Chẳng hiểu sao, nhiều người nói anh có duyên với anh chị em văn nghệ sĩ. Ngôi nhà cấp bốn nhỏ nhắn, nép mình sau khu tập thể trường chuyên Phan Bội Châu của gia đình anh lúc nào cũng rộn rã, đầy ắp tiếng đàn guitar, tiếng đọc thơ, bình thơ rôm rả. Chính anh cũng chơi guitar sành điệu. Ca khúc ngợi ca các Liệt sĩ Truông Bồn của anh được Thu Hiền – NSND thể hiện thành công trong đêm Liên hoan ca khúc truyền thống cách mạng. Chị Hưng, vợ anh tươi tắn, hồ hởi lo chu đáo trà, thuốc, đôi khi bữa rượu đạm bạc. Bởi chị hiểu “khách văn” không cầu kỳ, miễn là được tá túc, được vui.

   Nhóm đầu tiên thường tới tá túc nhà anh là nhà thơ Biển Hồ (tên cúng cơm là Hồ Ngọc Bảo – kỹ sư thủy sản, cùng quê Quỳnh Lập với anh), Xuân Diệu, Nguyễn Long được gọi vui “văn nghệ sĩ xóm Đáy” Cửa Hội. Rồi nhà thơ Thạch Quỳ, nhà điêu khắc Đào Phương, nhà văn Đặng Văn Ký, Nguyễn Quốc Anh, nhà thơ Tuyết Nga, họa sĩ Tiêu Cao Sơn… Làm nghề thầy giáo dạy kỹ thuật như anh lại chăm nom một đàn con lít nhít trứng gà, trứng vịt, vợ không lương, không phụ cấp thì có dư dật gì đâu nhưng anh thích quây quần bè bạn.

Hồi ấy, vừa thoát khỏi cơ chế bao cấp chưa bao lâu, đời sống người công chức, nhất là nhà giáo không mấy khấm khá. Anh phải xoay xở đủ nghề kiếm sống để nuôi vợ con. Đã có lần hùn vốn bán nước mắm, anh bị “lừa”, vốn vay làm ăn phải trả lãi hàng ngày, lo đến méo mặt. Tôi phải nhờ vả cơ quan tư pháp can thiệp mới lấy lại được vốn cho anh, nhưng công sức hai, ba năm “đi đòi nợ” thì đổ sông đổ bể.

Bạn bè anh, thời bao cấp ai cũng nghèo xơ xác, chỉ giàu nghĩa tình. Nguyễn Long giỏi cờ tướng đã nẩy ý tưởng đánh cờ, thắng cờ đổi gạo cho nhà thơ Biển Hồ nuôi con. Và Biển Hồ đã có bài thơ xúc động “Ván cờ tâm” đọc lên nao lòng, xa xót mà chan chứa tình người giữa thời “củi châu, gạo quế”. Còn anh, anh ao ước giàu lên sẽ dành tiền lập quỹ hỗ trợ xuất bản tác phẩm văn học cho các bạn  văn. Sau này, khi đã là chủ doanh nghiệp trồng rừng nổi tiếng, anh có ý tưởng xây dựng “khu vườn thơ”, khắc những câu thơ hay vào vách đá mồ côi không chỉ ở núi Xước quê anh, mà  cả mấy cánh rừng anh trồng ngút ngàn ở Đông Hồi. Vườn thơ chưa thành vì bạn văn đồng sáng lập là nhà văn Đặng Văn Ký phải chuyển ra Hà Nội. Sau đó nhà văn Đặng Văn Ký bị bạo bệnh và rời cõi tạm. Từ Đông Hồi, Hoàng Mai, anh tất tả vượt mấy trăm cây số ra Hà Nội chia sẻ nỗi đau mất mát quá lớn cùng gia đình nhà văn. Tới kỳ cải táng, theo lời trăn trối của nhà văn, anh lặn lội ra Hà Nội cùng gia đình chuyển hài cốt nhà văn Đặng Văn Ký về đặt dưới cánh rừng anh trồng vừa khép tán, bốn mùa lộng gió biển Đông Hồi. Chẳng thể có cảm xúc nào, bút lực nào tột đỉnh để khắc họa nghĩa tình ấy của anh dành cho nhà văn quá cố Đặng Văn Ký. Đâu chỉ có vậy với nhà văn Đặng Văn Ký – tác giả của tiểu thuyết “Ngổn ngang nơi trần thế”, “Nhà có thuốc thần”…, anh còn ưu ái tài trợ cho bao nhiêu tác giả in thơ, in văn, đĩa nhạc, người ít nhất cũng mươi triệu đồng…

Nhà trồng rừng Lê Duy Nguyên (giữa) cùng các công nhân trồng rừng nhiều năm về trước. Ảnh: TL

***

  Quốc hội khóa X (2000-2005), anh được bầu đại biểu với tư cách là chủ doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên. Hàng triệu cử tri đã bầu cho anh và số phiếu của anh đạt được rất cao, chỉ sau mỗi Anh hùng Lao động Nguyễn Ngọc Lài, lãnh đạo Lâm trường Con Cuông.

Nhắc tới khát vọng phủ xanh đất trống đồi trọc vùng núi Xước, ven bãi biển Đông Hồi của anh ấy là cả một câu chuyện truyền kỳ, chưa có tiền lệ.

Quê anh, vùng đất nam Thanh bắc Nghệ, là dấu tích kiến tạo giao hòa cuối cùng giữa hệ thống núi đá vôi xen đồi đất sét pha loại đá mồ côi, chạy ngắt quãng từ vùng núi đá mài, đá bạc hướng Tây Bắc xuống Đông Nam, lèn Đổ Bóng rồi đột ngột dừng lại núi Xước, sát biển Đông Hồi.

Từ thời xa xưa, khoảng thế kỷ thứ X, các bậc tiền nhân từ phương bắc xiêu dạt vào vùng bãi ngang dựng làng lập nghiệp có tên Nôm là Phương Cần (nay là Quỳnh Lập, Quỳnh Phương) mưu sinh nghề đánh bắt hải sản. Họ nối đời, cần mẫn nương theo con nước mặn, nhạt vơi đầy từ Lạch Cờn ra làn khơi đục, khơi trong, kiếm sống trên mặt sóng bấp bênh. Hết thế hệ này, sang thế hệ khác, họ truyền lời “không sợ “sóng búa” khơi xa, chỉ sợ “sóng lừng” sát bờ Đông Hồi”. Ngư phủ bàng hoàng mỗi khi kể cho con cháu nghe lúc thuyền gặp bão, lốc xoáy, phải nhảy sóng, bơi vào bờ nếu không tránh được luồng sóng lừng sẽ bị sóng ngầm kéo ngược ra xa là cầm chắc cái chết. Mùa gió chướng, biển Đông Hồi bị quẩn xoáy gió lốc, rất dễ có sóng lừng, nỗi lo truyền kiếp của người đi biển. Bao nhiêu ngôi mộ gió không hài cốt ven biển là bấy nhiêu nỗi ám ảnh chết chóc từ cơn sóng. Mùa gió chướng nối mùa gió Nam Lào như xé nát từng mảng cây, bóc trơ vách núi bãi biển. Chỉ loài cây muống biển, cà độc dược, xương rồng mới chống chọi, lay lắt sống qua mùa gió chướng.

Mỗi lần về quê, anh như chết lặng trước thiên tai khắc nghiệt gieo xuống đầu người dân lầm lũi quê anh. Bấy nhiêu đêm nung nấu anh bàn với vợ con xin nghỉ dạy, về quê thực hiện khát vọng trồng rừng. Đầu những năm 1990, chưa có chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân. Anh táo bạo “lách luật” bằng cách vận động anh em ruột thịt đứng tên trong lâm bạ, đăng ký nhận đất lâm nghiệp, trồng rừng phòng hộ ven biển Đông Hồi.

Có lần tôi nói với anh, đại ý ngày nào (cái thời đói kém mà lại ham bạn, yêu bạn ngày trước) anh “tàn sát” thú rừng ở mấy cánh rừng thông Thần Vụ, Cầu Cấm, Bãi Lữ, bây giờ anh trồng rừng gọi chim muông về là “trả nợ rừng” đấy. Anh tỏ ra tâm đắc. Phải vậy chăng mà sau đó không lâu, anh bỏ số tiền khá lớn mua mấy chục con hươu sao thả vào khu rừng anh trồng đã khép tán, trở nên bức thành chắn những cơn gió chướng trái mùa.

Đoàn cán bộ, phóng viên Tạp chí Sông lam đi tham quan rừng xanh Đông Hồi. Ảnh Võ Khánh

Khi rừng bạch đàn xen phi lao dọc bãi biển chân núi Xước tròn 7 tuổi đã khép tán, anh mời anh chị em văn nghệ sĩ ra thăm rừng. Chao ôi, màu xanh mới no mắt làm sao. Dưới tán rừng bạch đàn tít tắp là thảm lá thực bì dày đặc, mục ải thành lớp phân vi sinh  nuôi đất, nuôi cây. Từ bãi tắm vào sát cánh rừng của anh chỉ mấy sải chân đi bộ. Không gian thanh sạch, nồng nàn hương tinh dầu bạch đàn, lắng tiếng sóng biển yên bình ngoài khơi xa, sao mà trân quý công lao người trồng rừng đến vậy. Cánh văn nghệ sĩ quây quần dưới tán bạch đàn, phi lao nghe anh kể những trắc trở, thăng trầm suốt mười năm “vừa hành quân vừa xếp hàng” lo thủ tục, lo giống, lo vốn, lo tiền “giật gấu vá vai” trả công ban đầu cho người lao động trồng rừng, bảo vệ rừng bằng gạo thay tiền. Anh kể thuê máy vượt đất, tạo hồ đập, tích nước tưới táp cho cây, chống cháy cho rừng mùa nắng hạn. Lại kể trồng mới trăm hecta cây lim mà tuổi thu hoạch phải đợi hơn một thế kỷ. Anh cười rạng rỡ: “Nào phải trồng cho mình mà cho bấy nhiêu thế hệ mai sau”. Gương mặt anh vốn khắc khổ, nụ cười dường như dạn hết lớp chân chim. Từ vài trăm hecta trồng rừng ban đầu, anh mở rộng lên hơn ngàn hecta, chính xác trong lâm bạ, chủ quyền sở hữu lâu dài của doanh nghiệp là 1008,72 hec ta có rừng và đất rừng.

Cán bộ, phóng viên Tạp chí Sông Lam thắp hương trước mộ phần nhà trồng rừng Lê Duy Nguyên trong rừng của ông. Ảnh Võ Khánh

Anh Võ Văn Dũng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị xã Hoàng Mai hiện là Phó ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ An, thường tâm đắc về công lao sự nghiệp trả lại màu xanh cho vùng đất khắc bạc Đông Hồi của nhà giáo, chủ doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên. Thị xã Hoàng Mai có gần 170.000 hecta đất đai tự nhiên, nhưng có tới hơn 150 hecta đá vôi gây bạc màu, chua đất, rừng tự nhiên hầu như không có, chỉ còn vài mảng rừng tái sinh thượng nguồn hồ Vực Mấu. Hơn một nghìn hecta rừng trồng có giá trị phòng hộ, bảo vệ môi trường của anh Lê Duy Nguyên là vô giá, là biểu tượng nhân văn không chỉ cho thế hệ hôm nay, mà cho cả mai sau.

28 năm sau (1993-2021) ngày anh Lê Duy Nguyên khởi nghiệp trồng rừng, thả bầu cây giống xuống mảnh đất khắc bạc, ào ạt gió chướng ven biển Đông Hồi, đầu năm nay, nhà báo Phạm Thùy Vinh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Nghệ An, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam dẫn đầu đoàn công tác ra thăm cơ ngơi ngút ngàn rừng xanh của doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên. Dưới tán rừng đang mùa thay lá, bật mầm, biếc lộc râm ran, người con thứ của anh Lê Duy Nguyên là Lê Duy Khánh, trẻ trung, tự tin pha đôi nét lãng tử, tiếp nối sự nghiệp yêu rừng của người bố đã đi xa, đón đoàn vui vẻ cởi mở, chân thành như người nhà trở lại. Gần 5 năm qua, bố không còn ở cõi tạm nữa, Khánh trở thành “ông chủ” bảo quản giữ gìn, cải tạo, tu bổ, tạo độ bền vững cho rừng, phát triển màu xanh mát cho “lá phổi” của Bắc Nghệ, Nam Thanh. Việc làm đó không đơn giản. Cuộc sống ngày càng khó khăn, phức tạp, con người bây giờ cũng khác ngày xưa! Nhất là trong thời điểm gần đây, dịch bệnh Covid-19 bùng phát toàn cầu, doanh nghiệp trồng rừng bị ảnh hưởng không hề nhỏ. Lương tháng cho gần một trăm công nhân bảo vệ, phát triển, tu bổ, khai thác rừng? Thu nhập từ rừng về nhựa thông không phải là nhiều. Thu nhập của gỗ như lim, sến, táu, de… ở rừng Đông Hồi phải chờ đến hàng chục, hàng trăm năm sau mới có. Và nữa, vẫn còn đâu đó việc phá rừng ngấm ngầm? Vẫn còn đâu đó có những người không đồng tình, ủng hộ những ước mơ của tuổi trẻ tiếp nối cha anh nuôi trồng rừng? Muốn tồn tại rừng lâu dài an toàn và bền bỉ, phải học hỏi, đổi mới tư duy thời khoa học công nghệ, để phát triển phù hợp với hiện tại và mai sau.

Những người bạn của ông Lê Duy Nguyên ngày xưa trở lại Đông Hồi thăm cánh rừng không khỏi áy náy, phân vân lo lắng cho “người chủ canh rừng” Lê Duy Khánh khi thấy anh còn quá trẻ. Rừng thì đang còn bao việc, bao lo âu để sinh tồn bình yên. Đọc được nỗi lòng chia sẻ của những người bạn thân lâu năm, Khánh đưa đôi mắt nhìn xa tít tắp về cánh rừng trước mắt, ngầm ý muốn nói về những gì anh đã làm được trong mấy năm qua: con đường 10 km bao quanh bảo vệ rừng bằng phẳng hơn; Hồ trong rừng có nước xanh biếc, dưới làn nước trong đàn cá đùa vui đến ngộ. Từng đôi thiên nga, ngỗng và ngan trong hồ âu yếm nhau tạo nên những hình ảnh đẹp đẽ và lãng mạn với âm thanh lầm rầm ri rít ấm áp. Trong rừng bây giờ còn có ong, hàng mấy trăm đàn ong Khánh thả nuôi khoảng vài năm nay tạo không khí vi vu, góp niềm vui cho người lao động ở rừng xanh. Cảm động nhất, nơi heo hút đặt mộ nhà trồng rừng Lê Duy Nguyên năm xưa đã được các con cải tạo đường đi lối lại có bậc đá lên xuống, trồng cỏ, hoa. Mảnh đất Lê Duy Nguyên nằm yên nghỉ có các loại hoa dại, ong, chim, bướm rập rờn lượn đi lượn lại hàng ngày để người khai sinh rừng hôm nay không cô đơn. Ngoài ra, còn có thêm ngôi nhà bên hồ giữa rừng, nơi nghỉ của công nhân, bảo vệ và cũng là nơi để cất giữ những phương tiện làm việc. Ngôi nhà hai gian, có mấy cái giường, nhà bếp, nước ngọt uống bắt nguồn từ rừng cũng thuận tiện cho cuộc sống của công nhân hơn. Mỗi năm làm thêm một tý, lấy ngắn nuôi dài, từ từ vậy. Thu nhập của doanh nghiệp trồng rừng đâu phải là nhiều để xây dựng cơ sở cho nhanh. 28 năm, tính từ ngày đặt bầu cây đầu tiên khởi nghiệp trồng rừng cho đến hôm nay là một quãng thời gian dài dằng dặc với bao lo toan giữa vùng đồi núi quanh năm heo hút. Là những ngày tháng lo âu nợ nần chạy ngược chạy xuôi cũng vì chăm sóc bảo vệ rừng mới có được như hôm nay. Nhà giàu làm gì cũng chỉ trong chớp mắt, còn nhà nghèo chấp nhận phải như vậy, nhưng bền vững lâu dài góp phần cho cuộc sống của nhân dân trong lành.

Đoàn cán bộ phóng viên Tạp chí Sông Lam chụp ảnh lưu niệm cùng anh Lê Duy Khánh tại cánh rừng của ông Lê Duy Nguyên, ảnh Võ Khánh

    Chia tay Lê Duy Khánh, và những người công nhân trồng rừng, chào nhau rổn rảng, tôi như bắt gặp đâu đây bóng dáng và cả giọng nói mặn mòi gió biển Lạch Cờn của ông Lê Duy Nguyên. Tôi từng gắn bó với anh từ những ngày đầu tạo lập cánh rừng Đông Hồi tặng anh câu thơ:

… Tuổi cây đang độ lên mười

Tuổi người hao khuyết rụng rơi theo mùa

Ai còn bạc phếch nắng mưa

Về đây xanh dưới vòm trưa Đông Hồi.

                                                                    

Văn Hiền – Quỳnh Ngọc

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam, số 11/2021)