• Cái tên Làng Mơ đã đi vào ký ức của bao thế hệ người dân quê tôi, đây là tên gọi thời thuộc Pháp. Sau khi Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, Làng Mơ đổi thành xã Quỳnh Phú và Quỳnh Lương như ngày nay. “Làng Mơ”, “sông Mơ”, “chợ Mơ” đã trở thành đề tài tâm niệm của nhiều văn nghệ sỹ, đã đi vào thơ ca nhạc họa, làm phong phú thêm sắc màu của một vùng quê văn hóa – Kẻ Mơ.

Làng Mơ quê tôi trước đây có 6 xóm, tên gọi cụ thể như sau: xóm Văn Thống, xóm Hợp Kỳ, xóm Tân Hợp, xóm Bắc Hải, xóm Đồng Tiến, xóm Văn Thượng. Không rõ cấp nào ký quyết định công nhận tên xóm nhưng tương truyền đã trưng cầu ý dân trước khi cho ra đời 6 cái tên này.

Gần đây có điều kiện tôi được gặp các nhà nho trong làng, nghe họ phân tích, lý giải, kiệm nghĩa, tôi vỡ lẽ và thích thú với các tên gọi này. Nôm na ghi lại ý các cụ là: “Văn hóa thống nhất”; “Đoàn kết kỳ vọng”; “Hợp lực xây đời”, “Vươn ra biển lớn”, “Cùng nhau đồng tiến”, “Văn hóa tối thượng”. Cảm ơn quê hương, cảm ơn cha ông đã sinh ra những bậc túc nho, kỳ tài trong văn chương chữ nghĩa. Đã hơn 75 năm trôi qua, ý nghĩa của các tên xóm ấy tôi gặp lại trong linh hồn của các chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước ta đang khởi xướng thực hành.

Kỷ niệm đọng lại trong tôi 61 năm qua là mỗi xóm có một đình làng, đây là thiết chế văn hóa đầu tiên của làng xã. Đình làng là nơi thờ thành hoàng làng, nơi sinh hoạt xóm, nơi các cụ bàn chính sách, cơ chế quản lý xóm, hương ước làng xã và các chế tài răn dân cũng ra đời từ đây. Đình làng cũng là nơi sinh hoạt dân trong xóm, phổ biến chủ trương chính sách, trưng cầu dân ý…. Là nơi vui chơi, giải trí của các cháu dưới ánh trăng thanh, đánh khăng, đánh đáo, chơi trận giả của thế hệ chúng tôi.

Vào những năm 1965 – 1966, không biết chủ trương từ đâu, đình làng bị tháo dỡ để làm nhà thương, trường học, đúng sai xin không bàn, nhưng những ký ức tuổi thơ trong tôi đã dần dần mai một, nhớ quên, buồn thương khó nói. Và với thế hệ trẻ hôm nay, những ký ức ấy chỉ là chuyện ngày xửa ngày xưa trong cổ tích.

Lại chuyện mỗi xóm có một giếng làng, bên cạnh giếng làng có một cây thị cổ. Tôi sinh ra và lớn lên ở xóm Hợp Kỳ, nên giếng làng và cây thị cổ không thể nào quên được. Tên gọi thông thường của cái giếng làng tôi là giếng Tâm Ấn, cây thị cổ Dũng Việng. Mỗi mùa Hè về, vừa tắm nước giếng làng, vừa trèo cây thị, nhất là rằm tháng Bảy cây thị chín vàng, chim chóc hội tụ, trẻ con nô đùa, chọc quả thị và hát câu “Thị ởi thị ơi, rơi vào bị bà, bà đem bà ngửi chứ bà không ăn” lại vang lên lẫn tiếng chim ríu ra ríu rít.

          Nhưng rồi, ký ức cũng chỉ là ký ức, năm tháng qua đi, vật đổi sao dời, thời thế đổi thay. Đình làng, giếng làng, thị làng dần dần được thế chỗ bằng những con đường rải nhựa, có đèn đường, từng dãy nhà cao tầng mọc lên san sát. Hàng quán dịch vụ từ A đến Z lần lượt mở ra, câu ca “gạo châu củi quế”, “khoai ông Phụ”, “lúa ông Cầu Kỳ”, “gà bà Cầu Hạnh” đã đi vào dĩ vãng. Quê hương đổi thay, gia đình giàu có, làng xã ấm êm hạnh phúc, có gì mừng hơn thế nữa.

Trong quá trình vất vả mưu sinh và đổi mới, đi lên, thành công nào cũng đều phải trả giá, cười ra nước mắt, thế mới biết con đường hạnh phúc không bao giờ phẳng lặng. Lại nói chuyện quê hương năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đi đầu đổi mới và thể nghiệm qua chuyện nuôi hươu và nuôi gấu. Vào những năm 80 – 90 thế kỷ 20, quê tôi rộ lên phong trào nuôi hươu. Giá mỗi con hươu cái 60 triệu đồng thời đó mua được 20 suất đất ở thành phố Vinh.

Thế là sau mỗi ngày làm việc, dưới ánh trăng suông, trên cái chõng tre, đĩa lạc rang và ấm chè chát, không có đề tài nào khác, cả làng bàn tính chuyện nuôi hươu. Nhà giàu nuôi cả con, nhà nghèo thì 2 đến 4 nhà chung 1 con, người ta tôn thờ con hươu hơn mạng sống con người. Có câu chuyện cười ra nước mắt: “Hai thằng bé chửi nhau, một thằng nhà có hươu, một thằng nhà không có hươu. Thằng bé nhà không có hươu chửi thằng bé nhà có hươu ‘cha mày chết, mẹ mày chết, anh em nhà mày chết, ông bà tổ tiên nhà mày mất mả’, thằng bé nhà có hươu vẫn im lặng. Nổi khùng, thằng bé con nhà không có hươu ra đòn cuối cùng: ‘Con hươu nhà mày chết’. Lập tức thằng bé con nhà có hươu nhảy vào đấm thằng bé kia hộc máu mũi”. Giai thoại xem hươu hơn người ra đời từ đây.

Thế rồi con hươu rớt giá chỉ còn 5-7 triệu đồng, hươu trở thành hươu thịt. Lại chuyện nuôi gấu. Thời đó 1cc mật gấu giá 150 ngàn đồng. Cả làng chung nhau nuôi gấu. Nghề siêu âm rút mật gấu ra đời. Đến lúc lỗi thời, 150 ngàn đồng mua đựơc 10cc mật gấu, cả làng bỏ không nuôi. Thế là cùng số phận với hươu, gấu trở thành lợn gấu xẻ thịt nấu giả cầy, hươu nấu giả chó, để phục vụ những cuộc trà dư tửu hậu lúc trời mưa. Mới có chuyện nhà trồng rừng Lê Duy Nguyên đến đây mua hươu giá rẻ bằng giá chó, mua gấu giá bằng giá lợn thả vào rừng…

Ý chí vươn lên của người dân quê tôi không ngưng nghỉ, thất bại từ hươu và gấu, lại chuyển sang trồng rau. Rau quê tôi đã trở thành thương hiệu đi khắp nơi. Chuyện lạ là người dân quê tôi bán rau trên mạng, rau có 4 mùa. Giữa mùa Hè nắng 40 độ C rau vẫn xanh tốt, rau được chăm sóc bằng hệ thống máy bơm phun sương. Có lần tôi đưa đoàn văn nghệ sỹ về tham quan cánh đồng rau vào mùa Hạ. Anh em trong giới văn nghệ sỹ rất ngỡ ngàng và nhiều bài thơ ra đời từ đây.

Những người phụ nữ tảo tần ở Làng Mơ. Ảnh Phan Tất Lành

Làng Mơ, một vùng đất nhỏ như trong lòng bàn tay mà có đến 4 nhà hàng tổ chức tiệc cưới có sức chứa 700 chỗ ngồi, dịch vụ cà phê, karaoke, mát xa, cắt tóc, gội đầu mở thâu đêm, vui ơi là vui. Cái đáng nói là chỉ có hơn 7000 người dân sinh sống mà có 5 đại tá, 2 tiến sỹ, có chị phụ nữ được giải thưởng quốc tế về chế tạo máy biến thế điện, có nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, nghệ sỹ ưu tú, có 3 người là tổng biên tập, phó tổng biên tập những tờ báo lớn, có 5 doanh nhân thành đạt cỡ quốc gia và nhiều nhà quản lý tài ba khác…

          Chuyện vui, buồn quê tôi – Làng Mơ kể làm sao hết được, thầm nghĩ sẽ viết dần trong những ngày cuối đời. Chỉ mong làng quê tiếp tục đổi mới, nhiều người thành đạt, nhân dân giàu sang, luôn vươn lên để không phụ lòng cha ông và kỳ vọng của các cấp chính quyền. Riêng tôi chỉ xin mấy ông lãnh đạo xã đưa 6 tên làng cổ thành khẩu hiệu để người dân tiếp tục phấn đấu, đó là “Văn hóa thống nhất, Đoàn kết kỳ vọng, Hợp lực xây đời, Vươn ra biển lớn, Cùng nhau đồng tiến, Văn hóa thượng tôn”.

Hồ Mậu Thanh

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam số 14 tháng 6/2021)