chết. Cậu ta ra vào nhà mình cả chục ngày, từ Hai chín Tết đến giờ. Chúng nó bàn với nhau giấu chị rồi. Do những lần trước, cái Mây cứ yêu ai là chị đến nhà người ta họp hành góp ý cấm đoán. Giờ nó giấu để chị không phá được.
– Bà Nguyệt nghiêm mặt, “Sao anh nói tôi phá nó? Những đứa đấy không xứng đáng làm con rể tôi. May mà tôi can thiệp đúng thời điểm. Nếu có lấy nhau, giờ này cũng ly dị. Mang tiếng một đời chồng, ai dám lấy nữa. Tôi thấy, có vẻ con Mây không biết gì về cậu Anh. Thỉnh thoảng nó hỏi cậu Anh những câu chứng tỏ cũng mờ mịt như tôi thôi.”
– Ca này khó đây…
– Tối nay, em sẽ nhân danh Tổ trưởng, lên nhà chị. Coi như chúng ta không bàn nhau trước. Em yêu cầu cậu Anh khai tạm trú tạm vắng. Từ lời khai ấy, em sẽ lần theo dấu vết để điều tra.
– Tổ trưởng nghe chăm chú, đầu gật lia lịa, “Vâng. Em sẽ làm theo chị!”
Nhét bao thuốc lộc hút dở vào túi áo đại cán, cầm cái đèn pin nãy giờ để mặt bàn và cuốn sổ có găm cái bút bi. Vì hay quên những chuyện quan trọng, Tổ trưởng hí hoáy viết vào cuốn vở học sinh be bét những ghi chú “18 giờ ngày 3/2 dương lịch, tức 9 Tết, lên nhà chị Nguyệt làm việc về tạm trú tạm vắng. Việc khẩn.” và ngay ngắn ký tên. Trong lúc viết ghi nhớ, môi Tổ trưởng trề ra căng thẳng. Bà Nguyệt quay mặt nhìn chậu hoa giấy đang lên những chồi xanh non, giấu khuôn mặt khinh bỉ và nụ cười nhạt.
                                                                          ***
Không hiểu vì lý do gì, tối hôm ấy, Anh về muộn. Tổ trưởng đúng tám giờ ba mươi mang tờ khai lên đợi đến mười giờ thì phải đi chứng kiến công an phường lập biên bản vụ hai vợ chồng đánh ghen đẩy nhau rơi xuống hồ ở đầu đường. Để lại tờ giấy, Tổ trưởng nhìn bà Nguyệt đầy ám hiệu về sự thất bại so với kế hoạch đã định. Nửa đêm. Anh về đúng lúc bà Nguyệt sốt. Đến gần sáng, bà mê man rũ mềm như ốm giả vờ. Mây đo nhiệt độ cho mẹ xong, ghé mặt sát mũi bà nghe hơi thở, ngẩng lên nói:
Mẹ em sốt cao, uống giảm sốt không hạ. Anh Lâm bác sĩ dặn, cứ sốt là vào viện. Lần trước nhiệt độ nhẹ hơn mà viêm phổi cấp, không chọc tĩnh mạch truyền kháng sinh ngay là xong rồi.
Đi luôn.
Sau hai ngày quen nhau, họ chuyển xưng hô sang anh em. Nhiều việc Anh tự làm như đã ở căn nhà này từ lâu. Anh lấy chăn mỏng trải ra góc giường, bế bà Nguyệt đặt vào rồi bọc lại như quấn em bé. Bên ngoài. Mây nhặt những đồ cần thiết, giấy tờ cho vào cái làn để sẵn. Cả hai xuống cầu thang nhanh.
Một lúc sau, bà Nguyệt đã nằm phòng cấp cứu. Ngoài viêm phổi, thêm bệnh nữa là hồng cầu giảm nhanh, bạch cầu tăng. Men gan cao gấp ba trăm lần cho phép. Ngoài những chỉ định tiêm cấp cứu, bà Nguyệt cần truyền máu. Mây biết mẹ cô có nhóm máu hiếm, muốn mua phải đặt trước ở bệnh viện khác. Anh nói với bác sĩ Lâm: “Tôi cùng nhóm máu với bà, anh làm thủ tục để tôi hiến máu cho bà.”
Mây đứng lặng nhìn Anh. Đến thế này, chỉ có thể thấy trên những bộ phim cô vẫn xem trên tivi. Mọi sự trùng hợp đến vô lý, nhưng là thật. Anh và bác sĩ Lâm đi về cuối hành lang. Mây quay vào ngồi bên mẹ. Cô nhắm mắt nghe tiếng cú mèo quang quác trên cây.
“Tạm ổn rồi. Người cao tuổi rất phập phù. Có khi buổi sáng khỏe, tối lăn ra ngất. Em đưa mẹ vào ngay đêm nay là đúng lắm”. Bác sĩ Lâm nói rồi quay đi. Qua chỗ Anh đứng, bác sĩ vỗ nhẹ vào vai thân thiện.
Hôm sau. Câu đầu tiên khi tỉnh lại bà Nguyệt hỏi Anh: “Cậu có người nhà nằm viện này à? Khoa nào thế?”. Anh và Mây trố mắt nhìn bà như không phải người vừa lả đi nửa ngày trước, có thể chết nếu cấp cứu chậm. Anh thoáng bối rối, rồi khoát rộng tay ra phía sau:
Cháu làm quản lý công trình xây dựng phía sau bệnh viện này chứ không phải chăm người bệnh cô ạ.
Bà Nguyệt mắt lóe lên, gật đầu, “À à. Việc đấy vất vả lắm. Không sát sao, sẽ bị mất vật tư. Rồi an toàn lao động”.
Mây nắm tay mẹ, “Mẹ vừa khỏe lại, nói nhiều mệt. Con lấy cháo mẹ ăn nhé”
– Mẹ không đói. Lúc nào mẹ được về?
– Anh Lâm nói nhanh nhất là mai, vì mẹ phải truyền thuốc hạ men gan.
“Ừ ừ”. Xong bà quay mặt vào trong, nhắm mắt lại.
Đấy là thói quen mỗi khi bà muốn chấm dứt đối thoại.
                                                                             ***
Chuyện phải khai tạm trú tạm vắng, Mây và Anh không hề biết cho tới hôm bà Nguyệt xuất viện về nhà. Khi taxi đỗ chân cầu thang, Anh bế bà Nguyệt chui ra thì Tổ trưởng xuất hiện. “Lần này cấp cứu nhanh nên không nặng”, Mây khoe. Tổ trưởng nhìn lướt qua bà Nguyệt. Ánh mắt hai người gặp nhau. Tổ trưởng liền cúi xách giúp cái làn rồi đi theo lên nhà. Đợi Anh đặt bà Nguyệt nằm lên giường xong quay ra, Tổ trưởng xởi lởi:
– Từ ngày có cậu Anh, hai mẹ con cái Mây đỡ hẳn. Trước có đêm mưa, nó đập cửa nhờ tôi đưa bà đi cấp cứu. Hai chú cháu khiêng bà mãi mới xuống hết cầu thang. Trông nhẹ thế, nhưng khi ỳ ra không biết gì, nặng phết.
– Dạ vâng!
– Thế hôm nay Anh phải nghỉ làm à?
– Dạ vâng! Anh rót nước mời Tổ trưởng.
– Công việc vất không? Thấy cậu đi từ sáng đến tối nhỉ?
– Cũng bình thường bác ạ.
– Thế này Anh này. Coi như cậu đã là người thân trong gia đình chị Nguyệt. Tôi là Tổ trưởng khu dân cư hồ Xanh này. Có việc, mang tính thủ tục thôi, không to tát ghê gớm gì, nhưng mình cứ chấp hành cho đúng quy định. Cậu khai giúp tôi cái tạm trú tạm vắng. Tôi cũng chỉ làm đúng phận sự. Đảng viên, lại Tổ trưởng, mình làm đúng nói quần chúng mới nghe cậu ạ.
Anh im lặng, uống hết cốc nước đầy. “Dạ vâng!”.
Tổ trưởng hơi cụt hứng khi cuộc đối thoại luôn bế tắc. Nhìn quanh một lúc, không kiếm đâu ra câu hỏi với cái người nói gì cũng dạ vâng, Tổ trưởng đứng dậy đi ra cửa.
– Nhà anh bên kia, chiều nào làm về sớm sang anh đánh ván cờ. Tối thì anh bận đi tuần. Tình hình an ninh trông thế này thôi nhưng phức tạp lắm. Vẫn có buôn bán ma túy lẻ đấy. Rồi nhà bà Ất bên mé trái dưới kia mới bị trộm vào lấy hết điều khiển tivi với ba cái điện thoại xịn. Kinh không?
– Dạ vâng.
– Thế anh đi nhé. Tối về với bác Nguyệt, với Mây nhé!
– Dạ vâng.
Tối hôm ấy.
Anh nói với Mây “Anh không ở đây được vì bên công trường bận quá. Bà cũng qua thời kỳ khó khăn nhất rồi. Từ mai, em cố gắng chăm mẹ. Vài hôm anh ghé qua thăm cô”. Mây cúi gằm mặt, hai má ửng đỏ. “Có phải vì Tổ trưởng bắt anh khai tạm trú không? Anh có vợ rồi phải không”. Nói đến vế sau, Mây ngẩng nhìn thẳng Anh, mắt lóng lánh nước. Anh vội chộp bàn tay cô, lắc đầu:
– Không. Anh chưa có vợ. Nhưng anh không ở đây được. Nó có gì đó sai sai.
– Tại sao anh không dùng điện thoại di động?
Anh hơi lặng đi, lắc đầu, “Anh không quen. Trước đã dùng, thấy chả hơn gì không. Thế nên bỏ”.
– Vậy em muốn tìm anh, phải làm thế nào?
– Anh sẽ gọi cho em hàng ngày.
– Nhưng lúc gấp em muốn gọi thì sao?
– Đưa mẹ đi viện phải không?
– Không. Nếu mẹ phải đi viện. Không có anh, em nhờ Tổ trưởng được.
Hai người chợt im lặng.
Bên trong.
Bà Nguyệt cố chống hai cánh tay đỡ lưng thẳng lên, nghển cổ, căng tai căng mắt, ngóng ra nghe.
                                                                            ***
Đêm trắng.
Với Mây và Anh, thức trắng một đêm không có gì lạ. Họ ngồi bệt ở ban công. Chai rượu vang hôm giao thừa mang ra uống tiếp. Không ai nói gì, chỉ ngồi. Thỉnh thoảng, Mây chạy vào phòng mẹ nhìn xem bà thế nào. Khuya. Hơi lạnh ngấm qua những bức tường khiến không khí buốt sâu.
Từ ngày anh đến nhà em, mẹ xịt hết hai lọ nước hoa bốn năm không dùng, tô hết một thỏi son, bôi má hai hộp phấn hồng. Hôm qua, mẹ nói em tìm mua cho bộ tóc giả. Mẹ bảo, cái tóc là vóc con người. Mẹ vẫn là mẹ thôi, nhưng có một mái tóc đẹp, mẹ sẽ khác.
Anh cười, nhẹ nhàng uống một hơi hết ly vang.
– Anh thấy không gì qua được mắt cô. Nhiều khi, biết hết nhưng không nói. Em có thấy thế không?
– Mẹ em biết mười nói một, làm chín. Bà cứ tẩm ngẩm làm theo ý mình.
Im lặng. Rồi anh chuyển đề tài
– Từ mai. Anh không về đây đỡ em mọi việc, em cứ bình tĩnh. Thực ra, mọi chuyện vẫn thế, không có gì phát sinh đâu. Đừng lo lắng quá!
– Em đã quen có anh trong nhà, Mây thở mạnh.
– Anh cũng quen với căn nhà này. Nhắm mắt lại, thấy rõ từng góc có gì, cả những nơi có mạng nhện, và những con nhện. Thạch sùng cũng nhiều. Đêm đến, chúng tặc lưỡi nghe vui phết.
– Nhắc đến mạng nhện. Cách đây mấy năm, hai mẹ con không ai nói với ai câu nào mấy tháng đấy.
– Tại sao?
– Mẹ không ghét nhện nên các góc nhà mạng nhện chăng đầy. Em thấy mẹ giống con nhện. Luôn chăng tơ và rình bắt mồi xong châm nọc giết. Khi con mồi chết, nhện sẽ ăn nó. Sau một vài chuyện mẹ làm với em, có lần em nói, con thấy mẹ giống nhện chúa. Giỏi giăng tơ và con mồi tự dính. Mẹ không thèm nhìn mặt nói chuyện với em mấy tháng.
Im lặng.
Ngoài trời. Những cơn gió đông rít như tiếng máy bay cất cánh. Chai vang dốc đến giọt cuối cùng.
– Rượu ngon anh nhỉ. Kể ra có chai nữa thì tốt, Mây mơ màng, “Em thấy say cũng hay mà”.
– Em muốn uống nữa không? Anh biết chỗ bán rượu.
– Giờ này người ta đóng cửa hết rồi. Nói xong, Mây đứng vụt lên. Cô đi quanh nhà. Mở các ngăn tủ bếp. Nhìn lên bàn thờ. Mấy phút sau, Mây lủng củng xách ra mấy chai rượu các loại.
Ở căn hộ này gần hai mươi năm, lần đầu tiên Mây thấy bình minh hé lộ dần qua những sắc màu chuyển từ tối đen, sang xanh đen và tím nhạt. Sau màu tím là nắng ong vàng. Vắt giữa hai mùa đông xuân, thời tiết luôn mơ màng quyến rũ. Họ ngồi cạnh và nắm tay nhau. Mây uống đủ bốn loại rượu, rồi tựa vào vai Anh. Cả hai chợt thiếp đi. Chỉ khi tiếng chuông vang lên dồn dập thì bừng tỉnh.
Bà Nguyệt đã dậy. Nằm ấn cái chuông Anh mua để bên cạnh bà từ mấy hôm trước. “Cháu để cái chuông ở tay cô. Khi có việc, cô bấm vào đây. Mây dù có ở phòng nào cũng biết cô gọi để chạy vào”.
                                                                  ***
Hôm ấy Mây nghỉ làm chiều. Cơ quan cô chuẩn bị đi Chùa Hương, một thói quen của tập thể trong tháng Giêng. Nhiều năm, cô không tham gia vì phải ở bên mẹ. Hơn tám giờ, Anh vẫn chưa về. Cô thấy mẹ hôm nay hơi khác. Cứ một lúc lại ngóng ra cầu thang, lẩm bẩm: “Nó đi đâu giờ này chưa về nhỉ?” Mây thấy cảm động, vì lần đầu tiên mẹ mong một người bạn của cô về nhà. Ngồi bên mẹ, sau khi cho bà ăn cháo, Mây nói: “Con định mai đi làm đầu. Thay đổi kiểu tóc cho mới”. Bà Nguyệt quay sang nhìn con, mặt bỗng rất ác:
– Mới để làm gì! Người trẻ bản thân đã đẹp, cần gì chăm chút quá.
– Hôm qua soi gương, con phát hiện ra cả năm ngoái không hề cắt tóc làm đầu. Năm mới, phải mới chứ mẹ!
Mười giờ. Anh vẫn không về. Bà Nguyệt cáu kỉnh,
– Không ăn cơm rồi dọn đi. Hôm nay chắc nó không về đâu.
– Anh ấy nói ngoài công trường đang nhiều việc. Mẹ ngủ chưa, con đưa vào phòng.
– Hôm nay mẹ không buồn ngủ.
Tự nhiên Mây thấy mẹ cô căng thẳng dần lên khi đồng hồ chỉ 23 giờ.
Hồi sáng, nó có nói hôm nay đi đâu làm gì không? Sao giờ này vẫn chưa về?
Anh ấy vẫn thất thường thế mà mẹ. Hôm nay có chuyện gì mà con thấy mẹ nóng ruột quá?
Không có gì! Bà đáp và nhìn chằm chằm ra ngoài trời. Mưa phùn tưới ướt cây hoa giấy. Nước mưa đẫm trên những chấn song sắt.
Mây lặng lẽ cất đồ ăn, đóng cánh cửa gỗ sau khi khóa lớp cửa sắt bên ngoài. Đèn cầu thang cô không tắt.
Nửa đêm. Hoàn toàn không có tín hiệu Anh sẽ về. Mây dìu mẹ vào phòng. Hai mẹ con vẫn ngủ cùng giường từ ngày bà Nguyệt ốm. Cô thiếp đi. Hơn ba giờ sáng. Có tiếng cửa gỗ đập mạnh. Bà Nguyệt mắt sáng quắc, chứng tỏ vẫn thức và suy nghĩ, lay Mây: “Mây. Dậy xem có phải thằng Anh về không?”. Mây bò dậy, bước qua mẹ, đi ra. Tất cả vắng lặng. Thỉnh thoảng, có cơn gió mạnh lay cánh cửa gỗ trên cao của buồng tắm. Giống như tiếng đập gọi. Cô mở cửa chính, nhìn qua những chấn song sắt của cửa ngoài. Hành lang chung cư vắng hoe dưới bóng đèn vàng đang đung đưa vì gió.
                                                                              ***
Anh biến mất. Nếu Mây không quanh quẩn trong nhà nhìn bốn cái bóng đèn thay mới sáng trắng, mấy cái vỉ chắn bụi quạt thông gió trên bếp gas sạch bong, hay sờ rồi giật những tay nắm cánh cửa tủ sách thì không thể tin những ngày tháng qua là có thật.
Bà Nguyệt mỗi ngày một nóng tính, bực bội nhưng không nói lý do. Bà quay về thói quen cũ. Rất khó chịu khi phải gội đầu. Phấn son, nước hoa không động đến. Người bà bốc lên mùi khai của nước tiểu, mùi hôi do lâu không tắm. Thái độ dữ dằn với Mây tăng lên, mỗi khi cô chui vào phòng tắt đèn không chịu đối thoại với bà. Nhiều bữa cơm hai người cùng xem tivi trong im lặng.
Hôm nay.
Mây nói với mẹ: “Con có cảm giác bị theo dõi. Mỗi lần ra đường cứ có một hai người đàn ông đi theo. Con dừng lại họ cũng dừng. Con đi, họ cũng đi. Khó hiểu quá mẹ ạ”. Bà Nguyệt gạt đi, cáu kỉnh: “Vớ vẩn. Xem phim hình sự nhiều thành đa nghi. Từ mai, thấy nghi ngờ, quay lại hỏi có phải anh theo tôi không, biết ngay”.
Mây nhún vai. Ra khóa cửa. Loay hoay không chọn được khóa mới trong một chùm to, Mây nhăn nhó:
– Tự nhiên mẹ thay hết khóa cửa, mỗi lần mở mất thời gian quá.
– Ngày càng nhiều trộm tinh vi, khóa phải tốt mới yên tâm. À này, có tin gì của thằng Anh không? Mẹ không nhầm đâu, chắc chắn nó có vợ. Mấy hôm rồi chắc giận vợ nên trú tạm vào đây. Giờ hết giận quay về. Chả có thằng thanh niên chưa vợ nào khéo và không ngại việc như nó.
– Mẹ đừng nhắc đến anh ấy nữa được không?
– Nhắc để con cẩn thận với người lạ. Sau tuyệt đối không dễ dãi đưa về sống trong nhà như vậy. Mẹ ốm quá, bất lực nên phải chịu thôi.
Mây quay ra nhìn mẹ, nổi cáu: “Mẹ vì bất lực mà phải chịu anh ấy ở đây chục đêm á? Con thấy mẹ thay đổi rất nhanh đấy chứ. Khi người ta ở đây, mẹ mặc quần áo đẹp, nước hoa thơm nức, tắm gội nhiệt tình. Mẹ đánh hết thỏi son và tô má hồng cả lúc ngủ. Giờ người ta không đến, mẹ lười như xưa. Nước tiểu dính đầy quần có cho con thay đâu”.
– Câm mồm! Tôi làm vậy để giữ thể diện cho cô đấy!
Mây sững mặt nhìn mẹ. Nước mắt trào ra. Đi nhanh ra ban công. Mây ngồi bệt xuống sàn gạch lạnh, đúng chỗ đêm cuối hai người ngồi uống rượu. Lần đầu tiên, cô hiểu tình yêu là thế nào. Đấy là được ở bên anh ấy. Mọi khó khăn hay tức bực lâu nay khiến cô phát điên, giờ nhẹ bỗng. Tất cả những gì lâu nay cô nhìn với vẻ căm ghét, lo âu, giờ nhòe đi và hiện dần lên những góc khác đẹp đẽ chưa bao giờ cô biết. Và những con nhện – thứ khiến cô ghê tởm – thì hằng đêm cô nằm nhìn cách nó di chuyển nhẹ nhàng như vũ nữ giữa những dây tơ, cách nó quây con ruồi vô tình bay sát để bắt rất có lý.
Bên ngoài, léo xéo tiếng Tổ trưởng “Mây ơi, mở cửa cho anh nào”.
“Mở cửa cho Tổ trưởng đi Mây”, bà Nguyệt to giọng.
Mây lau nước mắt, quay vào nhà. Túm vội mấy túi rác, ra mở cửa rồi đi thẳng xuống đường.
Tổ trưởng mặt đỏ bia, đảo mắt nhìn quanh, rồi vào ngồi ở bàn nước. Bà Nguyệt mím chặt môi, vuốt lại tóc, hất mặt ra hiệu Tổ trưởng đóng cửa lại.
– Cậu chốt trong đi. Có tin tức gì mới không?
Tổ trưởng làm một hơi hết cốc nước lọc, lắc đầu: “Từ hôm ấy, nó như chui xuống đất”.
– Ai đã báo cho nó trốn nhỉ? Con Mây chắc chắn không biết. Nó rất đau khổ vì thằng này biến mất không hề nói trước với nó. Vậy thì ai?
– Chị hỏi em, em biết hỏi ai, Tổ trưởng cười nhạt.
– À, ai đi theo con Mây hàng ngày đấy?
– Hình sự chị ạ. Họ hy vọng thằng kia tìm gặp cái Mây.
– Anh báo cho họ biết là con Mây phát hiện ra rồi, làm cách khác đi.
– Vâng, để lát em báo.
– Cậu giúp tôi lục mấy ngăn tủ phòng con Mây, xem có gì sót lại của nó không. Sáng hôm ấy nó đi tay không mà.
Một lúc, Tổ trưởng mang ra mấy bộ quần áo đựng trong chiếc túi nhỏ. “Có thế này thôi. Thằng này gian hùng. Đi đâu xóa giấu vết đấy”.
Bà Nguyệt chợt rùng mình nhìn chằm chằm con Họa mi chạy pin.
– Cậu mang con chim kia đi, của nó đấy. Cậu về đi. Có tin gì báo tôi ngay. Từ hôm ấy đến giờ, tôi không thể ngủ. Nhớ lại. Nhiều đêm mở mắt, thấy nó đứng nhìn chòng chọc. Tôi hỏi, nó bảo xem tôi bị sốt không. Có mà rình xem của nả cất ở đâu lại chọc cho phát rồi cướp hết tài sản ấy.
– Thôi chị. Đến giờ chị chưa mất gì. Mọi chuyện đang rất phức tạp, nhiều yếu tố nguy hiểm nhưng có em là chị cứ ngủ ngon đi. Tổ trưởng tự tin vỗ bồm bộp vào ngực. Bà Nguyệt gật đầu nhìn Tổ trưởng, tay bóp chặt con họa mi đang há miệng hót dở dang thì bị ngắt công tắc. Khi Tổ trưởng quay đi, bà ném vào anh ánh mắt coi thường.
                                                                            ***
Sáng nay con cho mẹ vào viện. Mẹ khó chịu lắm.
– Con nghỉ hết phép rồi. Nếu mẹ chưa mệt lắm, chiều tan làm con đưa mẹ đi.
– Không, mẹ cần đi ngay không là không kịp.
Mây thở dài, rồi đưa mẹ đi. Giao mẹ cho bác sĩ Lâm, cô vội quay về cơ quan. Đợi Mây đi khuất, bà Nguyệt nắm tay bác sĩ:
– Anh Lâm này, tôi đề nghị anh cho tôi lọc máu. Mới có một bác sĩ giỏi ở nước ngoài về khuyên tôi nên lọc máu sẽ khỏe.
– Cô chỉ bị thiếu máu chứ không phải bệnh thận để lọc. Cháu không hiểu ai lại khuyên cô như vậy, Lâm nhăn nhó.
– Tôi muốn lọc máu. Hết bao tiền thay máu cũng được. Cậu làm luôn đi!
– Không được, bệnh của bác không điều trị theo cách ấy được!
– Không! Tôi yêu cầu cậu đấy. Lý do, tôi sẽ nói sau.
Mây đón mẹ từ bệnh viện về. Cô không biết chuyện bà đòi thay máu không được đã uất ức thế nào. Đúng lúc dìu bà lên những bậc cầu thang thì hai vợ chồng Tổ trưởng đánh nhau. Cuộc giằng co khiến vợ Tổ trưởng ngã lăn xuống mấy bậc cầu thang, tóe máu miệng. Cô ta lồm cồm bò dậy, đuổi theo chồng, vừa chỉnh lại quần áo xộc xệch vừa phăm phăm đi cùng công an phường vào nhà hàng xóm để chứng kiến lập biên bản ông Tru dẫn gái về quan hệ. Bên ngoài, vợ Tổ trưởng vừa chùi máu miệng, vừa gào lên chửi chồng đồ mật thám bẩn thỉu. Người ta góa vợ, hẹn hò thì sao mà báo công an. Tổ trưởng chạy ra, chỉ thẳng mặt vợ “Đúng là văn hóa lớp năm. Không có tư tưởng đạo đức nên mới cho qua những chuyện tày trời. Ông ấy là đảng viên, vợ chết. Sao không tìm hiểu người đàng hoàng mà ra bắt gái đứng đường chứ?”. Vợ Tổ trưởng gào lại, “Khi ông đòi lấy tôi, tôi cũng nói mới học hết lớp năm. Ông bảo năm sáu không quan trọng, miễn yêu. Từ ngày ông được làm Tổ trưởng dân phố quay lại khinh cái lớp năm của tôi hả? Ly dị đi. Ông là thằng mật thám bẩn thỉu. Suốt ngày đêm nhòm ngó rình mò hai người. Sao ông nói cô bạn bác ấy là gái đứng đường? Mà yêu gái đứng đường thì sao?”
Một số hàng xóm kéo vợ Tổ trưởng đi hướng khác. Tổ trưởng bị vợ nói sấp mặt, hấm hứ muốn xông đến đánh nhưng công an phường kéo đi. Bà vợ vẫn chưa hết điên, gào to: “Mới có chuyện rình nhầm báo oan bọn trẻ không chừa à? Chúng nó tập trung quay phim bài tập, chạy báo công an chúng nó tụ tập hút chích đập đá. Công an ập vào, chúng nó quay lên phim luôn. Ông thấy ông nhục không, đồ chó săn mật thám!”
Đúng lúc ấy, Mây từ trên nhà xuống đi chợ. Thấy cô, vợ Tổ trưởng lao đến, nhảy phắt lên xe, nói: “Đi, ra đâu ngồi, chị phải nói với em chuyện này”.
                                                             ***
Chị phải nói với em chuyện này. Đăng là thằng giết người.
– Đăng là ai ạ?
– Là cậu Anh đến nhà em ở mấy hôm Tết giúp hai mẹ con em ấy.
“Em không hiểu”, bụng Mây cuộn sôi như xát ớt.
– Đăng là tên thật của Anh. Chị gặp nó rồi. Nó không giấu chị cái gì, dù lần đầu nói chuyện.
– Anh Anh… à anh Đăng bây giờ ở đâu?, Mây yếu ớt.
– Để chị nói. Cái đêm em thấy nó ở cổng viện, đứng cạnh xe máy của em ấy…
– Vâng, đúng rồi chị!
…Là nó đang định ăn trộm một cái xe. Thấy xe của em không khóa càng, nó đang chọc phá khóa thì em gọi nó”.
“Vâng, đúng rồi chị”, Mây rủn chân tay.
Nó liền ra gặp em, và em nhờ nó cất xe.
“Vâng. Từ lúc ấy cho đến ngày anh ấy biến mất, em không quên chuyện gì. Chị bỏ hết đoạn đấy đi, kể tiếp đi ạ”, Mây lấy tay xoa xoa ngực vì tức thở.
– Được rồi. Bỏ qua cho nhanh. Em rất hiểu mẹ em. Chị cũng rất hiểu thằng chó săn nhà chị…
– Vâng.
– Mẹ em đã sai thằng chó săn đi tìm hiểu về Đăng. Ban đầu, bắt khai tạm trú tạm vắng để biết địa chỉ quê quán của Đăng. Đăng không khai. Lừa lúc em đi làm, mẹ em gọi chó săn lên lục đồ, thấy được độc cái hóa đơn đóng tiền ủng hộ quỹ chất độc da cam, có địa chỉ và tên người đóng là Trần Bình Đăng. Lập tức chó săn lên đường.
Mây thở gấp, “Đấy là đâu hả chị?”
Hải Thịnh. Thôn xóm gì chị quên rồi. Đại khái ngay bãi biển gần nhà thờ to nhất ấy. Sau này chị nghe chó săn nói thế khi đi dò la về.
Địa chỉ ấy có nói lên điều gì đâu chị?
Vợ Tổ trưởng nhổ toẹt bãi nước bọt đỏ máu, nói tiếp: “Nó có giá trị vì nằm trong góc túi của cậu ấy. Có đúng mảnh giấy đấy nên họ bấu vào. Mẹ em chi tiền hậu lắm nên chó săn đi ngay. Sau hai ngày, nó về. Mẹ em và nó mời luôn công an phường tới bẩm báo và quây bắt Đăng”
Mây cầm cốc nước, vừa chạm vào môi đã rơi vỡ tan. Vợ Tổ trưởng vội ôm lấy cô như tiếp sức. Hai tay Mây không ngừng run.
“Em sợ quá chị ơi”, Mây khóc nức lên.
Chị cũng sợ. Sợ mẹ em và thằng chó săn. Họ lên ngay kế hoạch chộp Đăng bằng cách rình ở nhà em ngày đêm. Nhưng họ không ngờ, chị đã cứu cậu ấy.
Mây mở to mắt đầy nước nhìn vợ Tổ trưởng.
Chiều ấy, chị trực ở đầu đường. Đến tối thì chặn được Đăng. Chị nói hết cho cậu ấy nghe, dặn đừng bao giờ quay lại đây nữa. Ở Hải Thịnh, công an cũng đang truy tìm sau cái chết của thằng bồ con chị dâu. Chỉ là không may làm chết người, không phải cố ý đâu em ạ.
                                                                     ***
Không cần Mây nói, bà Nguyệt hiểu là con gái đã biết mọi chuyện nên thoải mái hẳn. Sau cơm tối. Bà bảo:
– Cuộc sống này thật khó lường. Mẹ đã mừng khi con vui vì gặp thằng Đăng.
– “Đăng nào mẹ?”, Mây cay đắng.
– Con biết rồi, không cần hỏi lại như vậy.
Một lần nữa, Mây lại thua mẹ. Cô im lặng, nhìn ra vầng trăng méo mó trên bầu trời trắng đục. “Sao mẹ làm thế với ân nhân của nhà mình?”, Mây quay lại, nhìn mẹ. Bà Nguyệt mấy ngày gần đây khỏe nhanh do việc nóng lòng bắt được Đăng đã gây phấn khích. “Mẹ luôn cứu con thoát những cạm bẫy tầm thường. Nếu mẹ không tìm hiểu về nó, sao biết được nó là thằng giết người. Đã giết được một, sẽ có hai ba. Và chúng ta sẽ là những người tiếp theo, con hiểu không?”
– Mẹ luôn đặt câu hỏi về mọi người, nhất là những ai muốn đến với con. Dù con hay ai có nói thật thì với một đầu óc đa nghi như mẹ, nghe trả lời chỉ là nghe cho có còn mẹ nghĩ gì lại là chuyện khác.
– Trong chuyện này mẹ có đúng không? Nếu mẹ không điều tra, nó có nói là nó giết người và đang bỏ trốn không?
– Tất nhiên lúc nào mẹ chả đúng. Nhưng cách mẹ báo công an bắt anh ấy là sai.
– Con vẫn là đứa vô ơn, như bao lâu nay với mẹ.
– Chuyện anh ấy vô tình gây ngộ sát, cứ để tòa phân xử. Con chỉ biết anh ấy qua những gì đối với mẹ con mình. Không có anh ấy, chúng ta đã không có một cái Tết bình yên thế. Mẹ nhanh quên quá!
– Mẹ thì đang phát điên đây. Con có biết, người già luôn phát điên vì bất lực không?
– Mẹ vẫn ân hận điều gì chưa làm được sao?
– Mẹ muốn chọc vào da thịt mẹ, cho máu trong người chảy hết ra. Mẹ sẽ thay máu mới. Một dòng máu sạch. Nhưng mẹ chưa làm được, vì thằng Lâm bác sĩ không chịu. Mẹ sẽ đi bệnh viện khác, mua máu mới và thay.
Mây chết lặng nhìn mẹ, lẩm bẩm: “Mẹ vừa nói con vô ơn…”
Bà Nguyệt mặt đanh lại, sắc sảo như vốn thế: “Nó phải đền tội càng sớm càng tốt. Việc giúp chúng ta những ngày vừa qua hay cho máu mẹ là vì nó cần một nơi trốn truy nã an toàn. Con thật đáng thương. Phải kiêu hãnh lên chứ!”
– Có phải vì mẹ không chấp nhận ai yêu con và con yêu họ, vì mẹ không muốn chia sẻ con cho người khác ngoài mẹ? Sau khi về hưu và cô độc, còn lại mỗi con, mẹ dùng mọi thủ đoạn nhằm con không thể bước ra khỏi căn nhà này vì mẹ không chịu được cô đơn.
– Con nói tiếp đi!
Mây nói như bị nhập. Lần đầu tiên sau ba mươi tư năm sống với mẹ, cô dám nói những suy nghĩ của mình. Mây dồn tiếp “Thế nên, từ lúc hưu, mẹ thù hận đám đông trước vây quanh giờ bỏ rơi mẹ. Mẹ cũng đa nghi hơn. Sau sinh nhật tuổi năm nhăm, mẹ chỉ có một mình con đợi mẹ”.
Bà Nguyệt quay mặt đi hướng khác. Thói quen mỗi khi bà chấp nhận lời nói của người khác. Rồi bà quay lại nhìn Mây như con thú bị thương: “Con đừng tự hủy hoại bản thân bằng cách hạ thấp mình trước một người chỉ tốt với con vài điều nhỏ nhặt, ai cũng có thể làm như vậy. Bao năm qua, chú Tổ trưởng chả đỡ nhà mình suốt đấy thôi”.
Ngừng một lát, Mây nói: “Con vẫn nhớ lần mẹ được lên chức Vụ trưởng Vụ tổ chức Xí nghiệp. Mẹ tha con sau cái xe máy khắp phố phường và nói rất nhiều. Con thì chẳng nghe được gì. Nhưng con vui vì thấy mẹ vui. Mẹ bảo, khi làm lãnh đạo, mình có thể thực hiện được điều mình muốn. Lúc nào cũng có người vây quanh mẹ, xin xỏ, nhờ vả. Mẹ ban phát bổng lộc quyền lợi cho mọi người. Thế nhưng, mẹ lại cấm con phát triển sự nghiệp, có người yêu, rồi lấy chồng như tất cả những cô gái khác. Khi con từ chối người mẹ chọn, từ hai tám tuổi đến giờ, mẹ bắn phá tất cả những người đàn ông đến tìm hiểu con. Nếu biết con thích ai, mẹ thiếu nước tru di tam tộc nhà người ta.”
Bà Nguyệt cười vẻ bao dung: “May mà con hiểu sớm. Cứ nhìn đời mẹ mà rút kinh nghiệm. Phù du hết!”. Mây tiếp, “Nói như mẹ, tức là con không cần phấn đấu. Không cần yêu. Hàng ngày chạy quanh mẹ, thay bỉm ngày bốn lần, chia thuốc cho mẹ uống. Hài lòng khi một ngày trôi qua chúng ta ở bên nhau trong căn nhà này thay vì trong bệnh viện?”.
– Mẹ không hiểu con thích triết lý từ lúc nào. Ngắn gọn lại đi. Trong chuyện này mẹ có đúng không?
– Nhưng anh ấy đã giúp mẹ con mình.
– Tiêm cho mẹ bác sĩ vẫn làm. Máu có thể mua. Không có nó, mẹ sao chết được mà con cứ đao to búa lớn lên thế?
Mây cay đắng nhìn mẹ. Trên đời này cô ghét và sợ nhất người vô ơn.
Như đọc được ý nghĩ của Mây, mặt bà Nguyệt lóe lên tia sáng hiếm hoi từ ngày ốm nặng. Và cười khẩy. Rồi nhắm mắt lại như ngủ.
Nhắm mắt lại.
Là cách bà chấm dứt đối thoại.
Nhắm mắt lại. Nhưng mọi ý nghĩ trong đầu bà chạy mãnh liệt hơn bao giờ hết. Nhắm hai con mắt này. Nhưng con mắt khác mở to. Và tai căng lên.
                                                                         ***
Bà vợ học hết lớp năm của Tổ trưởng nói với Mây: “Thằng chó săn nhà chị cầm có độc mảnh giấy bắt xe về Hải Thịnh. Sau hai ngày, nó đã biết mọi chuyện. Nhà thằng Đăng có hai anh em. Bố mẹ mất. Anh trai hay đi biển. Nó là kỹ sư tàu biển. Con chị dâu không chịu được xa chồng nên cặp bồ. Nhà có cửa hàng bán đồ hải sản, nước mắm, mặt sau là rừng phi lao. Đăng biết chuyện, nói chị không nên mang ai về ngủ trên cái giường của hai vợ chồng. Cô này chửi, vu cho Đăng là chính mày cũng rất thèm tao. Tao cho mày thử một lần xem có nghiện không. Đăng đẩy chị dâu ra. Cô này vẫn lao vào. Đúng lúc ấy thằng bồ đến. Đăng đuổi. Nó dùng gậy vụt Đăng. Đăng khùng lên rút dao bấm tự vệ vô tình đâm nó rồi bỏ đi. Lên thẳng Hà Nội, tìm bạn vay tiền không gặp”
– Ông kia chết vì con dao bấm hả chị?
– Thấy bảo Đăng luôn có con dao đa năng trong người. Đâm phát thấu tim thằng kia luôn.
Mây rùng mình. Hai bàn tay run bần bật. Ngay tối giao thừa, khi tìm không ra cái mở chai vang, Đăng lôi con dao đa năng trong người ra mở nút gỗ. Mấy hôm sau, trong lúc khoét cái ống nhựa cho cống thoát nước buồng tắm đỡ tắc, Đăng có hướng dẫn cô dùng con dao ấy. Nó có rất nhiều tính năng. Con dao đó hiện trong gốc cây hoa giấy. Cô đã tự tay chôn nó xuống đó khi biết Đăng trốn đi vì tội giết người. Khi chôn con dao, đơn giản cô nghĩ, đó là của Đăng. Công an tìm Đăng sẽ cần những gì thuộc về anh. Và cô thì không muốn chia sẻ anh cho người khác.
Vợ Tổ trưởng uống hết cốc sinh tố dưa hấu, nói tiếp:
– Để mẹ em không nghi ngờ, nó hay lang thang nghe ngóng tình hình ở quê nhà. Một mặt làm thuê cho chợ đầu mối kiếm tiền coi như có công ăn việc làm hàng ngày. Tối đấy nó về. Chị đợi rồi túm đi luôn. Nói hết mọi chuyện, khuyên nó về đầu thú, trốn mãi cũng bị bắt thôi.
– Anh ấy có thể cực xấu ở nơi này nhưng lại như cứu tinh ở nơi khác chị nhỉ?
– Thằng chó săn nhà chị thì xấu ở khắp nơi.
                                                                         ***
Sau nhiều ngày. Mây không thấy có người đi theo cô mỗi khi ra đường. Như sau một trận bão mưa gió tơi bời. Tất cả quay lại đời sống cũ. Mây thì khác. Cô luôn ước gì vợ Tổ trưởng không kể rõ sự thật của Đăng cho cô.
Bà Nguyệt sau nhiều lần yêu cầu thay máu không được, xin chuyển viện vì ghét bác sĩ Lâm. Vài lần bị cấp cứu, bà chuyển sang một bệnh viện tư gần nhà để dễ sai bác sĩ làm theo ý mình. Đăng chưa bị bắt khiến bà bức bối, cảm giác bất lực. Bà quay sang uất Tổ trưởng và Mây. Nhiều lần nói chuyện, bà khẳng định chỉ có cô báo thì Đăng mới biến mất đúng hôm công an quây bắt tại đây. Nếu không phải con bà, bà sẽ tố tội đồng phạm. Bà lại càng tức khi chính hai mẹ con bà thuộc diện thành phần phức tạp của khu hồ Xanh, vì đã từng chứa chấp tội phạm trốn truy nã, thuộc diện phải theo dõi. Như thế này lại quá rồi. Vì nếu bà không trung thành với lý tưởng, quyết tâm diệt trừ cái ác, không sai Tổ trưởng đi điều tra rồi về báo công an, không bao giờ Đăng bị lộ. Vậy mà thay vì họ ghi nhận công trạng của bà, lại quay sang nghi ngờ vì mục đích bắt Đăng bất thành. Nhiều đêm bà thức trắng vì uất, thấy mình bất lực. Bà khinh bỉ thằng Tổ trưởng chó săn ngu muội nhưng giấu trong lòng vì chỉ có nó mới cõng bà xuống năm tầng cầu thang đi khám bệnh. Sau này, vào viện tư, bà tự tìm người thuê hết. Từ dịch vụ cõng đến chăm sóc ở bệnh viện để không phải ghê tởm cái đầu đần độn, cái lưng bốc mùi đường phố rác rưởi của Tổ trưởng mỗi khi bà áp bụng lên đấy. Ba lần Mây đưa mẹ đi khám là ba người đàn ông được thuê đến cõng. Mỗi lần như thế, hai mẹ con đều khóc. Mây khóc vì nhớ cái dáng cao lớn vững chắc của Đăng cõng mẹ cô băng băng lên xuống những bậc cầu thang. Bà Nguyệt thì khóc vì ghê tởm, cay đắng, vì cảm giác bất lực ngày càng tăng.
Khi câu chuyện của Đăng mờ nhạt giữa bao việc khác, Mây nhận được một lá thư.
Thư của Đăng.
“Chào em. Mọi chuyện của anh, em cũng biết rồi. Anh xin lỗi đã biến mất khiến em lo lắng nhưng anh không thể bị bắt trong căn nhà của em. Như thế là mắc tội với em và cô Nguyệt, kiếp này không trả đủ. Anh chỉ mong em hiểu, anh không muốn làm ai chết vì tay anh. Anh không hề muốn bước vào nhà em, cùng người mẹ ốm về thể xác nhưng mạnh mẽ về tinh thần. Anh vẫn nhớ có lần em trêu mẹ đừng giả chết bắt quạ nữa. Cuối cùng, điều anh lo lắng, đề phòng là từ câu nói đến giấc ngủ chập chờn cũng không qua được mắt bà. Anh hiểu, cách mà anh cố diễn giải về thân phận trong sạch của mình lại càng tố anh có vấn đề. Mọi chuyện, bất kể là gì, đều có hai mặt, chẳng có gì là bí mật hết. Sau mỗi lần chị dâu anh đi bồ bịch về luôn nói những chuyện rắc rối ghê gớm, càng lòi sự bịa đặt. Thế nên, anh đã rút kinh nghiệm bằng cách giản dị hết tất cả, để không mắc một câu thừa khiến mẹ em đoán ra. Anh dừng ở nhà em sau giao thừa vì một phần không còn chỗ nào để đi vào đêm đón năm mới. Muốn được xem pháo hoa cũng giữ chân anh lại. Đáng nhẽ anh phải đi ngay từ Mùng một nhưng rồi anh ở lại, vì thấy mình cần có trách nhiệm với hai người phụ nữ đó. À, suýt nữa anh ăn trộm xe máy của em nếu em không gọi anh đúng lúc mở khóa. Lúc ấy, anh thấy cần một chiếc xe để đi chơi xa. Cứ đi đã. Sau sẽ trả lại chỗ cũ.
Rồi anh lao theo những chuyện của nhà em. Trong lúc mua và mang đồ về bày mâm cúng giao thừa, anh mới hiểu chưa bao giờ mình có Tết. Mẹ anh bệnh mất sớm. Bố và anh trai say quanh năm, khi say, bố thành con, con thành bố. Em ạ, anh không thể biết trước mọi chuyện sẽ thế nào… Anh xin lỗi đã gây phiền cho mẹ con em nhưng anh không ác như mọi người nghĩ. Tin anh nhé!”
                                                                      ***
Mây nắm tay rồi đau đớn nhìn mẹ khi bà lại nằm đúng cái giường cấp cứu đêm Hai mươi tám Tết năm ngoái, do viện tư không dám nhận chữa vì bệnh quá nặng.
– Sao mẹ con mình lại lãng phí thời gian sống bên nhau thế này chứ? Sao mẹ luôn dội nước lạnh vào niềm tin của con thế? Giờ con thế này, mẹ hài lòng không? Vài năm lặp lại một lần thế này, con thành bà cô già luôn. Mẹ nghĩ đi, mẹ già, nhưng có con. Còn con, già có ai?
-Tại những người đấy không xứng tầm với con. Không có chỗ trong cái nhà này.
– Vậy thì con đi khỏi đây.
– Không bao giờ! Không bao giờ!
– Con và mẹ đã hạnh phúc. Mình cùng xem pháo hoa ở nơi chúng ta sống hai mươi năm nay. Mẹ không vui à?
– Ảo giác hết. Chả để làm gì đâu.
– Vậy cuộc sống này cái gì không vô nghĩa?
– Bao giờ con bằng mẹ, sẽ hiểu.
– Con khác mẹ. Con luôn thấy hạnh phúc ngay lúc cảm thấy nó. Trước hay sau chả ý nghĩa gì. Những ngày vừa rồi là đẹp nhất. Sao mẹ cứ phải kéo tụt con xuống đất thế nhỉ?
– Con thật đáng thương!
– Con đã làm gì để mẹ thù con thế?
Bà Nguyệt nhắm mắt. Quay mặt vào trong.
Cuộc đối thoại kết thúc.
                                                                   ***
Nhiều năm sau.
Giao thừa nào hồ Xanh cũng bắn pháo hoa. Năm sau thời gian bắn dài hơn năm trước. Công nghệ bắn và các loại pháo hoa màu sắc phong phú hơn. Số người đứng quanh hồ và các ban công khu nhà cao tầng ngày một đông. Sau mỗi bông pháo nở bừng khi vàng rực, khi trắng xóa như sao rơi, hay đủ màu bùng cháy trên nền trời xanh tím, tiếng vỗ tay ào lên, kèm những tiếng hô to: “Hoan hô! Hoan hô!”
Từ ngày mẹ mất, Mây luôn xem pháo hoa một mình. Mỗi năm mang một cảm xúc khác. Lần thì như mình ở đâu chợt ghé xuống ban công này đúng lúc pháo hoa tới tấp phun lên trời, nhìn thôi, chả nghĩ gì. Lần lại thấy pháo hoa chỉ nên xem một lần trong đời. Vì tất cả, năm ngoái, năm kia và mãi sau, pháo hoa và những tiếng reo hò tán thưởng không khác lần đầu. Nhưng nhiều hơn cả, là cảm giác mất mát, đau đớn, tiếc những ngày tháng cũ, bên mẹ. Đẳng cấp. Mật thám Javert, chó săn Tổ trưởng nhiệt tình nhưng ngu tối, bản năng. Những dị nghị đố kỵ…. Chả nghĩa lý gì khi người ta đặt những thứ đó vào chính ngày tháng của mình.
Giao thừa năm nay.
Cô đứng trên ban công xem người xem pháo hoa để thấy những hân hoan hạnh phúc của cả nghìn người bên dưới. Mặt họ bừng sáng sau ánh sáng những bông pháo. Bông cuối cùng luôn dồn dập, ào ạt. Mọi người gào thét, reo ca trong tiếng vỗ tay rào rào. Rồi im bặt. Từng đám đông tản ra. Dòng người trôi về các ngả. Những tiếng xuýt xoa, hài lòng nuôi niềm tin sẽ may mắn cho cả năm. Ngay dưới cửa sổ, mưa phùn bắt đầu nặng hạt. Vợ chồng Tổ trưởng cùng mấy chị công nhân vệ sinh đứng lại chuẩn bị dọn rác đủ loại do người xem thải ra. Tổ trưởng ngồi xe lăn do tai biến thành liệt, ngước mắt nhìn trời say đắm, như thể pháo hoa vẫn bùng cháy những sắc màu. Không bao giờ Tổ trưởng biết một điều, ngày mẹ con cô dọn về ở nhà này, ông lăng xăng bê đồ giúp đỡ, đăng ký tạm trú, chuyển hộ khẩu hay khi mẹ về hưu, giúp mẹ chuyển sinh hoạt Đảng, hàng tháng lĩnh giúp lương hưu, tất tật làm không công, sung sướng tận tụy vui vẻ, nhưng mẹ vẫn khinh. Hồi mẹ còn khỏe, mỗi chiều đi dạo ven hồ Xanh về, mẹ hay cười khẩy: “Ở đâu cũng cần có thằng Tổ trưởng. Tuy ngu tối nhưng được việc”. Mây lần đầu nghe mẹ nói câu ấy, sững mặt ngây thơ hỏi: “Chú ấy là người tốt nhất với nhà mình ở đây. Mẹ thấy ở cầu thang này, ai biết nhà người nấy. Họ không làm phiền mẹ con mình, nhưng cũng không quan tâm giúp đỡ. Sao mẹ nói chú ấy nặng lời thế?”. “Những người xung quanh mình có học thức, khó ai sai khiến được, trừ khi chính họ muốn thì sẽ làm tới cùng. Họ cùng đẳng cấp với mẹ. Còn Tổ trưởng thì không!”
         Quay vào nhà. Mây nghiêm cẩn châm hương thắp lên bàn thờ có ảnh bố mẹ rồi lặng lẽ ngồi bên bàn để sẵn chai vang đỏ. Nhẹ nhàng bật con dao đa năng, cô khui chai rượu.
Rót ra ba ly, Mây lần lượt chạm nhẹ từng cái, lẩm bẩm “Cạn nào!”

Nguyễn Thị Thu Huệ
(Truyện đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 11/2021)