Triển lãm Mỹ thuật miền Trung lần thứ XXIV không chỉ là trưng bày các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra ở thời kỳ hiện đại mà là những tác phẩm của nhiều thế hệ nghệ sỹ.

Họ là những người nắm giữ nghệ thuật đã vượt ra khỏi những phong cách, chủ đề truyền thống của từng địa phương để tìm ra cái mới và đã chuyển mình với nhiều phong cách thể nghiệm. Nó là sự hội tụ tạo hình như một sự phối hợp truyền thống và hiện đại. Sự thay đổi, tìm tòi cái mới chưa nhiều nhưng cũng có nhiều đề tài được khai thác và đạt hiệu quả cao. Đề tài về Bác Hồ, Cách mạng, Môi trường và đổi mới được các họa sỹ tham gia qua triển lãm tương đối nhiều. Những tác phẩm này đã vượt khỏi nguyên mẫu, thắm đượm cái tâm của người họa sỹ.

Thông qua triển lãm có thể thấy một số tác phẩm biểu hiện tính chuyển động, các cảm hình tượng nghệ thuật ngưng kết trong thời gian và không gian.

Đa số tác giả vẽ về các trường phái không nhiều, nhưng một số tranh, tượng thông qua hình tượng cụ thể để phản ánh tình cảm của giới họa sỹ. Đã có một số tác phẩm hình tượng hóa một số tình cảm nào đó như bộ tác phẩm “Cứu’’ của Lê Thị Thanh (Thanh Hóa). Đây là một tác phẩm mà tính hiệu quả nghệ thuật đạt được là khá thành công. Phương pháp thể hiện các hình tượng làm ô nhiễm mỗi trường tạo dựng nên một không gian liên kết với đối tượng được biểu thị, gắn kết không gian với thời gian bằng gam màu nâu, vàng, ánh sáng ẩn hiện cho những hình tượng chính yếu. Tác phẩm đã thu hút được sự chú ý của người xem.

Tác phẩm “Cứu’’ của Lê Thị Thanh (Thanh Hóa)

Tác phẩm “Bão lũ- Nỗi ám ảnh” của Hồ Thiết Trinh (Nghệ An) có cách tạo hình khúc chiết, hợp lý, với không gian đen trắng tinh tế ở góc độ thẩm mỹ.Ý nghĩa đầy đủ và sâu sắc của nó, là cốt lõi nhân bản, nhân văn gốc rễ của con người với thiên nhiên.

Tác phẩm “Bão lũ- Nỗi ám ảnh” của Hồ Thiết Trinh (Nghệ An)

Tác phẩm “Thuyền và bến” của tác giả Nguyễn Hoàng Linh (Thanh Hóa) là tác phẩm có nội dung súc tích. Hình tượng thuyền và biển được tác giả miêu tả với nét bút phóng khoáng, mạnh mẽ và có chất truyền cảm sâu sắc.

Tác phẩm “Thuyền và bến” của tác giả Nguyễn Hoàng Linh (Thanh Hóa)

Với đề tài quen thuộc của mình, họa sỹ Nguyễn Đình Truyền (Nghệ An) đã mang đến một giá trị mới qua tác phẩm “Phiên chợ vùng cao”. Cách diễn tả hình tượng nhân vật tinh tế, chất tạo hình độc đáo, hợp lý, không gian tranh biến đổi, sắc độ đậm nhạt tạo nên mối liên hệ đến ý tưởng được tác giả nghiên cứu cẩn thận từng chi tiết. Việc sử dụng chất liệu đen trắng đã làm cho tác phẩm đạt được chiều sâu cảm xúc, sự thay đổi đường nét, không gian tạo nên một bố cục hợp lý.

Tác phẩm “Phiên chợ vùng cao” của Họa sỹ Nguyễn Đình Truyền (Nghệ An)

 

Tác phẩm “Ngày hôm nay” tác tác giả Nguyễn Lương Sáng (Quảng Bình) với hình tượng trong tranh có tính chất cách điệu hiện thực, có phong cách thể hiện khỏe mạnh, phóng khoáng và màu sắc khỏe khoắn hài hòa.

Tác phẩm “Hạt chuyển động” chất liệu gò hàn sắt của tác giả  Lê Ngọc Thái (Thừa Thiên Huế) có khối tạo hình khúc chiết, hợp lý.

Tác phẩm “Hạt chuyển động” chất liệu gò hàn sắt của tác giả  Lê Ngọc Thái (Thừa Thiên Huế)

Triển lãm Mỹ thuật miền Trung nói chung đã tạo được một số phong cách nghệ thuật khác nhau, với đa dạng các chủ đề. Có thể thấy được mối liên hệ giữa đời sống thực tại với đời sống nghệ thuật và sức sáng tạo của các tác giả, cũng như những con đường riêng trên hành trình sáng tạo của mỗi người. Một số cá tính riêng biệt, tiêu biểu như: Nguyễn Bá Siếu, Nguyễn Trọng Hiệp, Tạ Quang Tâm, Hoàng Minh Phương, Trịnh Hoàng Tân, Trần Minh Châu, Lê Anh Tuấn, Võ Tá Lục, Nguyễn Hữu Song…

Ngoài ra, điều đáng mừng là triển lãm lần này có những họa sỹ trẻ đã sử dụng một ngôn ngữ mạnh mẽ với những bố cục giàu nhịp điệu, những gam màu tươi khỏe, mới mẻ như: Thái Văn An, Lê Thị Oanh, Lê Hải Anh, Nguyễn Thùy Dung, Nguyễn Văn Phúc, Lê Thu Hà, Nguyễn Thị Hải Yến, Trần Thế Vinh, Nguyễn Lương Sao, Phạm Đình Hùng, Phạm Văn Xung, Nguyễn Ánh Dương, Võ Duy Tâm, Lê Viết Trung, Nguyễn Phước Nhật… Mỗi tác phẩm là một cuộc tìm kiếm khác nhau, mặc dù gần như cùng một mục đích.

Nguyễn Đình Truyền