Chưa bao giờ đọc Nguyễn Trãi lại thấy nhiều cảm xúc buồn nhưng cần thiết, cấp thiết như bây giờ: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Chưa bao giờ người dân quan tâm đến những vấn đề trọng đại của quốc gia và bày tỏ buồn vui như lúc này.
Tôi còn nhớ vụ dàn khoan biển sâu, di động Hải Dương 981 (HD-981) của Trung Quốc hạ dàn vào lô dầu khí được đánh số 143 của Việt Nam chưa thăm dò, khai thác đã dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ của nhân dân khắp ba miền. Chỉ đến khi HD – 981 rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì dư luận phản đối mới dịu xuống, và trời tạm yên biển tạm lặng. Việc nhân dân biểu tình bày tỏ thái độ dàn khoan HD 981 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là thể hiện lòng dân yêu nước. Đó là phản vệ tích cực và phản đối chính đáng cần được trân trọng, và nuôi dưỡng, phát huy.
Tôi cũng nhớ sự kiện Doanh nghiệp gang thép Formosa tháo nước thải công nghiệp ra biển làm ô nhiễm, cá chết hàng loạt ở vùng biển Bắc miền Trung, nặng nề nhất là biển Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Nhân dân bức xúc tự phát biểu tình phản đối doanh nghiệp Formosa vi phạm Luật bảo vệ môi trường cũng là nhu cầu và phản vệ chính đáng. (Tuy nhiên sau đó đã có những thế lực lợi dụng, kích động). Trong nhiều trường hợp, chúng ta cần tôn trọng và hướng dẫn nhân dân bày tỏ thái độ trong trật tự, ôn hòa, đúng pháp luật.
Tôi cũng không quên sự kiện nhân dân tập trung quá đông ở quốc lộ 1, đoạn qua Phan Rí Cửa thuộc huyện Tuy Phong bày tỏ thái độ về dự thảo Luật Đặc khu, có nhiều người “… đã xô đổ cổng tràn vào trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận trên đường Hải Thượng Lãn Ông, TP Phan Thiết để la hét, đốt phá”. Quốc lộ 1 ở đoạn qua thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong bị ách tắc nhiều giờ. Hàng chục xe công vụ của tỉnh, xe chữa cháy, xe chuyên dụng ở trụ sở Cảnh sát PCCC gần cầu Nam bị đốt cháy. Hàng ngàn người quá khích đã xô cổng, tràn vào trụ sở UBND tỉnh, Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Bình Thuận, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng… đập phá. Một số công an bị thương phải nhập viện. Hơn 100 người quá khích bị bắt giữ… Chủ tịch Quốc hội kêu gọi người dân bình tĩnh…
Tôi không đồng tình với hành vi bạo lực này. Bởi lẽ: nhà cửa, xe cộ, phương tiện của các cơ quan nhà nước chính là tiền lấy từ ngân sách quốc gia để xây dựng, mua sắm. Ngân sách quốc gia là tiền thuế của nhân dân đổ mồ hôi hai sương một nắng đóng góp. Không thể hủy hoại tiền của Nhà nước một cách nóng giận không kiềm chế như vậy! Đất nước chúng ta còn nghèo. Nghèo do trình độ quản lý kinh tế, nghèo do tham nhũng, sẽ nghèo nàn thêm khi bạo lực tràn lan.
Thánh Mahatma Gandhi – lãnh tụ giành độc lập cho đất nước Ấn Độ mênh mông bằng phương pháp bất bạo động nói rằng: “Bạo lực định làm điều thiện, điều thiện chỉ là tạm thời; cái ác nó gây ra mới là vĩnh viễn”. Bạo lực cũng đồng nghĩa với mất ổn định. Các nhà đầu tư nước ngoài và quốc nội có yên tâm đem tiền của đến đầu tư ở cái nơi có nhiều xung đột, bạo hành không? Chắc chắn là không! Chẳng ai dại gì đem tiền của đến chốn nóng bỏng như chảo dầu sôi ấy để có nguy cơ bị đập phá, bị đốt cháy… Bạn tôi là một doanh nhân không may mắn kẹt ở Bình Thuận đúng lúc dầu sôi lửa bỏng dạo ấy. Ông đã than thở rằng: “Bạo loạn và cổ động cho bạo loạn đang phá nát niềm tin vào một môi trường sống ổn định – những điều kiện đầu tiên để bất cứ ai tính toán để đầu tư”. Ông doanh nhân này tỏ ra ngao ngán: “Loạn thế này, làm ăn gì nữa; du khách không đến, tôm cá bán cho ai, thanh long lại ế ẩm; mấy năm nữa mới nhen nhóm lòng tin thị trường?” Ai sẽ đến đầu tư và ai dám đến du lịch? Bạo lực đồng nghĩa với phá hủy luôn môi trường đầu tư.
Có thể đây đó còn nhiều vụ nhân dân tập trung đông người thể hiện thái độ đồng tình hay phản đối, ôn hòa hay quá khích với các sự kiện, hiện tượng nào đó, nhưng ba sự kiện mà tôi nhắc lại ở trên là điển hình, là lớn nhất, có sức ảnh hưởng rộng lớn nhất, cần ghi nhớ nhất trong mấy chục năm gần đây. Sức mạnh của nhân dân là vô địch, khi tự phát, vô tổ chức thì cái sức mạnh ấy có tác hại khủng khiếp. Cho nên đồng hành với nhân dân, tập hợp đồng bào một cách tự nguyện, có tổ chức khoa học đúng hướng thì sức mạnh ấy sẽ hướng đến nhân văn, tiến bộ và nhân lên gấp bội.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chứng minh một điều thành chân lý: “Chở thuyền là dân, lật thuyền là dân”. Không thấy sức mạnh của nhân dân, hoặc đánh giá thấp vai trò của nhân dân trong tiến trình lịch sử đất nước là sai lầm lớn. Dân yên hay dân biến cũng đều từ chính sách của nhà nước trung ương, từ các vị quan ở địa phương phải biết thương dân hay hại dân. Bởi việc thành hay bại, lớn hay nhỏ đều phải bắt nguồn từ dân. “Dân là gốc”, được lòng dân và dân theo thì việc lớn nào cũng thành công.
Quân và dân Đại Việt 3 lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên – Mông bởi “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước giúp sức”. Nhưng nhà Hồ thì “đánh giặc một mình”. Hồ Quý Ly chiếm ngôi từ nhà Trần, song sỹ phu đương thời không phục, lòng dân không theo mới ra nông nỗi “cơ đồ đắm biển sâu”. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng được mệnh danh là “Hỏa khí chi thần”, ông chế tạo ra súng thần cơ uy lực nhất lúc bấy giờ, nhưng vẫn không ngăn được giặc Minh xâm lược bởi không có súng đạn nào mạnh bằng lòng dân. Ông thừa sáng suốt: “Tôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Bài học mất lòng dân thời Hồ Quý Ly đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
Nhận rõ vai trò, sức mạnh của nhân dân cũng là sức mạnh của quốc gia, trước khi mất, Vua Trần Anh Tông lo lắng, đến tận giường bệnh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hỏi về kế sách giữ nước lâu bền, ngài đã tâu rằng: “Xin bệ hạ hãy khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc.” Khoan thư sức dân là bãi bỏ những thuế khóa chồng chất, phu phen tạp dịch nặng nề, là dân nhàn, dân khỏe khoắn vui tươi, dân giàu. Còn Nguyễn Trãi khi được giao soạn nhạc cho triều đình, ông đã tâu với Vua Lê Thái Tông: “Cúi mong bệ hạ rủ lòng thương yêu chăm lo cho muôn dân, khiến cho trong thôn cùng xóm vắng không còn một tiếng hờn giận oán sầu. Như thế tức là giữ được cái gốc của nhạc”. Nước lấy dân làm gốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng suốt nhận ra sức mạnh của nhân dân vô cùng to lớn: “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Cho nên, ngay từ những ngày đầu của chính quyền non trẻ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch đã nói rằng: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành“.
Nhà bác học – cha đẻ của Thuyết tương đối Albert Einstein nói rằng: “Không thể giải quyết vấn đề bằng thứ tư duy tạo ra nó!” Có một thực tế là hiện nay đã và đang xuất hiện một tâm trạng xã hội bất an và lo lắng. Bất an với cuộc sống. Lo lắng với đời thường nhật và vận mệnh quốc gia. Nỗi bức xúc dồn nén lâu ngày không được giải tỏa.
Có những bức xúc ẩn chứa từ lâu: xung đột đất đai. Môi trường ô nhiễm. Tham nhũng tràn lan. Quyền lợi cá nhân bị xâm hại. Cái lò xo nén quá lâu và quá căng cũng giống như quả bom nổ chậm chờ nổ, nó là hậu quả của những mâu thuẫn về quyền lợi không được giải quyết triệt để. Sự kiện Formosa tháo nước thải công nghiệp ra biển làm ô nhiễm môi trường, hay dự thảo Luật Đặc khu… chỉ là cái cớ để giọt nước tràn ly dẫn đến xung đột. Chính quyền địa phương cần nhìn nhận sâu xa như thế. Không phủ nhận có kẻ xấu chống đối, kích động đồng bào; nhưng họ không quá đông và không tài giỏi đến mức lôi kéo dẫn dắt hàng vạn người tham gia. Nếu quy tất cả nguyên nhân do kẻ xấu kích động nhân dân thì sẽ không giải quyết tận gốc triệt để. Nguyễn Trãi nói “Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. “Điếu” là thương xót. “Phạt” là đánh giặc ngoại xâm bảo vệ tính mạnh cho dân, là trừng phạt nội xâm, mà tham nhũng cũng là một loại giặc. “Điếu phạt” mang ý nghĩa “thương xót dân, trừng phạt kẻ gây tội ác với nhân dân”.
Xây dựng được cuộc sống công bằng, ấm no, an lành cũng là làm việc nhân nghĩa yên dân, thì kẻ thù nào cũng bất lực trước Nhân dân.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh